LÀNG SEN QUÊ BÁC THẮM TÌNH NƯỚC NON

Thứ bảy - 18/05/2024 13:01
Bài thơ thể hiện tình cảm kính yêu, niềm ngưỡng vọng của thi nhân vào dịp sinh nhật Người. Sâu lắng hơn, thi phẩm còn là tình cảm chung của Nhân dân Việt Nam mãi luôn hướng về Bác với lòng kính yêu vô hạn.
Nhà Bác ở làng Sen
Nhà Bác ở làng Sen

Nhà thơ Nguyễn Duy Xuân là tác giả của một số tập thơ viết về đề tài quê hương, đất nước khá thành công trong những năm gần đây, như Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi, Tổ quốc tôi yêu, Giọt nắng cao nguyên... Hình tượng Hồ Chủ tịch cũng xuất hiện khá nhiều trong thơ anh, trong đó có Thăm quê Bác (Rút từ tập Giọt nắng cao nguyên); là thi phẩm lục bát khá nhuần nhị, giàu hình tượng và cảm xúc, thể hiện sâu sắc tấm lòng của nhà thơ trước cuộc đời bình dị và cao đẹp của Người. Nỗi niềm ấy cũng chính là tình cảm của Nhân dân Việt Nam hướng về Bác Hồ kính yêu, người suốt đời dấn thân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Từ mùa hè 1980, vào tháng Năm sinh nhật Bác, đây cũng dịp nhà thơ được trở về thăm làng Kim Liên – huyện Nam Đàn – tỉnh Nghệ An và dâng nén hương lên bàn thờ Hồ Chủ tịch. Bồi hồi, xúc động không sao tả hết, tác giả lắng hồn cảm nhận tất cả những âm thanh, hình ảnh thân thương bằng một tâm tình kính yêu vô hạn. Quê Bác đâu có gì khác với những làng quê nước Việt thân thuộc ngàn đời. Vẫn hoa sen hương nồng thanh khiết, vẫn hàng tre xanh lá ven đường kẽo kẹt như tiếng võng ru. Giản dị qua ngôn ngữ biểu đạt và hình tượng thơ gần gũi, Nguyễn Duy Xuân lay động hồn ta bằng điệu lục bát mở đầu thắm tình quê kiểng:
    
Về thăm quê Bác, tháng Năm
Khi hoa sen đã hương nồng đường quê
Gió về lay động hàng tre
Nghe như tiếng võng trưa hè năm nao…


Vẫn mạch cảm xúc đậm chất miêu tả, nhà thơ tiếp tục khơi gợi đến người đọc những vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt nơi làng quê và từ ngôi nhà của Bác. Bầu trời tháng Năm nắng hè rực rỡ như một niềm tin yêu, một ân huệ mà tạo hóa ban tặng trên đời. Lối vào nhà Bác rợp bóng hàng cây, đôi bờ râm bụt trang nghiêm rực đỏ. Đặc biệt là hình tượng giếng Cốc với nguồn nước mát xanh trong, từ đây khơi dòng bao nhiêu suối mát. Đó cũng chính là hình tượng ẩn dụ cho cuộc đời thanh cao của Bác Hồ, chính Người đã bồi đắp biết bao thế hệ cách mạng Việt Nam tiếp bước, đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc:
    
Sáng hè nắng đẹp làm sao
Xanh trên nhà Bác, trời cao, mây hồng
Lặng nhìn giếng Cốc xanh trong
Bao nhiêu suối mát khơi dòng từ đây?
Lối vào rợp bóng hàng cây    
Đôi bờ râm bụt tháng ngày đứng nghiêm


Nếu hai khổ thơ đầu thuần túy miêu tả bức tranh thiên nhiên quê Bác thì hai khổ thơ sau là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ bộc bạch trong chuyến về thăm. Chậm rãi đi qua từng gian phòng nhà Bác, mỗi bước đi là một nỗi niềm suy tư trước cuộc đời cao đẹp của Người. Thông qua các từ ngữ “rộn nhịp”, “bâng khuâng”, “nhớ”, nhà thơ Nguyễn Duy Xuân đã giúp người đọc hình dung về cuộc sống giản dị, đơn sơ của Bác thuở nào. Song, cái hay ở khổ thơ thứ ba chính là khả năng khái quát vẻ đẹp quê hương và ngôi nhà Bác ở như chính là quê chung, mọi ngôi nhà chung trên mảnh đất nước Việt mến yêu. Vậy nên từng gian phòng đơn sơ, thân thuộc ấy bỗng trở nên nặng nghĩa, nặng tình và thân thương biết mấy:

Dừng chân trước mỗi gian phòng
Nghe tim rộn nhịp trong lòng, Bác ơi!
Bâng khuâng… cháu nhớ ra rồi
Cũng gian nhà ấy ở nơi quê mình
Đơn sơ vách nứa, mái tranh
Mà sao nặng nghĩa, ấm tình quê hương…


Bài thơ khép lại bằng khổ thơ với bốn dòng lục bát thật bình dị, tự nhiên nhưng lắng sâu và thiết tha từ nỗi lòng thương tưởng Bác. Tạm biệt quê Người cùng ngôi nhà đơn sơ “nặng nghĩa, ấm tình quê hương” ấy, tác giả cảm nhận được làn hương sen thơm ngát tháng Năm mãi vương vấn hồn mình, tỏa ngát khắp mọi miền quê đất nước. Kim Liên – quê hương của Sen Vàng đã hóa thành tâm điểm của sự thanh cao, là kết tinh vẻ đẹp sáng trong nơi mỗi tâm hồn người dân nước Việt:

Ra về… lòng những vấn vương
Nắng hè trải rộng con đường thân quen
Sen Vàng quê Bác – Kim Liên
Hương thơm toả ngát khắp miền quê xa.


Mang đậm dấu ấn phong cách thơ của tác giả Nguyễn Duy Xuân, đặc biệt là sự mộc mạc câu chữ và bình dị trong cách biểu đạt, Thăm quê Bác là tiếng lòng vấn vương khi được trở về quê hương Làng Sen yêu dấu. Bài thơ thể hiện tình cảm kính yêu, niềm ngưỡng vọng của thi nhân vào dịp sinh nhật Người. Sâu lắng hơn, thi phẩm còn là tình cảm chung của Nhân dân Việt Nam mãi luôn hướng về Bác với lòng kính yêu vô hạn.
             
Lê Thành Văn
Bài đã in trong tập “Khi Lòng Ta Có BÁC” của tác giả Lê Thành Văn, NXB Văn học, 5/2024.
Đăng trên báo Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lang-sen-que-bac-tham-tinh-nuoc-non-381331.html
Xem nguyên văn bài thơ: https://nguyenduyxuan.net/cuoc-song-men-yeu/tham-que-bac-8797.html

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập198
  • Hôm nay32,164
  • Tháng hiện tại423,937
  • Tổng lượt truy cập59,321,590
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây