Ngày tôi đặt chân lên Buôn Ma Thuột: HÀNH TRÌNH MỘT CHUYẾN ĐI
admin100
2023-12-08T17:01:00-05:00
2023-12-08T17:01:00-05:00
https://nguyenduyxuan.net/nguyen-duy-xuan-van/ngay-toi-dat-chan-len-buon-ma-thuot-hanh-trinh-mot-chuyen-di-7551.html
https://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2019_12/image-20191208161621-1.jpeg
Nguyễn Duy Xuân
https://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 08/12/2023 17:01
09/12/1979 - dấu mốc quan trọng của cuộc đời - ngày tôi đặt chân lên Buôn Ma Thuột, đất cao nguyên huyền thoại. Bài viết này cách đây 14 năm, đúng dịp kỷ niệm 30 năm "khai cơ lập nghiệp" ở Tây Nguyên.
30 năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là ĐH Vinh) và khoá huấn luyện Sĩ quan dự bị với cấp hàm Thiếu uý, tôi lên đường vào nhận công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột (nay là CĐSP Đắk Lắk).
Đó là một chuyến đi lịch sử, là dấu mốc lớn của cuộc đời.
Hôm nay, sau 30 năm, bồi hồi nhớ lại…
Tôi đi chuyến tàu nhanh V-Q (Vinh-Qui Nhơn) 15 giờ ngày 05-12-1979. Thật tình cờ, không hẹn mà gặp, cùng đi chuyến tàu ấy còn có 3 “chiến sĩ” ở khoa khác cũng vào Tây Nguyên nhận công tác: Lê Thế Đệ (Hoá học), Nguyễn Mạnh An (Vật lí) và Đậu Thế Hùng (Sinh học, nay đã mất). Cả 3 đều vào Đại học Tây Nguyên. Đây là chuyến đi xa, thật xa đầu tiên trong đời, để lại sau lưng người thân, bạn bè, quê hương không biết đến bao giờ gặp lại? Tâm trạng tôi lúc ấy thật khó tả.
Chuyến đi này xa hơn những chuyến đi xa
Sân ga ồn ào, hành khách đông nghịt
Mà sao tôi vẫn thấy vắng ngắt
Giờ tiễn biệt không bóng hình ai
Nỗi cô đơn thấm lạnh đường dài…
Từ trái qua: Đậu Thế Hùng (đã mất), Lê Thế Đệ, Nguyễn Mạnh An và tác giả
Tàu chạy được khoảng hai tiếng gần đến ga Thanh Luyện thì bỗng dưng “xẹp lốp”, nằm chết gí trên đường ray giữa một vùng lơ thơ xóm núi.
Tàu trượt bánh! Hành khách chờ đợi
Thời gian trôi quanh quẩn vòng tròn
Hỏi anh lái biết bao giờ tàu lại
Cùng đoàn người rong ruổi khắp nước non?
Hàng trăm con người bỗng nhiên bị “kẹt” bất đắc dĩ. Tưởng chỉ nằm lại một lúc, ai ngờ hết đêm rồi sang ngày hôm sau vẫn chưa thấy tàu nhúc nhích. Người dân xóm tranh nghèo gần đường tàu dường như đã huy động đến củ khoai cuối cùng để phục vụ hàng trăm người khách bất đắc dĩ. May mà thời ấy, đi tàu xe hầu như ai cũng thủ sẵn cơm đùm, cơm nắm. Mãi đến tám chín giờ tối hôm sau, người ta mới khắc phục được sự cố. Thế là đoàn tàu lại từ từ lên đường. Hành khách thở phào nhẹ nhõm.
Sáng hôm sau, tàu đến địa phận Vĩnh Linh, quê hương của Nguyễn Hữu Thu, thằng bạn chơi thân cùng lớp. Không biết giờ này lão đã đi nhận công tác chưa?
Tàu qua quê bạn sáng nay
Bâng khuâng lòng lại nhớ ngày bên nhau
Hỏi tìm nhà bạn nơi đâu
Nhắn giùm anh lái dừng tàu ghé chơi!
12 giờ trưa mồng 7, tàu vào ga Huế. Giữa chiều thì vượt đèo Hải Vân, “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Quả đúng thế thật.
Trời mây non nước
Một sắc biếc xanh
Tàu bay trong gió
Lượn giữa tầng không.
Biển dâng sóng trắng
Trời nhả mây hồng
Núi xanh trải thảm
Cho tàu bay nhanh.
17 giờ ghé ga Đà Nẵng. Tốc độ thật “kinh khủng”: 15 ki lô mét một giờ!
22 giờ, đến Quảng Ngãi, ga “gà”. Những đĩa thịt gà đầy tú hụ, trông thật hấp dẫn, nhưng kì thực chỉ có mấy miếng thịt được xếp khéo léo, còn bên dưới toàn… rau thơm! Sau này có kinh nghiệm, mỗi lần đi phép qua đây, tôi chỉ xài… đùi gà cho chắc ăn.
Ở Quảng Ngãi, có cô em cùng làng nghe nói đang học trường Cao đẳng Sư phạm. Cô em mà bố mẹ tôi định áp dụng chiến thuật của các cụ ngày xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” để tìm vợ cho tôi. Thế cho nên khi tàu qua đây cũng xúc cảm mà viết mấy câu thơ:
Tàu qua Quảng Ngãi nửa đêm
Rõi tìm trong khoảng mờ sương dáng kiều
Phút giây này ở nơi đâu
Cảnh xa, người lạ, hẹn nhau ngày về.
Nhưng than ôi, chẳng thể có cái hẹn nhau ngày về ấy.
Năm giờ sáng mồng 8, tàu đến Qui Nhơn, điểm dừng chân cuối cùng của chuyến tàu lịch sử. Trễ chuyến xe lên Ban Mê trong ngày nên bốn đứa chúng tôi đành phải nghỉ nhờ tại nhà người bà con của Lê Thế Đệ, vào đây công tác từ sau giải phóng.
Đường xa nghỉ lại Qui Nhơn
Nhà đâu lại thấy quen thân thế này
Từ nơi xa lạ tới đây
Lòng khách ấm lại, vui lây cùng người
Nước non đâu cũng là nơi
Cho ta gặp gỡ những người thân yêu.
Vậy là phải mất thêm một ngày đêm đợi xe lên Buôn Ma Thuột. Bù lại, chúng tôi có được dịp may lần đầu tiên đi dạo phố, ngắm cảnh Qui Nhơn.
Năm giờ sáng ngày mồng 9, chúng tôi tạm biệt Qui Nhơn tiếp tục cuộc hành trình. Chia tay thành phố biển, lòng xiết bao lưu luyến.
Qui Nhơn đẹp cảnh đẹp người
Chia tay đã thấy bồi hồi lòng anh
Quê hương em đó – Nghĩa Bình
Cái tên mang nặng ân tình biết bao!
Hồi đó, ở Tây Nguyên, lực lượng phản động Phun-rô hoạt động mạnh, nên xe lên Buôn Ma Thuột phải chạy tuyến Qui Nhơn-Ninh Hoà-Buôn Ma Thuột. Khi xe vượt đèo Phượng Hoàng thì trời cũng đã về chiều. Tây Nguyên đang mùa khô nhưng khu vực đèo Phượng Hoàng nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Đắc Lắc và Khánh Hoà nên chịu ảnh hưởng của khí hậu đồng bằng. Gió ào ào và mưa giăng giăng nghe lành lạnh. Nhìn ra hai bên, đồi núi chập chùng. Thỉnh thoảng lại thấy ẩn hiện một vài buôn làng chìm trong mưa rừng, sương núi. Bất chợt, tôi lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ của Tố Hữu mà lòng càng thấy nao nao buồn:
Đường lên đỉnh núi Đắc Lay
Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim
Gà đâu gáy động im lìm
Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây.
Thế là chúng tôi đã đặt chân lên Tây Nguyên, đặt chân lên Đắk Lắk. Cái tên mới hôm trước còn nghe xa lơ xa lắc, bây giờ đã ở trong tầm mắt mình. Ngồi trên xe, tôi nghĩ mông lung, chẳng chuyện gì ra chuyện gì. Một vài người khách kể chuyện Phun-rô chặn xe, cướp của, giết người. Nghe thế, cảm giác như trời càng lạnh hơn. Xe đang chạy bỗng dừng lại đột ngột. Tôi chao người nhìn ra phía trước, tim đập rộn lên. Có hai ông tóc xoăn tít, da đen nhánh đứng chặn trước đầu xe, huơ huơ khẩu AR15. Ai nấy nhìn nhau, nín lặng chờ đợi một điều gì đó không may sẽ xảy ra. Bỗng anh phụ xe nhảy xuống, tay cầm bao thuốc. Té ra là mấy ông du kích đói thuốc. Giữa bao la rừng núi thế này, đó là cách duy nhất để họ kiếm được thuốc hút mà tỉnh táo canh chừng bọn Phun-rô. Hành khách được một phen hú vía!
19 giờ 30 ngày 9, xe tới Buôn Ma Thuột, điểm cuối của cuộc hành trình lịch sử. Gió mùa khô gầm gào, trời lạnh buốt, tối om. Chúng tôi không dám về trường vì trời tối, vì không thạo đường và cả vì… sợ Phun-rô! Tôi loay quay một chặp định đi tìm nhà người quen nghe nói ở gần bến xe nhưng không có kết quả. Thế là bốn chàng “ngự lâm pháo thủ” đành mượn manh chiếu mỏng, trải trước thềm nhà trọ bến xe, thấp thỏm nằm chờ trời sáng.
Kết thúc một chuyến đi lịch sử, năm ngày đêm, vượt chặng đường dài một ngàn hai trăm cây số. Một ấn tượng không bao giờ phai về kí ức một thời tuổi trẻ.
Bắt đầu một cuộc đời mới trên mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại.
06-12-2009
Nguyễn Duy Xuân