Bang giao Việt Mỹ : khởi đầu đầy sóng gió

Thứ năm - 02/11/2023 03:50
Những ứng xử của họ đã khiến phái đoàn Hoa Kỳ nghĩ đến một kịch bản đã được vạch ra từ trước nhằm ngăn cản sự ký kết hiệp ước bằng mọi cách. Điều đó cho phép ta nghĩa đến sự hiện diện của một nhóm đại quan trong triều đình nhà Nguyễn có ác cảm với các nước phương Tây, và luôn tìm cách ngăn chận sự bang giao với họ. Ba năm sau, năm 1836, khi Roberts trở lại Việt Nam, phái đoàn đã được báo rằng Vua Minh Mạng đã trừng phạt viên quan không chịu chuyển thư của phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ lên nhà vua.
Thư của Tổng thống A. Jackson có xác nhận bản sao của Ngoại trưởng E. Livingston.
Thư của Tổng thống A. Jackson có xác nhận bản sao của Ngoại trưởng E. Livingston.

Tác giả bài viết: Trần Thanh Ái

Trên phương diện ngoại giao, người đầu tiên được chính phủ Hoa Kỳ chính thức cử làm đại diện đến vùng Viễn Đông là Edmund Roberts, và nước đầu tiên ông đặt vấn đề ký kết hiệp ước hữu nghị không phải là Trung Hoa hay Nhật bản, mà là Việt Nam (Latané J.H. & Wainhouse D.W. 1941, tr. 325). Đoàn ngoại giao của Roberts đi trên một tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ tên là Peacock, rời Boston vào ngày 8 tháng 3 năm 1832 xuống Nam Mỹ, đến Rio de Janeiro rồi sang Sumatra, Java, đến Manila, Hong Kong rồi ghé Quảng Đông. Theo nhật ký của Roberts, ngày 26 tháng 12 năm 1832, tàu Peacock rời đảo Linting ngoài khơi Quảng Đông để đi Việt Nam. Thuyền đến Đà Nẵng vào ngày 1 tháng 1 năm 1833, nhưng giông bão đã khiến phái đoàn không thể cập bến được như dự định, và vì phải đi xa bờ biển để tránh nguy hiểm nên chiều tối ngày 5 tháng 1 năm 1833 thuyền bị trôi dạt đến tận Xuân Đài, Vũng Chào và Vũng Lắm[1] (Roberts E., 1838, tr. 171).

1. Ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn

Sau khi được tin có tàu Tây dương cập bến Vụng Lấm, quan tuần phủ Phú Yên đã báo tin về triều đình Huế. Bộ sử Minh Mệnh Chính Yếu ghi lại sự kiện này như sau:

“Quốc gia Nhã-di-lý sai sứ thần tới dâng quốc thư yêu cầu thông hiếu với Việt Nam. Thuyền của sứ bộ bị sóng dạt ghé vào vùng duyên hải tỉnh Phú Yên. Nhà vua hay
tin, liền sai quan Viên ngoại là Nguyễn Tri Phương tới nơi cật vấn. Sứ bộ trả lời là nước họ chỉ muốn giao hiếu thông thương mà thôi. Về việc này, nhà vua dụ các quan Nội các rằng: ‘Người ta từ xa tìm tới, bản ý là cung thuận. Triều đình ta với tinh thần mềm dẻo quý mến người phương xa, không tiếc gì mà không dung nạp họ. Tuy nhiên, họ mới tới lần đầu, các chi tiết lễ nghi về ngoại giao thông hiếu chưa được am tường; có thể sai quan Thương bạc viết tư văn thông báo cho nước họ biết, nếu muốn thông thương mậu dịch với nước ta, ta cũng không cự tuyệt, nhưng phải tuân theo những hiến định đã có từ trước tới nay.” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1994, tr.393-394)

Đại Nam thực lục cung cấp thêm một số chi tiết: trong mục liên quan đến các sự kiện xảy ra vào tháng 11 năm Nhâm Thìn, Minh Mệnh thứ 13 (cuối năm 1832 – đầu năm 1833) có đoạn như sau:

“Quốc trưởng nước Nhã Di Lý (nước này ở Tây dương, hoặc gọi Hoa Kỳ, hoặc gọi là Ma Ly Căn, hoặc gọi là Anh Cát Lợi mới đều là biệt hiệu nước ấy) sai bọn bề tôi là Nghĩa Đức Môn La Bách Đại, Uý Đức Giai Tâm Gia (tên hai người) đem quốc thư xin thông thương thuyền ở cửa vụng Lấm thuộc Phú Yên. Vua sai Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh, lên trên thuyền thết tiệc và hỏi ý họ đến đây làm gì. Họ nói: “Chỉ đến vì muốn giao hiếu và thông thương” nói năng rất cung kính. Đến lúc dịch thư ra có nhiều chỗ không hợp thể thức. Vua bảo không cần đệ trình thư ấy. Rồi cho quan quyền Lĩnh chức Thương Bạc làm tờ trả lời. Đại lược nói: ‘Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định.” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tr.412-413)

1.1. Về tên quốc gia cử phái đoàn ngoại giao

Cả hai bộ sử Minh Mệnh chính yếu và Đại Nam Thực lục đều ghi tên quốc gia cử phái đoàn ngoại giao đến Việt Nam là Nhã Di Lý. Đây là tên Hán Việt có lẽ được phỏng âm theo tên nước này bằng tiếng Pháp États-Unis, tức Liên bang Hoa Kỳ. Đặc biệt, Đại Nam thực lục còn cho người đọc biết nhiều tên gọi khác của nước này, như Ma Ly Căn (có lẽ từ chữ American), hoặc Anh Cát Lợi mới (dịch từ New England, tức nước Anh mới): đó là những tên gọi khác nhau dùng để chỉ Hoa Kỳ. Các chi tiết này giúp chúng ta chắc chắn rằng vụ việc xảy ra vào cuối năm Minh Mệnh thứ 13 liên quan đến Liên bang Hoa Kỳ.

1.2. Về tên của các đại diện ngoại giao hai bên

Về phía Việt Nam, Minh Mệnh chính yếu chỉ nhắc đến “Viên ngoại Nguyễn Tri Phương”, còn Đại Nam thực lục kể thêm “tư vụ Lý Văn Phức” đến để “cật vấn họ”, hỏi “họ đến đây làm gì”.

Về phía Hoa Kỳ, bản dịch ra chữ quốc ngữ của Đại Nam thực lục (tập ba) do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2007 ghi tên của hai vị đại diện Hoa Kỳ là Nghĩa Đức Môn La Bách Đại và Uý Đức Giai Tâm Gia như chúng ta vừa đọc trong đoạn trích bên trên. Thế nhưng trong hồ sơ bằng tiếng Pháp do chánh sở Mật thám tại An Nam L. Sogny lập năm 1932, để gửi cho viên Phó Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn[2], ông W. Everett Scotten, đoạn trích văn kiện triều Nguyễn có ghi tên của họ như sau, với đính kèm chữ hán bên cạnh:

“Tổng Thống nước Cộng Hòa Nhã-di-lý […] đã cử ông Nghĩa-đức-môn La-bách (1) (義德門羅百), đại úy Đức-giai Tâm-gia (德佳心嘉) và đoàn tùy tùng đến nước ta, mang theo một bức thư bày tỏ nguyện vọng bang giao với chúng ta.” (Sogny L. 1937, tr.64)

Thái Văn Kiểm cũng ghi lại nội dung trên đây bằng từ ngữ Hán Việt như sau:

“Kỳ quốc tại Tây-dương, hoặc xưng Hoa-kỳ, hoặc xưng Ma-ly-căn hoặc xưng tân Anh-cát-lợi, giai kỳ biệt hiệu dã. Quốc-trưởng khiển kỳ thần Nghĩa-đức-môn La-bách, đại úy Đức-giai Tâm-gia (nhị nhân danh) đảng tê quốc thơ cầu thông.” (Thái Văn Kiểm, 1960, tr. 427)

Đến đây có lẽ chúng ta dễ dàng hình dung ra sai sót của Đại Nam thực lục (ấn bản 2007): tên của người thứ nhất không có chữ đại ở cuối, và tên người thứ hai không có chữ úy ở đầu, mà hai chữ ấy, đại úy[3] chính là cấp bậc của người thứ hai, ông Đức-giai Tâm-gia! Sai sót này xuất phát từ việc đặt dấu phẩy không đúng vị trí, có lẽ do người dịch ra chữ quốc ngữ, hoặc người thợ xếp chữ không nhận ra cấp bậc của người thứ hai.

Về nhân vật ngoại giao thứ nhất được ghi là Nghĩa Đức Môn La Bách, L. Sogny và W. Everett Scotten xác định được ngay đó là ông Edmund Roberts (Sogny L. 1937, tr. 64-66), vì đó là nhân vật chính trong phái đoàn Hoa Kỳ. Còn tên của người thứ hai Đức Giai Tâm Gia thì đã từng có nhiều suy đoán không dựa trên căn cứ nào cả: trong thư đề ngày 19 tháng 4 năm 1932 gửi L. Sogny, ông W. Everett Scotten nghĩ rằng đó là Georges Thomas, nhưng ông dè dặt nói thêm là sẽ tìm hiểu kỹ càng hơn (Sogny L., 1937, tr. 66). Sau đó, trong một bài viết năm 1935, Everett Scotten lại cho rằng đó là George Thompson (Everett Scotten W. 1935, tr. 18). Nhiều tác giả Việt Nam như Thái Văn Kiểm (1960), Phạm Văn Sơn (1971), Nguyễn Đắc Xuân (2000), Trương Thị Yến (2017), v.v. có lẽ đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham khảo bài viết này nên cũng cho rằng Đức Giai Tâm Gia là George Thompson, một cái tên không có liên quan gì đến chuyến đi đến Việt Nam năm 1833 của Edmund Roberts cả. Trong phần kế tiếp của bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin về nhân vật Đức Giai Tâm Gia.

1.3. Về diễn tiến của sự kiện ngoại giao

Qua ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn, người đọc chỉ biết sự kiện này một cách sơ lược, như về địa điểm gặp gỡ (Vụng Lấm, Phú Yên), người tiếp sứ giả Hoa Kỳ (Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức), mục đích của chuyến đi (muốn giao hiếu và thông thương), thái độ của sứ giả (nói năng rất cung kính). Về kết quả thương thuyết, người đọc chỉ biết một chi tiết ngắn ngủi, cho phép nghĩ đến một cái kết thúc không có hậu: Quốc Sử quán triều Nguyễn chỉ cho biết là do thư của phái đoàn không hợp thể thức, còn không hợp như thế nào thì không có thông tin nào cả.

2. Ghi chép của phái đoàn Hoa Kỳ

Hồi ký của Edmund Roberts đã được xuất bản năm 1837 tại New York sau khi ông qua đời, với tựa đề Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock[4] có ghi chi tiết chuyến hải hành của con tàu Peacock từ lúc rời cảng Boston (Hoa Kỳ) ngày 8 tháng 3 năm 1832 đến khi trở về cảng Boston ngày 24 tháng 4 năm 1834. Hồi ký của một trưởng đoàn ngoại giao chắc chắn là rất quan trọng trong việc nghiên cứu các sự kiện có liên quan, nhưng hồi ký của E. Roberts còn có nhiều ý nghĩa khác, vì nó ghi lại rất nhiều chi tiết chẳng những liên quan đến sự kiện ngoại giao, mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh của đất nước và con người. Ông đã ghi lại diễn biến hằng ngày về các cuộc tiếp xúc với phía Việt Nam từ lúc con tàu USS Peacock rời đảo Linting ngày 26 tháng 12 năm 1832, rồi bị bão không cập bến Đà Nẳng được, đến lúc tàu rời cảng Vũng Lấm ở Phú Yên ngày 8 tháng 2 năm 1833. Đặc biệt, ông cũng đã ghi lại nhiều cuộc trao đổi giữa hai bên, kể cả các cuộc bút đàm bằng chữ hán giữa các quan từ Huế vào và người phiên dịch tiếng Trung Hoa John R. Morrison tháp tùng theo phái đoàn ngoại giao từ Macao.

2.1. Về các thành viên trong phái đoàn ngoại giao của hai bên

2.1.1. Các thành viên trong phái đoàn Hoa Kỳ

Sau khi đã bỏ neo ở Vũng Lấm, ngày 6 tháng 1 năm 1833, theo yêu cầu của các quan chức ở địa phương, phái đoàn đã soạn ra tờ trình báo sau đây, thành hai bản: bản bằng chữ hán và bản bằng tiếng Anh, để họ báo lên thượng cấp (bản dịch sau đây dựa theo bản tiếng Anh):

“Đây là tàu chiến của Liên bang Hoa Kỳ. Tàu tên là Peacock. Thuyền trưởng tên là David Geisinger. Tàu này được Tổng thống Hoa Kỳ phái tới đây, với hy vọng ký kết một hiệp ước bang giao hữu nghị với Đức Vua Xứ Đàng Trong.

“Trên tàu có một đặc phái viên tên là Edmund Roberts mang một bức thư của Tổng thống Hoa Kỳ và sẽ đích thân trao thư cho Đức Vua Xứ Đàng Trong. Trên tàu gồm 166 người, kể cả các sĩ quan và binh sĩ.

“Ban đầu tàu này định đi vào Vịnh Bắc bộ, nhưng không thể được vì hải lưu mạnh nên đã dạt đến đây.

“Ngày 6 tháng 1 năm 1833.” (Roberts E., tr.174-175)

Ngày 6 tháng 1 năm 1833 nhằm ngày 16 tháng 11 năm Nhâm Thìn[5], Minh Mệnh thứ 13. Chi tiết này trùng khớp với ghi chép của Đại Nam thực lục.

Qua tờ trình báo trên, người đọc nhận ngay ra rằng hai nhân vật chính trong phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ là Edmund Roberts và thuyền trưởng tàu Peacock tên là David Geisinger. Điều đó có nghĩa là tên nhân vật Nghĩa Đức Môn La Bách tương ứng với Edmund Roberts và Đức Giai Tâm Gia chính là tên Hán Việt của thuyền trưởng David Geisinger! Ngoài hồi ký của Roberts, còn có nhiều tài liệu khác xác nhận là thuyền trưởng của chuyến đi năm ấy là David Geisinger. Chẳng hạn như một bài báo phát hành tại Singapore năm 1837 ghi lại chuyến ghé thăm Bangkok của phái đoàn Hoa Kỳ, trong đó có đoạn như sau:

“Chiến thuyền Peacock, thuyền trưởng là D. Geisinger đã đến khoảng nửa sau tháng 2 năm 1833, trên thuyền gồm có Ông Edmund Roberts là đặc phái viên của Tổng thống Jackson đến Xứ Đàng Trong và Xiêm. Trước khi thuyền đến Xiêm, phái đoàn đã đến một trong các cảng phụ ở xứ Đàng Trong, nhưng không thu được kết quả. Tuy nhiên, ở Xiêm họ được đón tiếp niềm nở; hai tàu chiến to được phái ra biển để rước ông Roberts về Bangkok, vì thuyền Peacock quá sâu để có thể vào bờ.” (Moor J.H., 1837, tr. 202-203).

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong giới hàng hải buôn bán với Viễn Đông vào thế kỷ XIX cũng có nhân vật tên là George Thompson, nhưng đó là chủ đội thương thuyền của Scotland, trong khi Peacock là tàu quân sự của Hoa Kỳ, và thuyền trưởng là một quân nhân. Việc W. Everett Scotten nhầm lẫn khi xác định tên nhân vật thứ hai của phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam cũng không có gì khó hiểu: ông không phải là nhà nghiên cứu mà chỉ là nhà ngoại giao, và nhất là vì ông chưa đọc hồi ký của Roberts hoặc sách báo có liên quan chuyến đi.

2.1.2. Những quan lại Việt Nam tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ

Về tên của các quan lại nhà Nguyễn đến thương thuyết với phái đoàn Hoa Kỳ, hồi ký của Roberts nhắc đến trước hết là một quan địa phương mà họ đã tiếp xúc vào ngày 5 tháng 1 năm 1833, khi vừa neo tàu ở Vụng Lấm. Ông ta tự xưng là Keep-tu, mà Roberts dịch sát nghĩa là “assistant keeper” (phụ tá quản lý?) của vùng Vụng Lấm và King-chow[6] (Roberts E., tr.173). Ngày hôm sau, có hai vị quan được tỉnh phái đến, tự xưng là quan cửu phẩm được hai phiên dịch người Trung Hoa nói tiếng quan thoại giỏi như tiếng Quảng Đông mẹ đẻ của họ, đến để tìm hiểu lai lịch và mục đích của con tàu. Hai người này không xưng tên, và sử sách triều Nguyễn cũng không nhắc đến. Ngày 7 tháng 1 đoàn quan chức trở lại tàu, có thêm hai quan triều đình không xưng tên, phẩm phục chỉnh tề, có quân lính được trang bị cờ quạt, kèn trống, giáo gươm.

Ngày 17 tháng 1 năm 1833, triều đình Huế cử hai vị quan triều đình tên là Nguyễn và Lý[7] đến Vụng Lấm gặp phái đoàn Hoa Kỳ, có quan án sát tỉnh (under-governor) tháp tùng. Các quan chức này cho biết họ được “Thượng thư Bộ Thương Mãi và Hàng hải’[8] phái đến để tìm hiểu mục đích đến đây của phái đoàn. Đối chiếu với Đại Nam thực lục, ta biết được đó là Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức.

Ngày 27 tháng 1 năm 1833, hai quan triều đình khác từ Huế đến, nói là họ có phẩm hàm cao hơn Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức, và họ đến để truyền lệnh miệng của quan Thượng thư. Họ không chịu xưng tên, hoặc nói tên một cách mập mờ nên không thể viết ra được. Quốc sử quán triều Nguyễn không đề cập gì đến hai vị quan này, ngoài dòng chữ “[Vua] cho quan quyền Lĩnh chức Thương Bạc làm tờ trả lời […] rồi giao thơ cho họ mà bảo họ đi.” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tr. 413)”. Vậy ai là người giao thơ của triều đình? Thơ đó có đến tay phái đoàn Hoa Kỳ không? Trong hồi ký của Roberts, không có một dòng nào nói về bức thư này, mặc dù họ rất trông đợi hồi âm của triều đình, và được hẹn hết lần này đến lần khác.

2.2. Về diễn tiến của cuộc tiếp xúc với quan chức Việt Nam

Sau khi đã làm thủ tục trình báo với quan chức địa phương, ngày 7 tháng 1 năm 1833 (nhằm ngày 17 tháng 11 năm Nhâm Thìn, Minh Mệnh 13), đặc phái viên E. Roberts đã viết một bức thư gửi Vua Xứ Đàng Trong để tự giới thiệu và trình bày mục đích của phái đoàn Hoa Kỳ. Nội dung thư như sau:

“Kính gửi Hoàng Thượng, Vua xứ Đàng Trong.

“Người ký tên dưới đây, Edmund Roberts, được vinh dự thông báo cho Hoàng Thượng là Tổng Thống Liên bang Hoa Kỳ Ngài Andrew Jackson mong muốn được thiết lập bang giao hữu nghị với Đức Vua xứ Đàng Trong, đã cử chiến thuyền Peacock do thuyền trưởng David Geisinger chỉ huy, đến lãnh thổ của Hoàng thượng. Tổng thống Liên bang Hoa Kỳ đã cử người ký tên dưới đây làm đặc phái viên đến triều đình của Hoàng thượng với một bức thư gửi cho Hoàng thượng, và trao cho toàn quyền để đàm phán với Hoàng thượng về những vấn đề quan trọng mà Tổng thống đang quan tâm. Vì thế ông ấy [tức là E. Roberts] mong Hoàng thượng ban cho ông ấy một cuộc yết kiến sớm nhất có thể.

“Vị chỉ huy con tàu chiến của Hoa Kỳ dự định cập vào vịnh Đà Nẳng; nhưng gió và hải lưu đã đưa thuyền trôi dạt khỏi nơi đó, sau nhiều nỗ lực liên tục, sau cùng ông buộc phải cập vào cảng này. Vì gió ngược và hải lưu vẫn còn mạnh, nên việc đưa phái viên từ đây đến vịnh Đà Nẵng là không thể được. Ông ấy đành phải ở đây chờ câu trả lời của Hoàng Thượng.

“Làm trên thuyền United States’ ship Peacock, tại Vụng Lấm, tỉnh Phú Yên, xứ Đàng Trong, vào ngày 7 tháng 1 năm 1833, năm Độc Lập thứ 57.

“Edmund Roberts (đã ký)” (Roberts E. 1837, tr.176)

Sau khi nhận được thư, các quan hứa là sẽ chuyển ngay ra Huế. Sau đó, ngày 17 tháng 1, Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức đến, và cho biết đã nhận được bức thư của đặc phái viên E. Roberts gởi cho vua, nhưng thư có vài sai sót nên quan Thượng thư không dám trình lên vua. Họ cho biết E. Roberts đã viết sai tên quốc gia, không phải là Annam[9] mà là Việt Nam. Ngoài ra, phải gọi Minh Mạng là Hoàng đế chứ không phải là vua. Phía Hoa Kỳ cho biết rằng những sai sót trên đây là do họ không biết, chứ không hề có ý bất kính (Roberts, 1837, tr. 182). Các quan triều đình Huế khuyên Roberts nên viết thư cho quan Thượng thư để trình bày mục đích của chuyến viếng thăm, và muốn xem trước để biết thư có phạm phải những “chữ cấm” hay không, “chiếu theo quy tắc tỉ mỉ của cách hành văn Trung Hoa” (Roberts E., 1837, tr. 183). Và thế là họ yêu cầu Edmund Roberts viết một bức thư khác theo mẫu của họ, với lời lẽ khúm núm như sau:

“Hạ quan[10] Edmund Roberts, phái viên từ Liên bang Hoa Kỳ, muốn bẩm báo với Quý Quan trên rằng hạ quan đã nhận lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ cử mang công thư với ý định như sau: ‘Từ lâu tôi đã để ý đến danh tiếng của vương quốc của Quý Ngài, với mong muốn được bang giao hữu hảo; nhưng trước đây tôi không có cơ hội để thực hiện mong muốn đó. Nay tha thiết khẩn cầu[11] được bang giao thân thiện. Ngoài mục đích đó ra, tôi không có mục đích nào khác.’

“Vậy hạ quan mạo muội xin bẩm báo như trên, khẩn cầu Quý Quan trên trình bẩm lại cho Hoàng đế để mắt đến mà cho phép hạ quan nhanh chóng đến kinh đô và kính cẩn dâng thư vv.” (Roberts E. 1837, tr.183)

    Roberts đã từ chối những cách nói như được hướng dẫn, vì ông cho rằng lời lẽ trong thư quá hạ mình, không thể hiện tinh thần tự trọng của người Hoa Kỳ, như ông đã nhận xét: “ngoài tinh thần nô bộc của một số cách nói, ngôn ngữ chung của thư mẫu là ngôn ngữ của kẻ bề dưới” (Roberts E., tr. 183). Phái đoàn Hoa Kỳ đồng ý viết một bức thư khác với lời lẽ nhã nhặn, bày tỏ sự kính trọng chính quyền Việt Nam nhưng không thể hiện tinh thần thấp kém về phía Hoa Kỳ. Nguyên văn bức thư thứ hai như sau:

            “Kính gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, Thương Mại và Hàng Hải, Huế,

“Edmund Roberts, đặc phái viên đến từ Liên bang Hoa Kỳ, muốn thông báo cho Quý Ngài biết rằng Andrew Jackson, Tổng thống Hoa Kỳ, với mong muốn thiết lập bang giao hữu nghị với Hoàng đế xứ Đàng Trong, đã phái chiến thuyền USS Peacock do thuyền trưởng David Geisinger chỉ huy, đến lãnh thổ của Hoàng thượng.

“Và Tổng thống Liên bang Hoa Kỳ đã cử tôi làm đặc phái viên đến triều đình của Hoàng Thượng, giao cho tôi một bức thư gửi Hoàng thượng; và trao cho tôi toàn quyền đàm phán nhân danh Tổng thống, về những vấn đề quan trọng mà ông ấy đang quan tâm. Vì thế tôi thỉnh cầu Quý Ngài thông báo điều này với Hoàng thượng; và hy vọng rằng tôi sẽ được phép có một cuộc yết kiến trong thời gian sớm nhất có thể.

“Vị chỉ huy con tàu chiến của Hoa Kỳ dự định cập vào vịnh Đà Nẳng; nhưng gió ngược và hải lưu đã đưa thuyền trôi dạt khỏi nơi đó, sau nhiều nỗ lực liên tục, sau cùng ông buộc phải cập vào cảng Vụng Lấm này. Vì gió ngược và hải lưu vẫn còn mạnh, nên việc đưa phái viên trở lại vịnh Đà Nẵng là không thể được. Vì thế, người ký tên dưới đây phải chờ câu trả lời của Hoàng thượng ở đây.

“Ký tên và niêm phong trên thuyền United States’ ship Peacock, tại Vụng Lấm, tỉnh Phú Yên, xứ Đàng Trong, vào ngày 18 tháng 1 năm 1833, năm Độc Lập thứ 57.

“Edmund Roberts (đã ký)” (Roberts E. 1837, tr. 184-185)

Bức thư đã được phái đoàn Hoa Kỳ dịch sang chữ hán cho các quan Việt Nam xem lại. Sau khi đề nghị sửa lại vài từ ngữ, Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức đồng ý chuyển thư về Huế, với lời hứa rằng thư trả lời sẽ đến trong trong vòng bảy đến tám ngày (Roberts E. 1837, tr. 185).

Ngày 27 tháng 1, hai vị quan khác từ Huế vào để trả lời yêu cầu của phái đoàn Hoa Kỳ. Họ không chịu xuống thuyền như thông lệ ngoại giao, lấy lý do là đang có sóng to khiến họ say sóng, mà mời E. Roberts lên bờ để nói chuyện. Đặc phái viên Roberts cho rằng động tác đó có dụng ý là muốn ông ta đến ra mắt như quan cấp dưới đến hầu quan trên, nên từ chối (tr.191). Và thế là ông cho người phiên dịch Morrison lên bờ tiếp xúc với hai ông quan này. Theo tường thuật của Morrison, hai viên quan mới này có phẩm hàm cao hơn hai ông Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức, dáng vẻ khó gần hơn, và phong cách thô bạo hơn. Khi được hỏi là có thư hồi âm từ Huế không, hai vị quan này cho biết là họ đến để trả lời thay cho thư, và nói thêm “Quan Thượng thư Bộ Thương Mãi và Hàng hải đã nhận thư của ngài phái viên; vì nội dung thư khiêm cung và hợp lý lẽ, nên ngài chỉ thị cho các quan phủ chuẩn bị tiệc khoản đãi.” (Roberts E. 1837, tr.191)

Cuộc đàm đạo với Morrison không đi đến được kết luận nào. Cuối cùng, viên quan triều đình viết ra giấy: “Ông nên trở về tàu và nhận lệnh của đặc phái viên và thuyền trưởng về hai điểm quan trọng này, đó là: 1. trình bản sao bức thư của Tổng thống; 2. cho biết một cách rõ ràng những mục tiêu chi tiết của chuyến công cán. Tối nay hãy trở lại và cho chúng tôi biết kết quả.” (Roberts E. 1837, tr. 193)

Đặc sứ E. Roberts cho biết là yêu cầu của phía Việt Nam là không phù hợp vì chỉ có người được đề tên nhận thư mới có quyền mở thư, do đó chỉ có vua Minh Mạng mới có quyền mở thư gửi của Tổng thống Jackson gửi cho Hoàng thượng. Ông cũng nhắc lại rằng khi các nhà ngoại giao Anh do John Crawfurd dẫn đầu đến Việt Nam năm 1822, vua Minh Mạng ra lệnh không được phép trình quốc thư cho Tổng trấn Sài Gòn, mà phải trình cho vua Minh Mạng. Do đó, nếu không có lệnh trực tiếp từ vua Minh Mạng, phái đoàn Hoa Kỳ không thể trình thư cho các quan. E. Roberts dẫn lời nói của một quan thượng thư được ghi lại trong hồi ký của Crawfurd như sau:

“Lệnh của Hoàng thượng là, khi Tổng trấn [Bengal] có gửi thư nữa thì phải niêm phong, vì đó là tập tục của xứ Đàng Trong. […] Thật chẳng thể tán thành tập tục của một quốc gia khi người nào cũng có thể kiểm tra thư từ gửi cho hoàng thượng, trước khi chúng được dâng lên người.” (Roberts E., 1837, tr.198)

Mặc dù phái đoàn đã hết mực phân trần, nhưng hai quan này vẫn khăng khăng với ý định đọc trước thư của E. Roberts gửi quan Thượng thư và cả thư của Tổng thống Hoa Kỳ gửi vua Minh Mạng. Họ lập luận là “Tổng thống được nhân dân bầu ra và đưa lên, không có tước hiệu vua chúa, ông ấy phải có nhiệm vụ viết thư một cách đúng mực và kính cẩn; vì thế cần phải dịch thư ra để xem xét để xóa những chữ không thích hợp. (Roberts E. 1837, tr.201)

Những lời lẽ xúc phạm ấy đã khiến phái đoàn nổi giận và không thể tiếp tục cuộc thảo luận. Tuy nhiên, vì không muốn việc thương thuyết rơi vào bế tắc, nên ngày 30 tháng 1 năm 1833, Roberts đành phải viết lại thư gửi thượng thư một lần nữa, trong đó có trình bày rõ mục đích của chuyến công cán như yêu cầu của phía Việt Nam, với hy vọng sự nhượng bộ này sẽ giúp công việc trôi chảy hơn. Toàn văn bức thư viết lại như sau:

“Thư của Ngài Edmund Roberts, đặc phái viên đến từ Liên bang Hoa Kỳ, gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thương Mại, vv. xứ Đàng Trong.

“Ngài Edmund Roberts, đặc phái viên đến từ Liên bang Hoa Kỳ, muốn thông báo đến Quý Ngài Bộ trưởng rằng trong thư ông ấy viết vào ngày 18 tháng này báo cho Quý Ngài với mong muốn của Tổng thống Hoa Kỳ là thiết lập bang giao thân thiện với Hoàng đế xứ Đàng Trong; và tiến cử tôi làm người mang bức thư mà tôi phải trình lên Hoàng thượng; đồng thời tôi có toàn quyền thay mặt Tổng thống để thương thảo về những vấn đề trọng đại mà ông ấy quan tâm. Bây giờ tôi vui mừng cho vào phong bì bản sao chép của bản chính bức thư của Tổng thống gửi cho Hoàng đế và bản dịch sang tiếng Trung Hoa, qua trung gian các quan Thanh tra của Quý Ngài. Mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống đã được trình bày trong thư, là chỉ muốn biết Hoàng đế có sẵn lòng chấp nhận giao thương với Hoa Kỳ ngang hàng với các nước khác không; hay với những điều kiện nào thì sẽ được chấp nhận, và ở những cảng nào. Hoa Kỳ không yêu cầu một đặc quyền nào cả. Đặc phái viên cũng không có nhiệm vụ nào khác, ngoài việc ký kết hiệp ước giao thương bền vững giữa hai quốc gia. Đó là mục tiêu duy nhất của chuyến công cán.

“Giá như Quý Ngài đã trả lời bằng thư và cho biết yêu cầu về những thông tin ở trên, thì  Đặc phái viên đã cung cấp những chi tiết ấy từ trước rồi, nhưng vì một số người muốn biết mục tiêu của chuyến đi, và yêu cầu bản sao bức thư của Tổng thống, những thông tin mà người này không thể được tiếp cận, vì họ không có lệnh của Quý Ngài.

“Đặc phái viên có mặt ở đây cũng đã khá lâu, và sẽ không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Vì thế ông ấy xin Quý Ngài cung cấp phương tiện cho ông ấy và những người tháp tùng ông ấy để đi đến Huế một cách nhanh chóng. Trong vòng bảy ngày, nếu không có giấy phép của Hoàng đế để đi đến đó, chúng tôi buộc phải ra khơi.

“Ký tên và niêm phong trên tàu chiến U.S.S Peacock, trong vịnh Vụng Lấm, tỉnh Phú Yên, ngày 30 tháng 1 năm 1833, và năm Độc lập thứ năm mươi bảy.

“Edmund Roberts (đã ký)” (Roberts E. tr 203-204)

Bức thư của Tổng Thống Andrew Jackson, mà Đặc sứ Edmund Roberts có trách nhiệm trình tận tay cho vua Minh Mạng, cũng được làm thêm bản sao và dịch sang chữ hán, nội dung được Roberts ghi lại như sau:

“Andrew Jackson, Tổng thống Liên Bang Hoa Kỳ

“Kính gởi: Hoàng thượng Hoàng Đế xứ Đàng Trong[12]

“Kính thưa Đại Hiền Hữu[13],

“Thư này sẽ được Edmund Roberts đệ trình lên Hoàng thượng; ông ấy là một công dân khả kính của Liên Bang Hoa Kỳ, người được cử làm Đặc sứ của chính phủ để thương thảo với Hoàng thượng những vấn đề quan trọng.  Tôi cầu xin Hoàng thượng che chở cho ông ấy trong lúc thi hành nhiệm vụ được giao phó; xin tiếp đãi ông ấy với lòng tốt và tin cậy; tôi tưởng hoàn toàn vào những điều ông ấy nhân danh chúng tôi trình bày với Hoàng thượng, đặc biệt khi ông ấy cam kết tình hữu nghị và thiện chí hoàn hảo của chúng tôi đối với Hoàng thượng.    

“Tôi cầu xin Thượng đế luôn ở bên Đại Hiền Hữu trong sự bảo vệ bình an và thiêng liêng của Ngài.

“Làm tại thành phố Washington vào ngày 20 tháng 1 năm 1833, và năm thứ 56 của nền Độc Lập Liên Bang Hoa Kỳ[14].

“Andrew Jackson (đã ký)

“Thừa lệnh Tổng Thống

“Edward Livingston, Ngoại trưởng (đã ký).

“Trên đây là bản sao chính xác của bản chính hiện đang nằm trong tay tôi, Edmund Roberts, đã ký.” (Robert 1837, tr.204)

Sau khi các thư từ đã được chỉnh sửa xong và niêm phong để đưa lên bờ trao cho các quan mang về Huế, thì khó khăn mới lại xuất hiện: các quan muốn đọc thư gửi cho quan Thượng thư và sửa lại toàn bộ theo ý họ. Roberts đã ghi lại sự tức tối của mình trong hồi ký như sau:

“Đòi hỏi ngang ngược và ngạo mạn này bị phản đối mạnh mẽ. Chúng tôi hỏi họ ‘Đâu là nguyên nhân của hành vi này?’ Ở đây có bốn quan chức mà chúng tôi không biết tên họ, cấp bậc (về cấp bậc khi chúng tôi hỏi thì họ né tránh không muốn nói, về tên họ của họ thì dù hai người trong số họ có nói nhưng không đủ rõ để viết ra). Nhưng quan chức này yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích chuyến công cán, và từ chối chuyển thư công vụ của chúng tôi. Không nơi nào chúng tôi đã từng đặt chân đến mà sứ giả lại bị đối xử như thế.”  (Roberts E., 1837, tr.204-205)

Theo ghi chép của Roberts, các quan chức Việt Nam yêu cầu phải thay đổi rất nhiều chữ, từ cách xưng hô I (tôi) của Tổng thống Hoa Kỳ đến đại từ nhân xưng he, him (“ông ấy”, được dùng để chỉ Roberts). Đối với câu “Tôi cầu xin Hoàng Thượng che chở cho ông ấy […]; xin tiếp đãi ông ấy với lòng tốt và tin cậy”[15], các quan Việt Nam yêu cầu phải dùng các chữ “rũ lòng hạ cố” (“deep condescension”). Còn câu cuối thư “Tôi cầu xin Thượng đế luôn ở bên Đại Hiền Hữu trong sự bảo vệ bình an và thiêng liêng của Ngài” được yêu cầu đổi thành “cầu xin Trời Đất ban sự bình an cho thánh thể của bệ hạ”[16]. Khi được giải thích là thay đổi như thế sẽ khiến Tổng thống bị hiểu nhầm là người ngẫu tượng giáo (idolater), các quan triều Nguyễn bèn đề nghị cách dùng “các Thần Thánh trên Trời” (Gods of Heaven) và cũng bị cự tuyệt (Roberts E., 1837, tr. 208). Ngoài ra, họ còn đề nghị nhiều sự thay đổi vô lý: ở đầu thư, Tổng thống Jackson không được nói đơn giản “kính gửi” (“to”), mà phải viết “cung kính dâng lên” (“with silent awe”) “khấu đầu dâng lên” (“with uplifted hands”), “những từ ngữ được người Trung Hoa và những kẻ bắt chước khúm núm ở xứ Đàng Trong dùng thường xuyên, khi thần dân phải tiếp chuyện vua quan” (tr.209). Các quan triều đình Huế lập luận rằng Tổng thống do dân bầu lên nên không thể ngang hàng với Hoàng đế Minh Mạng, vì thế phải giữ đúng lễ nghi triều đình. Những đề nghị như vậy đã bị phái đoàn ngoại giao từ chối, vì Tổng thống Hoa Kỳ không thể bị đối xử như kẻ bề dưới của hoàng đế Minh Mạng.

Phía Hoa Kỳ không thể chấp nhận những đề nghị hạ mình như thế, cũng như không chịu quỳ lạy khi yết kiến Minh Mạng. Thế là đợi đến ngày 8 tháng 2 mà vẫn không có tin gì mới, thuyền Peacock bèn nhổ neo đi Xiêm, ở đó, họ được tiếp đón trọng thị, như tường thuật của báo chí lúc bấy giờ, và họ đã ký kết hiệp ước hữu nghị ký với quốc gia này. Đó là hiệp ước đầu tiên mà Hoa Kỳ đã ký với một nước vùng Viễn Đông sau khi giành được độc lập năm 1776.

3. Nguyên nhân của cuộc thương thuyết bị thất bại

Sự cố ngoại giao ở Vũng Lấm năm 1833 có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

3.1. Quan triều đình gây khó dễ

Qua diễn biến cuộc thương thuyết kéo dài một tháng ròng rã không kết quả, chúng ta dễ dàng nhận ra là các quan triều Nguyễn đã gây ra rất nhiều khó khăn cho phái đoàn Hoa Kỳ, bởi sự câu nệ khe khắt ở các câu chữ, các thủ tục, viện lý do là không dám trình lên vua nếu thư từ không viết đúng cách do họ định ra. Chỉ mỗi việc viết thư cho Thượng thư mà họ buộc sứ giả phải viết đi viết lại nhiều lần, sau mỗi lần viết lại thì có thêm những đề nghị sửa chữa khác; hoặc yêu cầu kỳ quặc muốn mở thư của Tổng thống xem trước để kiểm tra câu chữ, vv. Cách ứng xử như thế không thể xem là bình thường đối với người đại diện cho Tổng thống, hoàn toàn khác với thái độ phục tùng nhà Thanh (cầu phong vương, bắt chước nghi thức, cách tổ chức chính quyền…). Điều đó chỉ có thể được giải thích là có chủ trương hạn chế sự giao lưu với các nước phương Tây.

Sự xuất hiện của hai quan triều đình ngày 27 tháng 1 là một bí ẩn của lịch sử, vì họ không xưng danh, và cũng không được nhắc đến trong chính sử nhà Nguyễn. Những ứng xử của họ đã khiến phái đoàn Hoa Kỳ nghĩ đến một kịch bản đã được vạch ra từ trước nhằm ngăn cản sự ký kết hiệp ước bằng mọi cách. Điều đó cho phép ta nghĩa đến sự hiện diện của một nhóm đại quan trong triều đình nhà Nguyễn có ác cảm với các nước phương Tây, và luôn tìm cách ngăn chận sự bang giao với họ. Ba năm sau, năm 1836, khi Roberts trở lại Việt Nam, phái đoàn đã được báo rằng Vua Minh Mạng đã trừng phạt viên quan không chịu chuyển thư của phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ lên nhà vua (Ruschenberger W.S.W, tr. 361).

3.2. Sự  khác biệt về văn hóa và tư tưởng

Theo R. H. Miller, thất bại của phái đoàn ngoại giao của E. Roberts là do sự khác biệt lớn giữa hai nền văn hóa khiến họ không tìm được tiếng nói chung, và do tầm quan trọng của bên này đối với bên kia chưa đủ lớn để vượt qua được các rào cản này (Miller R.H. 1990, tr. 48). Nhận xét này hoàn toàn có cơ sở vì các quan triều đình Huế tỏ ra là những người thấm nhuần hệ thống cai trị của Trung Hoa, nên họ không hề có khái niệm gì về thể chế dân chủ ở Hoa Kỳ, và do đó đã xếp Tổng thống dân cử ở cấp thấp hơn “hoàng đế” Minh Mạng. Có lẽ cũng chính vì thế mà E. Roberts đã không thể thuyết phục được các quan xứ Đàng Trong rằng Hoa Kỳ khác với các nước châu Âu, và họ chỉ quan tâm đến việc buôn bán hai bên đều có lợi, chứ không quan tâm đến việc chinh phục thuộc địa hay đặt thương điếm ở hải ngoại. Thật vậy, mặc dù phái đoàn Hoa Kỳ đã nhấn mạnh là họ không yêu cầu bất cứ đặc quyền nào, cũng như không xin đặt thương điếm trên lãnh thổ Việt Nam, họ chỉ muốn được bình đẳng trong mậu dịch với các nước khác mà thôi (Roberts E. 1837, tr.199, 210), nhưng các quan triều đình vẫn không hề đếm xỉa đến.

Về tư tưởng, từ trước đến nay, vua chúa Việt Nam chỉ quen với lối quan hệ thần phục, triều cống: hoặc là họ thần phục Trung Hoa, hoặc là họ buộc các lân bang bé hơn phải phục tùng mình. Vì thế các quan Việt Nam hoàn toàn xa lạ với tư tưởng bình đẳng giữa các quốc gia, nên họ cũng không thể hình dung được một hiệp ước ban giao hữu nghị có ý nghĩa như thế nào. Chính vì thế ý tưởng ký kết một hiệp ước hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không gợi cho họ một ý nghĩa nào cả.

3.3. Có sự phân biệt đối xử giữa các nước đến Việt Nam buôn bán

Khi quan triều đình nói rằng mọi quốc gia đến buôn bán ở đây đều được đãi ngộ ngang nhau, E. Roberts phản bác bằng những quan sát từ thực tế mà ông đã thu được trong thời gian ở tại Việt Nam:

“Điều đó không đúng; bởi vì người Trung Hoa có vị trí hoàn toàn khác, họ có thể đi đến nhiều nơi mà người Anh và người Pháp không thể đi. Nước Anh và nước Pháp đã cố gắng ký kết nhiều hiệp ước, nhưng không thành công. Chúng tôi biết những quy định cho mậu dịch với người Anh và Pháp, nhưng không biết gì về mậu dịch cho người Mỹ: vì thế chúng tôi đến đây.” (Roberts E. 1837, tr. 215)

3.4. Phái đoàn Hoa Kỳ thiếu chuẩn bị quà cáp

Quà cáp cũng là nội dung gây căng thẳng trong các cuộc họp ngày 23 tháng 1 năm 1833, và nhất là cuộc họp ngày 31 tháng 1, đến độ trong báo cáo gửi từ Batavia ngày 22 tháng 6 năm 1833, E. Roberts có lưu ý cấp trên như sau:

“Tôi không thể không ghi lại đây chuyện quà cáp là không thể thiếu được ở những xứ này [Việt Nam và Xiêm], và được xem như là biểu hiện của lòng tôn kính, nó khiến người trao tặng có nhiều hay ít địa vị tương ứng với giá trị của quà cáp. Ở cả hai xứ Đàng Trong và Xiêm, một trong các câu hỏi đầu tiên là ‘Các ông tặng quà gì cho Vua?’, xem việc tặng quà cáp đến là chuyện đương nhiên.” (Miller R.H. 1990, tr. 307)

3.5. Nghi thức yết kiến nhà vua quá nặng nề đối với sứ giả nước ngoài

Nghi thức lễ bái khi yết kiến vua Minh Mạng như thể giọt nước làm tràn ly, khiến cho phái đoàn Hoa Kỳ hết kiên nhẫn trong đàm phán. Theo quy định, khi yết kiến vua, sứ thần phải quỳ lạy 5 lần, đầu sát đất, trong khi người Mỹ chỉ dành động tác ấy cho đấng Tạo hóa mà thôi. Vì thế đặc phái viên Roberts cảm thấy bị sỉ nhục nếu phải làm như thế:

“Những nghi thức sỉ nhục do các bộ trưởng xứ Đàng Trong buộc phải thực hiện như khúc dạo đầu cho bản hiệp ước, khiến tôi không có chọn lựa nào khác ngoài việc chấm dứt cuộc trao đổi thư từ kéo dài, được đánh dấu một cách kỳ lạ từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc là sự tráo trở và mập mờ ở các quan triều đình nhà vua.” (Roberts E. 1837, tr.6)

Thay lời kết

Thuyền của phái đoàn Hoa Kỳ gặp bão phải dạt về phương Nam, ghé vào Vụng Lấm, cách xa kinh thành Huế khoảng 600 cây số đường bộ, nên việc liên lạc với triều đình vô cùng khó khăn, lại mất nhiều thì giờ và công sức. Sự bất lợi này chắc chắn có vai trò quan trọng trong cuộc thương thuyết. Tuy nhiên, liệu có thể có một kết quả khả quan hơn hay không nếu phái đoàn không bị trôi dạt về Vũng Lấm? Liệu thái độ của các quan triều đình đối với phái đoàn Hoa Kỳ ở Đà Nẵng sẽ khác hơn? Liệu đặc phái viên Hoa Kỳ có thể làm cho vua quan nhà Nguyễn tin rằng họ hoàn toàn khác với nước Anh hay Pháp, rằng họ chỉ đi tìm thị trường để buôn bán chứ không xâm chiếm thuộc địa? Nhận định của E. Roberts trong báo cáo viết từ Batavia ngày 22 tháng 6 năm 1833 cho thấy ông còn chút hy vọng trong việc thuyết phục Việt Nam ký kết một hiệp ước hữu nghị: “Nếu chúng tôi gặp may, tàu cập bến được Đà Nẵng hay đậu ở ngoài khơi Huế vào đợt gió mùa Tây Nam, thì tôi tin rằng kết quả đã rất khác” (Miller R.H. 1990, tr.306).

Và thế là cơn bão đầu năm 1833 chẳng những đã xô đẩy con tàu Peacock về Vũng Lấm, mà nó còn trao vào tay nước Xiêm cơ hội ký kết hiệp ước hữu nghị đầu tiên với Hoa Kỳ trong vùng Viễn Đông. Nếu như ngày đó các quan triều Nguyễn không hắt hủi cơ hội ấy, thì liệu Việt Nam có phải trải qua “một trăm năm đô hộ giặc Tây” hay không? Chắc chắn là không ai có thể trả lời cho câu hỏi này, nhưng có lẽ sự giao hảo với Hoa Kỳ thời ấy sẽ đóng một vai trò nào đó trên bàn cờ địa chính trị của các cường quốc phương Tây ở vùng Viễn Đông. Nhiều người thường dùng thuyết định mệnh để giải thích sự trầm luân của dân tộc Việt, mà không nghĩ rằng sự khai dân trí, khai quan trí, và cả vương trí nữa, lại có thể đưa đất nước thoát khỏi đáy giếng mà nền học vấn du nhập từ Trung Hoa đã giam cầm nhiều dân tộc lân bang trong nhiều thế kỷ.

Trần Thanh Ái
(Bài đã đăng trong tạp chí Xưa & Nay số tháng 4 năm 2020)

Tài liệu tham khảo

Buttinger J. 1958. The Smaller Dragon-A Political History of Vietnam. London: Atlantic Book.

Dennett T. 1922. Americans in the Eastern Asia. New York: The Macmillan Company.

Latané J.H. & Wainhouse D.W. 1941. A History of American Foreign Policy 1776-1940. New York: Doubleday, Doran & Co. Inc.

Moor J.H. 1837. Notices of the Indian archipelago, and adjacent countries. Singapore.

Miller R. H. 1990. The United States and Vietnam 1787-1941. Washington D.C.: National Defense University Press

Nguyễn Đắc Xuân 2000. Quan hệ Việt – Mỹ thời Minh Mạng. Tạp chí Xưa & Nay, số 81.

Phạm Văn Sơn 1971. Quân dân Việt Nam chống Tây xâm 1847-1945 – Quân sử III.  Sài Gòn: Bộ Tổng Tham mưu.

Quốc sử quán triều Nguyễn, 1994. Minh Mệnh chính yếu, tập ba. Huế: Nxb Thuận Hóa.

Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007. Đại Nam thực lục, tập ba. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

Roberts E. 1837. Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock. New York: Harper & Brothers.

Ruschenberger W.S.W 1838. A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827. Philadelphia: Carey, Lea & Blanchard.

Scotten W.E. “Sire, Their Nation is Very Cunning…”. Tạp chí The American
Foreign Service Journal, số XII, January 1935.

Sogny L. 1937. Notulettes. Tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue, số 1 năm 1937.

Thái Văn Kiểm 1960. Đất Việt Trời Nam. Sài Gòn: Nxb Nguồn Sáng.

Trương Thị Yến (chủ biên), 2017. Lịch sử Việt Nam, tập 5. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.

Chú thích:

[1] Roberts viết là Shundai, Vung-chao, Vung-lam (Roberts 1837, tr.171).

[2] Năm 1932, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson khởi động kế hoạch mở rộng bang giao với các nước vùng Viễn Đông, ông W. Everett Scotten ra Huế tìm kiếm thông tin về các thư từ do E. Roberts gửi cho triều đình nhà Nguyễn, và đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của L. Sogny.

[3] Nguyên văn tiếng Anh là “captain”, vừa có nghĩa là “đại úy”, lại vừa có nghĩa là “thuyền trưởng”. Có lẽ bản chữ hán của tờ trình đề ngày 6 tháng 1 năm 1833 của phái đoàn Hoa Kỳ (xem phần sau) dịch“captain” là đại úy, dẫn đến sai sót của tập 3 Đại Nam thực lục (bản in năm 2007).

[4] Ban đầu, Cochin-China và một số dạng chính tả tương tự là từ mà người phương Tây dùng để gọi nước An Nam vào thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII. Sau đó họ dùng từ này để chỉ phần lãnh thổ của chúa Nguyễn ở phương Nam, tương ứng với cách người Việt gọi là Xứ Đàng Trong. Từ 1802, mặc dù Gia Long đã thống nhất giang sơn và đặt tên là Việt Nam, nhưng nhiều nước phương Tây vẫn quen gọi nước ta là Cochin-china hoặc Cochinchine. Đến thời Pháp thuộc, chữ này mới được dùng để chỉ các tỉnh Nam kỳ.

[5] Quy đổi theo lập trình của Hồ Ngọc Đức tại trang http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/amlich/.

[6] Có lẽ người xếp chữ đã nhầm: lúc rời Vụng Lấm, Roberts nói có đi qua Vung-Chow (Vụng Chào) ở trang 223.

[7] Nguyên văn: “Yuen and Le” (Robert 1837, tr. 187) là cách mà Roberts ghi họ Nguyễn và Lý.

[8] Nguyên văn: “Minister of Commerce and Navigation”.

[9] Trong bản tiếng Anh Roberts ghi là “Cochin-China”, và có lẽ đã được dịch sang chữ hán là “An Nam”. Vì thế, vô hình trung là các quan nhà Nguyễn chê trách bản dịch sang chữ hán, chớ không quan tâm đến chữ “Cochin-China”, bằng chứng là trong các thư sau đó, Roberts vẫn dùng chữ này trong bảng tiếng Anh.

[10] Nguyên văn: “a petty officer” cách dùng hạ mình trước cấp trên mà các quan triều Nguyễn muốn Roberts xưng hô với quan Thượng thư phụ trách Thương bạc ở Huế.

[11] Nguyên văn: “I now entreat earnestly…”

[12] Bản viết tay của thư Jackson để trống phần người nhận, nhưng trong hồi ký, Roberts đã ghi thêm: “his majesty the emperor of Cochin-China” (Hoàng Thượng Hoàng Đế xứ Đàng Trong).

[13] Nguyên văn : “Great and Good Friend”.

[14] Đối chiếu với thư viết tay (xem Phụ lục), Roberts đã bỏ phần đầu của đoạn văn cuối “Để làm bằng chứng cho các điều nói trên, quốc ấn cùa Liên bang Hoa Kỳ sẽ do chính tay tôi đóng vào tài liệu này”. Ngoài ra ngày ký trong bản viết tay ghi là “thirty-first day of January, A.D. 1832” nhưng Roberts (1837, tr. 204) ghi là “the twentieth day of January, A. D. 1833”! Rõ ràng là Robert đã nhầm, vì năm độc lập thứ 56 của nước Mỹ phải là năm 1832!

[15] Nguyên văn: “I pray your majesty to protect him, […] and to treat him with kindness and confidence.”

[16] Nguyên văn: “imperial heaven, for the continual peace of your majesty’s sacred person”

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập63
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại1,076,757
  • Tổng lượt truy cập55,191,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây