Hầm chống Mỹ
admin100
2023-04-29T19:49:35-04:00
2023-04-29T19:49:35-04:00
https://nguyenduyxuan.net/que-huong-dat-nuoc/ham-chong-my-11881.html
https://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2023_04/doi-mu-rom.jpg
Nguyễn Duy Xuân
https://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ bảy - 29/04/2023 14:01
Rồi chiến tranh đi qua, những căn hầm trú ẩn cũng dần biến mất. Nó chỉ còn trong ký ức của những người đã từng gắn bó với nó, cùng nó vượt lên bom đạn chết chóc của quân thù.
Trẻ em đội mũ rơm ẩn nấp dưới giao thông hào tránh bom Mỹ.
Trong suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Nam Lâm quê tôi là một trong những trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.
Địa bàn xã kết nối với bến đò Vạn Rú, nơi ghi dấu từng đoàn quân ngày đêm hành quân vào Nam chiến đấu; đường 15A – thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh – tuy không đi qua địa bàn xã nhưng chạy sát chân núi Trét ở bờ bên kia sông Lam, tính theo đường chim bay, con đường huyết mạch này chỉ cách làng tôi hơn cây số.
Đoạn đi qua núi Trét, con đường rơi vào thế hiểm: Một bên là sườn núi dốc đứng, một bên là bờ vực sông Lam. Tụi Mỹ đã đánh hơi được thế độc đạo của con đường cho nên suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại, chúng tập trung mọi nỗ lực đánh phá hòng cắt đứt con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam.
Ngày nào cung đường này cũng bị dội bom, khi thì sáng sớm, khi thì chiều buông, cả những khi tụi phi công Mỹ cắn trộm ở đâu về, bay ngang qua còn dư vài ba quả chúng cũng trút xuống. Bom Mỹ tàn phá đến mức, sườn phía đông bắc của ngọn núi bị vạt đi, như vết thương khổng lồ loang lổ máu. Sau mỗi đợt bom dội, con đường bị tàn phá nặng nề, có nguy cơ sụt xuống lòng sông, vậy mà chỉ sau một đêm, mặt đường lại trở lại như cũ, con đường lại gồng mình lên, nén đau thương nâng đỡ từng đoàn xe vận tải hối hả ngày đêm ra tiền tuyến.
Nằm trên địa bàn chiến lược như thế, làng quê tôi cũng phải hứng chịu nhiều trận hủy diệt của đủ loại bom Mỹ: Bom phá, bom sát thương, bom bi, bom từ trường, rốc két,…
Để hạn chế thương vong do bom Mỹ gây ra, nhà nào cũng có hầm trú ẩn. Những ngày đầu chiến tranh, hầm trú ẩn chỉ là cái hố tròn, đào trên bờ kênh thủy lợi (Kênh 1) phía sau làng, sâu chừng một mét, đủ chỗ cho vài người ẩn nấp. Tôi và em gái đã có những buổi trưa được cha mẹ cho ra hầm ngồi, nắp che hầm là chiếc nia mẹ thường hay dùng sảy lúa. Bây giờ nhớ lại kể cũng buồn cười thật. Dân mình thời ấy “chống” Mỹ bằng những thứ không giống ai. Con kênh thủy lợi ấy xuyên qua các xã ven đê Tả Lam từ Xuân Hòa đến Nam Lâm, mấy năm sau cũng không còn, nó nhường chỗ cho cho các khu dân cư mới hình thành sau chiến tranh.
Những năm 1966, 1967, chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt, hầm trú ẩn theo kiểu hố cá nhân không đảm bảo độ an toàn cao, nhất là khả năng chống bom bi, chống vùi lấp. Nó được thay thế bằng loại hầm chữ A (còn gọi là hầm Triều Tiên, một loại hầm tránh bom rất hiệu quả được quân đội Triều Tiên sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953).
Đó là loại hầm có một phần âm xuống đất, khung làm bằng gỗ hoặc tre ken dày, kết hình chữ A, lót phên, cót hoặc bao bì bên trong, bên ngoài đắp một lớp đất dày, rất chắc chắn và an toàn. Diện tích hầm đủ rộng để kê cái giường dã chiến đủ chỗ cho ba bốn người nằm (tất nhiên là rất chật chội).
Nhà tôi đông người nên có những hai cái hầm chữ A như thế, khung hầm làm bằng gỗ phi lao, thầu đâu có sẵn trong vườn nhà. Cửa hầm cấu trúc hình chữ L để tránh bom sát thương, bom bi bắn trực diện vào bên trong.
Thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại, hầm trú ẩn trở thành nơi sinh hoạt chính của gia đình. Chúng tôi học bài, ngủ nghỉ đều ở trong hầm. Khổ nhất là khi mưa gió, hầm không có khả năng chống thấm. Sau vài trận mưa, nước thấm qua mái hầm đắp bằng đất, ngập lõng bõng đến đầu gối. Bà cháu tôi lại phải kê giường chõng lên mà tránh “lụt”. Rồi thì cả cóc nhái cũng tìm đến hầm làm nơi ẩn nấp. Sợ nhất là rắn, chúng có thể chọn các kẽ hở bên trong hầm tối làm nơi trú ngụ. Thế nhưng, với trẻ con, ở hầm cũng có cái thú vị của nó, cảm giác như mình đang được sống trong một không gian riêng của thế giới trẻ thơ.
Có một lần, lúc đó vào khoảng bảy tám giờ tối, làng bị đánh bom. Nhưng rất lạ là không nghe tiếng nổ đinh tai nhức óc sau ánh chớp chói lòa như thường thấy ở các trận bom trước đó. Sau vài tiếng nổ lụp bụp khô khốc vọng từ trên cao xuống là những âm thanh hỗn độn, lốp bốp, rồi ràn rạt bên ngoài hầm như ai đang vãi sỏi. Sáng ra, thấy cửa hầm bằng ván lỗ chỗ mấy lỗ thủng nhỏ, mới biết là tối qua làng bị đánh bom bi. Có những viên bi sau khi va đập vào tường, vào vách rơi trên mặt đất, tròn bóng như bi xe đạp. Có quả bị “điếc” nằm lăn lóc nơi góc vườn trông giống như trái cam vàng. Đó là thứ vũ khí hủy diệt ghê sợ đối với con người. Hãy tưởng tượng khi “trái cam” đẹp mã kia phát nổ, hàng trăm viên bi bắn ra tựa như ai cầm nắm ngô vung vẩy tung tóa, xuyên thủng da thịt, hủy hoại nội tạng, nếu trúng phần mềm thì chúng ẩn náu trong cơ thể, người bị thương thường không cảm nhận ngay được.
Năm 1968 chiến tranh phá hoại diễn ra rất ác liệt, làng tôi phải hứng chịu nhiều trận bom hủy diệt. Để có nơi trú ẩn an toàn cho cán bộ địa phương làm việc hằng ngày đồng thời sẽ là trạm cứu thương khi cần, xã cho làm một căn hầm tập thể rõ to.
Căn hầm tập thể ấy nằm trên khu đất thuộc vườn nhà ông Cháu Xáng, cạnh bờ ao nhà tôi nhưng lệch về bên phải. Từ vườn nhà trông sang, tôi thấy nó thật bề thế, cao to như một ngọn đồi, ấy là trong con mắt bọn trẻ chúng tôi. Mỗi khi ngắm nhìn căn hầm đồ sộ ấy, tôi lại bất chợt liên tưởng đến hầm tướng Đờ cát trong bài học lịch sử hôm nào. Khi chiều buông, người lớn về hết, chúng tôi rủ nhau leo lên nóc hầm rồi trượt xuống xem ai nhanh hơn.
Bên trong căn hầm rộng rãi, đủ sức chứa vài ba chục người. Những cây cột, những xà gỗ to đùng tạo cảm giác về sự chắc chắn vững chãi để ai bước chân vô đó cũng cảm thấy yên tâm, dù cho ngoài kia bom gào, đạn thét.
Tôi đã từng một lần chứng kiến căn hầm trở thành trạm cứu thương. Sáng sớm hôm ấy, bom Mỹ đánh trúng trận địa pháo 14 ly 5 của bộ đội ta bên Cồn Rộng, ngoài bãi sông. Bom lạc vào làng. Người chết và bị thương rất nhiều. Nghe ồn ào phía nhà bà Long Ân – vốn là nhà của địa chủ xưa kia, từng là lớp học sơ tán hồi lớp 1, lớp 2 – tôi liền men theo bờ ao chạy sang xem. Đập vào mắt tôi là cảnh tượng hãi hùng, những người bị thương mất chân, mất tay, máu me đầy người đang rên la. Tôi chỉ nhớ trong số đó, hình ảnh cậu em bạn tôi bị bom cắt chân đến đầu gối, xương thịt lòi ra, đau đớn rên la. Người ta đã không cứu được em vì vết thương làm mất quá nhiều máu. Nhà bà Long Ân, căn hầm tập thể chữ A bỗng trở thành trung tâm cứu thương của xã.
Rồi chiến tranh đi qua, những căn hầm trú ẩn cũng dần biến mất. Nó chỉ còn trong ký ức của những người đã từng gắn bó với nó, cùng nó vượt lên bom đạn chết chóc của quân thù. Cái hôm sau trận bom khủng khiếp ấy, tôi đã tận mắt nhìn thấy một cảnh tượng mà ngay lúc đó, người lớn cho đến con trẻ đều không thể tưởng tượng nổi.
Số là, trong trận bom sáng sớm nói trên ở xóm Vụng, căn hầm chữ A của nhà ông Cu Phấn trông như một chỏm núi nhỏ đứng trơ trọi giữa đống đổ nát mà hai bên sườn núi là miệng của hai hố bom sâu hoắm. Vậy mà bảy người nấp trong căn hầm ấy đã không hề hấn gì.
Ai có thể ngờ, chiến tranh khốc liệt lại có những điều kỳ diệu đến như thế?
Nguyễn Duy Xuân
Đăng báo Đắk Lắk, số đặc biệt 7222-7225, chào mừng 30/4/2023