-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào): “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên mây [Chớ khua tổ kiến trên cây, chớ đánh cáo cầy ngoài nội]. Không nên đánh kẻ thù khi chúng đang ở thế thuận lợi”.
-“Kho tàng tục ngữ người Việt” (Nguyễn Xuân Kính-Nguyễn Thuý Loan- Phan Lan Hương-Nguyễn Luân): “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên chín tầng mây”; “Chớ đánh rắn ở trong hang” (Văn hoá truyền thống Liễu Đôi). Chớ làm việc nguy hiểm, viển vông, bất lợi”; “Chớ khua tổ kiến trên cây, chớ đánh cáo cầy ngoài nội: Chớ làm những việc dại dột, không kết quả có khi lại luỵ đến mình”.
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Chớ chọc tổ kiến trên cây; chớ trêu cáo cầy ngoài nội. Chớ trêu chọc lũ kiến đang ở yên trên cây cũng như lũ cáo cầy đang sống yên lành ngoài nội (để khỏi bị những giống vật ấy nổi giận và quay lại làm hại). Hay dùng để nhắc mọi người chớ có làm kinh động những ai đang sống yên lành (mà dễ bị họ nổi giận và quay lại gây hại)”.
Rắn hổ mang
Mới đọc qua, có vẻ như cách giải thích của các nhà biên soạn từ điển không có gì cần phải bàn thêm. Nhưng suy cho kĩ sẽ thấy có vài điều chưa ổn.
Xét nghĩa đen, “rắn” có thể cắn chết người; “kiến” đốt người; “cáo cày”, “đại bàng” săn bắt gia cầm, vật nuôi của người. Tuy nhiên, tất cả chúng đều nhỏ bé và yếu thế trước sức mạnh của con người. Mặt khác, dân gian cho thấy những con vật này đều đang sống trong lãnh địa của chúng: “rắn trong hang” (vô hại), “tổ kiến trên cây” (không đụng chạm gì đến con người), “cáo cày ngoài nội” (cách biệt xóm làng), “đại bàng trên núi”, “đại bàng trên mây”, thậm chí là “đại bàng trên chín tầng mây” (hẻo lánh, quá xa cách). Nghĩa là chúng không hề xâm phạm lãnh địa, hay gây nguy hiểm, làm hại gì đến con người.
Nếu cho rằng “chúng đang ở thế thuận lợi” (như cách giải thích của từ điển Nhóm Vũ Dung), thì có lẽ phải hiểu ngược lại mới đúng. Vì “rắn trong hang” ở thế bị động, dễ bị tiêu diệt; “tổ kiến trên cây” dễ diệt gọn tận gốc; còn “cáo cày ngoài nội”, “đại bàng trên chín tầng mây”, thì sự thuận lợi của chúng có chăng chỉ là dễ dàng thoát khỏi sự tìm diệt của con người mà thôi. Điều đáng chú ý là dân gian dùng từ “đánh”, “khua”, “chọc” “trêu”, chứ không phải “bắt” (săn bắt). Theo đó, con người có thể săn bắt những đối tượng ấy để lấy thịt, hoặc đánh giết khi bị chúng tấn công, gây hại, nhưng bỗng dưng đi lùng bắt, giết chúng thì không nên.
Như vậy, về nghĩa đen, câu tục ngữ “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên núi” [dị bản “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên chín tầng mây”; “Chớ chọc tổ kiến trên cây, chớ trêu cáo cầy ngoài nội”…] cho chúng ta thấy một quan điểm ứng xử với thế giới tự nhiên của dân gian: không phá hại, xâm hại môi trường sống của muông thú khi mà chúng không hề gây hại gì cho con người, tránh những rắc rối không đáng có; nghĩa bóng: trong các mối quan hệ xã hội, nếu người khác không đụng chạm, xâm hại đến quyền lợi của mình, thì mình cũng không nên “chuốc dữ mua hờn”, làm những việc không đâu.
Hoàng Tuấn Công
http://tuancongthuphong.blogspot.com/2019/11/vi-sao-cho-anh-ran-trong-hang.html#more