Xin đừng siết “vòng kim cô” lên đầu con trẻ

Thứ năm - 19/04/2018 21:32
Vấn đề thiết yếu của giáo dục hiện nay, thiết nghĩ không nằm ở những dự án thay sách, thử nghiệm mô hình giáo dục tốn hàng ngàn tỉ mà nhiệm kì bộ trưởng nào cũng đặt ra. Vấn đề chính là ở chỗ xây dựng một triết lí giáo dục đúng đắn, và con người (thầy – trò – nhà quản lí giáo dục) thực hiện triết lí đó.


Không hiểu sao, từ đầu năm tới giờ, giáo dục nước nhà liên tiếp nhận được những tin sốc.

Hết chuyện phụ huynh bắt cô giáo quì xin lỗi vì “tội” phạt trò vi phạm nội qui đến chuyện trò đâm thầy thủng bụng chỉ vì thầy “dám” nhắc nhở hình xăm trên người trò.

Rồi mới đây nhất, ngày 10-4, một nam sinh trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP HCM) nhảy lầu tự tử ngay tại trường vì áp lực học tập. Vụ việc khiến dư luận hết sức đau lòng, mặc dù đây không phải là trường hợp đầu tiên học sinh hành sự một cách dại dột như vậy.

Đã đến lúc giáo dục nước nhà phải “reset”, làm mới lại chính mình. Vấn đề thiết yếu của giáo dục hiện nay, thiết nghĩ không nằm ở những dự án thay sách, thử nghiệm mô hình giáo dục tốn hàng ngàn tỉ mà nhiệm kì bộ trưởng nào cũng đặt ra. Vấn đề chính là ở chỗ xây dựng một triết lí giáo dục đúng đắn, và con người (thầy – trò – nhà quản lí giáo dục) thực hiện triết lí đó.

Đó là những vấn đề lớn của ngành vốn được coi là “quốc sách” của nước nhà.

Xin trở lại chuyện liên quan đến vụ tuyệt mệnh của em học sinh xấu số.

Có lẽ chưa bao giờ con em chúng ta lại phải chịu áp lực học hành nặng nề như trong khoảng thời gian mươi mười lăm năm lại nay.

Áp lực đó đặt lên vai các cháu ngay từ khi bước qua cổng khuôn viên nhà trường, từ lớp Một cho đến bậc đại học.

Đầu tiên là áp lực thi cử, chạy trường, xuyên suốt 12 năm học phổ thông. Chạy vào trường tốp trên, trường chuẩn bằng các cuộc sát hạch đầu cấp: thi vào lớp Một, thi lên lớp Sáu, thi lên lớp 10, thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh đại học cao đẳng,…

Tiếp đến là áp lực điểm số, nó nặng nề, đè nén tâm trí học trò đến mức, con số 9  bây giờ dường như cũng trở nên vô nghĩa đối với nhiều bậc phụ huynh chỉ vì câu hỏi đầy ám ảnh: Tại sao không phải là điểm 10?

Rồi thì áp lực xếp loại, thi đua, khen thưởng. Phải là xuất sắc chứ giỏi bây giờ cũng  thường thôi bởi tổng kết cuối năm, lớp học nào cũng xem xém ba phần tư đạt loại giỏi. Lịch sử nền giáo dục mới 73 năm qua, có lẽ chưa giai đoạn nào học sinh học giỏi như bây giờ!

Và còn áp lực nặng nề này nữa - gánh nặng cuối cùng vượt quá sức của số đông học sinh - vào đại học để rạng danh gia đình, để không mang tiếng tốn cơm cha mẹ nuôi ăn học mười mấy năm trời.

Khi viết những dòng này, tâm trí tôi cứ văng vẳng lời của cậu bé xấu số gửi lại người thân trong lá thư tuyệt mệnh: "Con đã không đáp ứng kỳ vọng của gia đình..."

Sẽ còn bao nhiêu cô cậu bé nữa rơi vào trạng thái tâm thần bất ổn trước áp lực học hành như một nữ sinh ở Bình Dương ba năm trước từng thổ lộ, cũng trong một lá thư tuyệt mệnh của mình: “Con mệt lắm, con buông xuôi tất cả...”?

Các vị phụ huynh! Làm cha làm mẹ, chúng ta ai chẳng muốn con mình học giỏi, thành đạt. Đấy là ước mơ, mong muốn rất chính đáng. Cái sai của chúng ta là đã biến mong ước ấy thành nỗi ám ảnh thường trực trong đầu để rồi người phải trả giá là chính những đứa con yêu quí của mình.

Hãy hiểu lòng con trẻ, hãy tạo cho họ nghị lực và niềm tin bằng sự yêu thương, khích lệ, động viên chứ không phải bằng “vòng kim cô” để buộc con cái theo ý muốn chủ quan của người lớn.

Cũng xin nói thêm rằng, để xóa bỏ được cái “vòng kim cô” vô hình ấy, không chỉ riêng các bậc phụ huỳnh mà còn là trách nhiệm của ngành giáo dục, của cả xã hội.

Bỗng thấy nhớ cái thời học trò của thế hệ mình mấy mươi năm trước, chuyện học hành thi cử cứ nhẹ tênh như chuyện chăn trâu, cắt cỏ vậy; dù cũng phải lo thức khuya, dậy sớm để xào bài nhưng tịnh không hề có một thứ áp lực nào cả!

Nguyễn Duy Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay16,891
  • Tháng hiện tại385,350
  • Tổng lượt truy cập53,686,399
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây