Đất và người Đắk Lắk trong thơ
admin100
2024-02-18T20:23:42-05:00
2024-02-18T20:23:42-05:00
https://nguyenduyxuan.net/nguyen-duy-xuan-van/dat-va-nguoi-dak-lak-trong-tho-12193.html
https://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2024_02/dat-va-nguoi-dak-lak-trong-tho.jpg
Nguyễn Duy Xuân
https://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Chủ nhật - 18/02/2024 20:07
Nhà thơ Đặng Bá Tiến vừa có bài đăng trên báo Đắk Lắk số Xuân Giáp Thìn 2024 với tựa đề "Đất và người Đắk Lắk trong thơ". Bài viết như một bản tổng kết khái quát, nhẹ nhàng mà sâu sắc về thơ Đắk Lắk trong những năm qua, giúp bạn đọc hiểu thêm về con người và cuộc sống nơi vùng đất cao nguyên giàu tiềm năng và đậm chất huyền thoại.
Trong bài viết của mình, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã dành những lời phân tích, đánh giá sâu sắc về thơ của các tác giả có tác phẩm xuất bản trong vài năm gần đây như Lê Thành Văn, Bùi Minh Vũ, Nguyễn Duy Xuân, Trần Phố, Trần Thị Nguyệt Ánh...
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đất và người Đắk Lắk trong thơ
(Bài đăng báo Đắk Lắk số Xuân Giáp Thìn - 2024)
Từ năm 2021 đến nay, số lượng tác phẩm thơ của các tác giả Đắk Lắk được xuất bản không nhiều như từ năm 2020 trở về trước. Dẫu vậy, bằng tình yêu sâu sắc với đất và người nơi đây, bằng tình yêu mãnh liệt với thơ, một số tác giả vẫn nuôi dưỡng cảm xúc, ấp ủ các đề tài về vẻ đẹp của đất và người Đắk Lắk; từ đó, cho ra đời không ít tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật.
Trước tiên, chúng tôi muốn đề cập tới tập thơ “Tây Nguyên mong đón Bác về” (NXB Văn hóa dân tộc, 2022) của nhà thơ Lê Thành Văn. Tập thơ là vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm yêu quý, trân trọng, không gì có thể lay chuyển được của đồng bào Đắk Lắk, Tây Nguyên với Bác Hồ - lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta. Tập thơ được viết bằng ngôn ngữ giản dị mộc mạc. Mỗi bài thơ khắc họa một vẻ đẹp tâm hồn, đạo đức và phong cách của Bác lúc sinh thời; đồng thời thể hiện những tình cảm thiêng liêng mong nhớ Bác của đồng bào Đắk Lắk, Tây Nguyên: “Tây Nguyên trọn đời nhớ mãi Bác ơi!/ Ngày thống nhất thương Người không còn nữa/ Nhưng sâu thẳm trong tim một tình yêu chan chứa/ Tây Nguyên đón Bác về giữa nắng sớm tinh khôi”. Đây là tập thơ có chất lượng cao, được trao giải B toàn quốc về thơ (không có giải A) trong Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 1, giai đoạn 2021-2023.
Cũng tác giả Lê Thành Văn, trong năm 2021 đã cho xuất bản tập thơ song ngữ “Khúc hát H’Hen Niê” (NXB Văn hóa dân tộc). Đây là tập thơ song ngữ đầu tiên của một tác giả ở Đắk Lắk. Từ sự kiện H’Hen Niê giành vương miện hoa hậu hoàn vũ, với lòng ngưỡng mộ, cảm phục khát vọng vươn lên của một cô gái Ê đê bình thường, nhưng đầy nghị lực, bản lĩnh, cảm xúc của tác giả đã thăng hoa để cho ra đời tập thơ chuyên đề về H’Hen. Hình ảnh H’Hen hiện lên trong tập thơ thật đẹp: “Đôi mắt ướt một chiều đông/ Đôi mắt suốt đời anh qua không được/ Đôi mắt dài hơn nỗi nhớ mong”... “Đôi chân măng rừng xao động/ Đôi chân bước vòng xoang lắng nhịp/ Đêm nhà sàn nghiêng ánh lửa xôn xao” ...“Ôi cái ong vàng the thắt/ Eo thon ngày xuống phố/ Có người về cái bụng không yên”. Tác giả ca ngợi H’Hen không đơn giản chỉ để ca ngợi cô Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam người Ê đê, mà còn để gửi thông điệp tới các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ người dân tộc thiểu số, rằng: những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời ai cũng có thể làm được, nếu có nghị lực và ý chí.
Tác giả thứ hai, tôi muốn nói tới là Bùi Minh Vũ, một nhà thơ viết khỏe nhất trong số các nhà thơ ở Đắk Lắk hiện nay. Chỉ riêng thể loại thơ, từ năm 1996 đến nay anh đã cho ra đời tới 16 tập. Ngoài ra anh còn cho xuất bản cả chục tác phẩm thuộc các thể loại khác, như tiểu thuyết, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ các dân tộc Ê đê, M’nông. Chất lượng tác phẩm của Bùi Minh Vũ cũng càng ngày càng được nâng cao. Vì thế năm 2022 anh đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Riêng về thơ, năm 2022 anh cho xuất bản tập “Âm thanh yêu thương” viết cho thiếu nhi; năm 2023 là tập thơ “Những tiếng đàn hồng”. Nét nổi bật của thơ Bùi Minh Vũ là hình ảnh về thiên nhiên, con người, văn hóa các dân tộc Đắk Lắk, Tây Nguyên thường xuyên hiện hữu dưới nhiều góc độ khác nhau. Đọc thơ của anh ta thấy vẻ đẹp của cô gái giã gạo hiện lên trong không gian như cổ tích, thật hấp dẫn: “Trăng xuống gần hơn/ Chạm cầu thang mẫu hệ/ Em vẫn giã gạo/ Cho đến khi lời khan bắt đầu/ Tay em thoăn thoắt/ Như ngọn lửa mới nhen”. Bùi Minh Vũ cũng thấy được vẻ đẹp của tiếng chiêng trên đường về buôn: “Tiếng chiêng/ Vắt ngang bầu trời phấn hoa/ Đêm thổ cẩm/ Tôi nhìn, tôi ngắm trăng chơi”. Ngay trong tập thơ “Âm thanh yêu thương” viết cho trẻ em, thì hình ảnh của Đắk Lắk tươi đẹp vẫn hiện lên rất rõ: “Vườn xanh dinh Bảo Đại/ Vọng lại tiếng chim ca/ Ngỡ trong rừng đâu xa/ Suối Ea Nhôn róc rách”. Thơ Bùi Minh Vũ thường “khó đọc”, bởi anh ít làm thơ có vần điệu uyển chuyển, ít những thông điệp lộ thiên. Đọc anh buộc ta phải ngẫm nghĩ. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Hầu hết những bài thơ của Vũ không phải là một cánh cửa mở sẵn mà là một chiếc chìa khóa. Bài thơ chỉ trao cho người đọc chiếc chìa khóa để người đọc mở chính nó”.
Trong hai năm 2021 và 2023 tác giả Nguyễn Duy Xuân cũng gửi tới bạn đọc hai tập thơ “Về Ban Mê đi anh” (NXB Văn hóa dân tộc) và “Tổ quốc tôi yêu” (NXB Hội Nhà văn). Cả hai tập thơ có chung mạch trữ tình thế sự, là tiếng lòng đau đáu, thiết tha của tác giả về biển đảo, về bao chuyện buồn, vui của quê hương đất nước; trong đó, có không ít những hình ảnh đẹp về Đắk Lắk, Tây Nguyên, thể hiện tình yêu của tác giả với mảnh đất này. Chỉ cần lướt mắt qua tập thơ “Về Ban Mê đi anh” ta thấy ngay nhiều địa danh, nhiều thắng cảnh, sản vật hiện lên, như Krông Năng, thác Thủy Tiên, thác Đray Nur, Bản Đôn, Ea H’Leo, Sê rê pốk... Lời thơ của Nguyễn duy Xuân thường giản dị, mộc mạc, nhưng hình ảnh Đắk Lắk trong nhiều bài thơ của anh rất lấp lánh, làm xao xuyến nội tâm người đọc. Chẳng hạn, trong bài thơ “Hương cà phê Ban Mê”: “Chắt chiu từ đất cay nồng/ Hương thơm vị đắng quyện trong hoa này/ Nắng mưa ấp ủ tháng ngày/ Sắc nâu quyến rũ mê say hồn người”. Chẳng hạn, anh viết về thác Thủy Tiên (Krông Năng) - người đẹp ngủ trong rừng: “Nàng đẹp nàng xinh ơi Thủy Tiên/ Dáng vẻ kiêu sa rất dịu hiền/ Suối tóc chảy dài trong nắng sớm/ Giọng hát vang ngân giữa đại ngàn”. Chẳng hạn vẻ đẹp của thành phố Buôn Ma Thuột: “Như cô gái Ê đê căng đầy nhựa sống/ Đôi môi hồng tươi thắm nụ cười xuân/ Về quê em nghe giai điệu cồng chiêng/ Vọng buôn xa chiều Ban Mê nắng đỏ/ Hoa cà phê bung trắng trời trong gió/ Tỏa hương thơm ngan ngát phố phường”...
Tác giả Trần Phố ở huyện Krông Pắk, trong tháng 11/ 2023 cũng đã cho ra mắt tập thơ “Miên viễn trời xanh”. Tập thơ không chỉ thể hiện tình yêu của anh với quê hương xứ Quảng, mà còn là tình sâu nghĩa nặng với mảnh đất Đắk Lắk, nơi anh đã chọn làm quê hương thứ hai. Và vì thế thơ anh cũng hồ hởi, reo vui cùng đất trời và lòng người ở đây: “Chim đua hót, hoa sầu riêng thơm ngát/ Cánh trắng bay quả nhú đầy cành/ Gió xuân đến bạn bầu ve vuốt/ Ánh mắt người tình tứ long lanh”; “Voi hồ Lắk vươn vòi, khoe bắp/ Công Bản Đôn xòe cánh vẫy đuôi/ Cao nguyên nói với cao nguyên:/ Muôn chồi non cao nguyên đều có thể/ Viên mãn ước mơ dưới ánh mặt trời”.
Một cây bút khá nổi bật trong số các cây bút thơ nữ Đắk Lắk trong những năm gần đây là Trần Nguyệt Ánh ở thị xã Buôn Hồ. Thơ chị đang rời bỏ dần “tháp ngà tình yêu” để đến với cuộc đời rộng lớn, gần gũi với đại chúng hơn, nhiều niềm vui, nỗi buồn nhân thế hơn. Và vì thế những hình ảnh đẹp về đất và người Đắk Lắk cũng ngày càng nhiều hơn, dày hơn trong thơ chị. Trong tập thơ “Vọng núi” (NXB. Hội Nhà văn, 2022) chị viết: “Người đàn bà cõng hoàng hôn đi về phía núi/ Trên vai thõng thượt gánh chiều/ Chân trần da ngăm rám nắng/ Mặt trời hôn cháy tóc mây/ Bồng bềnh lời ca trên núi...”. Một bài thơ đầy chất hội họa. Hình ảnh người đàn bà bản địa “chân trần, da ngăm rám nắng”, “tóc mây”, “cõng hoàng hôn đi về phía núi” đẹp đến mức hoành tráng, gợi thật nhiều cảm xúc cho người đọc. Vẻ đẹp của bản sắc văn hóa Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng cũng được Trần Nguyệt Ánh thể hiện bằng những câu thơ tả thực, nhưng có sức gợi cao: “Ống cơm lam cho biết bản sắc quê mình/ Ngọt mùi nếp nương thơm nồng trong nứa/ Ấp ủ hương tình nồng đượm đất Tây Nguyên/ Rượu cần thơm mát ngọt say lòng khách lạ/ Tiếng cồng chiêng rộn rã khúc giao mùa/ Tinh hoa đại ngàn hòa vũ khúc đêm xoang”.
Một số tác giả khác, như Đỗ Toàn Diện, Trần Đình Nhân, Đinh Thị Phúc, Bích Xoan, Trần Thị Uyên... cũng có một số bài thơ sáng tác trong những năm gần đây, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và con người Đắk Lắk, nhưng do khuôn khổ của bài viết có hạn, chúng tôi không thể dẫn chứng hết.
Qua một số tác phẩm kể trên, ta thấy rõ: Đất và người Đắk Lắk được thể hiện trong thơ của các cây bút tỉnh nhà khá đậm nét. Mỗi tác giả, từ góc nhìn khác nhau, cách thể hiện khác nhau, nhưng đều cho người đọc thấy được thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, văn hóa giàu bản sắc, người dân sống tình cảm, nhân nghĩa, chan chứa niềm tin với Đảng và Bác Hồ. Qua đó, các tác giả thơ đã góp phần lan tỏa vẻ đẹp, bản sắc văn hóa, con người vùng đất Đắk Lắk đến bạn bè cả nước, góp phần thu hút khách du lịch, đóng góp một phần “năng lượng tinh thần” vào sự nghiệp chung: phát triển kinh tế, xã hội bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh nhà.
Nhà thơ Đặng Bá Tiến
(Nguồn Fb tác giả)