Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: “lọt” và “lọt top”

Chủ nhật - 30/03/2025 03:06
Lỗi dùng “lọt” thiếu chính xác xuất hiện không ít trên các phương tiện truyền thông hiện nay.

“Lọt” thuộc từ loại động từ, có nghĩa biểu niệm: hoạt động – thay đổi vị trí (từ A sang B) – qua không gian hẹp. Ví dụ: Gió lạnh lọt qua phên; Lọt sàng xuống nia. “Lọt” thường đi kèm với từ chỉ phương hướng vào, ra, qua, sang để cụ thể hóa đích đến của chủ thể được nói tới trong câu. Ví dụ: Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tứ kết Cúp bóng đá nữ châu Á.

“Lọt” có tần số xuất hiện khá cao trong hoạt động giao tiếp hằng ngày, nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay.

Đặc biệt trên báo chí, trong những năm gần đây, tần số xuất hiện của “lọt” ngày càng nhiều bởi nó liên quan đến việc đánh giá vị thế của đất nước khi đề cập những vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao. Tuy nhiên, việc sử dụng “lọt” trong không ít văn bản truyền thông đang cho thấy một sự bất cập của người dùng về động từ này.

Mới đây nhất, báo điện tử vnexpress.net cùng rất nhiều báo khác chạy tít: "Việt Nam có thể lọt top 25 nền kinh tế thế giới vào 2038" (vnexpress.net ngày 1/1/2024). Tác giả bài báo viết: “Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023 với quy mô GDP 430 tỷ USD và sẽ đứng vị trí thứ 21 toàn cầu vào 2038”. Theo đó, Việt Nam sẽ nằm trong top 25 (với vị thứ 21) toàn cầu vào năm 2038. Tuy nhiên, tít bài lại gây hiểu nhầm khi tác giả viết “Việt Nam có thể lọt top 25 nền kinh tế thế giới”. Nói “lọt top” tức là bị đẩy ra, không nằm trong top nữa. Nghĩa tường minh của tít bài nêu trên là “Việt Nam có thể bị đẩy ra khỏi top 25 nền kinh tế thế giới vào 2038”.  

Lỗi dùng “lọt” thiếu chính xác như tít bài đã nêu, xuất hiện không ít trên các phương tiện truyền thông hiện nay. Xin nêu thêm một số ví dụ:

"Việt Nam bất ngờ lọt top 3 nước có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới", tít bài trên dantri.com.vn, 23/12/2023 (https://dantri.com.vn/bat-dong-san/viet-nam-bat-ngo-lot-top-3-nuoc-co-ty-le-so-huu-nha-cao-nhat-the-gioi-20231223112925927.htm).

"Vịnh Hạ Long lọt top điểm đến lý tưởng nhất năm 2024", Tít trên congly.vn, ngày 3/10/2023 (https://congly.vn/vinh-ha-long-lot-top-diem-den-ly-tuong-nhat-nam-2024-399226.html?).

“Vịnh Hạ Long bất ngờ lọt top điểm du lịch nên “tạm dừng” ghé thăm vào năm 2024”, tít trên vanhienplus.vn, ngày 20/11/2023 (https://vanhienplus.vn/vinh-ha-long-bat-ngo-lot-top-diem-du-lich-nen-tam-dung-ghe-tham-vao-nam-2024/102986/).

"Những gương mặt Việt lọt top 'ảnh hưởng nhất thế giới' 5 năm liền", tít bài trên vnexpress.net, ngày 8/10/2023 (https://vnexpress.net/nhung-guong-mat-viet-lot-top-anh-huong-nhat-the-gioi-5-nam-lien-4661538.html).

Cả bốn ví dụ vừa nêu đều có nghĩa tường minh: đối tượng A bị lọt (đẩy ra, văng ra, loại ra, …) khỏi phạm vi của giá trị B.

Những lỗi nói trên có thể do thói quen nói, viết tỉnh lược trong diễn đạt của người dùng. Khắc phục lỗi này, chỉ cần thêm từ “vào”, thành tổ hợp “lọt vào”: "Việt Nam có thể lọt vào top 25 nền kinh tế thế giới vào 2038".

3/1/2024
Nguyễn Duy Xuân



 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

30/4
50 NĂM ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN
ĐẤT NƯỚC HÒA BÌNH - THỐNG NHẤT
30/4/1975 - 30/4/2025
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Gạc Ma
14/3/1988 - 14/3/2025
37 NĂM TRUNG QUỐC CƯỠNG CHIẾM ĐẢO GẠC MA CỦA VIỆT NAM
Lễ hội cà phê
LỄ HỘI CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT LẦN THỨ 9 - 2025
 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập180
  • Hôm nay36,051
  • Tháng hiện tại810,286
  • Tổng lượt truy cập68,657,727
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây