Cần nghiêm trị những kẻ trục lợi chính sách nhân đạo

Thứ năm - 28/05/2020 20:20
Dịch Covid-19 xảy ra ở ta không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế, làm xáo trộn đời sống xã hội mà còn toang ra những sự thật, nếu không nhờ nó thì mãi vẫn ẩn mình trong lớp son hào nhoáng bên ngoài.
 
Đó là chuyện bao kẻ cơ hội “đục nước béo cò”, kiếm ăn trắng trợn trên lưng đồng bào đang đang khốn đốn, đồng lần vì dịch bệnh; chuyện cán bộ địa phương cùng họ hàng đội lốt hộ nghèo để trục lợi dù gia đình khá giả, sung túc.

Từ chuyện “ăn dày” mua sắm trang thiết bị

Theo phản ánh của báo chí, một loạt các tỉnh thành có vấn đề từ chuyện mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 phục vụ chống dịch Covid-19. Giá máy đã bị các bên thông đồng, bắt tay nhau đẩy lên gấp ba bốn lần.

Tuy nhiên, ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) khởi tố và bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 đồng phạm khác thì một số tỉnh thành bỗng đồng loạt lên tiếng, hoặc là hệ thống máy đang dùng là đi mượn của doanh nghiệp, hoặc là địa phương vẫn đang tiếp tục đàm phán để giảm giá, tiết kiệm ngân sách.

Dư luận thì biết rõ, đấy chỉ là những chiêu thức “lập lờ đánh lận con đen” của cả đôi bên. Làm gì có chuyện trùng hợp lạ kỳ là ba bốn tỉnh cùng lúc hô lên mượn máy chưa bóc tem của doanh nghiệp về phục vụ chống dịch cả tháng trời. Làm gì có chuyện hợp đồng mua bán ký kết xong, bàn giao máy sử dụng hàng tháng rồi mới “đàm phán” về giá cả. Họ, nhà kinh doanh và chủ đầu tư sao lại có thể ngờ nghệch về thương trường đến thế?

Vậy mà cho đến nay, vẫn chỉ có Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và 6 đồng phạm bị khởi tố.

…đến nhà giàu, nhà cán bộ bỗng trở thành hộ nghèo hoặc cận nghèo

Sự việc diễn ra ở Thanh Hóa, Hòa Bình và một số nơi khác đang làm méo mó một chính sách đúng đắn của Chính phủ, khi những gia đình nghèo thực sự đáng được hỗ trợ thì lại không được quan tâm, còn gia đình khá giả, gia đình cán bộ có nhà lầu, xe hơi lại chễm chệ ngồi vào vị trí hộ nghèo hoặc cận nghèo để hưởng chế độ chính sách an sinh xã hội.

Trong đợt chi trả gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ vừa qua, tại Thanh Hóa đã lộ diện những mảng tối trong việc thực hiện chế độ chính sách ở địa phương khi sự thật bị bóc trần từ chuyện hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo cùng viết đơn theo mẫu in sẵn của chính quyền để xin “tự nguyện” không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.

Sự thật đó là, vì bệnh thành tích vô tiền khoáng hậu (thành tích có nhiều hộ nghèo từ chối nhận tiền chính sách) mà cán bộ địa phương vừa ép buộc, vừa đe dọa, vừa thuyết phục người dân từ chối nhận tiền.

Dân thấp cổ bé họng đâu dám không chấp hành khi cuộc sống hàng ngày của họ bị phụ thuộc quá nhiều vào cách hành xử của chính quyền. Dường như chiêu thức đe dọa không xác nhận bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến quyền lợi của dân có sức mạnh ghê gớm để cán bộ địa phương dễ dàng cai trị dân theo ý chí của mình. Ấy là chưa kể, UBND huyện Tĩnh Gia chẳng hạn, đã ban hành văn bản do Phó Chủ tịch huyện ký có điều khoản yêu cầu “hộ có tên trong danh sách nhưng không đủ điều kiện hưởng thì đề nghị gia đình làm đơn không nhận chính sách hỗ trợ của nhà nước có xác nhận của UBND xã”.

Việc đã “giấy trắng mực đen” như thế nhưng khi báo chí và dư luận lên tiếng thì lại “bổn cũ soạn lại”: huyện đổ cho xã, xã đổ cho thôn, tất cả cùng “quyết tâm” né tránh trách nhiệm.

Sự thật đó là, lộ danh sách nghèo mà không hề nghèo ở địa phương.

Tại xã Yên Thọ, huyện Yên Đinh (Thanh Hóa) chỉ có 2/11 hộ đúng điều kiện cận nghèo, 9 hộ còn lại đều có kinh tế khá giả. Trong 9 hộ này có tới 7 hộ có quan hệ anh em, họ hàng với Chủ tịch UBND xã (3 hộ), Phó Chủ tịch UBND xã (1 hộ), Chủ tịch Hội phụ nữ (1 hộ), Bí thư Chi bộ thôn Tu Mục 1 (2 hộ). Trong khi đó, 6 hộ gia đình khác ở thôn Tu Mục 1, Tu Mục 2 có kinh tế khó khăn, mức sống dưới mức trung bình nhưng lại không thuộc diện hộ cận nghèo, hộ nghèo.

Tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, người nhà của ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã có tên trong danh sách hộ cận nghèo gồm vợ, con và cháu... Gia đình ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã cũng có các thành viên trong danh sách hộ cận nghèo gồm bố, mẹ, vợ, con trai; bà Nguyễn Thị Giảng, Bí thư Đoàn xã có chồng và hai con gửi vào hộ cận nghèo của gia đình khác.

Tại Hòa Bình, người dân xã Tân Lập (huyện Lạc Sơn), tố nhiều hộ nghèo bị chính quyền "bỏ quên", trong khi đó một số gia đình khá giả lại lọt vào danh sách hộ cận nghèo, được nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19.

Tại xã Quý Hòa (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) cũng xảy ra tình trạng tương tự khi một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không nằm trong danh sách những hộ nghèo, thay vào đó là một số gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, hiện đang làm cán bộ, công chức tại xã.

Từ thực tế nêu trên, có thể thấy, việc áp dụng chuẩn nghèo mà Thủ tướng đã ban hành ở nhiều địa phương đang có những bất cập, thậm chí là gian dối.

Ở nông thôn, chuyện giàu hay nghèo, thậm chí là hằng ngày nhà nọ, nhà kia ăn thịt hay ăn rau, dân làng đều biết rất rõ. Cho nên việc những gia đình dân, gia đình cán bộ đảng viên khá giả lọt vào danh sách nghèo là điều hết sức bất thường. Không thể trả lời công luận rằng xã/huyện không biết như lãnh đạo một số địa phương chống chế, phủi trách nhiệm. Cũng không thể phủ nhận chuyện ở một số nơi, một số lãnh đạo địa phương đang "một tay che bầu trời", coi thường dân, bất tuân luật pháp và chỉ đạo của cấp trên. Họ thực sự là những ông “vua con” ở cơ sở.

Cần một cuộc tổng rà soát hộ nghèo trong cả nước và nghiêm trị những kẻ trục lợi chính sách

Để chấm dứt tình trạng “xôi đỗ” trong việc thực hiện chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo hiện nay, thiết nghĩ Chính phủ mà trực tiếp là Bộ LĐ-TB&XH nên thực hiện ngay một cuộc tổng kiểm tra, thanh tra việc bình xét hộ nghèo trong cả nước thời gian qua.

Chính quyền địa phương các cấp cần xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên trục lợi chế độ, chính sách an sinh xã hội, gây mất niềm tin trong nhân dân. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy chính quyền những cán bộ, đảng viên chỉ lo vun vén bản thân và gia đình, bất chấp đạo lý và pháp luật nhất là ở thời điểm hiện nay các địa phương đang tiến hành chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp.

26-5-2020
Nguyễn Duy Xuân

Nguồn VHNA: http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/35-dien-dan/14027-can-nghiem-tri-nhung-ke-truc-loi-chinh-sach-nhan-dao
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập225
  • Hôm nay45,652
  • Tháng hiện tại686,844
  • Tổng lượt truy cập53,987,893
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây