Ai đánh trống khai trường?

Chủ nhật - 03/09/2023 03:44
Bỏ đi một thủ tục mang tính hình thức, phô diễn, có phần xu nịnh lãnh đạo trong lễ khai giảng cũng là cách xã hội chung tay trả lại sự trung thực, trong sáng, góp phần đẩy lùi vấn nạn giả dối trong môi trường giáo dục hiện nay.
 

Trong muôn vàn những mẩu chuyện buồn vui của một thời áo trắng, không thể không nhắc đến trống trường.

Đây là hình ảnh, âm thanh quen thuộc đối với tuổi học học trò, quen thuộc đến mức nó đã đi vào thơ ca, thành bài học đầu tiên khi vừa bước chân tới trường vào năm học mới: “Cái trống lặng im/ Nghiêng đầu trên giá/ Chắc thấy chúng em/ Nó mừng vui quá!”. Ai đã từng đến trường mà không bị cuốn hút bởi âm thanh rộn rã của nó: “Kìa trống đang gọi/ Tùng! Tùng! Tùng! Tùng…/ Vào năm học mới/ Rộn vang tưng bừng”.

Tiếng trống, chỉ là tín hiệu âm thanh thôi nhưng sao mà lạy động hồn người đến thế.

Buổi đầu tiên đến trường, dưới cờ Tổ quốc thiêng liêng, tiếng trống vang lên giòn giã trong lễ khai giảng, báo hiệu một năm học mới bắt đầu.

Có tiếng trống trông đợi, mong chờ báo giờ giải lao, để được ùa ra sân trường vui chơi thỏa thích cùng chúng bạn.

Có tiếng trống giục giã sau giờ tan học, vội vã đạp xe về nhà, để được quây quần bên bố mẹ trong bữa cơm gia đình ấm áp.

Nhưng thiêng liêng nhất vẫn là tiếng trống khai trường. Nó là niềm mong đợi, là tình cảm, là dấu mốc, là niềm tin của thầy và trò trước thềm năm học mới.

Có lẽ vì thế mà giây phút hồi trống khai giảng cất lên thật trang nghiêm, thật lay động lòng người. Niềm vinh dự được gióng hồi trống mở đầu năm học mới thường trao cho người đứng đầu – người chịu trách nhiệm cao nhất tổ chức thực thi nhiệm vụ năm học mới của toàn trường – thầy Hiệu trưởng.

Nhưng, không hiểu tự bao giờ, vinh dự ấy lại dành cho quan khách được mời đến dự lễ khai giảng. Họ là lãnh đạo địa phương sở tại, là cấp trên, là những người không liên quan trực tiếp đến việc dạy học của thầy và trò.

Hằng năm, sắp đến ngày khai giảng, nhà trường lại lo gửi thư mời đại biểu. Thậm chí còn phải cử người trực tiếp đến gặp, mời bằng được người đứng đầu ngành hay địa phương về dự lễ cho thêm phần “long trọng”.

Nhưng hồi trống trường khai giảng năm học mới được các vị lãnh đạo gióng lên chỉ gây tò mò cho thầy và trò vì chức danh của các vị mà không thể hiện được tính chất thiêng liêng của nó. Đó là chưa kể việc nhiều vị khi được mời lên bục danh dự đánh trống thường đứng sai tư thế, cầm dùi trống không đúng cách. Kết quả là hồi trống gõ lên không đủ độ vang, không có nhịp, âm thanh giật cục. Báo hiệu năm học mới bắt đầu mà như thế chẳng hiểu nên buồn hay nên vui?

Rồi những năm gần đây, có một sự thật khiến thầy trò và cả xã hội không thể buồn hơn. Đó là chuyện không ít vị lãnh đạo sau khi đánh hồi trống khai trường, bỗng trở thành bị can, chịu án tù vì dính đến một vụ án hình sự nào đó. Hình ảnh các vị oại phong lúc đánh trống khai giảng năm học mới vẫn còn trong ký ức những người tham dự buổi lễ; trên mặt báo, trên các trang mạng xã hội và trong phòng truyền thống nhà trường. Thế hệ tương lai của đất nước khi xem những hình ảnh đó sẽ nghĩ gì?

Xuất phát từ thực tế nêu trên, ngành giáo dục nên có một cuộc “cách mạng” trong việc đánh trống khai giảng. Nói “cách mạng” cho vui chứ thực chất là trả lại việc này cho nhà trường, cụ thể là Hiệu trưởng – người chịu trách nhiệm cao nhất tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học mới của nhà trường. Các vị lãnh đạo chính quyền hay ngành giáo dục được mời đến dự chỉ nên phát biểu chúc mừng khai giảng hết sức ngắn gọn, không dài dòng điểm thành tích đơn vị, địa phương; không huấn thị, chỉ đạo bởi nó không đúng lúc, đúng chỗ.

Bỏ đi một thủ tục mang tính hình thức, phô diễn, có phần xu nịnh lãnh đạo trong lễ khai giảng cũng là cách xã hội chung tay trả lại sự trung thực, trong sáng, góp phần đẩy lùi vấn nạn giả dối trong môi trường giáo dục hiện nay.

23/8/2023
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập74
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại1,076,757
  • Tổng lượt truy cập55,195,374
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây