Đôi dòng cảm nhận cùng tác giả Nguyễn Duy Xuân,
Theo tôi, đây là bài thơ Xuân rất đẹp, rất nồng. Bài thơ hay cả về cấu tứ và tình ý. Những ngôn từ rất quen thuộc, dung dị, không hề cách điệu khiến cho người đọc phải ngẫm nghĩ khó cảm thụ, nhưng được chắt lọc và sử dụng khéo léo, tứ thơ rất chặt chẽ.
Đầu tiên, nhan đề là một tiếng reo, tiếng reo vui đón chào mùa xuân đến. Khi có niềm vui hay nỗi buồn cần chia sẻ, người ta thường hướng đến một đối tượng nào đó. "Em" chính là đối tượng mà tác giả muốn chia sẻ cảm xúc hân hoan, rạo rực trước cảnh đất trời vào xuân.
Khổ thơ thứ nhất là bước chân của mùa xuân. Mùa xuân về trên lá trên hoa, trên những cành tơ lộc nõn. Bước chân của mùa xuân đi đến khắp mọi nhà ban phát niềm vui hạnh phúc sum vầy ấm áp, bước chân của nàng xuân chan hòa khắp đất trời sông núi bao la...
Khổ thơ thứ hai đi vào miêu tả cái thần thái bên trong của nàng xuân: "nét xuân", "sắc xuân", "hương xuân" với tất cả những gì tươi tắn, lung linh, biêng biếc, đầy quyến rũ, gọi mời cả bướm ong...
Nàng xuân sẽ không thể làm hồn người xúc động ngất ngây nếu thiếu đi cái "tình xuân". Đó là điều mà tác giả đã chăm chút ở khổ thơ thứ ba. Hương xuân, sắc xuân làm ngất ngây hồn người, đó chính là "cái tình". Tình xuân rạo rực như ly rượu nồng chưa "nếm" mà say. Nàng xuân không chỉ quyến rũ bướm ong mà còn làm sống dậy những khát khao rất nhân bản trong mỗi tâm hồn con người. Mùa xuân về khơi gợi cả tình yêu tuổi
trẻ...
Niềm vui xuân được san sẻ chan hòa giữa ta và "em", giữa người với người. "Xuân về rồi đó, em ơi", "Xuân về rồi đó hỡi em!" được đặt ở đầu và cuối bài thơ. Ở khổ thơ kết, bước chân của mùa xuân thực sự đã thấm đẫm vào hồn người. Xuân là mùa của thiên nhiên, hay xuân ở trong lòng mỗi người?
"Chúc cho xuân của lòng người
Hoà cùng xuân của đất trời quê hương!"
Mùa xuân của đất trời hòa với mùa xuân của lòng người. Mùa xuân của đất trời sẽ qua đi, nhưng mùa xuân của lòng người thì mãi mãi thắm xanh. Nếu con người còn biết yêu những gì tươi đẹp mà tạo hóa và tổ quốc đã ban cho ta!
Lâm Thị Thanh Trúc
An Giang
huongque1966@gmail.com
ĐT: 01235.212.678