Lời dẫn: Như chúng ta đều biết, trong bối cảnh Việt Nam giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đã bắt đầu thiết lập ách đô hộ lên Nam Kỳ, kinh tế - xã hội trì trệ và lạc hậu trên hầu khắp mọi phương diện, có một nhà Nho xứ Nghệ xuất thân Công giáo đã đệ trình lên triều đình vua Tự Đức một nghị trình cải cách xã hội toàn diện mà mỗi khi nhắc đến tên tuổi ông cũng như bản kiến nghị đó, ta không khỏi ngậm ngùi tiếc rẻ cho cơ hội lịch sử mà nhà Nguyễn đã bỏ phí: đó chính là Nguyễn Trường Tộ với tập Tế cấp bát điều (viết tắt: TCBĐ). Nếu như nhiệt huyết cải cách và tấm lòng ái quốc của Nguyễn Trường Tộ thể hiện qua TCBĐ là điều không phải bàn cãi thì nội dung chi tiết của chúng thực sự vẫn còn một số điểm cần phải làm rõ. Đoạn trích sau đây là phân tích của Giáo sư John DeFrancis, học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ - văn tự các nước Đông Á, bàn cụ thể về đề xuất dùng chữ Nôm làm văn tự chính thống của Nguyễn Trường Tộ (TCBĐ, điều 4, khoản 5). Hy vọng đây sẽ là một nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến di sản tinh thần mà Nguyễn Trường Tộ để lại cho dân tộc. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguyễn Trường Tộ
Nhân vật trọng yếu nhất của nhóm này [ND: tức nhóm phản đối dùng chữ Quốc ngữ, ủng hộ dùng chữ Hán – Nôm làm văn tự chính thống] không ai khác chính là Nguyễn Trường Tộ (1827 – 1871), một vị quan kiêm học giả đã giành được sự đồng cảm của giới trí thức từ cả hai phe, cánh tả (Đặng Thai Mai 1961: 83)[1] lẫn cánh hữu (Thái Văn Kiểm 1972: 489-502)[2]. Thái Văn Kiểm, tác giả của bài khảo cứu đã cung cấp phần lớn nguồn thông tin được trích dẫn dưới đây, mô tả ông như là một nhà cải cách yêu nước, một nhà thơ và là một con người của hành động.
Tuy sinh ra trong một gia đình Công giáo, về cơ bản Nguyễn Trường Tộ vẫn được nuôi dạy trong môi trường Nho giáo. Chính vì đức tin của mình mà ông từng bị gạch tên khỏi danh sách thí sinh dự kỳ thi Hương. Nhờ đầu óc nhạy bén, ông được Giám mục Gauthier để mắt tới và dạy cho tiếng Pháp, tiếng La-tinh cũng như một số kiến thức liên quan đến văn học Pháp và khoa học phương Tây. Năm 1859, ông theo Gauthier sang Ý, nơi cả hai được hội kiến Đức Giáo hoàng, rồi qua Pháp, mảnh đất đã gieo vào trí óc ông niềm say mê khám phá mọi lĩnh vực - từ khoa học, văn tự học, xã hội học, hải dương học cho đến kiến trúc, hóa chất công nghiệp và các công xưởng hiện đại, v.v... Tại châu Âu, có vẻ như ông từng gặp mặt nhà cải cách Nhật Bản Ito Hirobumi.
Sự kiện quay về Tổ quốc năm 1861 của ông ít nhiều trùng hợp với giả thuyết cho rằng đó là theo yêu cầu của Đô đốc Charner[3], người ngay lập tức sau đó chỉ định ông làm thông ngôn cho Pháp. Trên cương vị này, trong bối cảnh sự đối địch giữa Pháp và Việt Nam ngày một gia tăng, lương tâm ông không khỏi bị giằng xé. Sau hiệp ước nhượng địa mà triều đình Huế buộc phải ký kết với thực dân Pháp năm 1862 [ND: tức Hòa ước Nhâm Tuất] cũng như những nỗ lực vô ích của chính bản thân vì nền hòa bình của hai dân tộc, ông thôi không làm việc cho Pháp và viết bản “Trần tình” năm 1863, bằng chữ Hán, dâng lên vua Tự Đức để tỏ rõ tấm lòng trung thành của mình. Ông còn gửi gắm tâm sự qua thi ca những mong có thể giải tỏa mối hiềm nghi cũng như để tự chiêu tuyết cho chính bản thân trong con mắt của đồng bào. Trong một bài thơ gửi cho người lãnh đạo phe chống Pháp trong triều đình Huế, ông viết, theo lối bóng gió thường thấy thời bấy giờ:
[Dịch nghĩa]
Chẳng phải tại nghèo mà tôi mới làm nghề dệt vải ở xóm Đoài,
chẳng qua vì tôi muốn thành thạo cách làm và cách dùng khung cửi.
Để lỡ khi láng giềng xóm Đoài có hỏi,
thì tôi cũng biết mà giải thích thấu đáo.
(Thái Văn Kiểm, 1972: 489-502)
Năm 1866, biết tiếng ông đa tài, một vị Tổng đốc đã nhờ ông giám sát việc đào một con kênh [ND: sự kiện Tổng đốc Hoàng Kế Viêm cho đào kênh Sắt ở Hưng Nguyên]. Khác với những người trước mình, ông đã thành công trong việc chỉ đạo đào xong con kênh. Nhờ đó, ông được quan Tổng đốc khen ngợi và tiến cử lên nhà vua. Đức vua cho vời ông về kinh và giao cho ông nhiệm vụ tháp tùng Giám mục Gauthier sang Pháp tuyển mộ các kỹ sư và mua sắm máy móc phục vụ phần lãnh thổ còn lại của vương quốc[4]. Từ năm 1863 cho đến khi ông qua đời năm 1871, nghĩa là từ trước cho đến sau cả giai đoạn phụng sự trong triều, ông đã dâng lên triều đình không dưới mười lăm bản kiến nghị kêu gọi cải cách toàn diện và hiện đại hóa các lĩnh vực từ giáo dục, hành chính, ngoại giao cũng như hầu khắp các phương diện của đời sống xã hội. Không những chủ trương giữ hòa hảo với Pháp, ông còn kêu gọi thiết lập một chính sách nhằm dung hòa các thế lực ngoại bang. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc cần phải ưu tiên phát triển khoa học kỹ thuật hơn văn chương. “Liệu ai dám tin rằng”, ông viết, “chúng ta có thể đẩy lùi giặc ngoại xâm nhờ thi ca?” (Thái Văn Kiểm, 1972: 500).
Chồng kiến nghị mà ông trình lên nhận lại thái độ thù địch đến từ phe chống cải cách gồm những quan lại có xuất thân Nho - Phật vốn chiếm đa số trong nội các triều đình Huế[5]. Dưới tác động của thế lực dèm pha ông, vua Tự Đức trở nên ác cảm với sự sốt sắng mà ông thể hiện trong những đề xuất canh tân của mình và khước từ chúng. Bên lề của một trong những bản điều trần này, đức vua từng phê đại ý rằng: “Nguyễn Trường Tộ quá tự đắc. Cải cách cần thời gian. Tại sao phải sốt sắng lên như thế trong khi những cách thức cũ vẫn tỏ ra hiệu quả trong công việc triều chính?” (Thái Văn Kiểm, 1972: 499).
Phần đa trong số những kiến nghịnày, về bản chất,đều khá ôn hòa. Ví dụ điển hình trong số đó là đề nghị cải cách văn tự mà ông đã trình lên vào quãng cuối năm 1867 (Dương Quảng Hàm, 1960: 332)[6]. Trên địa hạt này, ông đã bộc lộ quan điểm tương đối bảo thủ, và trên thực tế, có phần hơi lú lẫn vì rằng, dẫu chonhững luận điểm chính yếu của ông là tương đối rõ ràng, cách diễn đạt của ông lại chứa đựng những thiếu sót, lầm lẫn, thiếu tính nhất quán và độ chính xác đến mức không ngờ. Tuy nhiên, đề xuất của ông vẫn rất đáng để phân tích trên một số khía cạnh bởi lẽ đây chính là tư liệu hoàn chỉnh nhất – nếu không muốn nói là duy nhất – hé mở cho ta thấy một lập trường cụ thể về văn tự. Chính ở điểm này mà chúng ta phải biết ơn bản dịch toàn văn kèm phụ chú của Trương Bửu Lâm (1967: 99-103)[7] được trích dẫn sau đây.
Bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ về vấn đề cải cách văn tự, để phù hợp với quy chuẩn một bản tấu trình lên đức vua, được thảo bằng chữ Hán văn ngôn [ND: tức chữ Nho]. Nhưng nội dung của nó chính là nhằm phản đối việc dùng thứ văn tự này bởi ông cho rằng nó không phù hợp với nhu cầu của người Việt. Ông bắt đầu bản kiến nghị của mình như sau[8]:
Ngày nay có những người mỗi lần mở miệng ra nói lại phải nhờ người khác dịch giải, chẳng khác nào người nước ngoài. Ta một nước sao lại có hai thứ ngôn ngữ? Hai thứ chữ viết? Hai lần học? Thế có phải nước thì một mà người thì chia hai không?
Những lời nhận xét này dường như không phải nhằm mô tả những dị biệt bắt nguồn từ những biến thể trong khẩu ngữ tiếng Việt, mà là nhắm đến một sự thật đó là việc dùng chữ Hán làm văn tự cơ bản đã khiến cho xã hội phân chia ra làm hai nhóm, những người biết đọc - viết chữ Nho và những người chỉ biết nói tiếng Việt. Ông đã hơi thổi phồng tình hình khi bỏ qua một điều đó là những người mù chữ lẫn những người biết chữ Nho đều có thể giao tiếp được với nhau khi nói tiếng Việt, dù vậy, luận điểm chính mà ông nêu ra khi nhấn mạnh hố sâu ngăn cách giữa hai nhóm người vẫn xác đáng. Ông cũng đã chỉ ra sự phi lý của tình trạng dùng một hệ thống chữ viết không dựa trên tiếng nói của người dân:
Nói về chữ viết thì đó chỉ là những ký hiệu đặc biệt thay lời nói để ghi chép công việc mà thôi. Nước nào cũng thế […]. Nước nào có chữ viết riêng của nước ấy, đọc lên ai nghe cũng hiểu. Học là chỉ học cách viết ra chữ mà thôi. Vả lại trời sinh ra một nước thì cũng có một thứ chữ, một thứ tiếng của nước ấy. Nước ta là một nước có tên tuổi vào hàng nhì của phương Đông vậy mà chỉ một mình nước ta không có chữ viết. Có phải tại trời không thương ta chăng? Không, đó là lỗi tại ta học chữ nước ngoài[ND: chữ Nho]lại tôn sùng thái quá, cho nên dù có kẻ tài trí xuất chúng cũng không dám sáng tạo ra cái khác, sợ người dị nghị!
Ông cho rằng có những lợi ích nhất định khi dùng hệ thống chữ viết dựa theo tiếng mẹ đẻ thay vì một thứ tiếng ngoại lai nào đó, bởi lẽ: nếu dùng quốc âm thì lúc nhỏ đã có cha mẹ dạy, lớn lên đi học chỉ học nét viết mà thôi. Thế có phải giảm bớt được một nửa công phu không? Đem một nửa công phu học tiếng lạ đó mà học những việc thiết thực cho đời sống có phải ích lợi lớn hơn không?
Đối lập với sự giản tiện của việc dùng chữ viết quốc âm là sự khó nhọc của việc học chữ Nho:
Ngày nay nước ta những kẻ thông minh lanh lợi đều đua nhau học chữ[ND: chữ Nho], không lập công dựng nghiệp nhân lúc thanh niên cường tráng, mà chỉ vùi đầu đèn sách hết năm này sang năm khác.
Về vấn đề văn tự, theo ông, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của người phương Tây:
Ở bên Tây, mười người đàn ông có một người mù chữ, mười người đàn bà có bốn người không học chữ. Mặc dầu không biết chữ nhưng chiếu, chỉ, từ, trát cho đến báo chí sách vở, có người đọc cho nghe thì đều hiểu hết. Là vì chữ của họ đều viết bằng quốc âm. Con nít họ đi học ba năm thì không chữ nào không đọc hiểu được. Không phải như chữ Nho học cho đến chết cũng chưa nhớ nổi một phần ba.
Vậy đâu là giải pháp? Cần thận trọng tiến hành những việc sau:
Chả lẽ ở nước ta không có ai giỏi có thể lập ra một thứ chữ để viết tiếng ta hay sao? Vì ta dùng chữ Nho đã lâu nên không cần thay đổi tất cả sợ làm cho người ta lạ tai lạ mắt. Vậy xin dùng chữ Hán làm mẫu, lựa âm của chữ nào hợp với âm tiếng ta, nhất định không thay đổi thì đọc như tiếng ta không cần giải nghĩa. Chữ nào có âm gần giống tiếng ta thì thêm nét phụ vào rồi đọc ra tiếng ta. Ngoài ra gộp hết tiếng ta lại chia thành môn loại, làm tự điển, trước tiên ban hành trong các cơ quan chính quyền và trường học cho người học dễ dàng sử dụng. Khi nào chữ Hán đã được đọc thành âm tiếng ta rồi thì bất cứ ai biên chép việc công việc tư đều phải dùng thứ chữ đã ban hành, không được thay đổi.[...]
Nay lấy chữ Hán đọc ra quốc âm thì khi đọc lên ai nghe cũng hiểu có phải vừa dễ dàng vừa bớt được bao nhiêu phiền phức không?
Tạo ra chữ viết không thôi chưa đủ. Một nền văn chương gắn liền với nó cũng cần phải được phát triển:
Nếu Triều đình chấp nhận đó là kế sách lớn lâu dài giản tiện thì xin cho làm thử xem sao. Cũng xin đem sử ký, phong thổ ký nước Việt ta và các sách dạy nghề cùng với năm khoản tôi trình bày về học thuật trên đây cho học tập.[…] Ngoài ra cần phải ấn hành một tờ nhật báo đăng tải các chiếu, chỉ, sớ, dụ, những việc làm của các bậc có tiếng tăm, những công vụ quốc gia hiện thời cho học sinh đọc để biết công việc trong nước.
Nguyễn Trường Tộ gọi thứ văn tự mà ông đề xuất là “Quốc âm Hán tự” 國音漢字, nghĩa đen là “chữ Hán đọc theo Quốc Âm” (Dương Quảng Hàm,1960: 332).
Trương Bửu Lâm (1967: 102), trong phần phụ chú của văn bản được trích dẫn trên, có lý khi tỏ ý ngạc nhiên với một vài chi tiết trong bản đề xuất: “Thật đáng ngạc nhiên khi Nguyễn Trường Tộ, người chắc chắn phải biết dùng chữ viết La-tinh hóa tiếng Việt [ND: tức chữ Quốc ngữ] mà người Pháp bấy giờ đang ra sức truyền bá ở Nam Kỳ, lại không hề đả động gì đến nó. Trái lại, ông ủng hộ cho chữ Nôm, thứ văn tự vốn dĩ đã tồn tại, như thể chính ông là người sáng tạo ra nó vậy.”
Những gì mà tác giả bản điều trần mường tượng trong đầu khi đề xuất dùng chữ Nôm hoàn toàn không minh xác như ta tưởng. Việc không hề nhắc đến chữ“Nôm” trong đề xuất phương án sử dụng một thứ văn tự mới có lẽ bắt nguồn từý thức cảnh giác bởi lẽ ông hiểu, về bản chất, mình đang cố vấn cho hoàng đế nhà Nguyễn dùng thứ chữ của quân phản loạn, đối địch với ông cha mình, nhà Tây Sơn. Cũng có khả năng khi Nguyễn Trường Tộ nói về sự “thay đổi”, trong đầu ông đang hình dung ra một phương án cải tiến chữ Nôm nhiều đến mức cần phải gọi nó bằng một cái tên mới. Nếu không thì ý định của ông là gì khi đề xuất rằng đối với những chữ Hán không có âm đọc phù hợp với tiếng Việt thì ta “thêm nét phụ vào rồi đọc ra tiếng ta”? Có lẽ mục đích của ông là muốn chuẩn hóa chữ Nôm theo một cách nào đó. Một trong số đó là giữ nguyên thành tố biểu âm cho tất cả những từ đồng âm, một phương án có lẽ gần giống với ý tưởng mà Midan[9] hình như đã từng suy tính đến khi gợi ý rằng chữ Nôm có thể được ghi với chỉ hai hoặc ba ngàn chữ.
Hoặc cũng có thể Nguyễn Trường Tộ thực chất đang có ý định phát triển một thứ chữ Nôm chuẩn hóa theo hướng mỗi chữ sẽ biểu thị cho một âm tiết và mỗi âm tiết sẽ chỉ được ghi bằng một chữ. Nếu vậy, đề xuất này, về mặt nguyên tắc, là gần gũi với hệ thống Kana của tiếng Nhật. Tuy nhiên, do cấu trúc âm tiết tiếng Việt phức tạp hơn tiếng Nhật rất nhiều, nên phương án này vẫn đòi hỏi phải dùng khoảng 800 chữ (nếu có 6 ký tự thanh điệu tách biệt) hoặc tới 4800 chữ (nếu thanh điệu được tích hợp luôn vào từng chữ), trong khi bảng âm tiết trong bộ chữ Kana của tiếng Nhật chỉ có hơn 50 ký tự. Không có bằng chứng nào cho thấy Nguyễn Trường Tộ thực sự trù liệu một phiên bản chữ Nôm chuẩn hóa theo cách trên – có chăng đi nữa – ta cũng cần xét đến một đặc trưng khác của bộ chữ Kana tiếng Nhật, đó là việc rút gọn hay giản lược những chữ phức tạp để tạo ra một bảng chữ đơn giản, ví dụ như rút ký tự ロ từ chữ Hán 呂 [ND: âm Hán Việt là “lã/lữ”] để biểu thị âm ro. Đề án của ông có lẽ dựa vào việc dùng những chữ Hán thông dụng hoặc cải tiến chúng, thường theo hướng khiến độ phức tạp của chúng càng tăng thêm, với vai trò nhưnhữngchữ Nôm.
Việc Nguyễn Trường Tộ không hề đả động đến chữ Quốc ngữ cũng có thể bắt nguồn từ ý thức cảnh giác. Sau tất cả, hệ thống chữ viết được La-tinh hóa vẫn là một dấu mốc đánh dấu sự đứt gãy với quá khứ; nó chính là công cụ được quân xâm lược đem đến và, có lẽ đáng căm hận hơn, được những Ki-tô hữu sử dụng. Hơn nữa, bất cứ đề xuất nào trình lên đức vua đều bắt buộc phải vượt qua sự xoi mói thù địch của giới quan lại bảo thủ, những người mà theo mô tả của Osborne (1969:68)[10]: “[mấy vị triều thần] giận sôi máu khi bắt gặp số người Việt làm tay sai cho quân xâm lược. Nhưng sự tức giận đó lại biến mất khi có người giải thích với họ rằng, Ca và những người làm khác, tất cả bọn chúng đều là dân Công giáo. Hóa ra trong thâm tâm của mấy vị quan triều đình này, những đồng bào cải đạo sang Công giáo đều đã bước ra khỏi ranh giới của luân lý.” Dĩ nhiên, cũng có khả năng bản thân Nguyễn Trường Tộ phản đối việc dùng chữ Quốc Ngữ và chỉ ao ước một thứ văn tự cải tiến một chút từ chữ Hán mà thôi. Nếu đúng như vậy, có lẽ ông không phải là người đầu tiên, và ắt hẳn cũng không phải là người cuối cùng thuộc lớp người trưởng thành cùng với Hán tự, không chỉ ở Việt Nam, có những ý tưởng cách tân nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ vá víu thứ văn tự đó.
Tất cả suy cho cùng vẫn chỉ là giả thuyết. Dẫu động cơ và suy tính của ông có là gì đi nữa thì sự thật, những đề xuất cải cách của Nguyễn Trường Tộ cũng chẳng đi đến đâu.
Giả thuyết cuối cùng: lịch sử sẽ ra sao nếu như bản kiến nghị của ông được chấp thuận và đón nhận tích cực? Dù gì đi nữa, đề xuất của ông xét về mặt lý thuyết vẫn là một phương án khả thi. Nó hướng đến một thứ văn tự giản lược hơn chữ Hán của Trung Quốc, thậm chí có lẽ còn đơn giản hơn cả hệ thống chữ viết hiện tại của Nhật Bản. Giả sử nó được chấp nhận, cũng có thể thứ văn tự này sẽ làm xói mòn nỗ lực vì một cuộc cải cách quyết liệt hơn. Cũng có thể khi đó, thứ chữ Nôm cải tiến bấy giờ của Nguyễn Trường Tộ lại chính là hệ thống chữ viết của Việt Nam ngày hôm nay.
Nguyên tác: John DeFrancis (1977) Colonialism and Language Policy in Viet Nam (Chủ nghĩa thực dân và Chính sách Ngôn ngữ ở Việt Nam), NXB Mouton, phần II, chương 4, tr. 100 - 105.
(Ngôn Thành trích dịch)
[1] Đặng Thai Mai (1961), ‘La littérature vietnamienne’, Europe 387-388: 72-92.
[2] Thái Văn Kiểm (1972), ‘Nguyen Truong To. Patriote réformiste, poète et homme d’action’, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoise 47: 489-502.
[3] Đô đốc Hải quân Léonard Charner, tổng tư lệnh liên quân viễn chinh Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Nam Kỳ.
[4] Chuyến Tây du này không thulại được thành quả gì vì trong lúc sứ đoàncủa Nguyễn Trường Tộ đangđàm phánở Paris thì thực dân Pháp bất ngờ vi phạm Hòa ước Nhâm Tuất, tấn công thâu tóm nốt ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ. Hệ quả là sứ đoàn của ôngngay lập tức bịtriều đìnhtriệu về nước, sách vở lẫn máy móc đã mua được đều bị niêm phong cất giữ trong quốc khố ở Huế (xem Vĩnh Sính (1999), ‘Nguyen Truong To and the Quest for Modernization in Vietnam’,Japan Review 11: 55-74).
[5] Theo GS. Vĩnh Sính (sđd), một trong số ít những quan đại thần ít nhiều bày tỏ quan điểm ủng hộ Nguyễn Trường Tộ là quan Phụ Chánh đại thần Trần Tiễn Thành (1813 – 1883), bố vợ của chí sĩ Nguyễn Lộ Trạch (tác giả của Thiện hạ đại thế luận - tác phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ) và cũng là ông của phu nhân học giả Đào Duy Anh.
[6] Dương Quảng Hàm (1960), Việt Nam văn học sử yếu, Sài Gòn.
[7] Trương Bửu Lâm (1967), Patterns of Vietnamese Response to Foreign Interventions 1858-1900. New Haven.
[8] Các trích dẫn TSBĐ (điều 4, khoản 5) của DeFrancis đều dựa theo bản dịch tiếng Anh của Trương Bửu Lâm (sđd). Để tránh tam sao thất bản, ở đây, chúng tôi xin trích lại nội dung theo bản dịch tiếng Việt của Trương Bá Cần (2002), Nguyễn Trường Tộ - con người và di thảo, NXB TP. Hồ Chí Minh.
[9] Midan, P. (1934), ‘Bui-quong-Nghia. L’union merveilleuse de Kim et de Thach: manuscript en chu-nom précédé d’une introduction, transcription en Quoc Ngu, et traduction en français’, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoise9 (1-2):1-456.
[10] ME Osbourne (1969), The French presence in Cochinchina and Cambodia: Rule and response (1859-1905), Cornell University Press.
John DeFrancis
Nguồn VHNA: http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/14102-nguyen-truong-to-va-chu-nom