Nguyễn Duy Xuân

http://nguyenduyxuan.net


3 giáo sư hãy bình tĩnh lắng nghe dư luận, đừng cố bao biện cho những hạt sạn

GDVN- Điểm chung trong lời phản biện của 3 người thầy nổi tiếng là thừa nhận “sách Cánh Diều” có nhiều “sạn” và tìm cách minh oan cho những “hạt sạn” đó.
 
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của báo chí và dư luận về bộ sách lớp 1 của nhóm Cánh Diều (sau đây gọi tắt là “sách Cánh Diều”) hiện đang được nhiều địa phương đưa vào sử dụng cho năm học 2020-2021, các vị Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên [1], Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định[2] và Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định [3] đã đăng đàn trả lời công luận.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, các bài đọc đều đã được nhóm biên soạn cân nhắc, viết đi viết lại. "Chúng tôi đã làm rất kỹ", Giáo sư khẳng định.

Giáo sư Thuyết cho rằng, những người góp ý, mắng chửi, dè bỉu nội dung sách không phải là người tử tế, là xuyên tạc, là soi mói, là bóp méo các nội dung sách của ông và đồng sự, và đó là hành động thiếu lành mạnh và nguy hiểm của cạnh tranh.

Giáo sư Trần Đình Sử cũng khẳng định, không đời nào hội đồng thẩm định lại để lọt những nội dung như thế (những lỗi mà báo chí và mạng xã hội đã chỉ ra – người viết), tránh những suy diễn không hay.

“Một tư liệu viết sai hoặc một cái tên có gờn gợn, chúng tôi đã phải hỏi ngay, hoặc thậm chí tra cứu,...”, Giáo sư Sử nói.

Giáo sư Mai Ngọc Chừ cho biết thêm: Những lỗi, sạn (chứ không sai – người viết chú thêm) trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều mà báo chí, dư luận đưa ra thì Hội đồng thẩm định đã có ý kiến khuyến cáo nhóm tác giả phải sửa, nhưng do nhóm tác giả không chịu sửa nên nó mới như thế. Theo Giáo sư Chừ, trách nhiệm này thuộc nhóm tác giả.

Điểm chung trong lời phản biện của 3 người thầy nổi tiếng là thừa nhận “sách Cánh Diều” có nhiều “sạn” và tìm cách minh oan cho những “hạt sạn” đó.

Nhưng cái lý của các thầy thiếu sức thuyết phục, dù Giáo sư Thuyết là người rất nổi tiếng bấy lâu nay về tài phản biện những vấn đề quốc kế dân sinh mỗi lần thầy đăng đàn Quốc hội trước đây.

Xin các thầy thực tâm xem xét lại bộ sách Cánh Diều, những lỗi sai, sạn mà dư luận xã hội đã chỉ ra hoàn toàn chính xác.

Cái sai ở đây không phải là vì áp lực học âm, học vần mà phải chọn những từ như các thầy đã giải thích, cũng không phải vì học sinh lớp 1 khó tiếp thu ca dao, tục ngữ hay kho tàng văn học Việt nghèo tới mức buộc các nhà biên soạn phải xây dựng bài đọc bằng cách “phỏng theo” tác phẩm đông tây kim cổ.

Vấn đề ở đây là không nên sa vào tiểu tiết khiến cuộc tranh luận giữa đôi bên khó đi đến sự đồng thuận vì một mục tiêu cao đẹp: “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”.

Vậy bộ sách lớp 1 của nhóm Cánh Diều có gì đáng bàn?

Ngữ liệu dạy học thiếu chọn lọc, tinh tế

Các thầy biện minh, sử dụng từ “nhá”, nhá cỏ, nhá dưa chứ không sử dụng từ “nhai” trong bài tập đọc “Thỏ thua rùa” là vì đến thời điểm có bài tập đọc này, học sinh chưa học đến vần “ai”, nên tác giả sách sử dụng từ “nhá”.

Hoặc ở những bài đầu, ý nghĩa phủ định được thể hiện bằng từ “chả” (“chả sợ thi”, tr.59) thay cho các từ “không” hoặc “chẳng” vì đến giai đoạn này, học sinh chưa được học các vần “ông”, “ăng”.

Xin hỏi các thầy, chả nhẽ trong kho tàng đồ sộ văn học dân gian, văn học viết Việt Nam cũng như trong kho từ vựng của tiếng Việt lại nghèo đến mức không tìm ra được ngữ liệu nào có từ chứa âm “a” hay ho hơn những từ “nhá”, “chả” tuy xuất hiện trong từ điển nhưng tần số sử dụng thuộc loại thấp?

Các thầy cho rằng, những từ như “nhá” “chả”, "gà nhí", "gà nhép", “hí hóp”, "tợp", "chén",… có mặt trong từ điển, được lấy làm ngữ liệu dạy học là “hoàn toàn phù hợp, không sai”.

Nhưng các thầy nghĩ lại xem, học sinh lớp một đọc chưa sõi, viết chưa rành thì áp đặt, nhồi nhét những từ như thế vào đầu óc còn non nớt của các cháu liệu đã nên chưa?

Cách lý giải của các thầy về những bài tập đọc được phóng tác từ các tác phẩm văn học nước ngoài cũng không mấy thuyết phục. Tôi không bàn về nội dung. Việc chia bài học ra làm 2 phần (bị ngăn cách bởi một bài học khác) là không khoa học, không đảm bảo tính liên tục, mạch lạc trong việc tiếp nhận của học trò.

Kết thúc bài “Hai con ngựa” [1], là câu nói của ngựa tía: “Chủ mà giục em làm, em sẽ bỏ trốn”. Và ngựa ô lẩm bẩm: “Có lý lắm”. Xin hỏi quý thầy, kết thúc như thế, thầy cô sẽ rút ra bài học giáo dục gì đây cho tâm hồn non nớt của trẻ thơ?

Tìm hiểu kỹ, có thể dễ dàng nhận thấy, rất nhiều ngữ liệu là những từ ngữ mang tính phổ quát thấp, thuộc trường nghĩa tiêu cực, gọi tên những sự vật, hiện tượng xa lạ; những câu cộc lốc, cụt ngủn; những đoạn văn vô hồn mang tính liệt kê, đơn điệu, trùng lặp về mẫu câu, kiểu như “Cỗ có giò, có gà, có cả giá đỗ” (tr.35); “Hồ có cá mè, ba ba. Nhà có na, nho, khế” (tr. 39); “Nhà bà có gà, có nghé… Gà có ngô… Nhé có cỏ, có mía” (tr. 43); “Chị Trà cho bé Chi đi nhà trẻ. Qua chợ, chị chỉ cho bé cá trê, cá mè,…” (tr. 55),…

Lạm dụng ngụ ngôn phương Tây, ngoảnh mặt với văn hóa, văn học dân tộc

Trên trang cá nhân nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết, theo một thống kê của độc giả, “sách Cánh Diều” có 46 bài/82 bài đọc là các văn bản sao phỏng từ các truyện ngụ ngôn nước ngoài, còn lại là các bài văn xuôi tiếng Việt, không có tác giả hoặc loại tác giả "vô danh".

Ca dao tục ngữ không có chỗ trong cả hai tập sách vì Giáo sư Thuyết cho rằng “học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung của ca dao, tục ngữ”.[4]

Vì thế trong cả 2 tập của bộ sách, rất hiếm những ngữ liệu dạy học phản ánh nét đẹp tâm hồn, đạo lý, tình cảm của con người Việt Nam cũng như những phong cảnh quê hương, đất nước vốn rất gần gũi, thân quen trong đời sống dân tộc.

Hồn dân tộc, cốt lõi làm nên sự trường tồn của đất nước hầu như vắng bóng trong “sách Cánh Diều”.

Nội dung bài học khô khan, nhảm nhí hạn chế cảm hứng học tập và giáo dục đạo đức lối sống cho con trẻ

Dường như các ngữ liệu (từ, cụm từ, câu, đoạn, bài) được biên tập một cách cẩu thả, tắc trách. Hội đồng nghiệm thu thấy sai, thấy sạn (như thừa nhận của Giáo sư Chừ) nhưng lại vô trách nhiệm, không kiên quyết xử lý đúng với chức trách, quyền hạn của Hội đồng.

Các bài phóng tác từ nguồn bên ngoài theo kiểu xào xáo, chia tách; nội dung mang tính áp đặt, không phù hợp với tâm lý, tình cảm lứa tuổi học sinh. Nhiều bài đọc vô cảm, nhảm nhí, dung tục; tính thẩm mỹ, tính giáo dục, tính nhân văn thấp kém.

Giáo sư Thuyết nói một nhà văn lớn như L. Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Đúng! Chỉ những người biên soạn “phỏng theo” văn hào mới “tầm phào hoặc phản giáo dục”.

Sự tầm phào, nhảm nhí thể hiện ở nhiều ngữ liệu tập đọc như “Bi nghỉ hè”, “Chó xù” (tr.57), “Ví dụ” (tr.89); “Họp lớp”, “Cò và quạ”,…

Thống kê cho thấy, 18 bài tập đọc có từ “sợ” và nói đến nỗi sợ hãi, chết chóc. Cụ thể tập 1: Sẻ, quạ (tr.59), Lỡ tí ti mà (tr.53), Chó xù (tr.57), Thỏ thua rùa (tr.59), Bé Lê (tr.73), Gà nhí nằm mơ (tr.83), Rùa nhí tìm nhà (tr.91), Cò và quạ (tr. 95), Tóm cổ kẻ trộm (tr.105), Làm mứt (tr. 131), Chuột út (tr.133,135), Cá măng lạc mẹ (tr.141), Bỏ nghề (tr.145); tập 2: Sói và dê (tr.15), Hươu, cừu, khướu và sói (tr.35), Lợn rừng và voi (tr. 39), Ai can đảm (tr.65), Ngựa rằn nhanh trí (tr.79).

“Trẻ em như búp trên cành”. Sách giáo khoa nhất là lớp 1 phải thể hiện được tư tưởng chủ đạo nuôi dưỡng “búp trên cành” thành quả ngọt mai sau.

Thông qua ngữ liệu dạy học phải làm cho trẻ lễ phép, ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, hòa thuận, yêu thương, tương trợ giúp đỡ bạn bè chứ không phải là dạy lối ăn nói cụt ngủn, vô cảm; dạy cách đối phó, láu tôm, láu cá, thủ đoạn với bạn bè...

"Tác giả sách giáo khoa không hình dung được sách mình đào tạo con người nào!"

Đó là nhận xét của Tiến sĩ Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Time School[5]

Những gì chúng tôi đã trình bày ở trên minh chứng cho điều này. Đấy là điều khiến dư luận lo ngại nhất.

“Khi đã thiếu triết lý giáo dục dẫn dắt, tự phát và bị giới hạn bởi quá khứ như thế, những gì được viết ra trong sách giáo khoa sẽ là những gì thuộc về tiềm thức và trải nghiệm tự nhiên của chính các tác giả, những người đã rất cũ, đã thuộc về quá khứ, chứ không phải những gì dành cho các thế hệ tương lai, thuộc về một thời đại hoàn toàn mới”, Tiến sĩ Giáp Văn Dương nhận định. (xem thêm tài liệu đã dẫn [4])

Lời kết

Viết sách giáo khoa nói chung là khó, viết sách cho bậc tiểu học, đặc biệt là lớp đầu cấp càng khó. Nó đòi hỏi kiến thức phải chuẩn, tinh tế, phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Một ngữ liệu đưa vào trang sách để dạy trẻ, dù chỉ một từ cũng phải cân nhắc kỹ để làm sao đạt được mục đích không chỉ dạy trẻ biết đọc biết viết mà còn phải biết hướng tới chân thiện mỹ - cái gốc của đạo lý làm người.

Tiếc thay, những điều “muôn năm cũ” ấy, bộ sách Cánh Diều vẫn chưa đáp ứng được.

Đừng đặt lên vai con trẻ gánh nặng của người lớn, như lý giải của Giáo sư Thuyết về bài đọc “Cua, cò và đàn cá”: “Bây giờ người xấu nhiều, dạy trẻ con phải cảnh giác không thừa”.

Tài liệu tham khảo:

[1]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/sgk-tieng-viet-1-bi-che-chu-bien-len-tieng-680054.html#inner-article

[2]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chu-tich-hoi-dong-tham-dinh-sach-tieng-viet-1-chuyen-bon-cai-lan-la-bia-dat-680228.html

[3]. http://vov1.vov.vn/dong-chay-su-kien-nhip-song/tranh-cai-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-va-nhung-dieu-can-lam-ro-12102020-c195-64307.aspx?fbclid=IwAR3Yjo2gwN_VcX7p55Nt_yNVbHV84fl_T67wetITN_TABn9BHq2jAPvbmm0

[4]. https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/gs-nguyen-minh-thuyet-ly-giai-vi-sao-khong-dung-ca-dao-tuc-ngu-viet-nam-trong-sgk-tieng-viet-1-20201012170125705.htm

[5]. https://nld.com.vn/trich-dan-nong/tac-gia-sgk-khong-hinh-dung-duoc-sach-minh-dao-tao-con-nguoi-nao-20201010140509825.htm


Nguyễn Duy Xuân
Nguồn GDVN:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/3-giao-su-hay-binh-tinh-lang-nghe-du-luan-dung-co-bao-bien-cho-nhung-hat-san-post212970.gd
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây