Tại sao chúng ta chỉ thích “ném đá”?

Thứ năm - 22/09/2022 16:54
Lối suy nghĩ “định kiến” đối với trẻ nói trên cùng những khuyết tật khác của văn hóa nông nghiệp mà chúng ta đang “thừa hưởng” như gia trưởng, ích kỉ, đố kị, mặc cảm, tự ti,… đang chi phối cách ứng xử của mọi người trong đời sống hàng ngày.

Những ngày vừa qua, cậu bé Đỗ Nhật Nam phải hứng chịu cơn “mưa đá” từ dư luận. Số là trong một clip trả lời phỏng vấn của phóng viên, cậu bé đã không chịu suy nghĩ, nói năng giống như những đứa trẻ cùng trang lứa, can tội tự hào về những thành tích đạt được quá sớm, can tội mê sách "chính trị, xã hội, khoa học"..., lại còn dám mơ trở thành giáo sư tin học đầu tiên, chuyên gia mật mã của Việt Nam và Mỹ.

Tôi xem đi, xem lại cái clip mà chịu không hiểu tại sao dư luận lại ném đá Nhật Nam đến thế? Đã có quá nhiều ý kiến của độc giả, tôi không muốn bàn thêm nữa mà chỉ muốn lí giải cái căn nguyên thái độ “hằn học” của một số người. Chúng ta vẫn quen cách nhìn nhận sự việc theo con mắt của mình, áp đặt chủ quan và… a dua theo kiểu hội chứng đám đông. Hình như với người lớn chúng ta thì trẻ con vẫn là trẻ con, mà đã là trẻ con thì dù có thông thái đến mấy cũng không được vượt qua cái lằn ranh giới hạn lứa tuổi của mình. Bản thân tôi cũng mắc căn bệnh ấy, ít ra thì cũng là đối với con cái mình, bây giờ các cháu đã trưởng thành mà cứ nghĩ chúng vẫn còn như hồi mới lên ba! Cho nên, nhiều người trong chúng ta không dễ gì mà chấp nhận cái việc cậu bé Nhật Nam nói năng, suy nghĩ như người lớn, thậm chí còn hơn cả người lớn. Tại sao ta không chịu hiểu rằng, cậu bé có tố chất thông minh ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi so với những đứa trẻ bình thường khác và đã từng là người dẫn chương trình trên truyền hình? Tôi không muốn nói cậu là thần đồng, nhưng rõ ràng cậu khác với bạn bè cùng trang lứa. Thông minh, sắc sảo, tự tin đã làm cho khả năng tư duy và ngôn ngữ của cậu “lớn” trước tuổi. Đáng lẽ chúng ta phải mừng và khích lệ em vì điều đó chứ?

Lối suy nghĩ “định kiến” đối với trẻ nói trên cùng những khuyết tật khác của văn hóa nông nghiệp mà chúng ta đang “thừa hưởng” như gia trưởng, ích kỉ, đố kị, mặc cảm, tự ti,… đang chi phối cách ứng xử của mọi người trong đời sống hàng ngày. Người lớn chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận một điều là tư tưởng của chúng ta chưa theo kịp sự vận động của cuộc sống hiện đại. Chúng ta vẫn khư khư ôm lấy lối suy nghĩ cũ kĩ, độc đoán của riêng mình. Đấy là lực cản lớn nhất trên con đường hội nhập và phát triển của đất nước. Xin đừng áp đặt một cái khuôn chung. Hãy nhìn sự vật một cách đa chiều, hãy biết tôn trọng cá tính và sáng tạo của con người.

Lại nhớ đến chuyện nước ta hiện có hơn 30 ngàn giáo sư, tiến sĩ, vậy mà suốt cả năm không có nổi một công trình khoa học. Nghĩ thế, tôi lại tin ước mơ của Nhật Nam không phải là hão huyền hay là không khiêm tốn. Tôi hi vọng em sẽ chiếm lĩnh được đỉnh cao khoa học bằng chính đôi chân của mình trong tương lai không xa.
 
Hãy chắp cánh cho ước mơ và khát vọng của em.

13/4/2013
Nguyễn Duy Xuân (Chuyện nhặt cà phê sáng)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập228
  • Hôm nay67,490
  • Tháng hiện tại140,393
  • Tổng lượt truy cập62,211,046
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây