Cao Bá Quát - Một kẻ sĩ hành động

Thứ sáu - 14/02/2020 20:50
Sự thất bại của Cao Bá Quát (1809-1855) trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương không chỉ dẫn đến cuộc tàn sát Cao tộc của triều đình nhà Nguyễn mà còn làm liên lụy tới những trước tác của chính bản thân ông.


1.353 thi phẩm và 21 bài văn xuôi còn lại sau bao dâu bể có lẽ chỉ là một phần trong sự nghiệp sáng tác của Cao Bá Quát[1], bởi không có nhiều người dám lưu giữ tác phẩm của một nghịch thần. Tuy nhiên, gần 1.500 tác phẩm ấy vẫn làm nổi bật hình ảnh một kẻ sĩ có ý thức mạnh mẽ về tài năng và phẩm giá cùng sự quyết liệt trong lựa chọn và hành động.

Ý thức mạnh mẽ về tài năng, phẩm giá của bản thân là sợi chỉ xuyên suốt các tác phẩm còn lại của Cao Bá Quát, dù chúng được viết ở giai đoạn nào trong cuộc đời tác giả. Ngay từ khi còn là cậu học trò đang lăn lộn giữa trường văn trận bút, Cao Bá Quát đã bộc lộ hùng tâm tráng chí của một con người tự tin, bản lĩnh. Trên đường vào kinh đô thi Hội, từ Thanh Trì buông thuyền xuôi về phía Nam, khung cảnh tịch mịch của buổi chiều hôm ở miền sông nước không gợi lên mối sầu li hương như vẫn thường thấy trong thơ trung đại mà lại là bối cảnh để chàng sĩ tử tỏ rõ quyết tâm của mình: “Bất kiến ba đào tráng/An tri vạn lý tâm” (Không gặp sóng cả/Làm sao biết được chí hướng muôn dặm - Thanh Trì phiếm chu nam hạ). Dường như vào thời điểm ấy, Cao Bá Quát đã dự cảm về những sóng to gió lớn của cuộc đời phía trước, nhưng thay vì sợ hãi, run sợ, ông lại coi những khó khăn, thách thức đó như một cách để khẳng định bản lĩnh và chí hướng. Tin tưởng mãnh liệt vào bản thân mình, người học trò làng Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay) đã viết những vần thơ thật khác biệt khi qua núi Dục Thúy. Từng được rất nhiều thi nhân đề vịnh với cảm hứng chính là ca ngợi vẻ đẹp non nước hữu tình của thắng cảnh Ninh Bình này, Dục Thúy sơn trong thơ Cao Bá Quát lại chỉ là phông nền để làm nổi bật hình ảnh một con người ngạo nghễ: “Trời đất có núi ấy/Muôn thuở có chùa này/Phong cảnh đã kỳ tuyệt/Lại thêm ta đến đây” (Quá Dục Thúy sơn, Ngô Lập Chi dịch thơ). Nhà thơ cho rằng sự hiện diện của bản thân mình đã làm đẹp thêm khung cảnh tuyệt mĩ mà tự nhiên đã tạo tác từ hàng nghìn năm nay và hào hứng muốn chinh phục đỉnh núi cao ngất kia để cất tiếng hát vang giữa trời, gửi tấm lòng vào mây nước. Trong khi sử dụng motif “đăng sơn” quen thuộc của thơ văn trung đại, Cao Bá Quát vẫn thể hiện dấu ấn cá nhân bằng cái tôi tự tin, hào sảng.

Niềm tin mãnh liệt vào bản thân được tác giả bộc lộ ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Có tài và biết mình có tài, như bất cứ kẻ sĩ nào trong lịch sử, ở xuất phát điểm, Cao Bá Quát cũng khát khao được trọng dụng. Hơn thế, con người ấy còn là nơi để đấng sinh thành gửi gắm ước nguyện còn dang dở[2]. Bởi vậy, trong Nam hành tập - tập thơ bao gồm những sáng tác trong thời gian đi thi Hội, ông nhiều lần nhắc về chữ “danh”, khi thì dưới hình thức nghi vấn nhưng kì thực để khẳng định: “Nhập thế hữu văn chương/Đào danh hà sở mộ?” (Có văn chương để vào đời/Trốn danh thì còn ham muốn gì? - Phó Nam cung, xuất giao môn, biệt chư đệ tử), khi thì tự động viên: “Công danh nhất lộ kỉ nhân nhàn/Quan cái phân phân ngã hành hĩ” (Trên đường công danh, có mấy ai nhàn/Mũ lọng nhộn nhịp, ta cũng đi đây - Hoành Sơn vọng hải ca). Cũng vì khát vọng công danh ấy mà con người vốn rất tự phụ về tài năng của bản thân thấy chua xót vì “bạn cũ quá nửa đã thành công” (Bộ trung thính hậu sổ nhật tác), rồi tự trách mình lầm lỗi nên thi cử mới lận đận: “Minh thế vô khí tài/Sơ chuyết tự chiêu thắc” (Đời thịnh đâu có bỏ phí tài năng/Chỉ vì mình lơ đãng, vụng về, tự rước lấy lỗi - Đắc gia thư, thị nhật tác) và thực tâm muốn sửa chữa: “Bế các hữu hoài thâm bổ quá” (Đóng cửa, có lòng mong sửa lỗi - Đình thí hậu trình chư hữu), “Tuần tỉnh mĩ bất khắc” (Xét mình đã sửa hết mọi lỗi lầm - Đắc gia thư, thị nhật tác). Tuy nhiên, cũng chính Nam hành tập lại tồn tại cả những tiếng nói khác, những chất vấn khác về con đường mà ông đã lựa chọn. Hơn một lần, Cao Bá Quát dùng chữ “ngộ” (nhầm), “thác” (sai lầm), “phù danh” (danh hão) để nói về ước vọng thanh vân cử bộ của mình: “Ức ngã tích niên du/Dĩ vi phù danh ngộ” (Nhớ những chuyến đi trước kia của ta/Đã bị nhầm vì cái danh hão - Phó Nam cung, xuất giao môn, biệt chư đệ tử), “Hiến phú sa đà thập tải công/Nhân sự hồi đầu đa thác ngã” (Mười năm công sức mải miết dành cho văn chương khoa cử/ Ngoảnh lại, việc đời phần nhiều làm ta lầm - Bộ trung thính hậu sổ nhật tác), “Dư sinh phù danh ngộ/Thập niên trệ văn mặc” (Đời ta lầm lỡ vì danh hờ/Mười năm chìm đắm nơi bút mực - Đắc gia thư, thị nhật tác). Không háo hức nhập thế như Nguyễn Công Trứ, cũng không điềm tĩnh như Lý Văn Phức, dù cả ba đều đỗ đạt muộn, Cao Bá Quát ngay trên đường vào kinh đô thi Hội đã bộc lộ nỗi chán chường: “Gian nan nhất đệ hậu/Tiều tụy vô nhan sắc” (Sau bao khó khăn mới thi đỗ/Tiều tụy không còn ra hồn người - Đắc gia thư, thị nhật tác) và bắt đầu hoài nghi về lý tưởng đã theo đuổi: “Thiếu niên tật tẩu chung hà sự/Úy lộ man man trước lữ hoài” (Tuổi trẻ chạy vạy, biết rồi có nên việc gì không?/Con đường ghê sợ còn dài, cứ vương vít trong lòng người lữ khách - Lạc Sơn lữ trung). Sự mệt mỏi, bế tắc của một kẻ sĩ đang nghi ngờ chính lựa chọn của mình thể hiện trong Sa hành đoản ca - bài thơ mô tả một khách bộ hành rơi vào đường cùng khi bị lún chân xuống bãi cát, cứ bước thêm một bước lại như lùi về phía sau nên mãi mãi không tới được đích - đã phản ánh bi kịch tinh thần của Cao Bá Quát ngay từ lúc chưa dấn thân vào quan trường. Bi kịch ấy càng thêm nhức nhối khi ông đã nếm trải thăng trầm của việc làm quan. Chịu những trận đòn roi “mười phần chết chín” trong nhà ngục sau khi chữa bài thi phạm húy cho các thí sinh, Cao Bá Quát nghĩ đến tấm gương Dương Tu bị Tào Tháo giết vì hiểu được tính toán của chủ tướng qua câu khẩu lệnh “gân gà” mà lo sợ cho số phận mỏng manh của kẻ bề tôi phụng sự hoàng đế (Thập nguyệt thập thất nhật, thừa Lễ bộ nghiêm tấn hậu, cưỡng bệnh mạn chí tứ thủ I). Trong những vần thơ tưởng như một sự thức ngộ về kỹ thuật làm quan, người đọc lại bắt gặp nỗi chua chát của một con người tài năng bị đày ải vì muốn cứu vớt những con người tài năng khác: “Hồi tư đãi sĩ chủ ân khoan […] Nghĩ hướng bình nhân thoại tâm sự/Đê thanh trường khủng ngỗ thiên khan” (Nghĩ lại ơn vua đãi kẻ sĩ thật rộng […] Muốn đến tâm sự với mọi người/Nhưng phải nói khẽ, sợ trái ý trời thì bị trời ghét - Thập nguyệt thập thất nhật, thừa Lễ bộ nghiêm tấn hậu, cưỡng bệnh mạn chí tứ thủ II). Chữ “danh” lại được Cao Bá Quát nhắc đến, nhưng với sự ân hận: “Dư sinh cơ bạn chỉ vi danh” (Đời ta gặp nạn chỉ vì danh - Ký hận II), “Nhập thế công danh hồn trụy tắng/Truyền gia thư sử mạn đồ long” (Công danh vào đời lấm bẩn tựa cái chõ vỡ/Sử sách gia truyền hão huyền như nghề mổ rồng - Bệnh trung, hữu hữu nhân chiêu ẩm, tịch thượng tác). Khi rơi vào cảnh ngộ ấy, một kẻ sĩ nhiều tham vọng như ông không tránh khỏi những xúc cảm tiêu cực: “Cưỡng liên tâm lực tại/Cơ ngọa bất câm sầu” (Bực bội vì tâm lực vẫn còn/Mà bị giam cầm nằm một chỗ buồn không chịu nổi - Độc dạ cảm hoài). Sa cơ lỡ vận, ông càng thêm thấm thía cái nóng lạnh của thói đời, của tình người: “Cấp lôi bôn điện nhất thân cô/Thức hữu kinh khan bất cảm hô” (Sấm gầm chớp giật trơ trọi một thân/ Bạn quen trông thấy, sợ không dám gọi - Thập nguyệt thập thất nhật, thừa Lễ bộ nghiêm tấn hậu, cưỡng bệnh mạn chí tứ thủ), “Túy úy túng nhiên sân Lý lão/Cùng nô do tự ái Tiêu lang” (Tuy có viên úy say rượu trừng mắt với ông tướng già họ Lý/ Vẫn có người đày tớ nghèo còn quyến luyến chàng họ Tiêu - Ấm sở cảm sự, túng bút ngẫu thư). Ông viết hai bài thơ để ký thác niềm oán hận trong lòng (Ký hận I, II), tự gọi mình là “một anh đồ hủ, thân tàn mà chưa chết/Cố gượng mang bộ xương mỏi mòn còn phải nhờ người nâng hộ” (Bệnh trung), là “tấm thân mọn còn được sống thừa” (Chính nguyệt nhị thập nhất di tống Thừa Thiên ngục tỏa cấm), là“tội phế” (kẻ có tội bị bỏ rơi - Chính nguyệt nhị thập nhất di tống Thừa Thiên ngục tỏa cấm), “ba thần” (kẻ bề tôi trong sóng cả - Phạm Kinh doãn nhục quý hải vật, bệnh vị đáp bái, hốt trị phong vũ, cảm sự thư hoài nhân giản Phạm công kiêm trí bỉ ý), “trục khách” (khách bị trục), “phối quân” (người lính bị đi đày - Lưu viên du nguyệt, văn đắc tái phát Đà Nẵng, thị dạ đồng Vũ Hoài Phủ thống ẩm), ví mình như Khuất Nguyên xưa không được bề trên đánh giá đúng (Chính nguyệt nhị thập nhất di tống Thừa Thiên ngục tỏa cấm). Không phải ông không nhận ra những thiếu sót cần sửa chữa nếu muốn hanh thông hơn trên hoạn lộ: “Duyệt thế phương tri kiệm tiếu tần” (Trải đời mới biết phải dè sẻn tiếng cười và cái chau mày - Tặng Di Xuân), “Tứ hải tri giao vô ngã chuyết” (Bạn bè bốn bể không ai vụng về như ta - Bạc xuân giản Nguyễn Chính Tự), nhưng ý thức mạnh mẽ về tài năng và phẩm giá của bản thân khiến Cao Bá Quát kiên quyết làm một “tiên bướng” (Cửu nhật chiêu khách), “một chiếc nón nghênh ngang giữa trần thế […] có lẽ đâu chui đầu vào mái nhà thấp, cúi ngửa theo ý người khác” (Đông Vũ ngâm), “bước tới đường danh chẳng cúi đầu” (Trường giang thiên III, Nguyễn Văn Tú dịch thơ). Ông không hề hối hận mà tin rằng mình đã hành động đúng đắn. Niềm tin tưởng ấy bộc lộ rõ nhất trong những bài thơ vịnh cái gông và vịnh chiếc roi mây (Trường giang thiên, Đằng tiên ca) khi ông còn bị giam giữ ở nhà lao. Hai biểu tượng của chốn ngục tù đã thực thi đúng chức năng của chúng - khiến tù nhân cảm thấy sự đọa đày khủng khiếp của cảnh sống không bằng chết: “Nhậm giao thùy thị, nhậm thùy phi/Tổng dữ nhân gian quản nhục ki” (Dù ai phải, dù ai trái cũng mặc/Đây chỉ là cái máy làm nhục người đời mà thôi - Trường giang thiên), “Điện hỏa thiểm thiểm giao phi tường/Hân như song giao bác hoại đường/Bãi như lãnh thủy quán cấp thang” (Roi quất nhoang nhoáng bay đi liệng lại như ánh chớp/Lúc giơ lên như hai con thuồng luồng quật vào bờ ao lở/Lúc ngừng như nước lạnh đổ vào nồi nước sôi - Đằng tiên ca). Tuy nhiên, chính hoàn cảnh nghiệt ngã đó lại cho thấy nghị lực phi thường của Cao Bá Quát. Những thi liệu truyền thống được viện dẫn để nhấn mạnh khí phách quật cường và sức sống mãnh liệt của một kẻ sĩ dù đã trải qua cơn thập tử nhất sinh vẫn không mất niềm tin vào bản thân mình: “Trên có cây tùng cây bách đương chết dở/Giữa trời đông rét mướt mà vẫn đứng hiên ngang/Nếu có thợ giỏi biết đến/Thì xá chi những loài bồ kết chướng não tầm thường” (Đằng tiên ca, Xuân Trang dịch thơ). Gông cùm giàng giữ, trói buộc thân xác của tội nhân bỗng biến thành phương tiện để chính người tù ấy khẳng định mình hoàn toàn trong sạch vì đã làm việc thiện: “Tiện đương tế chúc song hàng lệ/Minh trước Nghiêu Phu Thiện sự ngâm” (Tiện đây, chẻ ra để viết lên đó mấy dòng/Viết bài Thiện sự ngâm của Nghiêu Phu - Trường giang thiên II), trở thành công cụ, dù là trong tư tưởng, giải thoát người tù khỏi chốn lưu đày: “Hà đương giá tác vân thê khứ/Nhất tiếu thừa phong ẩn xấn hưu” (Ước gì đem gông này bắc làm cái thang mây/Cười xòa một tiếng, cưỡi gió mà lên cho rảnh! - Trường giang thiên III). Vượt lên trên tất cả, con người giàu nghị lực ấy vẫn tự động viên: “Quốc ân gia trạch vị thiểu thường/Dũng phu na tử hàn mặc trường” (Ơn nhà nợ nước chưa chút đền đáp/Là người dũng cảm, đâu chịu chết ở nơi văn tự! - Đằng tiên ca) bởi ông kiên trì với quan niệm của nhà nho bao đời: “Đào chân tri hữu tại” (Tạo vật nặn ra mình hẳn có ý - Tội định) mà tin rằng tài năng của mình vẫn sẽ được trọng dụng: “Thạch Cừ tu tuyển Hán văn chương” (Gác Thạch Cừ vẫn cần tuyển đến văn chương nhà Hán - Ấm sở cảm sự, túng bút ngẫu thư). Sự tự tin đó khiến Mẫn Hiên tiên sinh không chấp nhận khép áo lui chân như bao kẻ sĩ khi bất đắc chí, dù lối hành xử này đã từng được ông suy tính đến: “Cố nhân nỗ lực sự công danh/ Tản nhân quy khứ ngọa giang thành” (Cố nhân đều nỗ lực vì danh/Còn kẻ nhàn tản quay về nằm khểnh ở thành ven sông - Đông Tác tuần phủ tịch thượng ẩm). Thậm chí, ông còn chất vấn Nguyễn Công Trứ - người mà ông cực kì kính trọng và đề cao như một anh hùng[3], cũng là người luôn dốc lòng phò tá triều đình dù nhiều lần bị giáng chức, thậm chí bị cách làm lính thú - khi vị lão quan muốn về nghỉ ở tuổi bảy mươi: “Văn đạo Hồng phong dục hồi thủ/Khởi ưng lục thập cửu niên phi?” (Nghe nói người muốn quay về ngọn núi Hồng/ Có lẽ nào sáu mươi chín năm qua đều là sai cả? - Phụng họa Kinh doãn Nguyễn công thất thập thọ, thứ vận). Câu hỏi đầy ẩn ý đó cho thấy dường như ông đãcân nhắc về một lựa chọn khác với hai ngả đường tiến thoái truyền thống để có thể vừa sống thành thực với bản tâm vừa thỏa mãn chí hướng của mình. Ngay từ khi còn trong ngục, ông đã khẳng định một cách khí khái: “Giảo thố năng tam quật/Tiêu liêu khởi nhất chi?” (Con thỏ tinh ranh còn biết đào ba cái hang/Chim chích làm tổ trong rừng đâu phải chỉ có một cành? - Tội định). Những tính toán về một nơi trú ngụ khác, hay chính là một minh chủ khác, của Cao Bá Quát ở thời điểm này và lựa chọn sau đó của ông - li khai khỏi triều đình nhà Nguyễn và tham gia khởi nghĩa Mỹ Lương - đã định vị Cao Bá Quát như một hiện thân khác của mẫu hình kẻ sĩ hành động, bên cạnh những Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Hữu Cầu… của thế kỷ XVII - XVIII. Tự do trong cả tư duy lẫn hành động chính trị, vượt thoát ra ngoài ràng buộc của những tiêu chí thông thường, chấp nhận trước bạ cuộc đời mình vào một trò chơi chính trị lớn mà trên thực tế, ông đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình và cả gia tộc, Cao Bá Quát là đại diện tiêu biểu cho những kẻ sĩ tài năng, tự tin, bản lĩnh ôm khát vọng “giương tay Tạo rắp xoay cơn khí số” (Tài tử đa cùng phú) trong lịch sử Việt Nam.

Những tâm sự của Cao Bá Quát, nếu nhìn qua, dễ có cảm giác là mâu thuẫn với nhau, chẳng hạn thái độ nhập thế tích cực cùng khát vọng lập công danh, được trọng dụng ở một số bài thơ trong Nam hành tập thật khác biệt với nỗi mệt mỏi, chán chường khi mộng khoa danh đã trở thành hiện thực, và càng đối lập với những thôi thúc trong tâm tưởng về việc li khai khỏi triều đình ở những trước tác lúc cuối đời. Tuy nhiên, những suy nghĩ tưởng chừng mâu thuẫn ấy lại phản ánh quá trình chuyển biến về nhận thức của một kẻ sĩ trong bối cảnh đặc biệt: trong khi nhà Nguyễn đang nỗ lực khẳng định vương quyền, thể hiện qua những cuộc đánh dẹp để mở rộng lãnh thổ cùng một loạt thay đổi về bộ máy hành chính, khoa cử, thuế khóa, lao dịch, pháp luật…, thì chính những thay đổi theo chiều hướng khắt khe hơn lại là nguyên nhân dẫn đến các cuộc bạo loạn, nổi dậy để phản kháng của dân chúng, đe dọa sự tồn tại của triều đình. Đó cũng là nền tảng cho sự xuất hiện của cảm hứng thương thân, xót thân, ý thức khẳng định cá nhân trong văn học đương thời, mà Cao Bá Quát là đại diện tiêu biểu cho những trào lưu ấy.

Mai Thu Huyền
ThS., Viện Văn học

[1]Theo số liệu của Vũ Khiêu, “Cao Bá Quát - ‘Tinh thần phản kháng vẫn còn sáng soi’”, Thơ văn Cao Bá Quát, Vũ Khiêu - Nguyễn Hữu Sơn - Nguyễn Tiến Thịnh - Nguyễn Phương Thảo tuyển dịch, Nxb Hà Nội, H., 2010, tr.22. Mọi trích dẫn về văn bản thơ của Cao Bá Quát trong phần viết này đều lấy từ công trình trên.

[2]Thân phụ Cao Bá Quát là một nhà nho không đỗ đạt. Ông chọn tên của hai hiền sĩ đời Chu để đặt cho hai người con trai song sinh của mình là Bá Đạt và Bá Quát. Biểu tự “Chu Thần” (bề tôi nhà Chu) của Cao Bá Quát cũng cho thấy bậc trưởng bối kỳ vọng rằng Cao Bá Quát sẽ đỗ đạt và trở thành một bề tôi lương đống của triều đình.

[3]“Tự cổ anh hùng ngộ thường dị/Tức kim xỉ đức kiến chân hi” - Sự gặp gỡ các bậc anh hùng từ xưa vẫn khác thường/Những người tuổi cao đức cả [như tiên sinh] ngày nay thật hiếm (Phụng họa Kinh doãn Nguyễn công thất thập thọ, thứ vận).


Nguồn VHNA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
Nhà báo
TÂM SÁNG - BÚT NGAY
 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
MỜI QUẢNG CÁO
QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập74
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm69
  • Hôm nay9,809
  • Tháng hiện tại777,735
  • Tổng lượt truy cập49,070,993
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây