Về hai chữ "khuyến quân" của Lê Xuân Đức

Thứ bảy - 02/07/2022 20:27
Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh (Lê Xuân Đức - NXB Chính trị Quốc gia Sự thật-2020) là một cuốn sách dày 1088 trang, khổ 19 x 27.
Sách được “Nhà nước đặt hàng”, với sự hợp sức biên tập của bốn nữ Thạc sĩ.

Năm 2020, trong bài “Đọc lướt tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh” tôi có viết:

“Như vậy, năm 2014, khi tôi viết 9 bài phê bình chỉ ra sai sót và đạo văn trong 2 cuốn sách “Nhật ký trong tù và lời bình”, “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”, một mặt, ông Lê Xuân Đức phản ứng và bắn tin doạ kiện tôi, mặt khác ông lại âm thầm tham khảo và sửa sai để đưa vào cuốn “Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh”.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Đức chỉ có thể sửa được những cái sai cũ do tôi chỉ ra trước đó, chứ ông không thể kiểm soát hết được những cái sai mới xuất hiện trong Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh.

Nói cách khác, ông sửa được cái sai này, thì lại lòi ra cái sai kia, cũng thậm tệ không kém!

Sau đây, xin lấy ví dụ nhỏ về một trong những cái sai mới mà ông Lê Xuân Đức mắc phải, và rồi bốn vị Thạc sĩ biên tập của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật dù cùng hợp sức để biên tập vẫnkhông phát hiện ra.

Đoạn “thẩm bình Ngục trung nhật ký” (chữ của ông Lê Xuân Đức) bài “Tảo” (Buổi sớm), như mọi lần, ông Lê Xuân Đức lại cố gắng tìm cách chê Nam Trân, dù chỉ là một tí chút:

"...“tảo xan khai” nghĩa là bữa cơm sáng mà dịch là “Tám giờ chuông điểm bữa ban mai” thì cũng chưa thật đúng bởi tám giờ không còn là bữa ban mai nữa, nguyên văn là “Bát chung hưởng liễu, tảo xan khai” (Chuông điểm tám giờ, bữa cơm sáng bắt đầu). Sau đó một lời khuyên được đưa ra: “Khuyến quân thả ngật nhất cá bão” (Khuyên anh hãy cứ ăn no)”.

Đoạn, ông Lê Xuân Đức “thẩm” thơ của tác giả Ngục trung nhật ký như sau:

“Hai từ KHUYẾN QUÂN có thể tác giả mượn từ của nhà thơ Vương Duy:“Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/Tây xuất dương quan vô cố nhân” (Vị thành khúc), dịch là: “Chén nữa khuyên mời anh hãy cạn/Dương quan bạn hữu mấy người hay”.

Rồi ông Lê Xuân Đức “bình”:

“Cùng là “khuyến quân”, nhưng trong bài thơ “Vị thành khúc”, nó thể hiện nỗi buồn sâu thẳm, khuyên người uống rượu để giải sầu mà nỗi buồn không vơi được, còn trong “Tảo” là chút đùa vui hóm hỉnh, dân dã, khuyên cố gắng ăn no để đợi… [….] Hiện thực đấy mà cũng lãng mạn đấy…”.

Viết như vậy, có lẽ ông Lê Xuân Đức muốn làm cái việc gọi là “nhất tiễn song điêu” (một mũi tên trúng hai đích):

-Đích 1: Ca ngợi tác giả Ngục trung nhật ký, không những Hán học uyên thâm, “vận dụng” tinh hoa ngôn từ của người xưa, mà còn ăn đứt người xưa ở tinh thần “lãng mạn”.

-Đích 2: Ông Lê Xuân Đức muốn chứng tỏ sự uyên bác không kém của mình, khi đã đọc nhiều hiểu rộng, nên mới khám phá ra “Hai từ KHUYẾN QUÂN” tác giả Ngục trung nhật ký "mượn" của Vương Duy - điều xưa nay chưa ai làm được.

Nhưng khổ nỗi, ông Lê Xuân Đức đâu biết rằng, tổ hợp “KHUYẾN QUÂN” trong Hán ngữ cũng bình thường như “khuyên con”, “khuyên cháu”, “khuyên em” trong tiếng Việt vậy. Đâu có gì độc đáo đến mức tác giả “Ngục trung nhật ký” phải “mượn” của Nhà thơ Vương Duy đời Đường!?

Có thể dẫn chứng hàng loạt như:

1-Đỗ Thu Nương có bài “Kim lũ y”:

"KHUYẾN QUÂN mạc tích kim lũ y,

KHUYẾN QUÂN tích thủ thiếu niên thì.

(Khuyên anh đừng tiếc áo thêu vàng

Khuyên anh tiếc lấy thời niên thiếu)

Nam Trân dịch:

Chiếc áo thêu vàng, anh chớ tiếc,

Khuyên anh hãy tiếc thuở xuân xanh.

2-Bạch Cư Dị trong bài “Điểu” có thơ rằng:

“KHUYẾN QUÂN mạc đả chi đầu điểu

Tử tại sào trung miện mẫu quy”

(Khuyên anh chớ giết con chim đậu ở đầu cành/Bởi lũ chim non trong tổ đang ngóng mẹ chúng về).

Rồi dân gian Trung Quốc cũng có các “lão thoại” (lời khuyên của người già), như:

3-“KHUYẾN QUÂN mạc đả tam xuân điểu.” (KHUYÊN ANH đừng bắn chim ba tháng mùa xuân);

4-“KHUYẾN QUÂN mạc thực tam nguyệt tức.” (KHUYÊN ANH đừng ăn cá giếc tháng ba)…

Còn nhiều, rất nhiều KHUYẾN QUÂN trong thơ ca, đời sống, đến mức có kể tàn đêm cũng chẳng hết.

Vậy, ông Lê Xuâ Đức và bốn Thạc sĩ biên tập nghĩ sao?

Tuy ý đồ nhất tiễn song điêu thất bại nhưng có lẽ cuối cùng tác giả Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh – ông Lê Xuân Đức vẫn làm được cái gọi là "một công đôi việc", dù hoàn toàn ngoài ý muốn:

-“Nịnh oan”, nếu không muốn nói là phạm tội “khi quân” khi dám đoán bừa: "Hai từ KHUYẾN QUÂN có thể tác giả (Ngục trung nhật ký-HTC) mượn từ của nhà thơ Vương Duy"(!)

-Chứng tỏ cho bạn đọc thấy sở học và vốn liếng “hơn 50 năm nghiên cứu, thẩm bình thơ ca Hồ Chí Minh” (Lời nói đầu) của ông Lê Xuân Đức nó ở mức nào.

Hoàng Tuấn Công
4/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
Luong truy cap
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập233
  • Hôm nay36,739
  • Tháng hiện tại735,626
  • Tổng lượt truy cập54,850,330
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây