Ban Mê và nỗi nhớ - truyện ngắn Đỗ Trường

Thứ ba - 31/05/2011 05:31
NDX.net: Đỗ Trường là bạn văn mới, xuất hiện trên NDX.net với truyện ngắn đặc sắc "Mắm cáy". Anh là cựu sinh viên khóa 4 (Văn 4B) của trường CĐSPDakLak, hiện viết văn, làm báo tại Cộng hòa Liên bang Đức. Truyện ngắn "Ban Mê và nỗi nhớ" mà chúng tôi giới thiệu sau đây là những hồi ức xúc động, đầy ắp kỉ niệm không thể nào quên một thời sinh viên của anh trên đất cao nguyên lộng gió đầy gian khổ, khó khăn hơn ba mươi năm về trước.

Bạn tôi vét sạch túi, mới đủ tiền mua hai tô bún, gọi là bữa đại tiệc để tiễn tôi về Hà Nội, ngay tại bến xe Ban Mê. Tôi hẹn bạn dứt khoát sẽ trở lại, ấy vậy mà đã hai mươi tám năm … hai mươi tám năm, tôi đã không trở lại . Tôi đã thất hứa với bạn, có lỗi với Ban Mê. Thật ra viết Ban Mê  là sai, phải là “Buôn Ma Thuột” mới đúng. Nhưng không hiểu tại sao, tôi cứ thích cái tên Ban Mê hơn. Dường như cái tên Ban Mê này nó gắn liền với bài ca “ Trở lại Ban Mê “ mà lũ chúng tôi ngày đó thường hát “… Trở lại Ban Mê phượng vẫy tay chào, rừng chưa thay lá, rừng còn nhớ ta không? Xưa hôn em một lần rồi xa nhau ngàn trùng…..” Nên cái tên Ban Mê hằn sâu trong ký ức tôi, nhiều lúc cứ  muốn đọc cho đúng cái tên Buôn Mê Thuột, nhưng cứ thấy ngượng thế nào ấy, rồi câu trước câu sau lại trở về Ban Mê.

Cách đây đã khá lâu, vô tình gặp anh Thắng nhạc sĩ, ở gia đình một bạn văn, chuyện trò mới biết anh là tác giả của bài “Trở lại Ban Mê “ mà lũ chúng tôi một thời say đắm. Anh là người Hà Nội, cùng gia đình di cư vào Ban Mê năm 1954. Từ yêu Ban Mê, nên anh có rất nhiều ca khúc viết về thành phố cao nguyên đất đỏ nhưng thơ mộng này. Xa quê nên nỗi nhớ về Ban Mê luôn thường trực trong anh . Tôi khác anh, tôi vào Ban Mê sau năm 1975, rồi lại xa nhưng nỗi nhớ, và tình yêu dường như ai cũng giống nhau.

Tôi yêu Ban Mê ngoài những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với góc phố, con đường, mà ở đó còn có rất nhiều bè bạn và cả một rừng hoa phượng đỏ với những kỷ niệm vui buồn…
Dọc con đường 14, từ trung tâm bưu điện Ngã Sáu về trường Cao đẳng Sư phạm và đai học Tây Nguyên  có rất nhiều cây phượng đã bắt đầu trổ bông, khi tiếng ve kêu réo rắt gọi lũ học sinh sư phạm chúng tôi đã tới kỳ nghỉ hè. Các bạn nhà gần về với gia đình, chúng tôi nhà qúa xa, không có tiền tầu xe nên ở lại trường trong cái buồn thiu, khắc khoải.

Chiều buồn, chúng tôi hay đi dạo dưới những chùm phượng đỏ, kể cho nhau chuyện gia đình. Hôm nào đói quá, chúng tôi tạt vào vườn nhà ai gần đó hái trộm những trái bơ, vú sữa ăn. Ăn chán hoa quả, chúng tôi lại đi đào củ mì về nướng, luộc. Không may, hôm nào đào nhầm vào những khóm mỳ có lá xoăn tít, ăn xong cả lũ say, sợ đến mấy ngày . Tôi đã trải qua nhiều cuộc say, từ say rượu, đến say thuốc lá thuốc lào, nhưng có lẽ không có gì dễ sợ bằng say caffe lúc đói. Cái say đó đến nay đã qua mấy chục năm, nhưng mỗi lần nghĩ đến tôi lại thấy sợ.

Vào năm 1978, lớp văn B khoá 4 sư phạm chúng tôi được chia thành từng nhóm nhỏ vào nông trường thu lượm quả caffe, gây quỹ cho lớp và nhà trường. Nhóm chúng tôi, có các chị lớn tuổi (gọi là lớn hơn tuổi,và kêu là chị ,nhưng các chị cũng chỉ lớn hơn một vài tuổi, là nữ lại xa gia đình, nên các chị chững chạc hơn, bọn con trai chúng tôi) gồm có hai chị Lan, họ Trần và Nguyễn, chị Dung quê Thái bình, chị Đông, chị Thảo, chị Cúc Ankhê- Gialai, Hoài, Hà và Nhung. Bọn con trai chúng tôi, nào là những Ngọc lớn, Ngọc bé, Đào nghệ tĩnh và tôi. Sáng sớm, xe của nông trường đã chờ chúng tôi ở khu ký túc xá, chở đến vườn caffe.

Vừa tới nơi, Ngọc con đã kiếm ở đâu đó chiếc nón sắt, rủ tôi nhặt qủa caffe đã chín khô cho vào nón giã nhỏ, lấy khăn quai nón của chị Thảo làm thành chiếc túi đựng caffe. Ngọc con đổ nước vào nón sắt, thả túi caffe  đun sôi, chờ một lúc cho ngấm, nước đã có mầu vàng vàng từ từ chuyển sang mầu đen đen sóng sánh, mùi caffe thoang thoảng thơm, làm thức dậy cơ quan khứu giác của tôi. Sau đó Ngọc đổ ra bát mời mọi người cùng uống. Dĩ nhiên là nhóm nữ không ai chịu uống. Tụi con trai chúng tôi, đứa nào cũng háo hức, bát caffe đã xoay vòng, đến lượt tôi, chị Thảo bảo:
- Trường đừng uống, sức mi yếu, lại không được ăn sáng, say đấy!
Tôi không nghe lời chị, cứ nhắm mắt uống cạn bát caffe đắng chát. Qủa thật như lời chị Thảo nói, một lúc sau chúng tôi say ngả nghiêng, ruột gan lộn tùng phèo. Chui vội vào bụi cây nằm co quắp, mặc kệ cho mọi người làm việc, cho mãi đến chiều xe đến đón, tôi mới thấy hơi dễ chịu phần nào. Sau vụ này thực sự tôi sợ caffe, cho đến nay mấy chục năm sống ở nước ngoài, tôi tuyệt nhiên không bao giờ uống caffe.

Vậy mà đã 30 năm trôi qua, nhanh như một giấc chiêm bao, các bạn tôi ai còn, ai mất? Ai còn dậy học, ai đã rời xa bục giảng? Ngồi viết những dòng chữ này, mong có ngày được trở về Ban Mê và gặp tất cả các bạn. Năm 1981, tôi đang lang thang ở đường phố Sài Gòn, gặp Hồng Nhung người Ban Mê, lớp văn A khoá 4, đi cùng mẹ vừa từ Ban Mê xuống. Tôi nhận ra Nhung , nhưng Nhung không nhận ra tôi. Tôi cười bảo:
- Trường văn B đây.
 Nhìn lại tôi một lúc. Nhung nói:
- Ủa có phải Đỗ Trường viết văn hay, luôn luôn được cô Thành đọc bài luận trước khối? Ông khác quá, tôi nhận không ra.
Nghe Nhung nói cũng đã nghỉ dậy học, dường như gia đình và Nhung muốn chuyển đi xa. Đấy là bạn học cùng khoá, cuối cùng mà tôi được gặp.

Ban Mê, buổi sáng thường hơi lạnh, nhưng không khí thật dễ chịu, sương mù mỏng và nhẹ chứ không dầy đặc như Đà Lạt. Như cố thi sĩ xứ Quảng Vũ Hữu Định có viết:
“ Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố lá cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương….”
Không hiểu sao mỗi lần đọc bài thơ này, tôi cứ nghĩ thi sĩ viết cho xứ Ban Mê, chứ không phải cho phố núi Pleiku. Khí hậu trong mát dường như cũng làm cho con người Ban Mê dễ gần và thân thiện hơn. Sống trong thời bao cấp, lũ học sinh chúng tôi được cấp phiếu mua mỗi năm 4 mét vải, tương đương với hai bộ quần áo cho người cỡ trung bình hoặc nhỏ, người to con một chút thì không đủ. Một lần tôi mua phải một miếng vải quần bị lỗi. Ông thợ may bảo:
 – Cậu là học sinh đến nói khó với họ may ra họ đổi cho, chứ các bà cửa hàng thương nghiệp là cửa quyền lắm.
  Ngại quá, nhưng nghe ông thợ may nói vậy, tôi lọ mọ quay trở lại cửa hàng, xếp vào hàng chờ đến lượt. Đến lượt, tôi đưa miếng vải cho một chị, có lẽ chị vừa ở bộ đội chuyển ngành sang. Tôi cũng đoán vậy vì nhìn cách ăn mặc của chị. Tôi nói chưa hết câu, chị đã xua tay như đuổi:
 – Không đổi là không, sinh viên cũng vậy thôi. Cậu có tránh ra cho người khác vào mua hay không?
Nghe giọng miền trung nằng nặng, gắt gỏng của chị, chán quá, tôi tần ngần định quay đi. Một chị đứng phía trong, nhẹ nhàng nói:
 – Miếng vải đó hỏng rồi, hôm trước em cắt ra cất đi, không biết ai đưa nhầm.
Không để cho chị miền trung kịp lên tiếng, chị quay sang tôi bảo:
 – Em đưa cho chị, đổi cho em mảnh vải khác.
Rồi chị nói to lên như thể cho mọi người nghe thấy:
- Học sinh, sinh viên thì khổ rồi, không có quần áo thì làm sao mà đi học được.
   Tôi cảm ơn chị. Tôi biết chị đã nói dối vì muốn giúp tôi. Thật tình, miếng vải hỏng tôi mua hôm qua, được cắt ra từ một cuộn vải mới, do chị khác bán cho tôi. Có lẽ tôi yêu Ban Mê hơn bởi vì ở đó có những con người như chị.

Trường sư phạm Ban Mê, thuộc Bộ Giáo dục, nơi đào tạo giáo viên cho các tỉnh cao nguyên.  Trường nằm trên khu đồi cao, theo trục đường 14, trước năm 1975 là trường dòng. Xung quanh trường là dòng suối trong xanh, róc rách, róc rách chảy, cuối tuần chúng tôi thường rủ nhau xuống tắm giặt. Bên kia là những vườn cây ăn trái xum xuê, xanh ngút tầm mắt. Đằng sau trường là rừng cao su khẳng khưu, tôi không rõ khu rừng này do cơ quan nào quản lý, nhìn vào ta thấy ít có bàn tay săn sóc của con người. Sâu hơn một chút là khu nghĩa trang của họ đạo, hình như bỏ hoang bởi vì tôi thấy cây cỏ mọc tràn ra cả lối đi, không có ai trông coi. Dường như thời bao cấp, mọi người mải đi kiếm ăn, do vậy mồ mả gia tiên ít được chăm sóc chăng? Gần đó có một cái quán bán bánh bột lọc của một bà người Quảng. Đầu tháng có tiền học bổng tôi, Năng và Hưng thường rủ nhau xuống ăn. Chao ôi! Sao mà ngon đến như vậy, chiếc bánh trắng phau, chan thêmchút nước sốt, cho vào miệng chưa kịp nhai nó đã trôi tuột xuống bao tử. Có một điều kỳ lạ, sau này tôi đi khắp mọi nơi, tôi ăn bánh bột lọc ở Quảng Nam, ở Huế, tôi ăn bánh bột lọc ở Pháp, Đức, Mỹ, cũng do người Quảng làm nhưng không ở đâu ngon bằng bánh của bà. Giờ này có lẽ bà đã thành người thiên cổ, vì ngày đấy cách nay đã 30 năm, lúc đó bà đã già và yếu lắm rồi.

Trước nhà ăn của học sinh có một cây khế quả cũng tương đối sai, nhưng chua lắm. Nhiều tối đói quá, mấy thằng chúng tôi thường xuống xin cháy cơm của mấy chị nuôi, ra gốc khế ngồi chấm muối ăn với khế.  Có một lần chúng tôi đi chơi về khuya, đói quá, cơm cháy có lẽ các chị nuôi đã dọn sang khu chuồng heo. Chúng tôi trèo qua tường. Trong khu nhà tối quá ,chúng tôi đạp trúng vào xoong nồi, kêu loảng xoảng. Đang sờ soạng, định hướng, nghe tiếng chân người đến gần. Có lẽ bảo vệ, chúng tôi xịt xịt, ra hiệu cho nhau không được nói chuyện. Nhưng mấy chú lợn trong chuồng không thương bọn đói chúng tôi, thi nhau kêu eng éc như ai chọc tiết vậy. Chết cha rồi, tiếng thằng nào đó kêu lên. Im lặng. Rồi tiếng kéo nòng súng lên đạn, nghe khô không khốc, kèm theo tiếng quát hỏi: ai?  là một tràng AR15  chói cả tai. Chúng tôi sợ dúm cả vào nhau. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi cùng đồng thanh la lên:
– Chúng em là học sinh đây, vào tìm cháy cơm để ăn thôi.
Cửa chuồng lợn được mở, đèn được bật sáng, mấy thằng tôi vừa sợ lại mắc cỡ, mồm miệng lắp ba lắp bắp. Không nói không rằng, mấy anh bảo vệ xông vào đè nghiến mấy thằng lèo khà lèo khèo mặt xanh như đít nhái chúng tôi xuống đất, trói gô cổ lại như thể các anh trói mấy con lợn, mang đi cân hơi, bán cho lò mổ chuẩn bị chọc tiết vậy.
Xong tinh tươm, các anh kéo nòng súng, lại lên đạn. Các anh định xử chúng tôi tại chỗ chắc. Tôi rên rỉ:
 - Ơ hay! Các anh không nhận ra em sao?- Tôi làm ra vẻ như thân thiết với nhau lắm – Chiều nào chúng ta chẳng đánh bóng chuyền với nhau.
 Có tiếng anh nào quát:
- Câm ngay! Vào đây ăn cắp hả?
Kèm theo hai tràng súng nổ chỉ thiên, tôi nằm gần nhất nên khói đạn ho sặc sụa. Tôi vốn sẵn bị bệnh viêm mũi do vậy nước mắt trào ra, nghẹt thở, hắt hơi liên tục.
Lúc này tôi đã trấn tĩnh trở lại nghĩ ngay ra, mấy ông tướng bảo vệ (nguyên là bộ đội chuyển qua) lâu ngày không được đánh đấm, súng ống để không, rỉ sét, đâm ra ngứa nghề đây. Nhân cơ hội, có mấy thằng đói cơm, khát cháy này làm vật tế cho các bố xả hơi, được đà các bố làm tới. Tính ương ngạnh của tôi lúc này trỗi dậy: 
- Đủ rồi các ông nhé, các ông có cởi trói cho chúng tôi không? Chúng tôi chỉ vào lấy cháy cơm làm gì các ông hùng hổ bắn loạn xì ngầu, như đánh giặc vậy.
Nghe tiếng súng nổ, mọi người chẳng hiểu gì cả, khu ký túc xá học sinh nhốn nháo chạy cả ra ngoài sân. Lúc này mấy anh bảo vệ như bừng tỉnh, cởi trói cho chúng tôi và bảo:
- Tất cả đứng dậy, đi ra phòng bảo vệ, làm biên bản.
Mọi người đứng đầy bên ngoài, chúng tôi ngượng quá, không dám nhìn. Như có tiếng ai hỏi tôi:
- Làm sao đó Trường ?
-  Chúng tôi vào lấy cơm cháy thôi.
-  Gớm! Mấy thằng  đói quá, vào lấy cơm cháy của heo ăn, mà các bố bắn cứ như là Fulro tập kích không bằng.

Ở phòng bảo vệ, chúng tôi đang bị ông trưởng ban quát nạt, thầy Chấn trưởng phòng giáo vụ vào. Thấy thầy, mọi người im lặng, trưởng ban bảo một anh làm biên bản, trong biên bản ghi chung chung, là chúng tôi vào ăn cắp tài sản. Nhưng chúng tôi không chịu ký tên, đề nghị ghi rõ, chúng tôi vào ăn cắp cơm cháy, bị bảo vệ bắt trói, sau đó bắn chỉ thiên hết hai băng đạn. Nghe đến đây, thầy Chấn không nói gì lẳng lặng đi về phòng nghỉ.
Quát nạt, doạ dẫm một lúc, thấy chúng tôi mãi không chịu ký, trưởng ban thả chúng tôi về và bảo:
-  Tôi gửi biên bản lên phòng giáo vụ, sẽ làm việc với các cậu sau.
Chúng tôi chờ mãi, không thấy nhà trường nhắc gọi lại vụ này. Có lẽ, trong vụ này nếu làm thẳng thừng ra, bảo vệ cũng có lỗi lớn vì sử dụng súng đạn bừa bãi. Sợ tai tiếng, ảnh hưởng đến nhà trường, nên vụ việc chìm xuống. Nhưng các bạn học không tha cho chúng tôi, gặp đâu chọc đấy, đến mấy tháng trời chúng tôi không dám đến chỗ đông người. Đi học trên lớp hay tập trung ở giảng đường, chúng tôi lủi nhanh vào ngồi hàng cuối cùng.

Tôi thân với anh Minh lùn ngay năm học đầu tiên. Nhà anh ở thị trấn Dakmil, anh học khoa sinh vật. Anh học khoá 3, trước tôi một khoá, nhưng  không biết có phải yêu trường mến bạn, hay mải mê đàn hát, mà anh tụt lại lớp học cùng khoá 4 với tôi. Lúc anh hứng trí anh hay rủ tôi đánh bóng bàn, tôi luôn luôn thua anh, kể cả khi anh chấp tôi đến mấy trái. Có khi tôi đùa bảo anh:
-  Anh thắng em mãi, không chơi bóng với anh nữa.
Anh cười khùng khục.  Phải nói anh Minh lùn cũng là một tay chơi đàn guitta và hát rất hay. Anh ở cùng phòng với mấy anh nhà ở ngoài phố, nên tối họ thường về, anh Minh lùn buồn hay rủ tôi sang chơi. Thấy tôi hay sờ mó đàn, anh bảo có học anh dậy. Từ đấy tối nào tôi cũng sang anh học và tập đàn. Anh dậy tôi nhiệt tình lắm, thấy tôi tiến bộ nhanh, anh rất mừng, bảo:
- Mày cũng hơi có năng khiếu đấy.
Tôi theo anh, và điếu đóm cho anh khoảng một năm. Một hôm. tôi thấy anh đi chơi cùng với Lan con làm ở dưới nhà ăn khu giáo viên. Tối gặp anh, tôi chọc:
-  Anh cẩn thận, con nhỏ Lan mới có 15, 16 tuổi, gia đình nó biết, kiện anh cho coi.
Anh chống chế: 
-  Tẩm bậy mày, bạn bè, anh em có chi đâu.
Biết anh cặp với Lan con, nên tôi ít đến chỗ anh hơn. Nghe đâu học xong, anh được phân về Dakmil. Không biết giờ này, anh còn theo nghề dậy học hay không? Cuộc sống của anh ra sao?  Anh đã để lại trong tôi bao kỷ niệm của ngày tháng bỡ ngỡ đầu tiên, khi tôi đến với Ban Mê.

Càng lớn tuổi dường như người ta sống thiên nhiều về quá khứ. Sống xa Tổ quốc đã mấy chục năm, mỗi lần nghĩ về gia đình, quê hương tôi luôn luôn nghĩ về mảnh đất, con người Ban Mê, và những năm tháng, tuổi trẻ của tôi ở Ban Mê như những thước phim lại hiện về. Cách đây mấy tháng, tôi có tìm được số điện thoại của anh Đỗ Quốc Toản trên internet. Anh học trước tôi hai khoá, hiện anh đang là phó hiệu trưởng của trường tôi. Anh cho biết, trường  đổi thay rất nhiều, không còn xập xệ như những năm đầu thành lập. Thế là mừng cho anh, mừng cho thế hệ sau tôi không còn học hành, ăn ở, khổ như chúng tôi trước đây. Anh cũng cho biết, anh Vũ Toản vẫn còn công tác tại trường. Tôi cũng chơi thân với anh Vũ Toản, khi anh còn phụ trách đoàn trường. Năm 1981 anh ra Hà nội học, anh thường ra nhà tôi chơi, từ trường anh học ở Láng hạ đến Ô chợ dừa nhà tôi cũng gần. Sau đó, tôi tiễn anh đi Đức thực tập . Anh và tôi cũng có nhiều kỷ niệm khó quên gắn liền với Ban mê, không biết anh còn nhớ hay quên? Nhưng tôi còn nhớ lắm.  Còn anh Hường, cũng qua anh Đỗ quốc Toản cho biết, anh hiện anh đang giữ ” trọng trách rất lớn, tay hòm chìa khoá” cho anh Đổ quốc Toản, trưởng ban ký túc xá. Anh Hường tuy lớn tuổi hơn chúng tôi, nhưng không hiểu sao anh lại học  cùng khoá tôi, khoa địa lý. Nhà anh ở thị trấn Phước An . Năm đó anh mới khoảng 23 tuổi, nhưng tóc anh bạc rất nhiều. Không biết đến nay, anh có còn chiếc nào đen để bạc nữa hay không? Anh Hường đánh bóng chuyền rất hay, và anh đá bóng cũng tài. Tôi thường theo anh tập bóng với thầy hiệu trưởng Hồ Đình Phương. Anh thường nói với tôi :
-  Kỹ thuật của Trường tốt nhưng thể lực yếu, phải tập thể lực nhiều vào.
Quả thật anh Hường là người đã truyền cho tôi niềm đam mê thể thao. Cũng không biết có phải từ cái niềm đam mê này, mà sau này tôi lấy vợ cũng là cầu thủ bóng bàn của đội tuyển quốc gia Việt nam trước đây và hai con gái tôi đều là cầu thủ bóng bàn của đội tuyển trẻ quốc gia CHLB Đức hiện nay hay không?

Đội bóng chuyền của trường chỉ có tôi và anh Hường là học sinh. Thầy Hồ Đình Phương rất thích thể thao, và thầy chơi ở vị trí chuyền hai rất hay. Từ chỗ thích thể thao, nên thầy qúi luôn chúng tôi. Chiều nào chúng tôi cũng tập cùng thầy. Thầy cũng cho phép tôi và anh Hường không phải tham gia lao động hàng tuần, để chuyên tâm tập. Nhắc đến thầy Hồ Đình Phương, tôi lại nhớ buổi bình và đọc thơ của nhà thơ Xuân Diệu vào đầu năm 1979. Không hiểu sao, nhà thơ gọi tên thầy hiệu trưởng mắng liên tục, có khi đang đọc thơ, Xuân Diệu cũng dừng lại mắng, chỉ vì ba cái lặt vặt như xắp chỗ ngồi, hoặc treo lại cái bóng đèn. Trong buổi bình thơ này Xuân Diệu có đọc bài thơ huyện Lắc, tôi chỉ còn nhớ có câu đầu “ Hồ Lắc bên huyện Lắc…” . Tôi có anh bạn tên Hoàng Thế Hoan quê Nam Định đang là sinh viên đại học Đà Lạt nghe xong, dám chê bài thơ này, như bài văn tả cảnh của học sinh lớp 4, trước mặt nhà thơ, làm ông phật lòng.
Thầy Hồ Đình Phương chắc đã về hưu từ lâu, tuổi thầy đã cao cũng trên dưới 80 tuổi rồi. Mong thầy bình an và cho tôi được một lần nữa gặp lại thầy.  Tôi nhớ ngày đó thầy thường đi đến trường bằng xe Honda 67. Lần cuối, tôi gặp thầy ở chân cầu thang giảng đường thầy bảo:
-  Bác Tân ( bác Tân làm chủ tịch ủy ban khoa học tỉnh vợ ông Yngông, bí thư tỉnh) có nói với thầy là xem bố trí công việc cho em. Ngày nào cũng tập cùng nhau, sao em không nói trước với thầy.
Khi biết ý định tôi về Hà Nội, thầy nhắc, vì tương lai, em hãy suy nghĩ cho kỹ. Tôi cảm ơn thầy nhiều. Năm 1981 thầy Chấn trưởng phòng giáo vụ có ra Hà nội họp. Hôm tôi đưa thầy ra ga, thầy có nói Thầy Hồ Đình Phương đã chuyển ra làm giám đốc sở giáo dục Daklak. Đây là lần cuối cùng tôi biết tin tức về thầy.

Nếu ai đó có hỏi tôi, bây giờ được chọn lại từ đầu có chọn Ban Mê không? Tôi dứt khoát trả lời tôi sẽ chọn Ban Mê, không một chút phân vân. Ở nước ngoài có bất cứ bài báo, tin tức nào, viết, nói về Ban Mê là tôi tìm đọc cho kỳ được. Tôi mong được biết Ban Mê của tôi, có gì đổi thay không? Cuộc sống của bạn bè tôi giờ này ra sao?. Còn rất nhiều điều, tôi muốn nói muốn viết. Những kỷ niệm về Ban Mê còn đầy ắp trong tôi. Tôi sẽ viết tiếp về bạn bè tôi, và mảnh đất có linh hồn của tôi ở trong đó.

                                                                                                    Đức quốc- một ngày hè.
                                                                                                            ĐỖ TRƯỜNG

Tác giả bài viết: Đỗ Trường

 Tags: đỗ trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay12,192
  • Tháng hiện tại57,003
  • Tổng lượt truy cập55,248,464
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây