Nguyễn Duy Xuân

http://nguyenduyxuan.net


Những thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ và điển cố (Phần III)

Những thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ và điển cố (Phần II)
Những thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ và điển cố (Phần I)

                              
(7) Một đi không trở lại 
Một đi không trở lại (一去不復返)  [nhất khứ bất phục phản] là thành ngữ nói lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được và nó có xuất xứ từ bài Hoàng Hạc lâu (黃鶴樓) bất hủ của nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường. Nguyên tác: 
昔人已乘黃鶴去, 
此地空餘黃鶴樓。 
黃鶴一去不復返, 
白雲千載空悠悠。 
晴川歷歷漢陽樹, 
芳草萋萋鸚鵡洲。 
日暮鄉關何處是, 
煙波江上使人愁。
 
Phiên âm:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu 
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản 
Bạch vân thiên tải không du du 
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ 
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu 
Nhật mộ hương quan hà xứ thị 
Yên ba giang thượng sử nhân sầu. 
(Dịch nghĩa: Người xưa đã cỡi hạc vàng bay đi mất, chỉ còn trơ lại Lầu Hoàng hạc tại mảnh đất này. Hạc vàng một đi không trở lại, ngàn năm mây trắng vẫn bay dằng dặc, hàng cây đất Hán Dương rực rỡ bên dòng sông tạnh, cỏ thơm bãi Anh Vũ vẫn tốt tươi. Lúc trời chiều đứng trông về làng cũ tự hỏi : Quê hương ở chốn nào ? Khói sóng mịt mờ trên sông nước Khiến cho người nổi mối ưu sầu.)
 
Dịch thơ:
Người xưa cưỡi hạc đã lên mây, 
Lầu hạc còn suông với chốn này. 
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn 
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay. 
Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng 
Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dày. 
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ ? 
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây!
                                   (Bản dịch: Ngô Tất Tố)
 
Nếu ta hiểu được bài thơ trên thì ta thấy thành ngữ “Một đi không trở lại” không đơn thuần chỉ nói lên sự lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được mà nó còn nói lên tâm trạng cảm hoài trước quy luật của tạo vật là không có gì tồn tại vĩnh cửu.
Trong tiếng Việt, thành ngữ “một đi không trở lại” được sử dụng rộng rãi hơn, đôi khi nó được dùng trong các “tít” báo theo cả nghĩa đen. Chỉ cần bấm vào google.com trong vòng 0,17 giây cho ra 710. 000 kết quả; chẳng hạn, “Tại sao du khách nước ngoài đến Việt Nam một đi không trở lại”, nói về sự làm ăn chộp giật của ngành du lịch nước ta.
 
 (8) Thanh  mai trúc mã 
 
Thanh mai trúc mã (青梅竹马) (thanh mai: mai xanh, trúc mã: ngựa trúc), 
thành ngữ này dùng để chỉ sự đẹp đôi hoặc duyên nợ lứa đôi và nó có nguồn gốc từ bài thơ Trường Can hành (長干行) của Lý Bạch. Bài thơ có 30 câu, có thể nói là một thiên diễm tình. Nguyên văn: 
妾髮初覆額
折花門前劇; 
郎騎竹馬來, 
繞床弄青梅。 
同居長千里, 
兩小無嫌猜。 
十四為君婦, 
羞顏未嘗開; 
低頭向暗壁, 
千喚不一回。 
十五始展眉, 
願同塵與灰, 
常存抱柱信, 
豈上望夫台? 
十六君遠行, 
瞿塘灩澦堆; 
五月不可觸, 
猿聲天上哀。 
門前遲行跡, 
一一生綠苔。 
苔深不能掃, 
落葉秋風早。 
八月蝴蝶黃, 
雙飛西園草; 
感此傷妾心, 
坐愁紅顏老。 
早晚下三巴, 
預將書報家; 
相迎不道遠, 
直至長風沙。
 
Phiên âm:
Thiếp phát sơ phú ngạch 
Chiết hoa môn tiền kịch 
Lang kỵ trúc mã lai 
Nhiễu sàng lộng thanh mai 
Đồng cư Trường Can lý 
Lưỡng tiểu vô hiềm sai 
Thập tứ vi quân phụ 
Tu nhan vị thường khai 
Đê đầu hướng ám bích 
Thiên hoán bất nhất hồi 
Thập ngũ thuỷ triển mi 
Nguyện đồng trần dữ hôi 
Thường tồn bão trụ tín 
Khởi thướng Vọng Phu đài 
Thập lục quân viễn hành 
Cù Đường, Diễm Dự đôi 
Ngũ nguyệt bất khả xúc 
Viên thanh thiên thượng ai 
Môn tiền trì hành tích 
Nhất nhất sinh lục đài 
Đài thâm bất năng tảo 
Lạc diệp thu phong tảo 
Bát nguyệt hồ điệp hoàng 
Song phi tây viên thảo 
Cảm thử thương thiếp tâm 
Toạ sầu hồng nhan lão 
Tảo vãn há Tam Ba 
Dự tương thư báo gia 
Tương nghênh bất đạo viễn 
Trực chí Trường Phong Sa
 
(Dịch nghĩa: Khi tóc vừa buông trán, hái hoa trước cổng chơi. Chàng cưỡi ngựa tre đến,  quanh giường tung trái mai. Trường Can cùng chung xóm, cả hai đều thơ ngây. Mười bốn, về làm vợ, thiếp còn e lệ hoài. Cúi đầu vào vách tối, Gọi mãi, chẳng buồn quay. Mười lăm, mới hết thẹn, Thề cát bụi không rời. Bền vững lòng son sắt, há lên Vọng phu đài. Mười sáu, chàng đi xa, Cù Đường, Diễm Dự đôi. Tháng năm không đến được, Vượn buồn kêu trên trời. Trước cổng vết chân cũ, rêu xanh mọc um tùm. Rêu nhiều không quét hết, Gió thổi, lá vàng rơi. Tháng tám bươm bướm vàng, trên cỏ vườn bay đôi. Cảnh ấy đau lòng thiếp, Má hồng buồn phôi pha. Khi chàng xuống Tam Ba, nhớ gởi thư về nhà. Thiếp sẽ mau đi đón, Đến thẳng Trường Phong Sa.) 
 
Dịch thơ: 
XÓM TRƯỜNG CAN
Tóc em vừa chấm bờ vai
Bẻ hoa dưới ánh ban mai trước nhà
Chàng từ  cưỡi ngựa trúc qua
Nghịch đùa tung quả mơ hoa quanh giường.
Trường Can cùng ngụ lân hương
Hai ta đâu biết vấn vương là gì !
Mười bốn em bước vu quy
Về bên chàng có biết chi là tình
Nên thường cúi mặt lặng thinh
Mặc cho chàng gọi trăm nghìn không quay
Mười lăm rạng rỡ mày ngài
Nguyện cùng chàng hết trần ai tro tàn
Lòng tin ôm cột giữ giàng
Thì đâu em phải lên đàng vọng phu ?
Muời sáu chàng bước viễn du
Cù Đường, Diễm Dự mịt mù xa khơi
Tháng năm không thể đến nơi
Vượn buồn hót thảm bên trời bi ai
Trước sân còn đậm dấu hài
Nay rêu kín phủ đơn sai mấy lần
Rêu dày không quét  được sân
Lá thu theo gió trải ngần thềm xưa
Tháng tám bướm dập dìu đưa
Phía tây vườn cỏ cho vừa nhớ thương
Cảnh vui lòng luống đọan trường
Đếm từng ngày tháng phấn hương phai nhòa
Bao giờ chàng đến Tam Ba
Nhớ thư tin báo về nhà đợi mong.
Đón chàng đâu ngại núi sông
Nguyện vì nhau, mặc Trường Phong ...dãi dầu.
                                                (Bản dịch của Đào Thái Sơn) 
 
Như vậy có thể thấy, cả bài thơ của Lý Bạch tả mối tình thơ ngây của chàng trai và cô gái, hai người cùng ngụ trong xóm Trường Can, thuở nhỏ luôn luôn nô đùa quấn quít cùng nhau, bằng hai câu thơ: “Lang kị trúc mã lai. Nhiễu sàng lộng thanh mai.” (Chàng cưỡi ngựa tre đến,  quanh giường đùa với trái mai xanh). Do đó, nói: “trúc mai” là chỉ tình yêu thắm thiết của một đôi trai gái.
Theo cách giải thích của học giả An Chi trên báo Sài gòn giải phóng online thì có khác đôi chút. Chẳng hạn: “Trúc mã” ở đây là gậy tre mà trẻ con lấy giả làm ngựa để cưỡi chứ không phải “ngựa tre”, sàng” là ghế chứ không phải là giường.
……………….
                       (còn nữa)
 
TS Nguyễn Ngọc Kiên

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Kiên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây