60 năm Hội nghị Chính trị đặc biệt: bài học lớn về đại đoàn kết dân tộc

Thứ bảy - 20/04/2024 18:01
Ngày 8/5/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu”, “Nhân dân ta còn phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ”.
Lời tiên đoán đó của Người không bao lâu sau đã trở thành sự thật. Mỹ thay chân Pháp, từng bước đưa quân vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới; chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam bị đe dọa bởi một thế lực xâm lăng mới, là siêu cường số 1 thế giới lúc bấy giờ. Một lần nữa, Việt Nam lại phải đối mặt với cuộc đụng đầu lịch sử trong thế “châu chấu đá voi”.

Trước tình hình đó, ngày 27/3/1964, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng ý chí quyết tâm chống Mỹ, cứu nước.

Tham dự Hội nghị có 327 đại biểu chính thức và hơn 500 đại biểu dự thính. Họ là những nhà cách mạng lão thành, những người tiêu biểu cho các ngành, các giới, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, kiều bào hồi hương, đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua, trí thức tiến bộ và nhân sĩ yêu nước, đại diện cho hơn 30 triệu đồng bào các dân tộc trong cả nước.

Trong bối cảnh nóng bỏng của tình hình đất nước và thế giới lúc đó, Hội nghị chính trị đặc biệt được ví như một “Diên Hồng” thứ hai trong lịch sử đấu tranh giữ nước oai hùng của dân tộc ta.

Đúng 680 năm trước (thời điểm diễn ra Hội nghị Chính trị đặc biệt) - cuối năm 1284 - tại kinh thành Thăng Long, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu các bô lão trong cả nước về điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý về chủ trương hòa hay đánh trước thế giặc mạnh là quân Nguyên Mông đang lăm le thôn tính Đại Việt lần thứ 2 với một một lực lượng hùng hậu khoảng 50 vạn quân từ phương Bắc tràn xuống, kết hợp với gần 10 vạn quân của Toa Đô từ phía Nam (Champa) đánh lên, hòng nhanh chóng bóp nát Đại Việt.

Bối cảnh của Hội nghị Chính trị đặc biệt cũng không khác gì so với bối cảnh lịch sử của Hội nghị Diên Hồng thời Trần, bởi bốn tháng sau khi Hội nghị Chính trị đặc biệt diễn ra, ngày 02 và 04/8/1964, Mỹ dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc bộ”, kiếm cớ để ngay sau đó, ngày 5/8 cho không quân ồ ạt đánh phá miền Bắc, mở đầu chiến dịch Sấm Rền với ý đồ “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”.

Ở miền Nam, sau thất bại của Chiến tranh đặc biệt, Mỹ đề ra một chiến lược mới - Chiến tranh cục bộ - trực tiếp đem quân viễn chinh tới Việt Nam để tham chiến. Ngày 08/03/1965, hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng.
 
Chiến tranh đã lan rộng khắp cả nước.

Tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, khi Hồ Chủ tịch mở đầu Báo cáo chính trị bằng câu “Thưa các cụ và các đồng chí thân mến!”, cả hội trường lặng đi vì xúc động. Lời Người là cả lời non nước, là hào khí non sông, là tiếng ngàn năm của ông cha vọng về khích lệ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước vào cuộc trường chinh lịch sử - thề một lần nữa “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Quyết tâm ấy được thể hiện qua lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “...nếu chúng (đế quốc Mỹ) liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại”; “14 triệu đồng bào miền Nam ta kiên quyết đứng dậy kháng chiến đến cùng”. Và Người kêu gọi “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.

Đúng như tiên đoán của Hồ Chủ tịch, ngay trong ngày đầu đánh phá miền Bắc, không quân Mỹ đã phải chuốc lấy thất bại thảm hại: 8 máy bay bị bắn rơi, 2 chiếc khác bị thương và 1 phi công bị bắt sống.

Mười một năm sau Hội nghị Chính trị đặc biệt, quân và dân ta bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 lịch sử đã thu non sông về một mối; thực hiện trọn vẹn ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

60 mươi năm nhìn lại, kể từ thời điểm diễn ra Hội nghị Chính trị đặc biệt, đất nước trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn vẹn toàn và ngày càng phát triển đi lên. Thế và lực của Việt Nam ngày nay mạnh hơn bao giờ hết.

Có được điều đó là nhờ ở sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh đó đã được cha ông ta tự bao đời gìn giữ và phát huy để đất nước dù ở vị thế địa chính trị đặc biệt vẫn luôn vượt qua mọi sóng gió, thử thách, giữ cho đất nước muôn đời.

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã vận dụng thành công bài học quý báu đó của ông cha ngay từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước. Tại Hội nghị Trung ương 8 của Đảng họp tháng 5/1941 tại Pắc Bó (Cao Bằng), Người chỉ rõ: "Sử ta dạy ta rằng, khi nào dân ta đoàn kết thì nước ta được độc lập; khi nào dân ta chia rẽ thì nước ta bị nước ngoài đô hộ”.

Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964 là một minh chứng sinh động cho tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc. Đó là bài học lớn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của tư tưởng Hồ Chí Minh; là yếu tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ qua kể từ khi Đảng ta ra đời.

10/1/2024
Nguyễn Duy Xuân



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay7,087
  • Tháng hiện tại67,608
  • Tổng lượt truy cập55,259,069
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây