Nguyễn Duy Xuân

https://nguyenduyxuan.net


Lắp camera an ninh tại nhà riêng: Bảo vệ cán bộ hay đặc quyền đặc lợi?

Mỗi ngày mở trang báo đập vào mắt bao nhiêu là chuyện khiến dân, dẫu là người hiền lành nhất cũng phải ngửa mặt lên trời mà rằng: Tại sao?
Câu hỏi ấy hôm nay dân muốn chuyển đến ngài “đầy tớ” yêu quý của nhân dân, đương kim Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng.

Bởi những ngày qua, dư luận dậy sóng trước việc lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng triển khai kế hoạch lắp camera an ninh tại nhà riêng của 16 cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy với lý do theo Giám đốc Công an tỉnh, rằng đây là những mục tiêu cần được bảo vệ, là những điểm phòng chống khủng bố nằm trong quy định.

Dự án này được triển khai từ 5 tháng trước. Kinh phí thực hiện dự án gần 982 triệu đồng được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách.

Một loạt câu hỏi được dư luận đặt ra. Tỉnh ủy Sóc Trăng dựa vào chế độ quy định nào để dùng ngân sách mua và trang bị tài sản cho gia đình quan chức của Đảng? 16 vị trong thường vụ tỉnh ủy to đến cỡ nào mà tỉnh phải lấy tiền dân lắp đặt camera tại nhà riêng? Đây có phải là lạm dụng và đặc quyền đặc lợi không? Hệ thống camera trang bị cho 16 “dinh thự” đắt đỏ cỡ nào mà ngốn của ngân sách gần 1 tỷ đồng?

Rất mong ông Bí thư và tỉnh ủy Sóc Trăng bạch hóa chuyện này theo tinh thần mà Đảng đang kêu gọi, mỗi cán bộ đảng viên nghiêm túc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Người viết bài này cũng muốn tìm chút chứng cứ pháp lý, ngõ hầu bênh vực “thiện chí” của tỉnh ủy Sóc Trăng trước dự án “động trời” này.

Khoản 2, điều 18, Mục 4, chương 2 Luật cán bộ, công chức ghi rõ “Những việc cán bộ, công chức không được làm”: “Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật”.

Luật nói ở đây là Luật Ngân sách Nhà nước và nhiều văn bản pháp quy khác liên quan.

Khoản 2, Điều 10 của Luật Ngân sách Nhà nước quy định 3 mục đích sử dụng Dự phòng ngân sách nhà nước: a) Chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán;

b) Chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản này, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu;

c) Chi hỗ trợ các địa phương khác theo quy định tại điểm c khoản 9 Điều 9 của Luật này. (Điểm c khoản 9 điều 9: Sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng).

Cả hai luật nói trên, tuyệt nhiên không có điều khoản nào phù hợp với việc dùng ngân sách trang bị tài sản cho gia đình cá nhân cán bộ công chức dù là để “bảo vệ mục tiêu”.

Và nếu soi vào Quy định Số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, việc làm của tỉnh ủy Sóc Trăng liệu có phạm vào 2 điều sau:

Điều 9- Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước;…

Điều 15- Dùng công quỹ để thăm viếng, tiếp khách, tặng quà, xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, đi lại, thông tin liên lạc vượt quá tiêu chuẩn, định mức hoặc trái quy định.

Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương cũng yêu cầu rất cụ thể đối với cán bộ, đảng viên: “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia - dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng”; “Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân”; Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; “Không lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực”,…

Soi vào đâu, dân cũng thấy chuyện trang bị hệ thống camera tại nhà riêng của 16 vị thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng là vi hiến. Họ công khai thực hiện hành vi đặc quyền đặc lợi, tự đặt mình đứng ngoài mọi sự ràng buộc của tổ chức Đảng và pháp luật nhà nước.

Còn nhớ, vụ việc bà Hồ Thị Cẩm Đào (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng), tổ chức tiệc tùng đám cưới cho con trai linh đình, rình rang tới 4 ngày (từ 19 - 21/7/2019), vi phạm điều 19 Quy định Số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; vi phạm Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương.

Thế nhưng khi kiểm điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng kết luận, bà Đào tổ chức lễ cưới cho con là việc làm bình thường theo phong tục, tập quán của người dân Nam bộ, không biểu hiện vụ lợi.

Rồi đây, nếu chẳng may dự án trang bị hệ thống camera tại nhà riêng 16 vị thuộc hàng quan “nhất phẩm” của tỉnh bị “tuýt còi” thì có lẽ  điệp khúc quen thuộc lại cất lên "kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm sâu sắc".

Và thế là các vị cứ yên tâm ngồi ghế của mình thậm chí lên cao hơn bởi “quy hoạch” tương lai đã xong đâu vào đấy, còn sợ nỗi gì?

29-9-2019
Nguyễn Duy Xuân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây