Lan man chuyện đánh trống khai giảng

Thứ hai - 05/09/2022 05:07
Mấy hôm nay, nhìn hình ảnh một loạt vị đánh trống khai giảng ngày nào giờ hoặc là đang thụ án, hoặc là đang chờ ngày ra trước vành móng ngựa, không khỏi giật mình.
Ông Chu Ngọc Anh đánh trống khai giảng năm học 2021-2022.
Ông Chu Ngọc Anh đánh trống khai giảng năm học 2021-2022.

Mấy hôm nay nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ hình ảnh các vị lãnh đạo từng là bí thư, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng,… đánh trống khai giảng năm học tại trường A, trường B, trường C,…

Sẽ chẳng có gì đáng quan tâm nếu những người được thầy cô và học sinh trao cho vinh dự gõ hồi trống mở đầu năm học mới ngày nào bây giờ lại đang phải thụ án hoặc chờ ngày ra tòa xét xử. Con số các vị đánh trống khai trường nằm trong tình cảnh trớ trêu ấy là bao nhiêu? Chỉ tính cấp chủ tịch, bí thư, bộ trưởng đã hơn chục người. Các vị ấy bị Trung ương kỷ luật, từ cảnh cáo cho đến khởi tố, bắt tạm giam.

Vẫn biết là không ai lường trước được điều gì sẽ xảy ra đối với mỗi cá nhân ở thì tương lai nhưng việc một số lãnh đạo đến dự lễ khai giảng, phát biểu chỉ đạo, đánh trống khai trường rồi chẳng bao lâu sau, lộ ra là kẻ thoái hóa biến chất khiến mọi người không khỏi “tâm tư”.

Nên nhớ rằng, môi trường giáo dục được coi là trong suốt như pha lê. Không chỉ thầy cô mà khách đến thăm nhà trường cũng phải luôn chuẩn mực về đạo đức, tư cách. Chỉ có như thế nhà trường mới giáo dục được cho học sinh lòng trung thực và sự tử tế.

Nhìn từ phương diện đạo đức, việc lãnh đạo được nhà trường trân trọng mời đánh hồi trống khai giảng rồi sau đó “bị lộ” chẳng khác chi là một sự lừa dối đối với học sinh. Nghĩ mà đau.

Hình ảnh các vị đến dự lễ khai giảng và đánh trống được báo chí và nhiều cá nhân ghi lại, chắc chắn được treo trang trọng trong phòng truyền thống của nhà trường. Và cũng chắc chắn rằng, những hình ảnh đó sẽ bị gỡ xuống ngay tắp lự sau một thời gian nghạo nghễ trên bảng vàng danh dự. Tính phản giáo dục đã rõ.

Việc lãnh đạo đến dự, đánh trống khai trường không phải là xấu. Nó còn được coi là niềm vinh dự, tự hào cho trường sở tại.

Nhưng…

Lẽ nào ngày khai giảng, cứ nhất thiết phải có mặt lãnh đạo cấp trên đến dự? Lẽ nào việc gióng hồi trống đầu tiên của năm học mới cứ phải là lãnh đạo cấp trên?

Chuyện lãnh đạo đến dự khai giảng có thể xem là chuyện bình thường. Càng nên bình thường hơn khi các vị cũng chỉ là khách mời để giảm bớt thủ tục rình rang.

Có chuyện này thật một trăm phần trăm. Trước khi “chạy sô” dự khai giảng các trường, lãnh đạo đã được thư ký chuẩn bị sẵn bài phát biểu nhưng nặng về thuyết lý chung chung vì lãnh đạo cũng như thư ký, đâu có sâu sát tình hình nhà trường. Thế cho nên, cùng một bài “diễn văn” nhưng một vị lãnh đạo có thể đọc tại lễ khai giảng trường A rồi trường B, trường C.

Còn chuyện đánh trống khai giảng, nói thật, chẳng liên quan gì đến lãnh đạo. Chủ thể của lễ khai giảng là thầy và trò. Họ phải là người đánh lên hồi trống mở đầu năm học mới, thế mới thiết thực, thế mới ý nghĩa. Ấy là chưa nói đến việc đánh trống, tưởng dễ mà không dễ. Làm lãnh đạo, sau khi rời ghế nhà trường, mấy ai còn “sờ mó” đến cái trống, cái dùi? Chả nhẽ trước khi được mời lên đánh trống, lãnh đạo lại phải tập dượt trước như các cháu đã tập khai giảng?

Bàn về chuyện lãnh đạo đánh trống khai giảng trên mạng xã hội, một độc giả comment: “Có lần em nghe trống khai giảng mà sao cứ giống kiểu đánh trống hạ huyệt. Thật luôn”.

Là nhà giáo, tôi cũng đã từng chứng kiến không ít lần các vị lãnh đạo ngành, địa phương đánh trống khai giảng. Quả thực, cái hồi trống mở màn năm học mới do các vị đánh lên, nghe cứ sao sao. Cái nhịp điệu, cái rộn rã tưng bừng biến đâu mất bởi nhiều vị cầm dùi chỉ biết nện cho xong, gấp gáp, vô hồn vô cảm. Hồi trống vì thế đứt quãng, tiếng trống như bị nấc, nghẹn. Cũng dễ hiểu thôi. Bàn tay đã quen chém gió trong các cuộc họp, quen kí cái rộp dưới các văn bản, dự án thì làm sao có được sự mềm dẻo, điệu nghệ để mà gióng lên hồi trống trường giục giã, ngân vang?

Bỗng nhớ chuyện ngày xửa ngày xưa, hồi học Đại học, tôi chứng kiến một người đánh trống phải nói là độc nhất vô nhị, đó là bác bảo vệ trường. Ông người tầm thước nhưng mỗi lần tay vung dùi trống, hai chân phối hợp tiến lùi hết sức nhịp nhàng. Thế đánh vừa chắc vừa dẻo khiến cho tiếng trống phát ra vừa giòn, vừa thanh, vừa ngân. Khoảng cách giữa các tiếng ban đầu đủ để người nghe cảm nhận được cái âm vang đang lan tỏa vào không gian. Nhịp vung của tay, độ tiến, lùi của chân tăng dần đều để cuối cùng là một khúc nhạc hào sảng, rộn ràng giục giã lòng người. Với ông, đánh trống là cả một nghệ thuật, xuất phát từ cái tâm; từ cảm nhận và phối hợp ăn ý của các bộ phận trên cơ thể như tai, mắt, chân tay; từ sự rèn luyện trong suốt thời gian dài giữ “chức” người đánh trống duy nhất của trường. Những hồi trống của ông quả thực đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bao thế hệ sinh viên.

Mấy hôm nay, nhìn hình ảnh một loạt vị đánh trống khai giảng ngày nào giờ hoặc là đang thụ án, hoặc là đang chờ ngày ra trước vành móng ngựa, không khỏi giật mình. Ờ nhỉ, chuyện đánh trống khai giảng tưởng nhỏ mà không nhỏ, nhất là ở thời buổi củi lửa đang được giá như hiện nay.

Bởi thế, nếu là lãnh đạo được mời đánh trống, tôi sẽ tìm cách từ chối khéo. Nếu là lãnh đạo được mời lên bục cao phát biểu, tôi sẽ chỉ nói những lời giản dị, ngắn gọn, chân tình, có lẽ chưa đến 5 phút.

Nhưng than ôi, chuyện đó làm sao mà có được khi tôi chỉ là phó thường dân, lại hưu rồi, chẳng hơi đâu mộng với mơ nữa?

Trên mạng xã hội, người ta đang bàn tán: Hãy để thầy hiệu trưởng, bác bảo vệ hay giáo viên tiêu biểu, học sinh giỏi của trường đánh hồi trống khai giảng năm học mới.

Chuyện đơn giản thế nhưng sao suốt bao nhiêu năm nay với một lô cải cách, đổi mới mà chẳng ai nghĩ tới?

Ngày khai giảng năm học mới, 5/9/2022
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập95
  • Hôm nay23,612
  • Tháng hiện tại236,180
  • Tổng lượt truy cập60,119,987
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây