Bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn”?

Chủ nhật - 28/11/2021 15:28
Tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT", do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, diễn ra từ ngày 21-11-2021, GS Trần Ngọc Thêm kiến nghị "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".
 
Theo GS Thêm, “khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1”.(*)

“Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện”, GS Thêm nói.

"Tiên học lễ" rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. "Tiên học lễ" đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều”, GS Thêm nhấn mạnh.

Quan điểm nói trên của GS Thêm thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua, nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít người phản đối.

"Tiên học lễ, hậu học văn" là khẩu hiệu?

Vài chục năm lại đây, có lẽ là từ những năm đầu thiên niên kỷ, một số trường học (bậc phổ thông) ở ta gắn câu "Tiên học lễ, hậu học văn" ngay trước tiền sảnh chính của trường. Lập tức, "Tiên học lễ, hậu học văn" cùng với một loạt câu khác như “Trường học là lò đúc nhân tài”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”,.. được xem là khẩu hiệu dẫn dắt giáo dục học đường trong suốt một thời gian dài. Đó chính là ảnh hưởng của lối tư duy khẩu hiệu đang chi phối mọi hành động của xã hội mà không phân biệt đâu là bản chất sự việc, đâu là hoạt động có tính chất phong trào.

Thực ra, "Tiên học lễ, hậu học văn" không phải là khẩu hiệu theo kiểu phong trào. Ông cha xưa nêu vấn đề như một quan niệm giáo dục chứ không phải để hô một khẩu hiệu. Mà đã là quan niệm giáo dục thì nó phải thấm vào suy nghĩ và biến thành hành động của con người.

Chữ “lễ” ở đây có lẽ không bó hẹp trong phạm vi của “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” theo quan niệm ngũ thường của luận thuyết Nho giáo mà phải hiểu rộng ra là học cách làm người, cách đối nhân xử thế, trên kính dưới nhường dưới, biết yêu nước thương nòi. Đó không phải là “quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên”, càng không phải là sự “trói buộc” như GS Thêm đã nhấn mạnh.

Con người ở bất cứ xã hội nào cũng đều cần hai yếu tố cơ bản: tri thức và đạo lý. Trong quan niệm của ông cha, học “lễ” tức là học đạo làm người, học cách ứng xử với môi trường xung quanh, học “văn” tức là học tri thức, mở mang sự hiểu biết. Xã hội cần người có kiến thức tốt, có năng lực sáng tạo, có tư duy phản biện nhưng như thế chưa đủ mà còn phải biết phân biệt cái đúng cái sai, biết phân tích suy nghĩ trước những lời nói của người khác, biết yêu thương, đồng cảm và vị tha. Đó là thiên chức của giáo dục, không cần hô khẩu hiệu.

Bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn" được không?

Với phân tích như trên, rõ ràng không thể nói bỏ là bỏ ngay "Tiên học lễ, hậu học văn". Cái chúng ta cần bỏ ở đây là tư duy khẩu hiệu như đã nói ở trên. Nếu coi "Tiên học lễ, hậu học văn" là khẩu hiệu thì nó mãi chỉ là khẩu hiệu. Đây là điểm mà chúng ta cần lưu ý bởi mấy chục năm qua, câu "Tiên học lễ, hậu học văn" được trương lên trong sự vô cảm của mọi người để rồi bạo lực học đường vẫn gia tăng, đạo đức nhà trường ngày càng xuống cấp, giả dối, gian lận vẫn chi phối mọi hoạt động giáo dục.

Để “khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo” như GS Thêm nói, cần một cuộc cách mạng giáo dục thực sự chứ không phải chỉ có việc chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".

Giáo dục cũng như bất cứ lĩnh vực nào, cần có sự kế thừa và phát triển. Kế thừa truyền thống giáo dục của cha ông và phát triển trên cơ sở sáng tạo, tiếp thu những tinh hoa giáo dục của nhân loại.

Xét cho cùng, mục tiêu lớn nhất của giáo dục chính là việc góp phần hình thành nên những thế hệ học sinh có sự phát triển hài hòa giữa trí tuệ và nhân cách, có năng lực sáng tạo và tư duy phản biện nhưng đồng thời cũng phải thấu hiểu đạo lý, biết cách yêu thương và ứng xử phù hợp với cộng đồng xung quanh. Giáo dục ngày nay phải đạt được ba nội dung căn bản: đạo đức – trí tuệ - kỹ năng sống.

Giáo giục luôn đổi mới để theo kịp sự phát triển của xã hội, của đời sống hiện đại nhưng không thể phủ nhận những giá trị văn hóa của quá khứ. Đã từng có lúc chúng ta coi "Tiên học lễ, hậu học văn" là tàn dư của chế độ phong kiến để rồi tỏ thái độ bài xích, chuyện học trò gặp thầy khoanh tay cúi chào là biểu hiện của tư tưởng nô lệ.

Nhân đây xin kể lại câu chuyện này người viết bài này vừa đọc được dịp 20-11 vừa qua trên trang cá nhân của một người bạn. Một lần sang Nhật công tác, anh hỏi một người bạn Nhật rằng ở Nhật có ngày nhà giáo không? Đáp: Không. Có lần đi tàu điện ngầm, không còn chỗ ngồi nên anh phải đứng. Thấy vậy một cụ già vội đứng lên nhường ghế cho anh. Anh rất ngạc nhiên, và cố từ chối nhưng không được. Về nhà hỏi anh bạn Nhật thì biết, đó là cách người Nhật tỏ sự kính trọng đối với thầy cô giáo vì cụ già nhìn thấy biểu tượng nhà giáo trên ngực áo của anh. Người Nhật tôn vinh thầy cô bằng hành động cụ thể ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chứ không cần hô khẩu hiệu hay tổ chức lễ lạt linh đình mỗi năm chỉ có một lần.

Liệu đó có phải là thứ “lễ” mà người Nhật được học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường?

26-11-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:

(*) https://tuoitre.vn/kien-nghi-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-giao-su-tran-ngoc-them-noi-gi-20211125092912027.htm
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm185
  • Hôm nay43,547
  • Tháng hiện tại684,739
  • Tổng lượt truy cập53,985,788
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây