TỔ QUỐC – CON ĐƯỜNG - Nguyễn Văn Rèn

Thứ hai - 11/10/2021 09:25
Tập thơ có một cấu tạo khá độc đáo, đó là hình tượng Tổ quốc với cách nhìn khái quát ở hai bài đầu (Việt Nam – Tổ quốc anh hùng Tổ quốc) đến những cảm xúc cụ thể hơn ở các bài tiếp theo như:  Buổi chào cờ đặc biệt, Có thể nào quên và Cảm xúc ngày chiến thắng, cuối cùng là những xúc động và ghi nhận của tác giả về quê hương đất nước với những vùng đất cụ thể, những thời điểm cụ thể và những con người thân thương đã gắn bó yêu thương trong cuộc sống.
 
(Đọc tập thơ Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi của Nguyễn Duy Xuân)
 
TỔ QUỐC – CON ĐƯỜNG - Nguyễn Văn Rèn

Mấy năm gần đây, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Duy Xuân viết đều, viết nhiều, có nhiều thơ đăng báo và có bài được phổ nhạc. Năm 2013, tập thơ đầu tay của anh Giọt nắng Cao nguyên được xuất bản và giới thiệu rộng rãi với công chúng. Tiếp nối mạch sáng tạo của mình, sáng ngày 13/3 2016, Nguyễn Duy Xuân đã chính thức ra mắt với bạn đọc tập thơ Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi, vừa được Nxb Hội Nhà văn xuất bản đầu năm 2016.

Tập thơ có một cấu tạo khá độc đáo, đó là hình tượng Tổ quốc với cách nhìn khái quát ở hai bài đầu (Việt Nam – Tổ quốc anh hùng Tổ quốc) đến những cảm xúc cụ thể hơn ở các bài tiếp theo như:  Buổi chào cờ đặc biệt, Có thể nào quên và Cảm xúc ngày chiến thắng, cuối cùng là những xúc động và ghi nhận của tác giả về quê hương đất nước với những vùng đất cụ thể, những thời điểm cụ thể và những con người thân thương đã gắn bó yêu thương trong cuộc sống.

Nhan đề của tập thơ được lấy từ một câu trong bài Tổ quốc, đó là “Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi”. “Con đường… đang đi” là hành trình đời sống hiện tại. Như vậy, tác giả đã gắn cảm hứng lịch sử về Tổ quốc với cảm hứng đời thường, đời sống hiện tại của đất nước, của mỗi người chúng ta. Tác giả đã bình dị hóa quan niệm về Tổ quốc. Tổ quốc không còn là một khái niệm trừu tượng, khô cứng mà đã trở thành hình ảnh cụ thể, sinh động. Tổ quốc chính là cuộc đời bố con mình đang sống, chúng ta đang sống, là hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay:

                “Biển Đông đang cuồn cuộn sóng
                Dập dờn một lũ sài lang
                Ngang nhiên xâm chiếm biển đảo
                Lòng con cháy lửa căm hờn”.

                                                        (Tổ quốc)

Ở bài Việt Nam – Tổ quốc anh hùng, tác giả đã gợi lên lịch sử chiến thắng hào hùng chống bọn xâm lược phương Bắc với niềm tự hào tha thiết. Anh không đối lập truyền thống với hiện tại mà mà gắn liền truyền thống với tình hình thời sự của đất nước để chỉ ra một chân lý của lịch sử:

                     “Ôi đất nước mấy ngàn năm lịch sử
                     Luôn đối mặt với láng giềng say mộng bá vương
                     Những bài học của cha ông xưa chúng vẫn chưa tỉnh ngộ”


Từ đó, tác giả khẳng định niềm tin vào chiến thắng của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay:

                   “Và Điện Biên Phủ - Hoàng Sa dâng trào bão tố
                   Nhấn chìm mọi lũ xâm lăng”


Bài thơ Buổi chào cờ đặc biệt tiếp tục mạch cảm xúc về Tổ quốc trong một hoàn cảnh cụ thể. Ba khổ thơ, mỗi khổ xen vào một câu trong bài Quốc ca Việt Nam. Truyền thống anh hùng cách mạng lại được gắn với tình hình Biển Đông hiện nay, với Hoàng Sa, Trường Sa, nơi mà Trung Quốc đang ngày đêm xâm lấn:

                     “Ngoài xa khơi biển đảo quê hương
                     Tàu giặc nghênh ngang
                     Đường vinh quang xây xác quân thù…
                     Chúng em tự hào
                     Hát vang bài ca Đất Nước”


Tác giả cũng không quên gợi lại nỗi đau và niềm căm hận về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc của bọn bành trướng Bắc Kinh trong bài Có thể nào quên?:
 
                    “Ngày Mười bảy tháng Hai năm Bảy chín
                    Hàng vạn đồng bào ngã xuống
                    Máu chiến sĩ - máu nhân dân
                    Hòa trong lòng đất
                    Xanh thắm rừng biên giới hôm nay”


Bài thơ còn thể hiện một nỗi niềm, nỗi băn khoăn day dứt “ lòng dạ rối bời” bởi sự thật bi hùng của lịch sử chỉ mới 35 năm, sao thế hệ hôm nay lại có thể lãng quên? Tính thời sự của bài thơ chính là ở điểm này.

Tổ quốc trên hành trình khám phá của tác giả còn biểu hiện ở những không gian cụ thể, những địa danh mà tác giả đã gắn bó hoặc đi qua với những kỉ niệm. Tập thơ có đến 25 bài ghi lại những cảm nhận và xúc động của tác giả về những vùng đất trên quê hương đất nước. Có thể gọi đó là những “ kí ức vụn” (Nguyễn Quang Lập) hay những “nhật kí thơ” về những vùng quê như các bài: Qua Đèo Ngang, Đêm ở biển, Cầu Hàm Rồng, Thị trấn Krông Nô, Em - Krông Năng, Đray Sáp, Cát bụi Bình Dương, Với Huế, Ban Mê - ngày ấy, Đắk Nông ngày trở lại.vv..

Trong tâm hồn tác giả, hình ảnh miền Trung cứ trở đi trở lại với niềm thương nỗi nhớ. Miền Trung là đất nước, miền trung là quê hương anh nhưng cái chính là phần đất nước ấy thường quằn đau trong thiên tai, trong mưa lũ, làm anh lo lắng, trăn trở, thao thức không nguôi. Tứ thơ ấy cứ ám ảnh trong nhiều bài thơ: Miền Trung, Miền Trung lại mưa lũ, Thương nhớ miền Trung, Mưa Tuyên Hóa, Xin đừng bão nữa miền Trung

                    “Xót xa đất mẹ miền Trung
                   Thiên tai dồn dập đau lòng biết bao!

                   Người dân khốn khổ lao đao
                   Oằn mình chống đỡ lũ vào lụt ra
                   Trắng trời ngập nước bao la
                   Khe Mơ vỡ đập, quê nhà tang thương”
                                                        (Miền Trung)


Tập thơ còn có nhiều bài viết về người thân, viết cho người thân và những kỉ niệm nhớ thương trong cuộc đời. Đó là kỉ niệm về người mẹ tảo tần, nhân hậu:

                 “Ôi! Ngày xưa ấy đã xa rồi!
                   Chỉ còn kỉ niệm ở trong tôi
                   Tóc mẹ giờ đây phơ phơ bạc
                   Chiều bên ngõ vắng, ngóng xa xôi”
                                                         (Mẹ tôi)


Đó là tình yêu thương, chăm sóc, vỗ về, buồn vui đối với những đứa con yêu, cháu yêu (Con yêu, Sinh nhật con gái, Cu Tí, Sunny), là tình cảm đối với người vợ hiền  chung thủy:

                   “Chim bay về núi, tối rồi
                   Anh ra ngoài ngõ, anh ngồi đợi em.

                   Anh ngồi đợi đến trăng lên
                   Vẫn chưa thấy bóng hình em cuối làng.
 
                    Trăng lên cuối đỉnh sương giăng
                    Anh ngồi im lặng ngóng em cuối trời!”

                                                          (Đợi)

Tập thơ còn là miền kí ức về cuộc đời, về quê hương đất nước với những biến chuyển thăng trầm của lịch sử (Kí ức, Một thời sinh viên, Ban Mê ngày ấy) hay những cảm xúc bất chợt của tác giả trước những biểu hiện của thiên nhiên và đời sống (Trường em, Buổi sáng trên cánh đồng, Khuya, Hương cốm, Thiên  nhiên kì diệu…).

Nguyễn Duy Xuân có sở trường với thể thơ lục bát có lẽ vì nó hợp với nhịp điệu tâm hồn anh: dung dị, trầm lắng và mộc mạc, chân thành. Trong tập thơ có hơn một nửa số bài được viết theo thể lục bát (42 bài) và những bài thơ hay cũng là thơ lục bát như các bài: Kí ức, Ba mươi năm ấy - bây giờ, Áo tơi của mẹ bây giờ… còn đây, Đợi, Xin đừng bão nữa miền Trung…Anh đã viết những câu thơ gợi được xúc động trong lòng người:

                   “Làng quê lam lũ đói nghèo
                   Mà nong khẩu hiệu vẫn treo đầy đường:
                   "Quyết tâm xây dựng quê hương…
                   Quyết tâm…" - Ôi nghĩ mà thương dân mình
                   Cả đời mơ ước quẩn quanh
                   Cơm no, áo ấm, chăn lành mà thôi”

                                                     (Kí ức)

Ai đã qua thời sinh viên khó quên trong đời, đều có thể đồng cảm với nhà thơ về những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, thậm chí đói khát nhưng cũng đầy kỉ niệm vui buồn:

                      “Nhớ về cái thuở sinh viên
                      Đói ăn, đói mặc, đói tiền mà vui.
                      Bánh mì hai nửa bẻ đôi
                     Chia nhau lát sắn củ khoai đỡ lòng”
                                             (Một thời sinh viên)


Trước đây, chiếc áo tơi gắn với người dân xứ Nghệ và miền Trung suốt cuộc đời vì ở vùng này thiên nhiên quá khắc nghiệt:

                         “Hôm nay về lại, không ngờ
                         Áo tơi của mẹ bây giờ…còn đây!
                         Dáng xưa vẫn nét hao gầy
                         Chằm từng lá cọ ai may khéo là”


Hình ảnh chiếc áo tơi ám ảnh trong tâm hồn tác giả vì nó cũng là kỉ niệm về người mẹ nghèo lam lũ, về quê hương với bao nỗi nhớ thương khắc khoải:

                          “Đất cằn sỏi đá quê tôi
                          Nắng mưa gió bão một thời sẻ chia
                          Ai như dáng mẹ đang về
                          Áo tơi đội nắng đường quê thuở nào”
                                             (Áo tơi của mẹ bây giờ…còn đây)    

    
Nhìn chung, đọc tập thơ, chúng ta cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, dễ rung động trước những sự kiện, những biến động của đời sống, của đất nước. Đó là một tấm lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên thiết tha, trong sáng. Âm hưởng chung của tập thơ là niềm vui, niềm lạc quan yêu đời dù cuộc sống còn nhiều khó khăn và đất nước còn đứng trước những thử thách cam go.

Thơ Nguyễn Duy Xuân không ồn ào, không lên giọng sử thi mà chân thực, giản dị và sâu lắng. Tác giả cũng không sáng tạo được những tứ thơ thật đặc sắc, độc đáo với cảm xúc thật mãnh liệt, nồng cháy có sức ám ảnh người đọc mà phần nhiều là những tứ thơ nhỏ, vụn. Ngôn ngữ và hình ảnh thơ giản dị, chân thật, trong sáng và thường đơn nghĩa, ít có những ẩn dụ độc đáo, những hình ảnh biểu tượng, siêu thực tạo ra những liên tưởng đa chiều, thường thấy trong thơ hiện đại và hậu hiện đại. Thể thơ cũng nghiêng về truyền thống mà thiếu sự cách tân khi tác giả chủ yếu sử dụng thể thơ thự do và thơ lục bát.

Sẽ còn nhiều chuyện để bàn về giá trị của tập thơ nhưng có thể nói Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi là một thành công đáng ghi nhận của Nguyễn Duy Xuân đóng góp vào nền thơ ca đương đại. Chúng ta chào đón sự ra đời của tập thơ và mong tác giả sẽ có nhiều sáng tác đặc sắc hơn nữa trong thời gian tới.

Tháng 3- 2016
Nhà giáo Nguyễn Văn Rèn
Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk
(Bài đã đăng trên tạp chí Chư Yang Sin, số 284, tháng 4/2016)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập280
  • Hôm nay38,567
  • Tháng hiện tại618,743
  • Tổng lượt truy cập53,919,792
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây