
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại Trung Quốc, tháng 01-1950. Ảnh tư liệu
Mùa Xuân năm 1950, sau 5 năm chiến đấu và đứng vững trong vòng vây của kẻ thù, cách mạng Việt Nam đã giành được một thắng lợi vô cùng quan trọng. Đó là việc Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Góp phần quyết định vào thắng lợi đó, là chuyến công du bí mật sang Trung Quốc và Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
So với nhiều “mùa xuân Bác Hồ” thì Xuân Canh Dần 1950 là một trong những mùa xuân đặc biệt, vì mùa xuân này gắn với một sự kiện ngoại giao rất đặc biệt của Hồ Chí Minh.
Chúng ta đều biết, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do sự phản bội của thực dân Pháp sau sự kiện Hiệp định sơ bộ 6-3 và tạm ước 14-9, từ ngày 19-12-1946, nhân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong điều kiện không cân sức. Cho đến cuối năm 1949, sau 4 năm cách mạng nước ta thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn chưa được một nước nào chính thức công nhận. Một nhiệm vụ nặng nề đặt ra là chúng ta phải mở rộng mặt trận ngoại giao, làm cho các nước trên thế giới hiểu rõ Việt Nam, công nhận về pháp lý nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tuổi 60 vẫn đảm nhận một chuyến công cán ngoại giao sang các nước bạn Trung Quốc và Liên Xô.
Đây là một chuyến ngoại giao bí mật. Chỉ một số đồng chí trong Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ta được biết. Việc tiễn đưa cũng không tổ chức công khai đề phòng kẻ địch đang ngày đêm lùng sục bộ não của tổ chức kháng chiến. Việc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Liên Xô cũng bí mật.
Đầu tháng 01-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn công tác lên đường sang Trung Quốc. Để giữ bí mật, Hồ Chí Minh luôn dùng một chiếc khăn che kín bộ râu của mình. Về danh nghĩa, đây là phái đoàn của Trung ương Đảng ta sang thăm Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại đây, phái đoàn đã được Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc nồng nhiệt đón tiếp. Cuộc viếng thăm ở Trung Quốc kéo dài đến khoảng giữa tháng 2-1950. Đó là cuộc ngoại giao thành công. Hai đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định công nhận lẫn nhau. Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngay sau khi kết thúc cuộc viếng thăm Trung Quốc thành công, theo kế hoạch đã định, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chuyến công tác sang Liên Xô. Người đã cùng với Thủ tướng Chu Lai Ân đi tàu hỏa sang Liên Xô. Chuyến đi này cũng hoàn toàn bí mật. Đường dây nóng chỉ được báo cho phía Liên Xô biết trước vài giờ sau khi tàu xuất phát.
Khoảng giữa tháng 2-1950, giáp Tết âm lịch Canh Dần, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chu Lai Ân được đón tiếp bí mật nhưng rất thân tình ở Mátxơcơva. Trong thời gian ở thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và hội đàm với những nhà lãnh đạo Xôviết. N.X Khơrútsốp, sau này là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, đã kể về ấn tượng lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như ông Hồ Chí Minh. Những người có đầu óc tín ngưỡng thường hay nói đến các vị thánh. Đúng vậy, với cách sống và uy tín của ông đối với đồng bào trong nước, Hồ Chí Minh đúng là có thể so sánh với “các vị thánh đó”, một vị thánh của cách mạng. Trong cách nhìn của ông, tôi không bao giờ quên cái ánh sáng trong lành và chân thành đó. Sự chân thành đó là sự chân thành của một người cộng sản kiên định, và sự trong sáng đó là sự trong sáng của một người hoàn toàn hy sinh cho sự nghiệp trong nguyên tắc cũng như trong hành động”.
Tại Mátxơcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư chúc mừng năm mới gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp Tết Canh Dần, đăng báo Sự thật, số 128:
“Kính chúc đồng bào năm mới,
Mọi người càng thêm phấn khởi,
Toàn dân xung phong thi đua,
Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới,
Chuyển sang tổng phản công,
Kháng chiến nhất định thắng lợi”[i]
Cũng như Thư chúc mừng năm mới Tết Dương lịch, Thư chúc mừng năm mới Tết Canh Dần của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang không khí và sức sống của mùa xuân, của năm mới, làm cho nhân dân thêm phấn khởi. Thư chúc mừng năm mới Tết Canh Dần năm 1950 của Hồ Chí Minh chứa đựng tinh thần Thi đua ái quốc của một giai đoạn mới, giai đoạn tổng phản công, với một niềm tin chắc chắn nhất định thắng lợi.
Tết xuân Canh Dần năm 1950 của Bác Hồ tuy ở nước ngoài, làm việc bí mật, nhưng đây là một trong ít mùa xuân mà Người và cách mạng Việt Nam gặt hái được nhiều hoa thơm, quả ngọt. Liên Xô tuyên bố công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó gửi thuốc sốt rét sang cho nhân dân Việt Nam. Sau Trung Quốc và Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa khác lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Địa vị và uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nâng lên tầm quốc tế. Đây là một trong những nhân tố làm nên sức mạnh để cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam có điều kiện nhanh chóng đi tới thắng lợi cuối cùng.
Việc Trung Quốc và Liên Xô viện trợ cho Việt Nam là sự ủng hộ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta đẩy cuộc kháng chiến lên giai đoạn phát triển mới, mà trước hết là thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950.Trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, chiến thắng Biên giới có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới chính là sự phá vây trên thực tế, là cộng hưởng kết quả của những nỗ lực ngoại giao mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên trì tiến hành từ đầu cuộc chiến. Từ đây, Việt Nam đã có đủ điều kiện để tiếp nhận một cách thuận lợi sự giúp đỡ cần thiết về mọi mặt, đặc biệt là những hàng hóa có ý nghĩa chiến lược về quân sự và kinh tế của Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ cho cuộc kháng chiến. Từ đó, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang, đồng thời góp phần thúc đẩy nền kinh tế kháng chiến và củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của cuộc kháng chiến với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975. Như vậy, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, ngoại giao đã thực sự trở thành một mặt trận, sát cánh cùng các mặt trận quân sự và chính trị tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn. Hiệp định Giơnevơ 1954 và Hiệp định Paris 1973 đã trở thành những dấu ấn lịch sử của nền ngoại giao cách mạng, hiện thực hóa chủ trương giành thắng lợi từng bước, tiến đến giành thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước.
Có thể khẳng định rằng, chuyến công du không chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mùa Xuân 70năm trước đã làm cho Liên Xô và Trung Quốc hiểu rõ hơn bản chất của cách mạng Việt Nam và sự uyển chuyển ở chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương trong tiến trình cách mạng, mà cụ thể là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ Việt Bắc qua Bắc Kinh đến Mátxcơva và ngược lại, bằng tài ngoại giao xuất chúng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho hai nước dân chủ lớn nhất là Liên Xô và Trung Quốc đồng ý viện trợ, thiết lập mối quan hệ tay ba Việt - Xô - Trung mang tầm chiến lược, có ảnh hưởng to lớn đến cách mạng Việt Nam sau này. Đồng thời, giúpnhân dân Pháp và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam với một phong trào ủng hộ Việt Nam kháng chiếnngày càng lan rộng, đưa nước ta lên một vị thế mới trên trường quốc tế, ngang hàng trong "đại gia đình dân chủ thế giới".
Chuyến công du sang Trung Quốc và Liên Xô đầu năm 1950 của Người dù không chính thức, nhưng thể hiện việc lựa chọn phương án ngoại giao phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Hiệu quả của chuyến đi không chỉ đạt được về mặt vật chất mà còn đưa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đó chính là một nghệ thuật trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Qua sự kiện này, chúng ta càng thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thay thế của Nhà ngoại giao kiệt xuất Hồ Chí Minh vào những thời điểm có tính chất bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.Một chuyến công du mùa Xuân - Chuyến công du nâng tầm đất nước.
Đã 70 năm kể từ chuyến công du mùa Xuân Canh Dần 1950 và đã hơn 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa và dân tộc ta thực hiện Di chúc của Người, Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam cho ngoại giao Việt Nam. Đối với các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn là người Thầy lớn, một thiên tài ngoại giao đã xây dựng một phong cách ngoại giao Việt Nam. Những tư tưởng, phương châm kinh điển mà Người chỉ ra như “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, ngoại giao tâm công, “Ngũ tri” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến) là bài học vô cùng quý giá cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta, nhất là những cán bộ làm công tác đối ngoại.
Trong thời bình, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Ngoại giao 28 (2013), “Ngoại giao đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước”. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển đã tỏ rõ tính đúng đắn, phục vụ hiệu quả các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Nhờ đó, từ chỗ bị bao vây cô lập, đến nay Việt Nam đã tạo dựng được môi trường đối ngoại thuận lợi. Chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEAN và trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế khác ngày càng được coi trọng. Việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu) và đảm nhận thành công rất nhiều trọng trách đa phương như chủ nhà APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, tổ chức tốt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai (2019) đã khẳng định tầm vóc và vị thế mới của đất nước. Có thể nói, ngoại giao Việt Nam đã thực hiện tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minhvề mục đích của ngoại giao: “nâng cao địa vị của mình trên trường quốc tế”[ii].
Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động nhanh chóng và sâu sắc. Nhiều nước lớn và các đối tác chủ chốt của ta đã và đang có những điều chỉnh chính sách quan trọng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang mang lại cả những cơ hội và thách thức đối với đất nước. Do đó, đổi mới tư duy và nâng cao khả năng thích ứng là yêu cầu cấp thiết đối với ngoại giao Việt Nam trong tình hình mới nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để định vị đất nước một cách có lợi nhất trong cục diện mới đang định hình.
Thời gian tới, đi đôi với việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, chúng ta tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, làm sâu sắc quan hệ với các nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó là những phương hướng, nhiệm vụ lớn của ngoại giao Việt Nam. Trong đó, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đảm nhận tốt các trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là những trọng tâm toàn ngành đang khẩn trương chuẩn bị với quyết tâm và trách nhiệm cao. Đồng thời, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục sát cánh cùng các ngành, kiên định bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; kịp thời bảo hộ lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam trên thế giới; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hướng về quê hương; nỗ lực quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, năng động, yêu chuộng hòa bình; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tiến trình mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.
Dưới ánh sáng của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã chọn, 75 năm qua, ngành ngoại giao Việt Nam đã từng bước trưởng thành và đạt nhiều thành tựu to lớn mang tính lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời phát huy được những giá trị mới trong thời đại Hồ Chí Minh.
[i]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.318.
[ii]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.421.
Đặng Công Thành
Nguồn VHNA