Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Nhánh hay cành?

Thứ bảy - 24/08/2024 03:09
Từ có chức năng định danh, là tên gọi của sự vật, hiện tượng, hành vi, tính chất,… Nếu việc định danh không trúng thì không những làm mất đi sự chuẩn mực của ngôn từ mà còn dẫn đến sự sai lệch về nội dung.
Cận cảnh cành cây gãy ở công viên Tao đàn
Cận cảnh cành cây gãy ở công viên Tao đàn

Vụ cây xanh ở công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, Q.1, TP.HCM) bị gãy đổ, làm 2 người chết, 3 người bị thương gây sốc dư luận trong những ngày qua. Khi vụ việc xảy ra, các báo đều đồng loạt đưa tin: Nhánh cây bị gãy đè 2 người chết ở Công viên Tao Đàn, Nhân chứng vụ cây gãy nhánh ở Công viên Tao Đàn, Cận cảnh nhánh cây gãy làm 2 người chết ở Công viên Tao Đàn, Gãy nhánh cây ở công viên Tao Đàn, 2 người chết, 3 người bị thương,...

Số ít báo khác gọi “thủ phạm” gây ra vụ tai nạn hi hữu này là “cành”, như plo.vn (Vụ cây gãy cành gây chết người ở Công viên Tao Đàn), vtcnews.vn (Cành cây rơi đè chết 2 người ở công viên Tao Đàn), thanhnien.vn (Gãy cây xanh công viên Tao Đàn làm 2 người tử vong, 3 người bị thương). Tuy nhiên, trong nội dung bài viết, các tác giả lại không phân biệt cành với nhánh.

Nhiều người quan tâm đến chuẩn mực tiếng Việt đặt câu hỏi, tại sao lại có sự lẫn lộn giữa cành và nhánh trong bản tin phản ánh vụ việc nêu trên của các báo?

Xem hình ảnh mà báo chí đã đăng tải thì thấy, bộ phận của cây bị gãy gắn liền với thân cây, có độ dài khoảng 10m, chu vi chỗ gãy khoảng 1,2m. Từ những chi tiết, hình ảnh mà báo chí phản ánh, có thể xác định bộ phận bị gãy là “cành”, phù hợp với định nghĩa nêu trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên, 1992): “cành1 d. Nhánh cây mọc từ thân hay từ nhánh to ra”.

Trong lĩnh vực cây trồng, cấu trúc của thân cây gồm các bộ phận: thân chính, cành (còn gọi là thân phụ), chồi ngọn và chồi nách. Xét theo cấp độ, thân phân chia thành cành - cấp 1, cành phân chia thành nhánh - cấp 2; cành có trước nhánh có sau, người ta thường bảo giâm cành bánh tẻ chứ không nói giâm nhánh bánh tẻ. Báo Tuổi trẻ từng chạy tít: “Các trường đua nhau 'tỉa cành, mé nhánh' cây cối đến... trụi lủi?” (https://tuoitre.vn/cac-truong-dua-nhau-tia-canh-me-nhanh-cay-coi-den-trui-lui-20200601223035246.htm). Thơ chúc Tết Xuân Giáp Thìn - 1964 của Hồ Chí Minh có câu: "Bắc Nam như cội với cành,/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng".

Trong phả hệ của một dòng họ, người ta vận dụng cách phân chia cấu trúc của cây để xác định nguồn gốc của gia đình dòng tộc theo trật tự: dòng họ, chi họ, phái, cành, nhánh, chi nhánh. Gọi cây gia phả là vì thế.

Từ có chức năng định danh, là tên gọi của sự vật, hiện tượng, hành vi, tính chất,… Nếu việc định danh không trúng thì không những làm mất đi sự chuẩn mực của ngôn từ mà còn dẫn đến sự sai lệch về nội dung.

Trong vụ tại nạn cây xanh ở công viên Tao Đàn, chính vì cành cây to gãy đổ bất ngờ nên mới dẫn đến việc đè chết hai người và làm ba người khác bị thương. Nếu là nhánh cây (mức độ nhỏ hơn), thì hệ lụy có lẽ không đến nỗi thảm khốc như thế?

11/8/2024
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập118
  • Hôm nay18,354
  • Tháng hiện tại157,313
  • Tổng lượt truy cập60,041,120
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây