Mô hình tự sự Truyện Kiều (Kỳ 4)

Chủ nhật - 28/06/2020 21:30
Độc thoại nội tâm và dòng ý thức theo nhận thức chung hiện nay là hai biện pháp nghệ thuật nổi bật của tiểu thuyết hiện đại, xuất hiện vào khoảng trước sau đại chiến thế giới lần thứ nhất. Trước đó các bậc thầy sáng tạo mới như James và Proust cũng rất ít sử dụng.
 
4. Độc thoại nội tâm và cấu trúc tự sự của Truyện Kiều

Độc thoại nội tâm và dòng ý thức theo nhận thức chung hiện nay là hai biện pháp nghệ thuật nổi bật của tiểu thuyết hiện đại, xuất hiện vào khoảng trước sau đại chiến thế giới lần thứ nhất. Trước đó các bậc thầy sáng tạo mới như James và Proust cũng rất ít sử dụng.

Tuy nhiên độc thoại nội tâm là một biện pháp nghệ thuật như thế nào thì ý kiến vẫn còn chưa nhất trí. Do vậy có người hoài nghi khi gọi Đi tìm thời gian đã mất của Proust là tiểu thuyết dòng ý thức, bởi vì trong đó chỉ có một chỗ duy nhất có ba câu ngắn viết bằng thì hiện tại, còn cả cuốn sách là kể ngôi thứ nhất thì quá khứ. Có người nhận định LépTônxtôi là nhà văn đầu tiên có ý thức vận dụng hình thức này và Sécnưsépxki là nhà phê bình đầu tiên nhận ra hình thức đó.

Vậy nên hiểu độc thoại nội tâm như thế nào? Trước hết trong nghệ thuật tự sự, ngoài lời trần thuật của người kể chuyện còn có lời phát ngôn của nhân vật. Văn bản tự sự là một thể láp ghép của hai ngôn ngữ ấy và chúng luôn tác động vào nhau. Khi thì lời trần thuật của người kể chuyện làm biến dạng lời nói của nhân vật, khi thì ngược lại, như tiểu thuyết hiện đại, ngôn ngữ nhân vật lại làm thay đổi ngôn ngữ của người kể chuyện. Theo lý thuyết phong cách học hiện đại, lời trực tiếp của nhân vật được thuật lại theo bốn dạng thức sau:

a. Dạng có dẫn ngữ trực tiếp:

Nó giật mình rồi nói với mình: "Mình sai rồi". Lời của nhân vật được coi là dẫn ngữ trực tiếp (tức lời được dẫn) để trong ngoặc kép, có lời giới thiệu của người kể chuyện ở trước sau dấu hai chấm.

b. Dạng có dẫn ngữ gián tiếp:

Nó giật mình rồi nói với mình là nó đã sai rồi. Lời nhân vật do người kể chuyện thông báo bằng lời của anh ta, cho nên thành gián tiếp.

c. Dạng gián tiếp tự do:

Nó giật mình, nó thấy sai rồi. Lời nhân vật tuy được kể lại, nhưng vẫn còn nguyên dạng.

d. Dạng trực tiếp tự do:

Nó giật mình. Mình sai rồi (1) Lời  nhânvật được trình bày tự do, mà không cần có lời giới thiệu của người kể chuyện.

Dạng thứ tư là dạng tiền đề để xuất hiện độc thoại nội tâm. Bởi vì điều kiện thứ nhất của độc thoại nội tâm là nhân vật tự do nói lời của mình một cách trực tiếp, nguyên vẹn, thoát khỏi mọi ràng buộc của lời gián tiếp của người kể chuyện, không có chỉ dẫn, dẫn dắt, hoặc chuyển ý. Đồng thời độc thoại nội tâm cũng cần đặt trong ngữ cảnh của lời gián tiếp, nếu không thì nó khác gì lời trần thuật theo ngôi thứ nhất? Điều kiện thứ hai là nó khác với lời độc thoại. Độc thoại là lời nói một mình, trước và sau không gắn với lời thoại nào của ai khác, được sử dụng trong kịch, trong phim. Độc thoại nội tâm là lời độc thoại dùng vào việc miêu tả quá trình ý nghĩ trong nội tâm, và là lời nói thầm kín, viết ra để đọc chứ không nhằm nói ra thành tiếng như trong kịch. Nói là hai điều kiện, xét kĩ ra là năm điều kiện. Do thế nó khác lời trực tiếp tự do đã nêu ở trên, vì lời này có thể nói thành tiếng.

"Dòng ý thức" cũng là một hình thức của độc thoại nội tâm, nhưng là độc thoại nội tâm với một sự tự do liên tưởng, không có mục tiêu đặc biệt nào, không có sự khống chế của lôgic.

Phân biệt các hình thức lời nói trực tiếp tự do, độc thoại nội tâm và dòng ý thức như vậy, với các tiêu chí như vậy, thiết nghĩ có thể bắt tay vào nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều. Tuy nhiên quy độc thoại nội tâm chỉ vào loại ngôn ngữ trực tiếp tự do là làm nghèo hình thức này. Về phương diện này quan niệm của Tamara Môtylôva bao quát hơn. Theo bà, đó là lời "bao gồm lời nói không phải phát ra lời của nhân vật, lời nửa trực tiếp, nơi mà tác giả (người kể chuyện) nhân danh mình, nhưng lại nắm bắt từ ngữ và ngữ điệu của nhân vật, và lời độc thoại nội tâm, trong đó tiếng nói nhân vật dường như được tách ra làm hai tiếng nói tranh cãi nhau; và hàng loạt lời suy luận chặt chẽ, hoặc lời mang những ý nghĩ mù mờ hỗn loạn. Tất cả những hình thức đó giúp cho nhà tiểu thuyết tái hiện một cách chân thực, không giản đơn sơ lược toàn bộ thế giới tâm hồn, trí tuệ của con người ngày càng trở nên phức tạp và thường là mâu thuẫn" (2). Như vậy lời nửa trực tiếp đã không còn thuần tuý trực tiếp, nhưng vẫn là hình thức độc thoại nội tâm.

Người đầu tiên ở Việt Nam chú ý đến ngôn ngữ nửa trực tiếp trong Truyện Kiều có lẽ là Đinh Trọng Lạc, năm 1974. Trong một bài báo ông dẫn ý kiến của E.J. Calughina để nói tính chất hai mặt của lời nửa trực tiếp: có thể hiểu đó là lời của người kể chuyện mà cũng có thể hiểu là lời của nhân vật. Nói cách khác nó có hai tính chất: tính trực tiếp về nội dung, nó chứa thực ý và kiểu giọng của nhân vật, và được tác giả (người kể chuyện) phát ngôn, viết như văn gián tiếp (3). Với cách hiểu như thế, thiết nghĩ có thể nói rằng, lời nửa trực tiếp chỉ có hình thức truyền đạt là gián tiếp, không có lời chỉ dẫn, dẫn ngữ, không đặt sau hai chấm và trong ngoặc kép như một dẫn ngữ, hình thức lời thuật, nhưng nội dung và ngữ điệu hoàn toàn là của nhân vật. Nói cách khác chủ thể lời nói là người kể, mà chủ thể ý thức của lời nói là nhân vật.

Năm 1977, N.I. Niculin cũng đã chú ý tới hình thức độc thoại nội tâm trong Truyện Kiều nhưng không phân tích cho thấy ông hiểu như thế nào(4). Đặng Thanh Lê cũng đề cập tới hiện tượng này nhưng tác giả không dứt khoát gọi là độc thoại hay độc thoại nội tâm, mà thiên về gọi là độc thoại(5). Gần đây có người chỉ nói tới lời độc thoại trong Truyện Kiều(6). Thật ra độc thoại mà không thốt nên lời như trong kịch thì chỉ là độc thoại nội tâm, chứ không phải độc thoại chung chung.

Từ cách hiểu độc thoại nội tâm như trên, ta có thể nói, trong Truyện Kiều đã xuất hiện lời văn dạng "trực tiếp tự do" rất rõ rệt. Ví dụ đoạn Vương Quan kể chuyện Đạm Tiên. Đoạn văn là lời trực tiếp có chỉ dẫn và dẫn ngữ:

- Lời chỉ dẫn:

   Vương Quan mới dẫn gần xa:

- Dẫn ngữ:

"Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh

Phận hồng nhan có mong manh

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

Có người khách ở viễn phương

Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi

Thuyền tình vừa ghé đến nơi

Thì đà trâm gãy, bình rơi bao giờ

Buồng không lạnh ngắt như tờ

Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.

Khóc than khôn xiết sự tình

Khéo vô duyên bấy là mình với ta!

Đã không duyên trước chăng mà,

Thì chi chút ước gọi là duyên sau.

Sắm sanh nếp tử xe châu

Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa…"

Đây là lời kể trực tiếp của nhân vật Vương Quan, nhưng đặc biệt là trong đó đã xuất hiện lời độc thoại nội tâm của người khách viễn phương:

"Khéo vô duyên bấy là mình với ta

Đã không duyên trước chăng mà

Thì chi chút ước gọi là duyên sau"

Lời này không có chỉ dẫn dẫn ngữ, lại là lời trực tiếp của người khách nói ý nghĩ, ý nguyện của mình để lẫn trong lời của Vương Quan. Câu "Khóc than khôn xiết sự tình" chỉ là lời tự sự, ý vị chỉ dẫn hầu như bị mờ hoàn toàn. Điểm khác biệt so với lời độc thoại nội tâm trong văn học phương Tây là không có ngôi nhân xưng "Tôi" rõ rệt. Tuy nhiên ở đây vẫn có dấu hiệu. Chữ "mình" với "ta" là cách xưng hô thân mật riêng giữa người khách và người chết. Các chữ "Đã không… duyên trước… thì chi… duyên sau" là dấu hiệu lời khấn. Tuy có vẻ là lời nói với người chết, nhưng thực ra là nhân vật nói với mình, một mình. Đây hoàn toàn là một lời độc thoại nội tâm tiêu biểu, nó nói lên khả năng xuất hiện độc thoại nội tâm trong dòng lời kể theo ngôi thứ nhất, một cái tôi nhân vật xuất hiện trong ngữ cảnh của dòng tự sự theo ngôi thứ nhất. Do chữ Nôm cũng như chữ Hán xưa không có dấu câu, ngoặc kép, gạch đầu dòng cho nên ta không dựa vào các mặt ấy mà phân biệt được hình thức lời văn. Và do thiếu các dấu hiệu ấy mà trong văn bản truyện chữ Hán người ta thường phải dùng các chữ "viết", "đạo" để đánh dấu lời dẫn trực tiếp. Còn văn bản Nôm thì dùng hình thức báo hiệu như "rằng", "thưa" và các hình thức khác để phân biệt lời gián tiếp và trực tiếp.

(Chẳng hạn:

- Vương Quan mới dẫn gần xa.

- Rỉ tai nàng mới giải lòng thấp cao.

- Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.

-Khen cho: Thật đã nên rằng

.v.v…)

Vì đặc điểm như vậy cho nên trong văn bản tự sự Hán, Nôm hình thức có dẫn ngữ trực tiếp chiếm ưu thế tuyệt đối, và hình thức thuật lời gián tiếp có dẫn ngữ hầu như không có. Khi cần nhắc lại một lời của ai thì nhắc lại nguyên văn. Theo Triệu Nghị Hành, "trong văn học Trung Quốc, do thiếu dấu câu và cách thức phân đoạn cho nên lời được chuyển thuật trong tự sự vẫn là lời trực tiếp có chỉ dẫn, trong tiểu thuyết cận đại khuynh hướng cá tính hóa diễn ra trong phạm vi này. Cho đến cận hiện đại kiểu gián tiếp mới được đưa vào tự sự, làm cho hình thức chuyển thuật được đa dạng"(7), nghĩa là phạm vi cá tính hoá diễn ra cả ngoài lời trực tiếp nữa.

Xét như vậy việc xuất hiện độc thoại nội tâm trong Truyện Kiều bên cạnh lời độc thoại là một đột phá về thi pháp trong truyền thống tự sự của văn học chịu ảnh hưởng văn học chữ Hán. Đoạn Vương Quan kể chuyện Đạm Tiên trên đây, Thanh Tâm tài nhân viết như sau: "May có một người khách phương xa hâm mộ danh tiếng đến thăm, thấy nàng đã chết, bèn khóc rằng: "Đạm Tiên ơi, Đạm Tiên, tôi với nàng thật vô duyên. Khi nàng sống đã không được kề bên sắc đẹp mà cười, thì nàng chết rồi xin được thu lượm hài cốt, cũng không uổng một đoạn nhân duyên". Ông bèn mua một cỗ quan tài gỗ, sắm một bộ vải liệm rồi đem Đạm Tiên đến táng ở đây…". Tác giả đã chuyển lời người viễn khách thành lời nói trực tiếp có lời chỉ dẫn ở trước, và lời nói ấy trở thành một việc, một sự kiện, chứ không giản đơn là một lời thổ lộ (8). Hình thức độc thoại của Thanh Tâm tài nhân là: "Thuý Kiều thầm nghĩ rằng:…". Có thể nói: Kim Vân Kiều truyện không có lời nửa trực tiếp hoặc lời độc thoại nội tâm theo hình thức hiện đại. Ở đó lời người kể và lời nhân vật là hai hiện tượng tách biệt, không thể xâm nhập vào nhau, pha trộn nhau.

Trở lại câu:

"Khéo vô duyên bấy là mình với ta

Đã không duyên trước chăng mà

Thì chi chút ước gọi là duyên sau"

Đây là độc thoại nội tâm hay lời nửa trực tiếp? Hãy so sánh với một câu văn nửa trực tiếp: "Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay" (Vợ chồng A Phủ). Lời trần thuật của người trần thuật ở đây thể hiện ở cách gọi nhân vật bằng ngôi thứ ba, còn phần vị ngữ thì giống với lời trực tiếp của nhân vật. Nếu ta thay "Mị" bằng "tôi", "mình" thì câu văn không có gì thay đổi về ý nhưng hình thức sẽ là độc thoại nội tâm. Bây giờ xem câu thơ trong Truyện Kiều đã dẫn, ta thấy câu ấy trực tiếp hơn câu nửa trực tiếp của Tô Hoài. Do vậy tuy đặt trong chuỗi lời của Vương Quan, song thực chất nó là độc thoại nội tâm, chứ không phải là nửa trực tiếp. Nhiều câu thơ Kiều khác, do hình thức thiếu chủ ngữ, nhân xưng, tên người mà xuất hiện như là độc thoại nội tâm đích thực. Ví dụ:

Bậc mây dón bước ngọn tường

Phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe?

Sượng sùng giữ ý rụt rè

Câu "Phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe?" là độc thoại nội tâm, đã tĩnh lược thành phần: "Chàng nghĩ bụng". Cũng như vậy, ở đoạn thơ sau:

Lần theo tường gấm dạo quanh
    

(1)

Trên đào nhác thấy một cành kim thoa
    

(2)

Giơ tay với lấy về nhà
    

(3)

Này trong khuê các đâu mà đến đây
    

(4)

Gẫm âu người ấy, báu này
    

(5)

Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm
    

(6)

Liền tay ngắm nghía biếng nằm….
    

(7)
 

Mấy dòng 4, 5, 6 là độc thoại nội tâm, chứ không phải là nửa trực tiếp, và trong văn bản có ghi các dấu câu hiện nay, thiết nghĩ không cần phải đánh dấu "ngoặc kép" (dấu dẫn) như nhiều sách hiện vẫn làm. Vả lại người ta thường làm không nhất quán. Ví như ở ví dụ trên, dòng thứ 2 lại chẳng bản nào đánh dấu dẫn cả! Thiết nghĩ không nên đánh dấu dẫn, để cho văn bản Truyện Kiều càng giống với các văn bản tiểu thuyết hiện đại. Lời độc thoại phải có hình thức lời thoại. Nói chung trong văn bản nếu thiếu chủ thể của lời nói thì việc xác định hình thức nửa trực tiếp là gặp khó khăn.

Trong Truyện Kiều cũng có dòng ý thức. Hãy xem một ví dụ về dòng ý thức mà E.Auerbach dẫn ra từ tiểu thuyết của Virginia Woolf: Chuyến đi ra ngọn hải đăng: "Nếu ngày mai thời tiết xấu - Bà Ramdi nói, liếc mắt nhìn thấy Uyliam Benkx và Lili Brixcô, thì mình sẽ chọn một ngày nào khác. Bây giờ, bà tiếp tục suy nghĩ về vẻ quyến rũ của Lili, nằm ở đôi mắt xếch kiểu Trung Hoa của cô trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn màu trắng đục, có điều không phải người đàn ông nào cũng hiểu được điều đó, - bây giờ thì đứng thẳng lên và đưa chân ra đây, bởi vì sớm hay muộn họ cũng sẽ đi ra hải đăng, và bây giờ phải biết, có nên đan đôi tất này cho dài hơn hay không?

Vào giây phút đó bà bỗng bừng lên niềm vui với một ý nghĩ tốt đẹp: Uyliam và Lili sẽ lấy nhau, và mỉm cười, bà lấy chiếc tất đen với các đường vằn ngang ở cổ chân đem ướm vào chân của Giêmxơ".

Đặc điểm của đoạn văn này là trần thuật theo ngôi thứ ba, nội dung đoạn văn nối nhau theo quy luật liên tưởng tự do, vô mục đích, và cái chính là tính liên tục của lời nói - ý nghĩ - cái nhìn - ý nghĩ - việc làm - ý nghĩ - việc làm. Bây giờ hãy xem một đoạn Kiều:

Trông xem đủ mặt một nhà

Xuân già còn khoẻ, huyên già còn tươi

Hai em phương trưởng hoà hai,

Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!

 

Tưởng bây giờ là bao giờ

Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!

Đoạn này miêu tả những điều Thuý Kiều trông thấy, vừa trông vừa suy nghĩ, nhận xét, xúc động. Đó là dòng ý thức. Đoạn văn không phải là lời của người trần thuật, anh ta đã trao nó cho ý thức nhân vật Thuý Kiều, sau đó anh ta mới kể:

Giọt châu thánh thót quẹn bào,

Mừng mừng, tủi tủi, xiết bao sự tình!

Dòng ý thức bao gồm cả những hình thức đối thoại thầm trong tâm tưởng. Ví dụ đoạn kể những suy nghĩ của Kiều trước quyết định bán mình, Kiều thầm nghĩ:

Quyết tình nàng mới hạ tình

Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!

Thì câu 8 ở đây là lời nói thầm với Kim Trọng trong tưởng tượng.

Truyện Kiều cũng có những câu làm ta nghĩ tới lời nửa trực tiếp. Ví dụ:

Chập chờn cơn tỉnh, cơn mê,

Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.

Câu 2 có hình thức trần thuật của người kể chuyện, nhưng cái ý thức rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn là của nhân vật. Hoặc như câu:

Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai!

Câu 2 là nửa trực tiếp, nói cái ý ra vẻ ta còn cao giá. Tuy nhiên loại này không nhiều.

Với cách hiểu độc thoại nội tâm rộng (bao gồm cả lời nửa trực tiếp, yếu tố dòng ý thức và lời độc thoại nội tâm "trực tiếp, tự do") thì trong Truyện Kiều có khoảng 50 lần độc thoại nội tâm ngắn, dài, gồm khoảng 400 câu thơ, chiếm tỉ lệ 12,5% lời văn Truyện Kiều, tức là trên 1/10 văn bản, một tỉ lệ không nhỏ. Nếu cộng thêm chừng 190 lần đối thoại và độc thoại, với khoảng 1189 câu, và 60 dòng bình luận trực tiếp của người kể chuyện, tổng số lời phát ngôn lên đến 1640 chiếm hơn một nửa số 3254 câu của toàn truyện. Điều này làm cho Truyện Kiều trở thành một thế giới tiếng nói mới mẻ đặc biệt.

Dĩ nhiên với tỉ lệ như vậy không thể làm cho Truyện Kiều trở thành một tiểu thuyết hiện đại kiểu độc thoại nội tâm, trong đó đối tượng miêu tả thuần tuý là nội dung của ý thức con người, và thời gian ý thức là một đại lượng khác hẳn với thời gian sự việc, hành động trong thế giới khách quan. Nhưng với lượng độc thoại nội tâm đó Truyện Kiều đã được hiện đại hoá rất nhiều.

Với hình thức lời nói bên trong, hay lời độc thoại được đánh dấu bằng các từ "nghĩ thầm", "nghĩ bụng", thế giới bên trong và thế giới bên ngoài, người kể và nhân vật được ý thức phân biệt một cách rạch ròi, theo quan niệm lí tính. Còn việc để cho lời độc thoại trực tiếp, tự do xuất hiện ngay trong lời kể mà không có lời chỉ dẫn như mấy câu trong lời kể của Vương Quan nêu trên thì lời kể đã có thay đổi: sự phân biệt, khoảng cách bên trong, bên ngoài, người kể và nhân vật đã bị xoá bỏ, làm cho tiếng nói nhân vật tham gia vào trần thuật, và lời văn trở thành đa chủ thể. Ví dụ đoạn kể sự giúp đỡ của Chung Ông:

Tính bài lót đó luồn đây,

Có ba trăm lạng việc này mới xuôi

Hãy về tạm phó giam ngoài

Ngữ điệu hai câu sau ở đây là ngữ điệu nói, chứ không phải ngữ điệu trần thuật, nghe như lời sắp đặt của Chung Ông. Hoặc như đoạn Kim Trọng nhớ Kiều:

Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người

Nhớ nơi kì ngộ vội dời chân đi.

Một vùng cỏ mọc xanh rì

Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu!

Hai câu cuối có ngữ điệu thất vọng của Kim Trọng xen trong lời kể. Đoạn kể Kiều bị bắt cóc, Thúc Ông tưởng Kiều đã chết cháy, dòng thứ 2 là lời của Thúc ông:

Ngay tình, ai biết mưu gian

Hẳn nàng thôi, lại còn bàn rằng ai!

Thúc Ông sùi sụt ngắn dài…

Đoạn kể Kiều bị bắt về nhà Hoạn bà, dòng thứ 2 là lời của Kiều:

Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai

Cửa nhà đâu mất, lâu đài nào đây?

Bàng hoàng giở tỉnh, giở say…

Hai câu giữa trong hai đoạn trích này đều là lời trực tiếp tự do với ngữ điệu nói, ý thức người nói khác hẳn với lời trần thuật, làm cho lời trần thuật chủ thể hoá. Lời văn như vậy có vẻ phi lí tính, vì ý thức và lời nhân vật được tung ra mà không do ai giới thiệu, nhưng lại phù hợp với sự sống, cảm giác tự nhiên. Lí tính là cái khắc phục cảm tính, trong nghệ thuật, cách làm của Nguyễn Du đã đem trần thuật đến chỗ gần gũi với cách cảm nhận tự nhiên của trí tưởng tượng con người. Rõ ràng lời độc thoại nội tâm trong Truyện Kiều đã đem lại một phong cách trần thuật mới, mang màu sắc hiện đại.

Độc thoại nội tâm đã làm cho lời trần thuật chủ thể hoá. Nhà thơ không giản đơn là kể chuyện, tả cảnh, mà miêu tả ý thức nhân vật. Hãy xem đoạn:

Những là lạ nước lạ non

Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi.

Xe châu dừng bánh cửa ngoài

Rèm trong đã thấy một người bước ra

Thoắt trông lờn lợt màu da

Ăn chi cao lớn, đẫy đà làm sao?

Trước xe lơi lả han chào

Vâng lời, nàng mới bước vào tận nơi.

Những chữ "lạ nước, lạ non", "vừa một tháng tròn", "đã thấy", "thoắt trông" đều thông báo hoạt động ý thức của nhân vật. "Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao" là độc thoại nội tâm của Kiều. Hai câu "Trước sân lơi lả han chào, Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi" cũng có thể hiểu là miêu tả ý thức: câu trước là điều nhân vật thấy, câu sau là phản ứng của ý thức. Có thể nói chung, Nguyễn Du không chỉ kể chuyện, mà còn tái hiện ý thức, cái nhìn của nhân vật(9) làm cho Truyện Kiều chìm trong dòng ý thức, tình cảm chủ quan thấm đẫm chất thơ trữ tình.

Không chỉ lời trần thuật chủ thể hoá, mà đối thoại của nhân vật cũng được độc thoại hoá. Ở đây xin xem hai ví dụ: Đoạn Kim Trọng được tin chú mất, phải về hộ tang, bèn sang chỗ Thuý Kiều tự tình:

Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng

Băng mình lẻn trước đài trang tự tình.

Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,

Nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa xôi.

Sự đâu chưa kịp đôi hồi

Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ

Trăng thề còn đó trơ trơ

Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng

Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông…

Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy

Gìn vàng giữ ngọc cho hay,

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

……

Hai dòng đầu là thuật sự việc xảy ra và phản ứng của Kim Trọng. Hai dòng tiếp theo là tóm lược nội dung những lời Kim Trọng thông báo tình cảnh của mình cho Kiều nghe. Đây là một hình thức rất mới, bởi như ta biết, vào trường hợp tương tự các truyện Trung Hoa để cho nhân vật nhắc lại nguyên xi các lời đã nói, còn ở đây Nguyễn Du thuật gián tiếp. Tiếp đến là bắt ngay vào lời đối thoại của nhân vật. Ở đây lời trực tiếp trốn dấu hiệu lời dẫn, từ lời tóm tắt của người kể chuyện chuyển ngay sang đối thoại. Sáu dòng đầu lời nói như lời than thở độc thoại, chỉ tới hai dòng cuối mới hướng vào Thuý Kiều như một lời cầu xin. Do vậy ta như là không phải nghe đối thoại mà nghe lời thổ lộ của nhân vật. Một ví dụ khác, đoạn Hoạn Thư nói với Hoạn bà:

Roi câu vừa gióng dặm trường
    

(1)

Xe hương nàng cũng thuận đường quy ninh
    

(2)

Thưa nhà huyên hết mọi tình
    

(3)

Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen
    

(4)

Nghĩ rằng ngứa ghẻ hờn ghen
    

(5)

Xấu chàng mà có ai khen chi mình!
    

(6)

Vậy nên ngảnh mặt làm thinh
    

(7)

Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày
    

(8)

Lâm Truy đường bộ tháng chầy
    

(9)

Mà đường hải đạo sang ngay thì gần
    

(10)

Dọn thuyền lựa mặt gia nhân
    

(11)

Hãy đem dây xích buộc chân nàng về
    

(12)

Làm cho cho mệt cho mê
    

(13)

Làm cho đau đớn ê chề cho coi!
    

(14)

Trước cho bõ ghét những người
    

(15)

Sau cho để một trò cười về sau!
    

(16)

Phu nhân khen chước rất mầu
    

(17)

Chiều con mới dạy mặc dầu ra tay
    

(18)
 

Câu 1, 2 thuật việc. Câu 3, 4 tóm tắt câu chuyện uất ức của Hoạn Thư, câu 5, 6, 7 là lời trực tiếp của Hoạn Thư nói với mẹ, nhưng nghe như độc thoại. Câu 8 là lời thuật của người kể chuyện xen vào, câu 9 đến câu 16 ở đoạn này tiếp tục lời thoại. Câu 13, 14, 15, 16 lại là vừa nói với mẹ, vừa giống như độc thoại. Buộc chân nàng về rồi thì làm sao. Hoạn Thư không nói rõ, mà tự sự cũng không cần cho biết hết. Độc thoại hoá làm cho tâm tình, dục vọng của nhân vật nổi lên lồ lộ.

Nguyễn Du không quan tâm nhiều đến lí lẽ của sự việc, mà quan tâm đến nỗi lòng nhân vật. Đoạn Từ Hải chịu hàng nhiều người đọc đều thấy lí không thông, không rõ vì sao Từ Hải nghe lời khuyên của Kiều đề cao ơn vua mà lại thấy là "mặn mà". Trong Kim Vân Kiều truyện Thanh Tâm tài nhân chú ý kể chuyện sứ giả thuyết hàng, Từ nổi giận, Kiều khuyên giải làm cho Từ Hải đuối lí. Tiếp đến Từ Hải nêu việc hàng có 3 điều lợi 5 điều hại, lợi bất cập hại, nên không hàng. Kiều phân tích lại cho Từ thấy có 3 điều tiện và 5 điều lợi, làm cho Từ Hải chịu mà nhận hàng. Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, Nguyễn Du đã tạo ra một Từ Hải khác, và để Từ thổ lộ một đoạn độc thoại nội tâm cực hay, đầy khí phách, vượt xa những dấu hiệu vừa nêu trong truyện Trung Hoa:

Một tay gây dựng cơ đồ

Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành

Bó thân về với triều đình

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?

Áo xiêm ràng buộc lấy nhau

Vào luồn ra cúi công hầu mà chi

Sao bằng riêng một biên thuỳ

Sức này đã dễ làm gì được nhau

Chọc trời khuấy nước mặc dầu

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!

Lời độc thoại nội tâm rõ ràng đã bộc lộ tâm tình nhân vật trọn vẹn, đầy đủ hơn là lời đối đáp của Từ trong cơn giận do việc khuyên hàng gợi nên. Kiều cũng có một tâm sự riêng bộc lộ trong 10 câu độc thoại. Sau đó mới đến Kiều khuyên. Lời khuyên và sự nghe lời của Từ đều là chiếu lệ, đều thể hiện sự bế tắc trong tư tưởng. Kể rõ 3 điều tiện và 5 điều lợi như Thanh Tâm tài nhân cũng chẳng qua là lôgic hình thức, chẳng có giá trị gì. Đã không có giá trị gì thì dài lời mà làm chi!

Cuối cùng, độc thoại nội tâm làm cho diện mạo tinh thần của các nhân vật chính trở nên nổi bật, sắc nét. Đây là điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã xác nhận, chúng tôi thấy không cần phải nói thêm gì nữa.

Tóm lại, trong Truyện Kiều đã xuất hiện lời độc thoại nội tâm với các đặc trưng của nó là lời trực tiếp tự do, lời nửa trực tiếp và dòng ý thức. Hiện tượng này đã đổi mới hoàn toàn phong cách tự sự trong Truyện Kiều, một bước đột phá truyền thống tự sự Trung Quốc mà tác giả tiếp xúc, tạo ra một điểm khởi đầu truyền thống mới cho tự sự Việt Nam.

(1) Triệu Nghị Hành. Khi người nói được nói tới. Bắc Kinh, NXB, Đại học Nhân dân, 1998, tr.153, 163-165.

(2) T.Môtưlôva. Tiểu thuyết nước ngoài hôm nay. M., 1966, tr.279.

(3) Đinh Trọng Lạc. Ngôn ngữ nửa trực tiếp trong Truyện Kiều và một số tác phẩm hiện đại. Tập san Đại học Sư phạm, số 3-1974.

(4)N.I.Niculin. Văn học Việt Nam thế kỉ X-XIX, M., 1977, Nxb. Khoa học, tr.181.

(5) Đặng Thanh Lê. Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, H., KHXH, 1979, tr.248-251.

(6) Lê Thị Hồng Minh. Xác định ngôn ngữ độc thoại, đối thoại của nhân vật trong Truyện Kiều, Tạp chí Ngôn ngữ số 4-1998, tr.50-62.

(7) Triệu Nghị Hành, Tlđd, tr.163.

(8) Nhị độ mai toàn truyện, Kim Vân Kiều truyện, Hoa Hạ xuất bản xã, 1995, Bắc Kinh, tr.154.

(9) Xem thêm bài Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều của chúng tôi.


GS. Trần Đình Sử
Nguồn VHNA: http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/14146-mo-hinh-tu-su-truyen-kieu-ky-4

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập135
  • Hôm nay30,436
  • Tháng hiện tại754,339
  • Tổng lượt truy cập54,869,043
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây