Cây xanh đổ hàng loạt sau bão số 3: Sự thật phơi bày

Thứ năm - 26/09/2024 03:10
Sự quan tâm của dư luận không chỉ ở số lượng rất lớn cây bị ngã đổ mà điều đặc biệt hơn là, trong phần lớn cây đổ (đổ do bật toàn bộ gốc chứ không gãy) lộ ra một sự thật: bộ rễ của chúng kém phát triển, cây chỉ có rễ cám, không có rễ cọc.
Một trong hàng ngàn cây xanh bị bật gốc, lộ nguyên bầu đất khi trồng.
Một trong hàng ngàn cây xanh bị bật gốc, lộ nguyên bầu đất khi trồng.

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão dị thường, duy trì cường độ siêu mạnh trong suốt thời gian từ khi hình thành cho đến khi đổ bộ vào đất liền. Khi đổ bộ vào đất liền, bão số 3 có sức tàn phá khủng khiếp, được cho là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua ở khu vực phía Bắc.

Trong nhiều thiệt hại to lớn do bão số 3 gây ra, dư luận chú ý bàn tán nhiều đến hiện tượng hàng loạt cây xanh đô thị bị bật gốc, đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… Tính đến tối 8/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 25.156 cây xanh đổ, bật gốc, tập trung nhiều ở các địa bàn: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm…

Sự quan tâm của dư luận không chỉ ở số lượng rất lớn cây bị ngã đổ mà điều đặc biệt hơn là, trong phần lớn cây đổ (đổ do bật toàn bộ gốc chứ không gãy) lộ ra một sự thật: bộ rễ của chúng kém phát triển, cây chỉ có rễ cám, không có rễ cọc. Nhiều cây bật gốc để lộ cả bầu cây còn nguyên dây đai, túi bọc nilon. Có cây tựa như cành lớn được cắt dâm xuống đất, khi bị bão quật đổ, “gốc” cây bật lên chỉ có mấy cái rễ cám lưa thưa. Hố trồng cây nông choèn choẹt, ngang dọc chưa đầy một mét, bốn bề xây bao gạch đá, độ sâu chỉ xấp xỉ gang tay, mặt dưới hố cũng đầy gạch đá, xà bần.  

Nhiều người đặt vấn đề: Sức tàn phá của bão số 3 là khủng khiếp, nhưng con người có thể hạn chế được phần nào nếu như…

Vài chục năm trở lại đây, nhu cầu cây xanh phục vụ cho những dự án xanh hóa đô thị tăng với tốc độ phi mã, không chỉ riêng tỉnh thành nào mà là khắp cả nước.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khổng lồ này, người ta lùng sục vào tận các hang cùng ngõ hẻm, núi cao vực sâu, trả giá các gốc cây to hoặc bứng trộm cây rừng đem về vườn ươm dưỡng. Công nghệ “bon sai” được áp dụng vào việc trồng cây trên đường phố, khuôn viên khu đô thị, công sở, biệt phủ… bởi nó nhanh, gọn, đáp ứng ngay tức thì nhu cầu của khách hàng.

Cây (cổ thụ) bứng về được dưỡng trong vườm ươm một thời gian rất “bài bản”, “đúng quy trình”: cắt trụi cành lá, xén bay rễ cọc, rễ nhánh, phun thuốc kích rễ, kích lá rồi đóng bầu (chỉ nhỉnh hơn thân cây một chút).

Những cây “bon sai” sau khi đã bén rễ, đủ sức để sống trong môi trường mới, chúng được đưa ra đường phố, đến các khu đô thị, công sở, biệt thự,… Chúng được trồng trong những cái hố nông choèn choẹt (phù hợp với bầu cây bé tí), tấp vào ít đất trên mặt, rồi xây gạch đá bao xung quanh. Sau một đêm ngủ dậy, người dân đã thấy đường phố, khuôn viên khu chung cư tăm tắp những cây cổ thụ cành lá lún phún vừa mới được chủ đầu tư đặt chỗ xong.

Dù bị cắt cụt cành lá và bộ rễ, dù được trồng trong những cái hố bé tí bị vây bọc bốn bề bằng bê tông, gạch đá nhưng kỳ lạ thay cây vẫn phát triển. Sau một thời gian, cây tỏa cành, xanh lá, lòng người không giấu được nỗi hân hoan vì đường phố giờ đây rợp bóng cây xanh.

Nhưng… cái vẻ ngoài tươi mát ấy đã che khuất những gì mà mắt thường không nhìn thấy được. Cây xanh tốt, tỏa tán nhưng bộ rễ không phát triển khiến cho cây không đủ sức đề kháng trước mưa to gió lớn chứ chưa nói đến siêu bão như Yagi. Tán cây to rộng nhưng bầu đất bé tí, rễ cọc, rễ nhánh không phát triển nổi, tạo nên sự mất cân đối về trọng lực chống đỡ khi bị gió bão tác động. Hầu hết cây ngã đổ sau trận bão số 3 đều do bật gốc. Cành bị gãy không phải do bão mà là do khi cây đổ xuống va đập với vật cản như đường dây điện, xe cộ hay mặt đất. Điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế mà những ai lớn tuổi đã được trải nghiệm qua nhiều trận bão trong đời. Những cây gốc rễ bền sâu, mọc tự nhiên hoặc được trồng từ khi còn nhỏ, dù bão lớn đến mấy cũng chỉ gãy cành, gãy thân, hiếm khi bị bật lên, phơi toàn bộ gốc rễ giữa thanh thiên bạch nhật.

Chuyện hàng loạt cây xanh bị bật gốc, ngã đổ bởi bão số 3 không có gì mới. Chín năm trước, một trận giông lớn xảy ra hôm 13/6/2015 khiến cả ngàn cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội bị quật ngã, trong đó có rất nhiều cây sau khi bị bật gốc lộ nguyên bầu bọc kín bằng lưới, nilon… Có nhà khoa học đã gọi việc trồng cây để nguyên bầu như thế là “chuyện lạ toàn cầu”.

Rồi dư luận mắt chữ O miệng chữ A khi được biết, thành phố Hà Nội đã từng chi cho việc cắt cỏ khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm. Riêng chi phí cắt cỏ, tỉa cây và vườn hoa trên đại lộ Thăng Long dài 24km, mỗi năm đã ngốn hết 53 tỉ đồng.[1]

Dăm bảy năm sau, người đứng đầu thành phố (giai đoạn 2015 – 2020) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì đã trực tiếp can thiệp, chỉ đạo xuyên suốt quá trình trồng mới, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh trên địa bàn thành phố với món quà lại quả 2,6 tỷ đồng của một công ty cây xanh.[2]

Mới đây nhất, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cây xanh Công Minh và các tỉnh, thành phố”. Theo đó, Bộ Công an xác định có hơn 50 công ty thuộc hệ sinh thái của Công Minh đã trúng hơn 600 gói thầu tại nhiều địa phương, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cơ quan An ninh điều tra đã yêu cầu nhiều địa phương cung cấp hồ sơ các dự án trồng cây đô thị liên quan đến công ty Công Minh để xác minh dấu hiệu tội phạm.[3]

Những vụ án nêu trên có sợi dây liên hệ gì với việc hàng chục ngàn cây xanh đô thị ngã đổ sau cơn bão số 3? Câu trả lời xin dành cho các cấp chính quyền ở các địa phương và cơ quan chức năng làm rõ.

Để sớm chấm dứt việc trồng và quản lý cây xanh đô thị hời hợt, vô trách nhiệm dẫn đến hậu quả khôn lường mỗi khi mưa bão xảy ra, trước hết cần thay đổi tư duy và hành động trong việc chọn lựa chủng loại, giống, tiêu chuẩn cây xanh, kĩ thuật trồng, chăm sóc và giám sát.

Loại bỏ ngay lập tức cách trồng cây “cổ thụ”, trồng cây kiểu “bonsai” trên các tuyến phố, biến cây đang khoẻ mạnh thành cây tàn phế, trồng cây để nguyên bọc ni lon; trả lại ý nghĩa cho cụm từ “trồng cây” - trồng chứ không phải bứng chuyển.

Cây xanh muốn phát triển một cách tự nhiên, cứng cáp đủ sức chống chọi với mưa nắng, bão lũ thì cần phải được người yêu thương chăm bẵm từ lúc ươm mầm cho đến khi trồng xuống hố. Đó là cách tốt nhất để có thể hạn chế từ xa, hạn chế tối đa thiệt hại về vật chất, cảnh quan đô thị khi mùa mưa bão đến.

10/9/2024
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/ha-noi-chi-700-ti-dong-cat-co-tia-cay-moi-nam-1155379.htm
[2] https://www.sggp.org.vn/khoi-to-ong-nguyen-duc-chung-trong-vu-an-cay-xanh-ha-noi-post682970.html
[3] https://vnexpress.net/khoi-to-vu-an-xay-ra-tai-cong-ty-cay-xanh-cong-minh-4767613.html

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập140
  • Hôm nay17,915
  • Tháng hiện tại156,874
  • Tổng lượt truy cập60,040,681
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây