“MỒ CHẲNG CHỐI, NÓI DỐI CHO MỒ”
admin100
2020-01-15T20:22:00-05:00
2020-01-15T20:22:00-05:00
http://nguyenduyxuan.net/kho-tri-thuc/mo-chang-choi-noi-doi-cho-mo-7843.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/source/thanh-ngu.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ tư - 15/01/2020 20:22
“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TP, HCM-2010) đưa ra dị bản: “Mồ chẳng DỐI, nói dối cho mồ: Mồ vốn chẳng biết nói dối (nên đám thầy địa lý rởm) mới có cơ nói dối thay cho các nấm mồ. Hay dùng để nhắc mọi người chớ có vội tin lời của đám thầy địa lý rởm (vì đó chỉ là những lời nói dối để moi tiền)”.
Theo chúng tôi, cách diễn giải nghĩa đen của Nguyễn Đức Dương không có cơ sở thực tế. Giải thích “Mồ vốn chẳng biết nói dối (nên đám thầy địa lý rởm) mới có cơ nói dối thay cho các nấm mồ” nghĩa là sao? Phải chăng ý soạn giả là mồ chỉ biết nói thật, chứ không biết “nói dối”, nên thầy địa lý “mới có cơ nói dối thay cho các nấm mồ”? Nhưng “mồ” (ngôi mộ chôn người chết) làm gì biết nói năng, mà bàn đến chuyện nói thật hay nói “dối”? Tác giả nhầm lẫn, hoặc bị ảnh hưởng bởi câu: “Hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”?
Tất cả các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay, không có cuốn nào thu thập và giải nghĩa câu tục ngữ mà "Từ điển tục ngữ Việt" đã thu thập. Tuy nhiên, vùng Quảng Xương - Thanh Hoá có tồn tại dị bản “Mồ chẳng CHỐI, nói dối cho mồ”. Theo đây, có thể Nguyễn Đức Dương đã lầm lẫn “CHỐI” thành “DỐI”. “Mồ” ở đây ám chỉ người đã chết. “Chối” có nghĩa là “cãi”:
-“Đại Nam Quấc âm tự vị” giảng: “CHỐI: cãi đi, không chịu”.
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “chối • (B) Cãi, không nhận những điều người ta gán cho mình: Cãi-chối”.
Theo đó, “Mồ chẳng chối, nói dối cho mồ”, ám chỉ những chuyện liên quan đến người đã khuất, chỉ được kể lại, hoặc luận tội, phán xét, sau khi người đó đã chết thì không có giá trị, không đáng tin, nhưng để bác bỏ những lời nói ấy thì cũng rất khó, bởi người ta đâu có thể hỏi người đã chết xem thực hư vấn đề ra sao.
Về nghĩa bóng, câu tục ngữ đang xét cũng có thể vận dụng vào trường hợp như Nguyễn Đức Dương đưa ra ví dụ (dù rằng không thể hiểu theo cách lý giải nghĩa đen của soạn giả). Nghĩa là thầy địa lý, thầy bói thường phán nhà nọ nhà kia động mồ, động mả, hay có bà cô, ông mãnh nào đó quấy quả, phải làm lễ lạt, cúng bái. Nhưng biết đâu “Mồ chẳng chối, nói dối cho mồ”?
Rộng hơn, câu tục ngữ ám chỉ tất cả những lời nói khó kiểm chứng, không ai có thể xác nhận đúng sai. Người đã chết chẳng thể nói năng, không “chối”, không “cãi” lại được, nên muốn phán gì, cáo buộc thế nào chả được!
Hoàng Tuấn Công
Nguồn https://tuancongthuphong.blogspot.com/