Nguyên Ngọc: Người Tây Nguyên “làm” văn hóa như thế nào?

Thứ hai - 22/11/2021 15:55
Văn hóa là gì, nghe bảo có đến hơn 300 định nghĩa, nhiều thế! Nhưng ngẫm lại, tất cả đều đúng, còn hơn thế nữa, đều cần. Bởi vì, văn hóa rất rộng, có lẽ không gì mênh mông bằng nó, quay về bất cứ hướng nào, chạm đến bất cứ thứ gì đều gặp nó, vấp phải nó, bị nó cật vấn, buộc phải trả lời.
 

Có đến hơn 300 định nghĩa, nhưng tất cả đều đúng, vì mỗi định nghĩa cố gắng chỉ ra, cắt nghĩa một mặt nào đó của văn hóa. Và khi chạm tới văn hóa, ta có thể chọn lấy một định nghĩa nào đó để mà cố gắng hiểu một khía cạnh trong vô số khía cạnh bất tận của nó.

Riêng tôi thường thích chọn cách cắt nghĩa của nhà nghiên cứu Phan Ngọc. Ông bảo văn hóa không phải là một “cái”, mà là một “cách”. Ông nhắc lại điều đã được một số nhà kinh điển nói, rằng con người khác mọi sinh vật khác ở chỗ trước khi làm ra một vật gì thì trong đầu đã có một hình dung về vật đó, điều mà ông gọi là một biểu tượng; rồi nó mới làm ra vật ấy theo biểu tượng đó. Văn hóa là con đường, là cái quá trình đi từ biểu tượng đến vật được làm ra kia. Cũng có thể nói là sự lựa chọn của con người trên con đường đó, quá trình đó.

Đến đây không thể không nhớ đến Jean Paul Sartre. Sartre nói: Sống là lựa chọn (và chịu trách nhiệm về lựa chọn ấy). Liên tục lựa chọn và liên tục trách nhiệm. Vậy hóa ra sống là “làm” văn hóa. Vậy đó, mới biết vì sao văn hóa rộng đến thế: bởi nó là toàn bộ cuộc sống, cách sống, kiểu sống, là liên tục trả lời câu hỏi về chọn lựa cách sống, kiểu sống của con người, một cá nhân, hay một xã hội người, một cộng đồng dân tộc...

Tôi thích cách định nghĩa văn hóa của Phan Ngọc vì nó gần với cách sống, cũng là cách “làm” văn hóa của người Tây Nguyên, cách họ chọn lựa câu trả lời trước thực tại lớn nhất mà họ đối mặt từng ngày, từng khoảnh khắc: rừng. Ở Tây Nguyên, tự nhiên tức là rừng, rừng tức là tự nhiên. Rừng bao trùm. Rừng bảo bọc. Rừng nuôi sống. Rừng “sinh quyển”... Nhưng rừng cũng mênh mông bí ẩn và uy hiếp. Rừng nhấn chìm...

Nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes - người đã sống 23 năm ở Tây Nguyên, là linh mục truyền đạo mà có lần bị đoàn truyền giáo đuổi về nước vì tội “xao lãng mục vụ” do quá say mê nghiên cứu Tây Nguyên - từng viết: “Người Tây Nguyên không thể sống thiếu rừng, nhưng người Tây Nguyên cũng sợ quá nhiều rừng...”. Thiếu rừng thì điên loạn vì khô khốc; quá nhiều rừng thì điên loạn vì “say” rừng. Dournes có một tác phẩm tuyệt vời mang tên Rừng, Đàn bà, Điên loạn. Rừng, thì ta vừa nói rồi: tự nhiên bao trùm; đàn bà là chỉ thiết chế của xã hội mẫu hệ; mất hay rối loạn tự nhiên và thiết chế xã hội ấy thì con người điên loạn...

Vậy người Tây Nguyên đã trả lời câu hỏi về mối quan hệ sinh tử với Tự nhiên - Rừng như thế nào, để là Con người - Văn hóa? Có thể đọc thấy câu trả lời sinh động ấy trong cách họ sống, cách họ chọn lối bố trí một làng Tây Nguyên.

Có một điều hình như rất ít người biết hay quan tâm: một làng Tây Nguyên phải có ít nhất năm loại rừng, đủ cả năm loại thì mới thành làng, mới còn làng Tây Nguyên và còn Tây Nguyên:

Rừng đã biến thành nơi cư trú của con người. Là khoảnh rừng làng đã xin, đã mượn của tự nhiên - rừng làm đất cư ngụ. Là nơi tự nhiên đã được thuần hóa để thành văn hóa. Ở đây văn hóa đã nhiều hơn rừng, nhiều hơn tự nhiên, con người chừng nào đó đã tách khỏi tự nhiên. Tuy vậy, dù tự nhiên đã nhạt đi rất nhiều, con người đã được/bị tách ra khỏi rừng, được che chở khỏi uy hiếp của rừng khá nhiều (“ma” rừng, thú dữ, ẩm thấp, rắn rết, và mông lung của rừng...), nhưng rừng không vắng mặt hoàn toàn.

Dournes nói: “Nền văn minh Jarai (và Tây Nguyên) là một nền văn minh thảo mộc”. Mọi thứ ở trong làng đều được làm bằng rừng: nhà sàn tre nứa, mái tranh, trái bầu khô đựng nước trên dàn bếp không bao giờ tắt lửa, ống giang mỏng để đốt cơm lam ngon, chiếc đàn gong và cây sáo để tự tình, váy áo dệt bằng vải nhiều màu nhuộm toàn bằng chất vỏ, rễ hay lá cây, giọt nước (*) đầu làng được dẫn từ núi cao về không phải trong ống kim loại mà các ống nứa được nối liền rất khéo khiến nước phảng phất thơm mùi rừng... Ở trong làng, nơi con người làm chủ, là vương quốc của con người và tự nhiên đã được thuần hóa, văn hóa đã lấn át và thống trị, song con người vẫn không đứt mất mối nối kết với tự nhiên.

Rừng để làng làm rẫy, là khu vực được quy định rất chặt chẽ, rõ ràng, do già làng chọn, và hội đồng già làng phân cho các hộ canh tác. Rẫy là chốn nửa người (văn hóa), nửa rừng (tự nhiên). Ở đây, ban ngày con người đứng trên rẫy, tức khoảnh rừng tự nhiên mình đã chinh phục, đàng hoàng, tự tin. Nhưng ban đêm, nếu không rút về trú ẩn trong làng (văn hóa), còn nán lại ngoài rẫy, thì họ phải thu mình trong chòi rẫy với một bếp lửa bập bùng (là một chút văn hóa còn le lói). Và có vô số huyền thoại Tây Nguyên kể chuyện những cô gái-rừng tuyệt đẹp và thường khỏa thân, vốn là cây rừng hay thú rừng biến hình đổi dạng, tìm đến xin ở lại cùng người, quyến rũ con người trở về với rừng, với hoang dã vốn là cội nguồn của con người và con người vẫn âm thầm thương nhớ (các nhà khoa học sẽ gọi đó là nỗi nhớ vô thức hay tiềm thức)... Ở rẫy, như vậy, văn hóa chỉ dấn tới được một nửa, rừng giành lại được một nửa. Quan hệ Rừng - Người, Tự nhiên - Văn hóa ở thế chông chênh.

Rừng sinh hoạt, là khu vực rừng không làm rẫy, con người chỉ thỉnh thoảng vào đấy khi tìm sợi mây, khúc gỗ làm vật dụng, khi theo dấu con ong và tìm cái mật, khi mải miết đuổi theo con cheo, con chồn... Ở đây, con người, văn hóa, tuy vẫn còn đó, nhưng đã nhạt đi khá nhiều. Rừng đã chiếm lại thế thống trị của nó. Chớ đi quá sâu, sẽ có thể lạc chìm vào hang dã. Chính ở đây, ngay giữa ban ngày, vẫn có thể bất ngờ gặp những cô gái-rừng, vốn là cây hay thú biến hình dụ ta về với rừng vĩnh cửu...

Rừng đã thành nghĩa trang, bao giờ cũng nằm về hướng tây của làng, hướng mặt trời lặn, đường đi về cõi bên kia. Mối quan hệ Rừng - Người, Tự nhiên - Văn hóa đến đây đã rất chập chờn. Vả chăng Tây Nguyên có tục bỏ mả. Người chết được chôn tạm trong một nấm mộ đơn sơ. Bởi gia đình và cả cộng đồng làng cần có thời gian và cả công sức làm một nhà mồ thật đẹp trên nấm mộ đất tạm ấy, tạc nhiều tượng gỗ cắm quanh, cuộc chuẩn bị kéo dài công phu, chu đáo, có khi đến ba hay bốn năm.

Bởi đây là bước ngoặt quan trọng bậc nhất trong vòng hay dãy quan hệ Người và Rừng, Tự nhiên và Văn hóa. Con người vốn là một phần nhỏ của Rừng - Tự nhiên, một ngày nào đó được rứt ra khỏi Rừng, khỏi Tự nhiên để trở thành Người, thành Văn hóa. Lễ bỏ mả là lễ tiễn đưa con người trở về với Rừng vô cùng tận. Lễ bỏ mả là lễ hội lớn nhất của Tây Nguyên, thường diễn ra vào tháng Ninh Nông, tức tháng nông nhàn, khi mẹ lúa đã được rước về kho và ở chân trời xa chưa nghe ầm ì những tiếng sấm đầu tiên báo mùa lao động mới.

Lễ hội rất lớn, người cả vùng kéo đến, la đà rượu cần có khi đến năm bảy ngày... Rồi ngôi mộ được trang trí thật công phu, thật đẹp đó từ nay sẽ bị bỏ hẳn, cho phai tàn mục nát trong nắng mưa sương gió... Bởi con người đã được trả về mất hút trong tự nhiên cội nguồn vô cùng của mình rồi...

Cuối cùng, Rừng thiêng, hay rừng ma. Là nơi ngự trị của các thần linh. Không ai được động tới. Đến đây, tự nhiên thống trị tuyệt đối. Đấy cũng là rừng đầu nguồn, giữ nước, sự sống của làng.

Năm loại rừng và cái cách bố trí của làng Tây Nguyên là chuỗi tương quan vừa cụ thể vừa trừu tượng trong đó Rừng và Người, Tự nhiên và Văn hóa từng bước đi từ đậm đến nhạt, từ nhạt đến đậm. Là cái cách, cái kiểu Tây Nguyên giải bài toán lớn nhất, lâu dài nhất, cũng khó nhất của nhân loại: bài toán về mối quan hệ của Con người với Tự nhiên. Là khám phá lớn nhất, sâu nhất của người Tây Nguyên để trường tồn trong vũ trụ rừng của mình. Là văn hóa Tây Nguyên, văn minh Tây Nguyên. Là cách người Tây Nguyên “làm” văn hóa.

Còn ta?

Sau chiến tranh, ta đã làm gì ở vùng đất và người hết sức đặc trưng và vô cùng sâu sắc này?

Ta thản nhiên quốc hữu hóa toàn bộ đất rừngTây Nguyên, khiến cái chuỗi năm loại rừng được kết nối cực kỳ thông minh và hiền minh qua trải nghiệm hàng nghìn năm kia đứt tung. Làng, mất hết quyền sở hữu rừng nhất thiết phải đủ năm loại, là nền tảng vật chất, là cái chân đế vững chải của nó, lập tức đổ nhào. Cả hai vế tạo nên chuỗi quan hệ trên đều đổ theo. Rừng mất sạch. Rừng mất sạch là tất yếu. Không tổ chức nhà nước nào, không lâm trường với kiểm lâm gì gì nữa giữ được đâu. Vì ở Tây Nguyên, như đã thấy, rừng là văn hóa, văn hóa của làng, được làng giữ, chỉ làng mới có thể giữ được bằng chuỗi quan hệ sống còn của làng với rừng đã chỉ ra trên kia.

Như một biện chứng tất yếu và khắc nghiệt, văn hóa cũng tan theo. Chỉ còn văn hóa diễn của các cơ quan văn hóa nhà nước (cho Tây du lịch xem...). Jacques Dournes nói rồi: Rừng, Đàn bà, Điên loạn. Như một tiếng kêu thống thiết. Một lời tiên tri...

Tôi viết những điều này trong một ngày sắp sang xuân. Mùa xuân, vậy đó, cứ khiến ta hy vọng. Có hy vọng cứu được vùng đất và người này không? Quả thật không dám trả lời. Song dẫu sao, thì vẫn cứ hy vọng vậy. Với một điều kiện: nếu ta còn biết khiêm nhường, với một lòng kính trọng chân thành, lắng nghe minh triết sâu xa đến lạ lùng được tích lũy nghìn đời trong chuỗi liên kết dùng dằng mà tuyệt diệu của Tây Nguyên tôi vừa cố gắng nhắc lại trên kia.

Mong thay.

Nguyên Ngọc
(Theo nguoidothi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập434
  • Hôm nay31,174
  • Tháng hiện tại672,366
  • Tổng lượt truy cập53,973,415
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây