Huế ơi!
admin100
2025-04-10T04:59:46-04:00
2025-04-10T04:59:46-04:00
https://nguyenduyxuan.net/nguyen-duy-xuan-van/hue-oi-12583.html
https://nguyenduyxuan.net/uploads/news/source/gai-hue.jpg
Nguyễn Duy Xuân
https://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ năm - 10/04/2025 04:48
Huế đón chúng tôi bằng màu xanh dịu dàng của những hàng cây, bằng sắc tím của những tà áo dài e ấp bên phố cổ.
Ngày 26/3/1975, tin vui từ Huế dội về trong niềm hân hoan rạng rỡ của mọi người. Cố đô Huế, thành phố thơ mộng mà tôi chỉ biết qua những trang sử, những áng thơ, nay đã hoàn toàn được giải phóng. Khi ấy, tôi vẫn còn là một học sinh phổ thông năm cuối, nhưng niềm xúc động mãnh liệt trước sự kiện trọng đại này đã khiến tôi cầm bút viết lên những dòng thơ đầy cảm xúc:
“Huế ơi thành phố của ta ơi
Giây phút hân hoan, rạng mặt người
Trùng trùng quân đi như thác cuốn
Giải phóng thật rồi, Huế của tôi!
Ta lại về ta, Huế yêu ơi
Giữa tiếng reo vui của mọi người
Đổ ra đường phố chào Giải phóng
Cờ đỏ tung bay, Huế rợp trời."
Tôi chưa từng đặt chân đến Huế, nhưng từ thuở nhỏ, hình ảnh Huế đã in sâu trong tâm hồn tôi qua những bài học lịch sử, qua hình ảnh cậu bé liên lạc hồn nhiên hay dáng vẻ lững lờ trôi của dòng Hương giang trong các bài thơ "Lượm", "Tiếng hát sông Hương" của nhà thơ xứ Huế Tố Hữu. Huế trong tôi là con đường rợp bóng cây xanh, là chùa Thiên Mụ cổ kính, là thành quách rêu phong chất chứa bao thăng trầm lịch sử.
Ngày Huế giải phóng, tôi khát khao một dịp nào đó sẽ đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng này, để được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của cố đô, được chạm tay vào những bức tường thành cổ kính, được nghe giọng Huế ngọt ngào qua lời chào mời chân chất và điệu hò mái nhì, mái đẩy mang đậm cốt cách, hồn người xứ Huế. Tôi không nghĩ rằng mong ước ấy lại thành hiện thực nhanh đến vậy. Một năm sau, vào tháng 5/1976, tôi cùng bạn bè – những sinh viên năm nhất của Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh lúc bấy giờ – có dịp tham quan Huế trong một chuyến đi đáng nhớ do nhà trường tổ chức.
Huế đón chúng tôi bằng màu xanh dịu dàng của những hàng cây, bằng sắc tím của những tà áo dài e ấp bên phố cổ. Dòng sông Hương lững lờ trôi, như muốn níu giữ bước chân người lữ khách. Tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa trầm mặc, vừa tươi sáng của cố đô. Thành Nội sừng sững giữa trời xanh, lầu Ngọ Môn uy nghi, kỳ đài gần hai trăm tuổi chứng kiến bao biến động của lịch sử, cầu Tràng Tiền “sáu vai mười hai nhịp”, chùa Thiên Mụ cổ kính thấp thoáng bên bờ sông thơ mộng,… Những di tích lịch sử ấy không còn đơn thuần là hình ảnh trên trang sách, mà giờ đây đã hiển hiện trước mắt tôi, khiến tôi xúc động đến lặng người.
Đi giữa lòng thành phố vừa thoát khỏi chiến tranh, tôi cảm nhận rõ sức sống mới đang trỗi dậy. Những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người dân, những lá cờ đỏ tung bay phấp phới như nói lên niềm vui, niềm tự hào của một Huế kiên trung. Tôi càng thấm thía hơn những câu thơ mình từng viết, càng trân trọng hơn khoảnh khắc được đặt chân lên mảnh đất này. “Chừ không trầm mặc nét cổ xưa/ Huế đã bừng lên tự bao giờ/ Như cô gái trẻ vừa thức dậy/ Huế của lòng ta, Huế của thơ” (Nguyễn Duy Xuân, Với Huế).
Huế không chỉ là một thành phố cổ kính, mà còn là chứng nhân của lịch sử, của những tháng ngày bi tráng mà oanh liệt. Ngày Huế giải phóng là ngày tôi nhận ra rằng, có những giấc mơ không chỉ là mơ, mà là khát vọng cháy bỏng của bao thế hệ. Và Huế, với tôi, mãi mãi là một phần ký ức thiêng liêng, một miền thương nhớ không bao giờ phai nhạt.
“Thương nhau rồi thì xin kịp về mau”. Lời ca giục giã lòng tôi và những ai yêu Huế.
Sẽ có ngày tôi về thăm lại chốn xưa - Huế đẹp, Huế thơ…
Những ngày cuối tháng Ba, 2025
50 năm ngày Huế lại về (26/3/1975 - 26/3/2025)
Nguyễn Duy Xuân