Một thoáng xứ người

Thứ hai - 14/11/2022 07:41
Các cụ xưa dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả là chí lý. Tôi vừa có chuyến du lịch thú vị 5 ngày 4 đêm qua những hai nước là Singapore và Malaysia. Thú vị vì không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh sắc, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của hai quốc gia thuộc khối ASEAN mà còn khám phá ra những điều mới mẻ (so với hiểu biết của chính mình) trong cuộc sống hiện tại ở xứ người.
Một góc Quảng trường Đỏ
Một góc Quảng trường Đỏ

Sân bay Changi của Singapore

Xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, sau gần một giờ rưỡi bay, đoàn du khách chúng tôi đặt chân xuống sân bay Quốc tế Singapore Changi lúc đã xế trưa.

Changi là một trong 3 sân bay 5 sao trên thế giới theo đánh giá của Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh Skytrax (2 sân bay kia là sân bay Incheon ở Seoul-Incheon và sân bay Hồng Kông). Ngoài ra, sân bay Changi còn đạt được những giải thưởng khác như danh hiệu Sân bay ngủ đã nhất trong năm 2009 hay danh hiệu Sân bay mua sắm tốt nhất cũng trong năm 2009.

Trước khi máy bay hạ cánh, tôi mường tượng cảnh tấp nập nhộn nhịp ở một trong những sân bay thuộc tốp đầu Đông Nam Á. Thì cứ lấy sân bay Tân Sơn Nhất ở xứ mình mà suy, người và xe cộ lúc nào cũng chen chúc nhau, thậm chí ùn ứ như cách gọi của nhà chức trách.

Vậy mà, khi đặt chân xuống Changi, điều khiến du khách ngạc nhiên là không khí ở sân bay chẳng có vẻ gì nhộn nhịp, ồn ào. Khu vực quá cảnh quốc tế lúc đó ít khách, chỉ có đoàn chúng tôi và vài đoàn khác cũng đến từ Việt Nam. Không thấy cảnh chen chúc, xếp hàng dài chờ đợi làm thủ tục xuất, nhập cảnh như ở Tân Sơn Nhất quê nhà. Tôi đem thắc mắc này hỏi cậu hướng dẫn viên du lịch thì được biết, sân bay Changi có đến 5 nhà ga (nhà ga thứ 5 đang xây dựng, sắp hoàn thành) trong đó có 2 ga (số 1, số 2) dành cho khu vực quá cảnh quốc tế. Tại sân bay có nhiều dịch vụ, tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách như Internet, các khu vui chơi giải trí, phòng cầu nguyện, phòng tắm, các thẩm mỹ viện, phòng tập thể dục thể thao, bể bơi, các khu vực để khách ngồi chờ,…


Nhập cảnh tại sân bay Changi

Chúng tôi được nhân viên hải quan Singapore làm thủ tục nhập cảnh nhanh chóng sau khi đã đảm bảo các thủ tục và quy định phòng dịch cô vít nghiêm ngặt của nước sở tại. Đoàn ăn trưa và nghỉ ngơi một lát ngay tại sân bay.

Chiều, xe dịch vụ của nước sở tại do một bác tài, tuổi đã ngoài 60, cầm lái đưa đón đoàn, bắt đầu chuyến tham quan đảo quốc Singapore xinh đẹp 2 ngày với điểm đến đầu tiên là “Gardens by the Bay”, vườn cây nhân tạo khổng lồ của Singapore. Nơi đây có hơn 250.000 loài thực vật quý hiếm trên Trái Đất, đặc biệt là 18 “siêu cây” khổng lồ cao từ 25-50 mét, được trang trí bằng các loài hoa nhiệt đới và dương xỉ bao quanh khung thép, lấy năng lượng mặt trời vào ban ngày và tự tỏa sáng vào ban đêm, tạo không khí mát mẻ cho cả khu vườn.



Trước đài phun nước Sư tử biển tại Công viên Merlion - biểu tượng của Singapore

Đường phố ở Singapore và Malaysia

Người ta bảo du lịch mà đi theo tour thì khác chi ca sĩ chạy sô. Đúng thế thật. Suốt ngày rong ruổi trên xe hết chỗ này sang chỗ khác, từ sáng cho đến bảy tám giờ tối mới về khách sạn nghỉ ngơi. Không chạy sô thì làm sao thực hiện được chương trình tour tham quan đã lên lịch từ trước.

Những lần ngồi trên xe di chuyển như thế, tôi có thói quen quan sát hai bên đường nơi xe đi qua. Cũng may là các bác tài ở Singapore và Malaysia dù tuổi đã cao nhưng tay lái rất “lụa”, lại chỉn chu, khiến du khách cảm thấy hết sức thoải mái.

Khi rời sân bay Changi vào trung tâm thành phố Singapore, thêm nhiều điều khiến tôi ngạc nhiên. “Đường phố rất thông thoáng/Xe chạy như lập trình/Không cổng chào, khẩu hiệu/Vỉa hè rợp cây xanh/Chẳng quán cóc, hàng rong/Càng hiếm hoi xe máy”.

Quả đúng thế thật. Đường phố ở Singapore thoáng vì mặt đường rộng rãi; thoáng vì không có cảnh nhà nhà nhô mặt phố; thoáng vì không có biển quảng cáo hàng quán thòi ra thụt vào. Nhiều tuyến phố không có vỉa hè, thay vào đó là hành lang trồng cỏ và cây xanh. Qua hành lang cây xanh mới đến lối đi rộng khoảng ba mét, có mái che, hình như là dành cho khách bộ hành?

Điều khiến du khách thích thú là rất nhiều đoạn đường ở Singapore, xe như đi giữa rừng. Đảo quốc đất hẹp, người đông, vậy mà giữa chốn phố phường vẫn tồn tại những cánh rừng nho nhỏ, khiến con người luôn cảm thấy gần gũi, chan hòa với thiên nhiên. Người Singapore tận dụng đất phố (hay là ưu tiên?) để trồng cây, tạo nên cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, làm giảm mật độ bê tông hóa của đô thị hiện đại.

Xe hơi đi lại trên đường ít. Xe máy thì hầu như không thấy.

So với TP Hồ Chí Minh, diện tích Singapore chỉ nhỉnh hơn 1/3 nhưng dân số gần 6 triệu người. Mật độ dân số cực cao, hơn 8.000 người/km2 (xếp thứ 2 thế giới).

Vậy mà TP Hồ Chí Minh giờ nào trong ngày cũng chen chúc người xe, cảnh ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên. Nghĩ thế nên tôi càng lấy làm ngạc nhiên, người Singapore ở đâu mà đường phố thông thoáng thế?

Và câu trả lời có ngay, ở Singapore người ta đi lại chủ yếu bằng phương tiện công cộng. Và phần lớn phương tiện công cộng ấy không phô ra trên mặt đất. Đó là hệ thống tàu điện ngầm MRT (tốc độ cao) hiện đại nhất Đông Nam Á, bao phủ khắp thành phố với thiết kế khoa học, bài bản. Mỗi ngày mạng lưới xe điện ngầm này có tới 2 triệu lượt khách sử dụng trải khắp từ 6 giờ sáng cho tới tận nửa đêm với tần số 3- 8 phút/một chuyến. Được biết, Singapore chỉ mất gần 7 năm (từ tháng 10/1983 đến tháng 7/1990) để hoàn thành xây dựng toàn bộ hệ thống MRT.

Ở Malaysia, tuy lượng ô tô, xe máy tham gia giao thông nhiều hơn so với Singapore nhưng cũng không có cảnh đông nghịt, tắc nghẽn dù là ở thủ đô Kuala lampur hay thành phố mới Putrajaya. Cũng như Singapore, đường phố ở Malaysia rộng, thoáng, nhiều cây xanh. Nếu để ý, du khách có thể thấy điểm chung khá thú vị là trong suốt mấy ngày rong ruổi ở hai quốc gia này, du khách không hề bị “tra tấn” bởi tiếng còi xe, thứ mà ở xứ mình có thể gặp bất cứ lúc nào khi tham gia giao thông.


Đường phố ở Malaysia trong giờ làm việc

Phố cổ ở Malaca

Từ Singapore, vượt quãng đường dài khoảng 250 km, sau năm giờ đồng hồ ngồi trên xe do bác tài đã U60 với tay lái lụa điều khiển, bạn sẽ đến Malacca (còn có tên khác là Melaka), thành phố cổ xưa nhất của Malaysia, đồng thời là thủ phủ của tiểu bang Malacca. Dấu ấn về một thời vàng son từ 600 năm về trước vẫn còn hiện hữu bởi không gian cổ kính, tĩnh lặng. Malacca được ví như một bảo tàng lịch sử khổng lồ, nơi lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và văn hóa gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của đất nước Malaysia.

Điểm nhấn của Malacca là dòng sông nhỏ êm đềm vắt ngang, chia thành phố thành hai nửa Đông và Tây. Phía Đông của sông Malacca là những khu phố kiểu cũ châu Âu, rất đặc trưng bởi những ngôi nhà gỗ có từ thế kỷ 17 của giới quý tộc xưa và những ngôi nhà nhiều mái có cột đá chạm trổ cầu kỳ nằm giữa những vườn cây xanh mát. Phía Tây cũng là khu phổ cổ nhưng lại mang đậm dấu ấn của người Hoa. Họ đến đây định cư từ đầu thế kỷ 15 dưới thời Vương quốc Malacca.


Sông Malacca đoạn chảy qua phố cổ

Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến Malacca là cảm giác như đang ở một thành phố cổ nào đó bên trời Tây. Những công trình đậm chất châu Âu khoác áo đỏ sẫm nhuộm màu thời gian nơi Quảng trường Đỏ: nhà thờ cổ Christ theo phong cách Hà Lan được xây dựng từ năm 1753, tòa nhà Staddhuys nổi bật với những ô cửa màu trắng, đài phun nước với cột đá kiểu Anh màu sẫm được chạm khắc tinh vi, tháp đồng hồ, những con đường lát gạch đỏ rợp bóng cây, công viên nhỏ với chiếc cối xay gió nổi tiếng. Đi qua quảng trường này vượt lên ngọn đồi là đến pháo đài A’Famosa rêu phong cổ kính được người Bồ Đào Nha xây dựng vào năm 1511. Tại đây du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Malacca xinh đẹp.

Dòng Malacca êm đềm vắt ngang thành phố, hai bên bờ sông in bóng những ngôi nhà gỗ nhỏ cổ kính càng tôn lên vẻ đẹp trầm mặc nhuốm màu thời gian của cố đô.

Đường phố Malacca phảng phất bóng dáng của trăm năm trước. Những ngôi nhà cổ đậm phong cách châu Âu hay Trung Hoa dọc các con phố nhỏ vẫn bình lặng, bền vững trước tác động của thời gian và thế cuộc.

Dường như cảnh sắc đó của Malacca từ năm sáu trăm năm cho tới nay vẫn thế, trơ gan cùng tuế nguyệt? Điều gì đã khiến một thành phố có lịch sử hàng trăm năm vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn trước sức tấn công mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại? Người Malacca có bí quyết nào chăng giúp cho việc bảo tồn di sản hiệu quả mà một du khách chỉ thoáng qua trong chốc lát như tôi chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ?

Tháng 7/2022
Nguyễn Duy Xuân

Đăng báo Đắk Lắk Nguyệt san tháng 10, số 276 (bản báo biên tập, lược bớt một vài chỗ)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập123
  • Hôm nay23,563
  • Tháng hiện tại236,131
  • Tổng lượt truy cập60,119,938
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây