Đất Nghệ - Nơi phát tích của những tài năng

Thứ năm - 14/05/2020 22:25
Linh khí Anh Sơn. Ảnh Nguyễn Cảnh Hùng

Thời nào cũng vậy, kể từ hồi cổ sơ, cư dân trên lưu vực sông Lam, phía Tây từ hữu ngạn sông Chu (nguồn chảy qua huyện Quế Phong) mà đi vào, cứ lần lượt: Ngàn Cả, Ngàn Sâu vào đến Ngàn Mọ (chia nước với sông Gianh- Quảng Bình; và miệt xuôi, từ Khe Nước Lạnh (giáp Thanh Hóa) vào đến Đèo Ngang (giáp Quảng Bình), trên địa bàn này, nếu làm một cuộc khảo sát, đối chiếu cho thật công phuvề sự thiên di của các miêu duệ苗裔 thì ta sẽ ngạc nhiên nhiều về sự xuất phát đi đến nhiều nơi mà sáng nghiệp của những dòng tộc cất cánh từ miền đất Núi Hồng - Sông Cả.

Chưa nói về các cuộc thiên di riêng lẻ hay từng nhóm, từng tập hợp người, tự do hoặc bắt buộc từ đây vào Nam là miền đất mới mở từ tám, chín thế kỷ gần đây, chỉ tính các dòng họ lớn từng nổi tiếng nằm trong mối giao lưu giữa lưu vực sông Lam với vùng châu thổ sông Hồng ta đã thấy có những sự di duệ lạ kỳ. Riêng một làng nhỏ nằm dưới chân Hồng Lĩnh ngoảnh ra biển Đông là làng Cương Gián (tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An)(1) và cũng chỉ tính riêng dòng họ Nguyễn ấy, từ đây ta đã có một sơ đồ lý thú. Từ Cương Gián đi Thượng Xá, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang di duệ ra Cương quốc công, khai quốc công thần của triều Lê là Nguyễn Xí (1379-1465); đi xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, di duệ ra Nguyễn Thiến, Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1532); đi làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng di duệ ra nhà văn hóa lớn của dân tộc là Nguyễn Trãi (1380-1442); đi lên làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại trấn Kinh Bắc di duệ ra Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1794), tác giả “Cung oán ngâm khúc”... Rồi có người từ xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai về lại đất Nghi Xuân, phủ Đức Quang thì sinh hạ ra dòng họ Nguyễn Tiên Điền trong đó có đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), tác giả “Truyện Kiều”.

Đền thờ  Cương Quốc công Nguyễn Xí (1397-1465), tại xã Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An. Ông là một vị tướng, nhà chính trị, công thần khai quốc nhà Hậu Lê. Ảnh An Thư

Ngược thời gian về trước, kể từ buổi đầu thời kỳ đấu tranh để xây nền tự chủ, ta biết trong Khởi nghĩa Mai Thúc Loan có Phùng Hạp Khanh đang làm quan ở châu Đường Lâm đã cùng tham gia chiến đấu(2) mà Phùng Hạp Khanh là thân sinh của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Các tài liệu trước kia cho rằng, Đường Lâm này là ở ngoài Bắc. Nhưng gần đây, có sách lại viết cả Phùng Hưng con Phùng Hạp Khanh và Ngô Quyền con Ngô Mân đều ở Đường Lâm mà đất đó là thuộc vùng phía Nam của Châu Hoan.

Vậy có phải quê cũ của Phùng Hưng và cả của Ngô Quyền đều ở trong này? Ta phải xác định,dù đây là một việc khó.

Các sách lịch sử gần đây dựa vào những tài liệu như “Việt Nam sử lược” và dựa vào tên đất hiện nay để viết về một Đường Lâm là quê của hai họ Phùng, Ngô thuộc trấn Sơn Tây ở ngoài Bắc nay là xã Cam Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Nhưng địa danh Đường Lâm này có tự bao giờ, ta chưa được rõ khi mà hồi trước còn có một Đường Lâm khác.

Thuở xưa, nhất là từ thời thuộc Hán, Tùy, Đường, các quan lại Trung Hoa thống trị nước ta,họ luôn luôn thay đổi tên các châu quận trên bản đồ đất nước này. Các địa danh qua thời gian khác nhau thường có sự trùng lặp khiến người đời sau khó nhận biết. Về tên gọi Đường Lâm, trong “Nghệ An ký”, Bùi Dương Lịch có dẫn lời sách “Minh chí”rằng: “Tự Hoan Châu,đông hành nhị nhật chí Đường Lâm Châu,An Viễn huyện,Nam kinh cổ La Giang nhị nhật,hành chí Hoàn Vương quốc chi Đàn Động Giang,hựu tứ nhật chí Chu Nhai, hựu Đan Bổ trấn nhị nhật chí Hoàn Vương thành, cố Hán Nhật Nam quận địa dã”.Nghĩa là: "Từ Hoan Châu đi về phía đông hai ngày thì đến huyện Tuy Viễn, châu Đường Lâm; đi về phía nam qua sông Cổ La hai ngày thì đến sông Đàn Động nước Hoàn Vương. Lại đi bốn ngày thì đến quận Chu Nhai. Lại qua trấn Đan Bổ hai ngày thì đến thành Hoàn Vương"(3). Ta cũng không đòi hỏi ở sách “Minh chí” thời đó một sự khu biệt cho thật rạch ròi về vị trí của các châu quận tại Cửu Chân và Nhật Nam, khi mà các nhà viết địa chí còn lấy ngày đi bộ để tính độ dài ngắn của các quãng đường.Cũng ở “Nghệ An ký” (Tr,51), tác giả sách nàyviết: “Thời nhà Đường, Cửu Đức đặt làm ba huyện:An Viễn,Đàm La và Quang An”. Thế là An Viễn ở đây thuộc Cửu Đức chứ không phải thuộc Đường Lâm Châu.Cho nên Đường Lâm Châu có thể là làng hay xã Đường Lâm.Chỉ riêng trong một tài liệu mà diên cách của một địa danh cũng khó minh định như thế đó. Tuy nhiên, qua tài liệu này ta biết, chắc chắn thời trước đã có một miền đất tại Cửu Đức,hay Nhật Nam (nay thuộc Hà Tĩnh) mang tên gọi là Đường Lâm. Mà địa danh Đường Lâm này trước kia đã bị coi là Đường Lâm ở Sơn Tây.

Để phân biệt hai vùng Đường Lâm nói trên,ta giở xem sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (Sđd) nói về nơi Phùng Hạp Khanh làm quan và anh em Phùng Hưng, Phùng Hải cùng sống với gia đình. Mộc bản của sách này, Q.5, Tờ 6a viết: “Tân Vị (Đường Trinh Nguyên, thất niên) Xuân, An Nam Đô Hộ Phủ Cao Chính Bình vi chính trọng liễm.Hạ, tứ nguyệt Giao Châu Đường Lâm nhân (Đường Lâm tại Phúc Lộc huyện)Phùng Hưng khỉ binh vi phủ. Chính Bình dĩ ưu tử”. Dịch là: “Năm Tân Vị, niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ 5 (791), mùa Xuân, quan An Nam Đô Hộ Phủ Cao Chính Bình làm việc không được chính, thu thuế nặng. Mùa Hạ, tháng Tư, Phùng Hưng người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm ở tại huyện Phúc Lộc)khởi binh vây phủ. Cao Chính Bình ưu lo mà chết”.

Chú thích (chữ dịch trong ngoặc đơn) cũng là của tác giả “Đại Việt sử ký toàn thư”. Tiếc là sách không chỉ rõ huyện Phúc Lộc nói trên là thuộc châu nào. Đến phần viết về Ngô Quyền, cũng tại mộc bản sách này, Q5, Tờ 20b ghi: “Tính Ngô,húy Quyền, Đường Lâm nhân thế vi quý tộc, phụ Mân vi bản châu mục”. Dịch: “Vương họ Ngô, tên Quyền, người ở huyện Đường Lâm, đời đời là nhà quý tộc. Cha của Vương là Ngô Mân làm chức mục ở bổn châu”. Đến đây, tác giả sách cũng không giải thích thêm về Đường Lâm.

Vậy, ta hãy xác định về vị trí huyện Phúc Lộc trong đó có đất Đường Lâm.

“Việt Nam sử lược”, Sđd, tr.67 thống kê về 12 châu của nước ta đời Đường ghi rằng: “Phúc Lộc Châu có 3 huyện”(ở miệt Sơn Tây). Có điều rằng, đây là “châu ”Phúc Lộc chứ không phải “huyện” Phúc Lộc. Mà “Đại Việt sử ký toàn thư” nói Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc. Tuy thế nhưng vìngười ta dễ hiểu huyện Phúc Lộc là ở Sơn Tây mà lâu nay họ cứ yên trí rằng, quê gốc của Phùng Hưng và Ngô Quyền là ở ngoài đó.Sách “Việt Nam sử lược”,Tr.75 viết: “Ngô Quyền là người làng Đường Lâm, cùng một làng với Phùng Hưng ngày trước” (huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây). Ta chú ý thêm đây lại là “huyện Phúc Thọ” chứ không phải huyện Phúc Lộc. Vậy huyện Phúc Lộc mà “Đại Việt sử ký toàn thư” nói là ở đâu?

Hồi đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Mát-xpê-rô (M.H.Maspéro), Giáo sư nội trú của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, trong tác phẩm “An Nam Đô Hộ Phủ đời nhà Đường” (Tr.550), đã thống kê các đơn vị hành chính mà ông cho là tỉnh (département) ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của nước ta thời thuộc Đường như sau:

       “Đồng bằng Bắc Bộ có: Giao, Phong,Trường.
       Đồng bằng Bắc Trung Bộ có: Ái,Hoan, Diễn, Phúc Lộc”.

Cũng trong tác phẩm đó (Tr.551), Mát-xpê-rô giải thích về tên đất Phúc Lộc: “Tỉnh này, các nhà nho Việt Nam cho là ở Sơn Tây vì huyện Phúc Thọ ngày nay cho đến cuối thế kỷ trước (tức thế kỷ XIX) vẫn mang tên là Phúc Lộc”. Thực ra thì (Phúc Lộc thời Đường) là thuộc tỉnh Nghệ An ngày nay(4).

Sách “Lịch sử Nghệ Tĩnh” (Tập 1, Nxb Nghệ Tĩnh 1984, Tr.70) viết: “Năm 679, nhà Đường đặt An Nam Đô Hộ Phủ thống trị nước ta. An Nam Đô hộ Phủ quản 12 châu,59 huyện,ngoài ra còn  41 châu ki mi. Vùng Nghệ Tĩnh lúc đó gồm hai châu là Diễn Châu và Hoan Châu...”

“Hoan Châu gồm 4 huyện: Cửu Đức,Phố Dương,Hoài Hoan, Việt Thường, (vùng ấy) tương đương với miền đất phía nam Nghệ An và bắc Hà Tĩnh cũ. Còn miền Nam và đông Hà Tĩnh cũ thuộc châu cơ mi là châu Phúc Lộc gồm 3 huyện: Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc”.

Có thể trước hay sau đó 3 đơn vị: Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc đã cùng nhập lại thành Phúc Lộc như Mát-xpê-rô đã thống kê. Cho nên, có tài liệu này ,nó góp phần giúp ta củng cố thêm nhận thức rằng, ở vùng đất Hoan Châu hồi thế kỷ VIII, thế kỷ IX đã từng tồn tại hai địa danh là “Đường Lâm”và “Phúc Lộc”.

Khảo sát như vậy, ta sẽ thấy lời chú thích của Bùi Văn Nguyên sau đây trong bài “Thần Sơn Ngô Quảng với phong trào Cần vương và phong trào Đông du in trong Danh Nhân Nghệ Tĩnh” (Tập 2, 1982) là có lý. Ông viết: “Theo gia phả họ Ngô ở Thanh Hóa thì chi trưởng họ Ngô vốn ở tỉnh này. Ông tổ họ Ngô ấy là Ngô Nhật Đại làm nghề cày cấy ở đây. Đến đời cháu có người là Ngô Đình Thực mới thành thổ hào địa phương.Lại đến Ngô Đình Mân hoặc Ngô Mân được bổ làm châu mục châu Đường Lâm (nay là vùng Can Lộc, Thạch Hà của Hà Tĩnh) sinh ra Ngô Quyền ở đây. Cần chú ý rằng, Phùng Hạp Khanh là bố của Phùng Hưng trước đó cũng làm châu mục Đường Lâm (tại đất này) và đã tham gia khởi nghĩa Mai Hắc Đế ở Sa Nam. Về sau, Ngô Quyền về Thanh Hóa hoạt động,lấy con gái Dương Đình Nghệ người tại địa phương ấy. Ngô Quyền lên làm vua rút về hạt Sơn Tây cũ tại làng Đường Lâm (có thể tên làng đặt trùng với tên châu ở miền trong để lưu niệm?) và từ đó có một chi họ ở Hà Tây”.

Theo đó, ta có đủ cơ sở để nói:Thời  gian từ  thế kỷ VIII  đến  thế  kỷ X, có một vùng đất mang tên gọi Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc nằm trong Châu Hoan. Phùng Hưng (766-791) tức vua Bố Cái Đại Vương và Ngô Quyền (899-944) tức vua Ngô Vương Quyền đều lần lượt được ra đời và lớn lên tại đây.

Dưới thời Ngô Vương Quyền, thủ phủ châu Hoan đặt tại vùng Cát Ngạn nay thuộc huyện Thanh Chương. Quan Thứ sử trông coi châu này là Đinh Công Trứ người động Hoa Lư, trấn Sơn Nam. Cùng sống với quan Thứ sử ở đây có phu nhân họ Đàm là vợ thứ của ngài cùng người con trai là Đinh Bộ Lĩnh.

Sách “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim (Nxb Văn hóa, Thông tin Hà Nội, Tr.92) chép: “Đinh Bộ Lĩnh là người động Hoa Lư (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), con ông Đinh Công Trứ làm thứ sử ở Hoan Châu về đời Dương Đình Nghệ và đời Ngô Quyền. Đinh Công Trứ mất sớm,Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở”.

Trương Hữu Quýnh và Nguyễn Đức Nghinh trong “Lịch sử Việt Nam” (TI,Nxb Giáo dục, Hà Nội 1980, Tr.202) cũng viết: “Đinh Bộ Lĩnh là con của Đinh Công Trứ, người động Hoa Lư (Gia Viễn, Hà Nam Ninh) làm thứ sử Hoan Châu thời Dương Đình Nghệ. Khi cha chết, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở Đàm Gia Trang sinh sống”(5).

Thanh Chương hồi đó còn là đất Cổ Độ (chung một đơn vị với huyện Hương Sơn), sau đổi thành Thổ Du rồi Thanh Giang, lại vì tránh húy cho chúa Trịnh Giang nên phải đổi ra tên gọi như ngày nay. Đấy là nơi có cảnh tượng rất hùng vĩ. Sông Lam chảy dọc phía bắc và rất nhiều sông con đổ vào đó. Sau lưng tổng Cát Ngạn liên tiếp những dãy núi cao, có phần biên giới giáp với nước bạn Lào. Phía Tây Bắc tại sách Kệ Trường, xã Tri Lễ kề với phủ Anh Đô có ngọn Kim Nhan. Tác giả “Nghệ An ký” (Sđd,Tr.82)viết núi này: cao không quá một ngàn nhẫn(6) và, lớn chỉ bằng vài xã. Theo tính toán của người xưa,nhẫn bằng 8 thước của thời rất xưa. Chắc nó cũng bằng độ dài của thước ta ở Trung Bộ dưới thời phong kiến là 0,40m, tức núi cao 3.200 mét. Như vậy là cao quá, cho nên cái thước bằng 1/8 của nhẫn kia phải ngắn hơn nhiều. Sự thực thì Kim Nhan chỉ cao khoảng hơn một ngàn thước ta. Thế nhưng đó là một cảnh trí đẹp và nổi tiếng. Tương truyền, khi xưa những người tài giỏi, lúc chết thì tinh anh của họ nhập vào trong  núi này. Nói đến Thanh Chương không thể không kể tới khối núi Thiên Nhẫn(7). Đó cũng do sơn mạch từ Kim Nhan đổ về. Vì khối núi gồm rất nhiều ngọn trông như ngàn con ngựa đang phi nên được gọi là Thiên Nhẫn.

Trực tiếp gắn bó với tuổi thơ của Đinh Bộ Lĩnh là vùng cát Ngạn, nơi đóng lỵ sở của bố. Ở đây sông Giăng có nhiều cá mát, mềm xương và thơm thịt. Cư dân tổng này sống với đất ruộng, núi rừng. Đàn ông ngoài việc lên ngàn đào măng, lấy mộc nhĩ và củ mài, còn giỏi chèo thuyền, bắt cá và săn rượt dã thú; đàn bà thì ngoài chăm đồng, dệt vải họ còn khéo tay hái củi, ngoèo quả. “Cá sông Giăng, măng Chợ Chùa” là câu ngạn ngôn đi đôi với “Trai Cát Ngạn, gái Đò Lường”. Mỗi độ Xuân đến, trai gái trong vùng nô nức mở hội rước cờ lau,rồi con gái thì quăng còn, con trai thi ném đá. Những cánh tay mềm dẻo trong cánh lụa đào của phái yếu cùng vung xa khí cụ,hòa nhịp với các cơ bắp trần trụi của cánh lực điền. Ai ném trúng đích nhiều thì được thưởng. Aithua thì phải cung nạp. Cũng chỉ là những củ,những hạt,những trái cây lấy từ ruộng rẫy của quê nhà,nếu có nhiệt tâm thì thêm vào vài hũ rượu ngang.Nhưng đã là "chiến lợi phẩm" thì phải tươm tất, thịnh soạn. Người thắng chỉ hơn cái phần là được kẻ thua công kênh, còn "quả thực"thì tất cả đều cùng được hưởng.Hội vui phải khỏe, phải say cho bõ những ngày tất tả vì kế sinh nhai để rồi bước vào một năm mới mạnh chân, khỏe tay mà xốc vác công việc gia đình và hương đảng. Không biết khi bắt đầu lớn, trên bãi chăn trâu, Đinh Bộ Lĩnh đã cùng chúng mục đồng rước cờ lau, tập trận giả và được suy tôn làm thủ lĩnh, tiên báo một sự nghiệp đế vương thì có phải là cậu đã làm theo công việc của các anh, các chị ở vùng Cát Ngạn này không.

Chỉ riêng thời đó, quả là xứ Nghệ đã góp phần nuôi lớn các bậc anh hùng từ khi họ còn là những con người của thảo dã.

Chu Trọng Huyến

(1) Những địa danh dùng trong này là tên đất có từ đầu thế kỷ XIX.

(2) Theo Trần Bá Chí, bài Mai Thúc Loan, in trong Danh nhân Nghệ Tĩnh, tập 1, Nxb Nghệ Tĩnh, 1980.

(3) Bản dịch của Nguyễn Thị Thảo. Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, 2004, Tr.49,51.

(4) Tác phẩm này đã được Tập san “Trường Viễn  Đông Bác cổ Pháp”tại Hà Nội (BEFEO) công bố vào năm 1914. Bản dịch chúng tôi dùng ở đây là của nhà nghiên cứu Lê Văn Phước.

(5) Ta có thể dẫn thêm một số sách với lời ghi chép tương tự để có thêm căn cứ:

Lịch triều Hiến chương loại chí (Sđd, T1, Tr.158) ghi: Ônghọ Đinh, tên là Bộ Lĩnh, châu Đại Hoàng [Ninh Bình] là con Đinh Công Trứ làm Thứ sử châu Hoan. Ông sinh ra dáng người tư chất khác thường. Sau khi cha mất, ông còn nhỏ, mẹ đem vào ở động núi.

Việt Nam phong sử củaNguyễn Văn Mại do Tạ Quang Phát dịch, Sài Gòn, 1972, Chương 20, Tr.74) viết:

Theo sách Sử ký, Đinh Tiên Hoàng lúc còn bé, cha là Đinh Công Trứ mất sớm, mẹ họ Đàm dắt ngài về ở nơi Sơn Động.

(6) Nhẫn仞: Một nhẫn bằng  8 thước, đời nhà Chu (Trung Hoa).

(7) Miền núi này giáp giới với 2 huyện: Hương Sơn và Hương Khê của Hà Tĩnh.

Nguồn VHNA: http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/13969-dat-nghe-noi-phat-tich-cua-nhung-tai-nang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm53
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại1,076,757
  • Tổng lượt truy cập55,197,287
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây