“Chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Tháng 6/2014, Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đưa ra những đánh giá đáng báo động về hiện trạng văn hóa nước nhà như dưới đây.
“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”; “Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”; “Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn”.
Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết 33, môi trường văn hóa dường như vẫn chưa được cải thiện. Cho đến nay, những đánh giá nói trên của Nghị quyết 33 vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi.
Trước thực tế đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức "Hội nghị Diên Hồng về văn hóa", khai mạc ngày 24/11/2021 tại phòng họp Diên Hồng trong tòa nhà Quốc hội, với quan điểm xuyên suốt của Đảng: "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất”.
Tổng Bí thư nhận xét, “Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”, “Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao… Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”.
Một sự kiện đáng chú ý khác, diễn ra cuối năm 2022. Đó là Hội thảo Văn hóa được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh. Hội thảo tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương và nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Hội thảo Văn hóa 2022 là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Thực trạng môi trường văn hóa hiện nay
Mỗi ngày mở trang báo ra, dù là báo giấy hay báo mạng, bên cạnh các tin tức tích cực, đập vào mắt người đọc không ít những tin tức buồn. Nhiều người tự hỏi, điều gì đang xảy ra trong cuộc sống xung quanh mình?
Trước hết là chuyện ứng xử hằng ngày. Thói gian dối, lươn lẹo đang ngày càng phổ biến, chi phối mọi hoạt động trong đời sống thường nhật. Gian dối lan sang cả ngành giáo dục, thành trì cuối cùng nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn Việt. Vụ gian lận thi chấn động cả nước 2018, sự xuống cấp của văn hóa học đường, cùng nhiều vấn đề tiêu cực khác trong môi trường giáo dục là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục bị vấn nạn gian dối lũng đoạn.
Bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng. Theo Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, gần 3.500 ca cấp cứu vì đánh nhau, 43% trong số đó phải nhập viện và 11 trường hợp đã tử vong.
Điều đáng lo ngại là bạo lực không chỉ diễn ra bên ngoài xã hội mà còn cả trong ngành giáo dục, không chỉ đối với học sinh mà cả trong hàng ngũ thầy cô giáo và cán bộ công chức giáo dục.
Nền văn hóa - giáo dục Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức.
Hàng loạt vụ án ma túy bị bóc gỡ gần đây với số lượng ma túy lên đến hàng tấn đã cho thấy sự thách thức nghiêm trọng của loại tội phạm đầu độc giống nòi này. Đã qua rồi thời buôn bán ma túy cò con, tính bằng lạng, bằng cân.
Các di sản văn hóa tiếp tục bị đe dọa, mai một. Gần đây, báo chí lên tiếng mạnh mẽ về việc nhiều di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, danh thắng quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng, cảnh quan môi trường tự nhiên bị phá hủy. Một nàng Tô Thị có tuổi đời hàng vạn năm bị biến mất chưa đủ để cảnh báo các nhà quản lý, các doanh nghiệp khi “bắt tay nhau” thực hiện những dự án kinh tế. Chủ trương “Không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt” vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Chùa chiền đua nhau mọc lên như nấm, đồ sộ, hoành tráng với những cái nhất châu lục hay thế giới. Mê tín dị đoan núp bóng Phật giáo ngày càng nở rộ mà điển hình vụ “thỉnh vong báo oán” diễn ra tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) bị báo chí nêu hồi tháng 3/2019.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là một số doanh nghiệp đua nhau lập các dự án “du lịch tâm linh” – một khái niệm “tự sướng”, chữ dùng của Giáo sư Trần Ngọc Vương – để thâu tóm hàng trăm héc ta đất rừng đặc dụng, vùng đệm, thậm chí cả vùng lõi di sản để xây khu nghỉ dưỡng, chùa chiền vì lợi ích nhóm.
Đây thực chất là một hình thức kinh doanh mới, một vốn hàng trăm lời, bỏ xa các dịch vụ truyền thống, khiến những giá trị văn hóa tốt đẹp được xây dựng từ hàng ngàn năm nay của Phật giáo nước nhà đứng trước nguy cơ bị biến dạng.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên vẫn diễn biến phức tạp. Điều này có thể thấy rõ qua cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động. Từ đầu nhiệm kỳ khoá XI (tháng 1/2011) đến nay, đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Những con số nêu trên "Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Hiện trạng nêu trên tác động xấu đến môi trường văn hóa nước nhà. Sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, nền văn hóa đất nước tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn đó những nguy cơ làm băng hoại đạo đức lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Nhìn thẳng vào sự thật để có quyết sách đúng
Dạo qua một lượt các hội nghị sơ kết, các báo cáo sơ kết được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng nhân dịp sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW hồi tháng 6/2019 có thể thấy tinh thần chung trong đánh giá của nhiều nơi được gói gọn trong mấy chữ: “nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ”; khi nói về kết quả: “đạt được những thành tựu quan trọng, chuyển biến tích cực, tiếp tục hoàn thiện, kết quả sơ bộ”; và khi nói về phương hướng những năm tiếp theo: “tiếp tục đẩy mạnh, tiếp tục thực hiện Nghị quyết, nâng cao vai trò, phát huy vai trò tích cực chủ động, tăng cường quản lý nhà nước”.
Nếu không nhìn thẳng vào sự thật, nếu không dám thừa nhận yếu kém, nếu không mạnh dạn chỉ ra những tử huyệt của hiện trạng văn hóa mà cứ đánh giá một cách chung chung, bằng thứ ngôn từ bay bướm, khuôn sáo thì thật khó để có được những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Nền văn hóa Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, như Tổng Bí thư đã nói.