Gương lãnh đạo như thế, sao dân có thể tin yêu?

Thứ hai - 05/11/2018 21:12
Dường như trong cơ chế tổ chức cán bộ đang tồn tại một thứ luật bất thành văn: Đã là lãnh đạo thì mặc nhiên suốt đời làm lãnh đạo, bị kỉ luật nơi này thì chuyển sang nơi khác, phiên ngang hoặc thăng chức cao hơn. Bởi thế, không ít những cán bộ lãnh đạo có đạo đức kém, năng lực yếu, bằng cấp lởm khởm, đặc biệt là vi phạm kỉ luật nghiêm trọng vẫn cứ chễm chệ trên ghế cao quyền lực.
Đầu tháng 10 vừa rồi, Hội nghị Trung ương 8 khóa 12 thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng trong công cuộc chỉnh đốn, ngăn chặn tình trạng sa sút, tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước hiện nay.

Nhân dân tin tưởng, sau Hội nghị Trung ương 8 sẽ có một cuộc cách mạng thực sự bằng hành động, việc làm cụ thể của cán bộ công chức để nêu gương trước nhân dân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kì vọng: "Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư".

Có thể còn quá sớm để kiểm chứng sự chuyển biến này nhưng thông tin mới nhất đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng lại chẳng khác gì gáo nước lạnh dội vào niềm tin của nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm vừa ký quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Trà Vinh, giữ chức Giám đốc Sở Công Thương. Quyết định có hiệu lực từ ngày 16/10.

Điều khiến dư luận bức xúc trước việc “điều động, bổ nhiệm” này là, ông Phạm Văn Tám vừa bị UB Kiểm tra TƯ thi hành kỷ luật cảnh cáo hồi giữa tháng 9 với những vi phạm nghiêm trọng, gây thất thu lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền TP, đến niềm tin của nhân dân, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

UBND tỉnh Trà Vinh cũng đã kỷ luật cảnh cáo ông Tám về mặt chính quyền.

Sự thật hiển nhiên như thế nhưng không hiểu sao lãnh đạo Trà Vinh vẫn “cố đấm ăn xôi”, luồn lách câu chữ giải thích theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, coi thường quyết định kỉ luật của UBKT Trung ương và của chính mình, bất chấp dư luận?

Ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh cho rằng, ông Tám về làm Giám đốc Sở Công thương là thực hiện công tác điều động chứ không phải bổ nhiệm, mặc dù trong quyết định ghi rõ “điều động và bổ nhiệm”. “Kỷ luật thì không được bổ nhiệm, còn điều động là bình thường”. Ông Bình nhấn mạnh.

Còn Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh, ông Lâm Minh Đằng biện bạch, bổ nhiệm ông Phạm Văn Tám là xuất phát từ nhu cầu công tác cán bộ vì tỉnh Trà Vinh đang khuyết chức Giám đốc Sở Công thương, tìm Giám đốc không ra.

Điều đáng nói ở đây là việc điều động, bổ nhiệm ông Phạm Văn Tám diễn ra chỉ 10 ngày sau khi Hội nghị TƯ 8 thảo luận và thông qua “Qui định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Hội nghị đó có đương kim Bí thư Trà Vinh là UVTƯ tham dự.

Dư luận đặt câu hỏi, ông Phạm Văn Tám là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lí, nhất cử nhất động về ông sao có thể qua mặt Ban Thường vụ và người đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy?

Nói như thế để thấy, dù Trung ương đã ra nghị quyết, dù quyết tâm chính trị đã rất cao, dù dư luận nhân dân hết sức đồng tình ủng hộ nhưng để việc “nêu gương” đi vào cuộc sống ở từng con người cụ thể thật không phải dễ khi ở đâu đó vẫn tồn tại nghịch lí “phép vua thua lệ làng”.

Dường như trong cơ chế tổ chức cán bộ đang tồn tại một thứ luật bất thành văn: Đã là lãnh đạo thì mặc nhiên suốt đời làm lãnh đạo, bị kỉ luật nơi này thì chuyển sang nơi khác, phiên ngang hoặc thăng chức cao hơn. Bởi thế, không ít những cán bộ lãnh đạo có đạo đức kém, năng lực yếu, bằng cấp lởm khởm, đặc biệt là vi phạm kỉ luật nghiêm trọng vẫn cứ chễm chệ trên ghế cao quyền lực.

Những lãnh đạo như thế là những tấm gương… hoen ố, cố níu giữ họ lại chỉ tổ làm xấu đi hình ảnh của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

Không thể cứ ngụy biện mãi theo kiểu “đúng qui trình”, “tập thể đồng thuận” hay “tìm không ra” người xứng đáng. Đất nước 90 triệu dân không sợ thiếu người có tâm có tài.

Có lẽ đã đến lúc tổ chức Đảng cấp trên cần mạnh tay đối với những tập thể, cá nhân ra những quyết định “điều động, bổ nhiệm” cán bộ trái với qui định của Đảng.

Văn bản số 04-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã chỉ rõ: Đảng viên vi phạm bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, nếu xét thấy không còn đủ uy tín thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định cho miễn nhiệm hoặc đề nghị cho thôi giữ chức vụ đó.

Miễn nhiệm hay cho thôi chức vụ không có nghĩa bắt buộc phải bố trí chức vụ khác tương xứng.

Lẽ nào những cán bộ như ông Phạm Văn Tám “vi phạm nghiêm trọng, gây thất thu lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền TP, đến niềm tin của nhân dân” vẫn còn đủ điều kiện và uy tín để ung dung ngồi ghế cao?

21-10-2018
Nguyễn Duy Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Nhà báo
TÂM SÁNG - BÚT NGAY
 
Luong truy cap
MỜI QUẢNG CÁO
QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay19,061
  • Tháng hiện tại693,848
  • Tổng lượt truy cập48,987,106
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây