“VÀO RỪNG CHẲNG BIẾT LỐI RA…”

Thứ sáu - 21/06/2019 20:30
Một độc giả đề nghị: “Anh giải thích giùm câu: Vào rừng chẳng biết lối ra//Thấy cây núc nác tưởng là vàng tâm. Có một ông vừa giải thích rằng: vàng tâm là cây quý, còn núc nác là cây bỏ đi, “ý muốn nói lên sự thất vọng về một thứ gì đó. Tưởng là nó tốt nhưng buồn thay, đó là thứ rất tầm thường!” Ông ấy khuyên: nếu không làm được cây vàng tâm thì đừng làm cây núc nác.
 
Tôi không thấy đúng. Về gỗ vàng tâm tốt nhưng cây núc nác đâu phải bỏ đi. Nó là cây có dược tính cao so với các cây dược liệu khác, thậm chí còn chữa được ung thư. Chờ tin anh giải đáp. Cám ơn anh nhiều”.

Nếu căn cứ vào sách “Tục ngữ và ca dao Việt Nam” (Mã Giang Lân-NXB Giáo dục, 1999), thì đây là hai câu ca dao nằm trong một bài ca dao:

“Vào rừng chẳng biết lối ra
Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm
Đi đâu mà vội mà lầm
Núc nác thì nổi, vàng tâm thì chìm”

Có lẽ vì người ta xem đây là ca dao, nên các sách từ điển thành ngữ tục ngữ chúng tôi có trong tay đều không ghi nhận[1]. Duy có “Từ điển thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam (Việt Chương-NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1998) thu thập và giải nghĩa như sau:

“Vào rừng chẳng biết lối ra, Thấy cây núc nắc tưởng là vàng tâm (ca dao): Cây núc nắc: cây to, có vỏ dùng làm thuốc.

Trong rừng thì có biết cơ man nào là cây to cây nhỏ mọc chằng chịt với nhau. Không phải là thợ rừng thì khó lòng phân biệt được cây nào với cây nào. Vì vậy, núc nắc mà lộn với vàng tâm là chuyện có thể nhiều người bị lầm lẫn lắm.

Nghĩa bóng câu này cho rằng giữa buổi chợ đông, đàn bà con gái vô số, nhưng đâu ai dễ gì biết được cô nào lòng dạ xấu tốt ra sao mà lựa chọn. Đó là nỗi khó khăn của giới con trai khi “tìm vợ chợ đông”.

Theo chúng tôi, không phải dân gian “muốn nói lên sự thất vọng về một thứ gì đó. Tưởng là nó tốt nhưng buồn thay, đó là thứ rất tầm thường!” như “ông ấy” giải thích; cũng không phải dân gian có hàm ý nói “nỗi khó khăn của giới con trai khi “tìm vợ chợ đông” như Việt Chương giảng giải.

Vàng tâm và núc nác là hai loại cây có đặc điểm hoàn toàn khác nhau.

Vàng tâm (Manglietia Dandy) còn gọi Dạ hợp dandy, là loài thực vật quý hiếm, họ Mộc lan (Magnoliaceae), đã được ghi trong “Sách Đỏ Việt Nam” (1996) với cấp đánh giá “sẽ nguy cấp” (V), phân bố trong rừng tự nhiên Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình…[2]


Nụ hoa và lá vàng tâm
Ảnh: St


Lá và quả núc nác
Ảnh: St

Núc nác (Oroxylum indicum) thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae), mọc hoang và được trồng ở khắp nơi. Trong thôn xóm, núc nác hay được trồng bên cổng ra vào, sát hàng rào cây xanh, hoặc mọc hoang trong các cồn bụi.
Thông thường, khi cây còn mọc trong tự nhiên, thì người ta nhận diện, phân biệt cây nọ với cây kia qua đặc điểm của hoa, lá (trò chơi “Đố lá” chính là thử thách kiến văn, sự nhận diện các loài cây qua hoa lá). Theo đó, vàng tâm và núc nác hoàn toàn khác nhau về đặc điểm nhận dạng:
-LÁ vàng tâm là lá đơn, dài 10-15cm; trong khi lá núc nác to 2-3 lần kép lông chim, dài tới 2m.
-HOA vàng tâm mọc đơn độc ở đầu cành; trong khi hoa núc nác mọc thành chùm ở đầu cành.
-QUẢ vàng tâm hình trứng hay tròn-trứng, dài 4-5,5cm; trong khi quả núc nác nang to, dài tới 50-80cm.
-THÂN vàng tâm phân cành nhánh nhiều; trong khi núc nác ít phân nhánh. (theo “Sách đỏ Việt Nam”-NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ-2007; “Thực vật rừng”-Chủ biên Lê Mộng Chân-NXB Nông Nghiệp-2000; và “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”-Đỗ Tất Lợi-NXB Hồng Đức-2015).

Về giá trị sử dụng:

Gỗ vàng tâm nhẹ, thớ mịn, mềm, không mối mọt, không cong vênh. Khi chôn sâu dưới lòng đất, thì gỗ vàng tâm trở nên cực bền, đứng đầu trong các loại gỗ quý làm áo quan, chỉ nhà quyền quý mới có mà dùng. Bởi vậy, dân gian có câu: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó/Chết xuống âm phủ được bó vàng tâm” là vậy.

Vỏ núc nác có màu vàng, còn gọi là Hoàng bá nam, hoặc Nam hoàng bá, dùng chữa bệnh đi ngoài, đi lỵ, dị ứng ngoài da. Hoàng bá nam thường dùng để thay cho Hoàng bá 黃柏 thật, còn gọ Hoàng nghiệt 黃蘗 (Phellodendron amurense), họ Cam (Rutaceae) vốn chỉ phân bố tại Trung Quốc. Ở Thanh Hoá, người ta hái quả núc nác bánh tẻ nướng lên làm món nhắm, ăn chơi.

Vậy, vàng tâm và núc nác cây nào giá trị hơn cây nào?

Lẽ thường, với người đang cần tìm vị thuốc núc nác, mà lại nhận lầm vàng tâm, thì vô dụng; ngược lại, với người đi tìm vàng tâm, mà lại nhận lầm núc nác, cũng là bỏ đi. Bởi vậy, về giá trị sử dụng theo từng mục đích cụ thể, thì không thể bàn chuyện cây nào quý hơn cây nào. Tuy nhiên, về giá trị trao đổi, giá trị tài sản, sự quý hiếm, thì vàng tâm so với núc nác chẳng khác nào vàng so với thau.

Khi tìm kiếm, khai thác vàng tâm, người ta phải đi vào rừng sâu; còn với núc nác có thể thu hái ngay trong thôn làng. Căn cứ hai câu “Vào rừng không biết lối ra/Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm” có thể thấy, một người nào đó vào rừng với chủ đích tìm kiếm vàng tâm. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, nên chẳng khác nào chim chích lạc rừng, thấy cây núc nác có vỏ và gỗ màu vàng thì cho đó là “vàng tâm”. Việt Chương cho rằng: "núc nắc mà lộn với vàng tâm là chuyện có thể nhiều người bị lầm lẫn lắm", thì cái sự nhầm lẫn này hoàn toàn do thiếu hiểu biết thực tế về cả hai loại cây vàng tâm và núc nác, không phải do hai loài cây này quá giống nhau. Ấy chính là điều đáng trách, đáng chê.
 
Như vậy, về nghĩa bóng, dân gian có ý chế giễu, chê bai người thiếu kiến thức, hiểu biết thực tế, kiến văn hẹp, dẫn đến lúng túng khi lâm sự, nhận thức sai lầm về sự vật, hiện tượng trong chính địa hạt mà mình đang quan tâm (gần nghĩa với câu “Nhìn gà hoá cuốc”).

Qua đây cũng thấy rằng, hai câu “Đi đâu mà vội mà lầm//Núc nác thì nổi, vàng tâm thì chìm” trong sách “Tục ngữ và ca dao Việt Nam” của Mã Giang Lân, chỉ là phần thêm thắt, gán ghép thêm sau này, chứ không phải là bài ca dao hoàn chỉnh[3]. Bởi chuyện “Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm” là do kiến văn, “vào rừng không biết lối ra”, chứ không phải do “vội mà lầm”. Mặt khác, vào rừng tìm gỗ quý thì chỉ có thể (và chỉ cần) nhận dạng qua đặc điểm hoa lá, đâu cần và đâu có điều kiện dùng phép thử thả xuống nước, mà mách nước “Núc nác thì nổi, vàng tâm thì chìm”?

HOÀNG TUẤN CÔNG                                              

Chú thích:

[1] - Câu này có hình thức của ca dao, nhưng nội dung lại giống tục ngữ.

[2]- Trong thực tế cũng có chuyện nhầm lẫn (hoặc cố tình đánh đồng) vàng tâm với một loại cây na ná như vàng tâm, đó là cây "mỡ" (Magnolia chevalieri, đôi khi cũng được dân gian gọi là "vàng tâm"), đã từng gây tranh cãi khi Hà Nội trồng làm cây bóng mát, và gọi đó là "vàng tâm" cho gỗ quý.

[3] - Hai câu này còn được nối dài (hoặc dùng làm câu mở đầu) thành một “bài ca dao” trong sách “Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình” (Phạm Việt Long, NXB Chính trị quốc gia, 2004):

“Vào rừng chẳng biết lối ra
Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm
Anh trông em anh cũng yêu thầm
Sợ mẹ bằng bể, sợ cha bằng trời
Thấy em đẹp nói đẹp cười
Đẹp quần đẹp áo lại tươi răng vàng
Chân em đi dép quai ngang
Mặt vuông chữ điền liền vành cá trôi
Ta thương mình lắm mình ơi
Cá chết về mối, khốn nạn đôi ta
Ngồi buồn trách mẹ cùng cha
Trách anh thầy bói rẽ ra đôi đường
Ở đây đồng đất phố phường
Để anh mua cốm, mua hồng sang sêu…”

(theo thivien.net)

Nguồn http://tuancongthuphong.blogspot.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập130
  • Hôm nay23,540
  • Tháng hiện tại236,108
  • Tổng lượt truy cập60,119,915
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây