LÊN SA PA GIỮA NGÀY HÈ - Trần Quang Liên-Văn nghệ Xứ Đoài

Chủ nhật - 17/07/2011 05:34
LÊN SA PA GIỮA NGÀY HÈ - Trần Quang Liên-Văn nghệ Xứ Đoài

Cuối tháng sáu, nóng đến điểm đỉnh. Anh em văn nghệ chúng tôi rủ nhau lên xứ sương mù tìm không gian trong lành mát mẻ : khu nghỉ mát Sa Pa.

Xe theo quốc lộ 2 tròng trành, len lỏi qua các cánh rừng bạt ngàn của tỉnh Yên Bái rồi tới Lao Cai, bắt đầu leo dốc vào thị trấn Sa Pa. Càng lên cao, sương và mây càng dày, mới bốn giờ chiều mà xe đã phải bật đèn. Nhiệt độ hạ dần. Khí lạnh qua cửa, luồn vào xe nhẹ nhõm và êm dịu. Sau một giờ đã thấy ánh đèn điểm đầu thị trấn Sa pa thành những quầng sáng trong mây. Những ngày du lịch hưởng thụ phong cảnh thần tiên thực sự bắt đầu, để lại nhiều ấn tượng khó quên.sapa3

Chìm trong mây bồng bềnh thị trấn Sa Pa .Trong sương huyền ảo, một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng. Nằm ở độ cao trung bình 1500m – 1800m, nên khí hậu Sa Pa ít nhiều mang tính ôn đới, với nhiệt độ trung bình 15-18°C. Trong khi ngoài thị xã Lao Cai (cách 30 cây số) nhiệt độ mùa hè ngày 28-30 độ thì ở Sa pa  chỉ 20-22 độ.Từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều.
Sa Pa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.
Cô hướng dẫn viên xinh tươi, duyên dáng dẫn chúng tôi đi thăm các vùng thắng cảnh. Cô giải thích: "Sa Pa - tiếng quan thoại gọi Sa - Pả, “Sa” là cát, “Pả” là bãi. Ngày xưa chưa có thị trấn Sa Pa, cư dân ở vùng đất này đều họp chợ ở “bãi cát” đó. Do vậy, dân địa phương ai cũng nói là “đi chợ Sa Pả”.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế XX người Pháp xây dựng lâu đài biệt thự nghỉ mát của họ tại đây. Từ “Sa Pả”, người Pháp phát âm không có dấu, nên thành Sa Pa.Họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ “Cha Pa” và một thời gian rất lâu người ta đều gọi “Cha Pa” theo nghĩa của từ tiếng Việt..
Sa Pa có đỉnh Phan Si Păng cao 3.143m trên dãy Hoàng Liên Sơn. Duy nhất trên dãy núi này có cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, hiếm. Ngoài ra dãy Hoàng Liên còn là “mỏ” của loài gỗ quý như thông dầu, của bao chim thú, như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương và của hàng ngàn loại thuốc. Khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn có 136 loài chim, có 56 loài thú, 553 loài côn trùng. Có 37 loài thú được ghi trong “sách đỏ Việt Nam. Rừng Hoàng Liên Sơn có 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc.

Lên Núi Hàm Rồng
 Núi Hàm Rồng ở sát ngay thị trấn. Non một giờ leo núi qua các bậc thang lát đá rộng rãi lên tới đỉnh : Sân mây.Toàn cảnh thị trấn, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương. Với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất. Khí núi mát lành. Lưng chừng núi, những bãi cỏ phẳng phiu, vườn lan muôn hồng ngàn tía nở rộ. Khu vườn châu Âu kiểu cách nhiều hoa đẹp.Khu nhà văn hóa dân tộc kiến trúc kiều cổ, đồ sộ đủ sắc mầu rộn ràng tiếng hát giao lưu của du khách và các đoàn nghệ thuật, nghệ sỹ địa phương. Đứng nơi đây nhìn sang khu Đài vật lý địa cầu trên đỉnh núi bên kia, một cột trụ thép ăng ten nhô cao trong mây mờ ảo.
                        
Xuống núi, vào thăm nhà thờ
Nhà thờ cổ ngay dưới chân núi Hàm Rồng.
Người Pháp xây dựng từ 1903 để thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của họ. Tháp nhà thờ cao vút, kiểu nhà thờ bên Tây. Trước nhà thờ, một khoảng trống sân rộng vài nghìn mét vuông là nơi họp chợ cuối tuần.Từ thị trấn đi ngược về hướng đông bắc trên đường đi tới động Tả Phìn có một tu viện được xây gần toàn như bằng đá tại một sườn đồi quang đãng, thoáng mát. Qua tu viện đi bộ ba cây số theo hướng bắc,chúng tôi đến hang động Tả Phìn với độ rộng có thể đủ chứa một số lượng ngàn người . Trong hang nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh.

Thăm vườn đá cổ
Sáng ngày thứ hai sang thung lũng Mường Hoa
Mường Hoa có 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng ngàn vạn năm mà nhiều nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được. Khu chạm khắc cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Rời Mường Hoa, đi Thác Bạc-Cầu Mây
Từ thị trấn Sa Pa, theo hướng dẫn viên , xe chạy 12km trên đường đi Lai Châu sang Thác Bạc . Mưa  giữa mùa, dòng nước đổ ào ào từ độ cao trên 200m trắng xóa tạo thành âm thanh ầm ào ấn tượng giữa núi rừng.

Chợ Sa Pa – Chợ tình       
Chợ phiên của Sa Pa họp vào ngày chủ nhật tại huyện lỵ (thị trấn Sa Pa), ngay trước sân nhà thờ.. Người dân ở vùng xa phải đi từ ngày thứ bẩy. Người vùng cao đem về chợ bán : Hàng thổ cẩm váy áo, gối chăn, khăn đội đầu, hàng thổ sản táo Mèo, củ quả, cao ngựa, cao khỉ, mật ong, cây dược liệu, cây thuốc lá tắm…Sa Pa là “vương quốc” của hoa trái, như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa cúc, hoa hồng…đặc biệt là hoa bất tử sống mãi với thời gian.

Tối thứ bảy , ăn cơm sớm. Hơn sáu giờ, sân nhà thờ đã chật kín người. Người dân tộc ở xa về từ trưa chiều để kịp mai họp chợ. Du khách ham thanh chuộng lạ kéo từ các ngả về kìn kịt.Mọi người đi dạo, ăn uống, ngắm cảnh, cùng thức vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái người Mông, người Dao, trong âm thanh của đàn môi, của sáo, của khèn Mông, kèn lá và hương vị đậm đà của những bát rượu ngô, rượu táo mèo tràn đầy của những người có tuổi…và hơn cả là những đôi trai gái tìm nhau, làm quen nhau qua điệu khèn, câu hát. Họ hát và nhảy với nhau cuồng nhiêt, say mê. Càng về khuya, cuộc vui càng tưng bừng. Sau phiên chơ, nhiều bạn tình đã nên vợ nên chồng. Người nào chưa tìm được bạn, hẹn lại đến phiên sau, mùa sau… Cứ như thế chợ tình truyền thống là nơi giao duyên , bày tỏ và kết nối  vợ chồng không ít đồng bào dân tộc đã hàng trăm năm nay.

Rời chợ tình, về nhà nghỉ lòng miên man  nghĩ về phong tục truyền thống hồn nhiên, lành mạnh pha chút hoang sơ của người vùng cao, mãi không ngủ được.
Cuối tháng sáu, trăng hạ tuần bàng bạc hòa tan trong mây núi. Khí lạnh ùa dần vào phòng. Một thứ lạnh êm dịu, lặng lẽ không ỗn ã của máy điều hòa, ngấm dần , ngấm dần vào cơ thể đưa vào giấc ngủ thần tiên.
Ngày mai tham quan khu du lịch Cát Cát. Khám phá cuộc sống của người Mông Đen, thăm thác nước và nhà máy Thuỷ điện do người Pháp xây dựng từ thập niên 20 của thế kỷ trước.
Ngày thứ tư,rời Sa Pa  xen lẫn một chút băn khoăn.

Tấm aó chưa lành
Nếu ví Sa Pa đẹp như nàng thiếu nữ ngủ trong sương thì tấm áo của nàng còn nhiều chỗ chắp vá, chưa hoàn chỉnh, thậm chí phá vỡ cảnh quan. Đường xá mở rộng nhưng nhiều khu phố cạnh trung tâm đường vào gồ ghề, chông chênh. Hồ trung tâm nước cạn, ven hồ nhiều rác rưởi. Vườn hoa trung tâm ít được chăm tỉa, cắt xén. Những ngày nắng, phố  xá cuộn bụi do xe cộ qua lại nhiều.Sa Pa có đến hơn 200 khách sạn, nhà nghỉ với trên 2000 phòng đủ chỗ cho hàng nghìn du khách nhưng xây dựng chắp vá, rải rác, thiếu tập trung, thậm chí cạnh tòa nhà sang trọng cao tầng vẫn còn nhà ổ chuột gây phản cảm (xem ảnh).

Giá cả leo thang, đắt đỏ : một bát cháo thịt lợn thường 35-40 ngàn đồng. Một con gà đồi 1 kg hầm thuốc 600-800 trăm ngàn đồng. Đáng buồn hơn là cảnh người dân tộc ít người xuống chợ, bán hàng dạo phố. Mẹ địu con. Bà địu cháu. Em bé địu em…Những khuôn mặt khô cằn, lam lũ chầu chực bán hàng trên các lối đi. Các cô gái dân tộc hồn nhiên vô tư cắp nách người Tây sóng bước. Họ sẵn sàng bằng lòng thỏa mãn nhu cầu khách không chỉ phải tiền mà theo sở thích. Nhiều cuộc giao hoan đã để lại hậu quả những đứa trẻ lai tây tóc vàng, (xem ảnh)…
           
Một Sa Pa đang thức dậy cần quan tâm uốn nắn, tu sửa để thực sự là xứ thần tiên vừa lòng du khách.
                                                                          Trần Quang Liên
                                                                               Hè 2011

 

Tác giả bài viết: Trần Quang Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay11,748
  • Tháng hiện tại56,559
  • Tổng lượt truy cập55,248,020
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây