TS Phạm Thị Kiều Ly cho rằng sự đứt gãy lớn hơn nằm ở sự thay đổi về chương trình giáo dục chứ không phải thay đổi chữ viết - Ảnh: T.ĐIỂU
Câu hỏi này một lần nữa được đặt ra cho các diễn giả của cuộc tọa đàm Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt diễn ra ngày 12-10 tại Thư viện Quốc gia - Hà Nội, trong khuôn khổ Triển lãm kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô.
Thay đổi chữ viết là thay đổi trí nhớ của một dân tộc?
TS Vũ Đức Liêm (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) trong vai trò điều phối đã đặt câu hỏi này cho PGS.TS Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu văn hóa và Hán Nôm, TS Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ.
Ông Liêm dẫn về sự đứt gãy văn hóa trong người Việt do thay đổi chữ viết: ngày nay người Việt ai không học chữ Hán Nôm (hầu hết) vào đình chùa, vào các kho văn tự Hán Nôm không thể đọc được chữ của ông cha mình.
Ông Trần Trọng Dương nói rất khó để trả lời câu hỏi này bằng khẳng định hay phủ định. Có thể nói Việt Nam là một ví dụ thành công trong số các quốc gia có chuyển đổi chữ viết.
Việc đổi từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ của Việt Nam ở thời điểm đầu thế kỷ XX là phù hợp với thời đại mới, trong môi trường in ấn phát triển.
Nhưng không thể phủ nhận rằng thay đổi chữ viết là thay đổi ngôn ngữ. Mà thay đổi một ngôn ngữ là thay đổi trí nhớ của một dân tộc. Những trí nhớ cũ bị lãng quên.
Trong khi đó, với chữ viết mới, những di sản mới và ký ức mới đang được chúng ta xây dựng và tiếp tục sáng tạo trong tương lai.
Sự đứt gãy lớn do đâu?
Bà Kiều Ly - tác giả cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ - đóng góp thêm những góc nhìn khác cho câu hỏi của ông Vũ Đức Liêm.
Với ý kiến cho rằng việc thay đổi chữ viết làm chúng ta đứt gãy với tổ tiên khi không đọc được văn bản cổ, bà Kiều Ly cho biết ngay từ giai đoạn đầu thay đổi chữ viết, chính quyền thực dân cũng đã nhận ra điều này.
Trong một báo cáo năm 1910, họ thừa nhận đã sai lầm khi xóa chữ Hán ở Nam Kỳ và xóa các lớp học luân lý cho trẻ con An Nam, lấy đó để rút kinh nghiệm cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Theo đó, Bắc Kỳ và Trung Kỳ quy định phải giữ 2-3 giờ dạy chữ Hán và luân lý cho trẻ con mỗi tuần.
Đầu thế kỷ 20 ngành xuất bản vẫn duy trì những tập sách song song chữ Hán và chữ quốc ngữ, chưa kể người dân vẫn học các chữ khác nữa.
Nói về sự đứt gãy với truyền thống cha ông của người Việt đầu thế kỷ 20, bà Kiều Ly cho rằng sự đứt gãy lớn nằm ở sự thay đổi chương trình giáo dục chứ không phải chữ viết.
Trước đây người Việt học với các thầy đồ để đi thi, làm quan, thì đến đầu thế kỷ 20 trong hệ thống giáo dục mới mà người Pháp đưa vào, người dân chỉ cần học ba tháng là biết đọc biết viết. Rồi học sinh được học các môn học mới như khoa học, triết học.
Việc có chương trình học mới cộng với sự bùng nổ của báo chí thời đó, sách vở chữ Hán, chữ Pháp được dịch sang chữ quốc ngữ làm cho những người biết chữ có suy nghĩ khác với cha ông. Họ được biết đến những tư tưởng như tự do, bình đẳng, bác ái.
Ông Vũ Đức Liêm không đưa ra kết luận cho câu hỏi của mình nhưng ông ghi nhận ý nghĩa to lớn của việc thay đổi chữ viết từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ đã tạo ra cuộc cách mạng trong việc xóa mù chữ nhanh chóng cho người Việt.
Bởi với chữ quốc ngữ người Việt chỉ cần học ba tháng là biết đọc, viết. Trong khi đó phải mất rất nhiều thời gian để một người có thể học 47.000 chữ Hán để được coi là biết đọc biết viết.
Thiên Diểu
Theo TTO