Sàng lọc đảng viên: Quan trọng là… sàng ai, ai sàng?

Thứ sáu - 08/03/2019 19:19
Chỉ thị sàng lọc đảng viên là điều nhân dân mong đợi từ lâu. Vấn đề còn lại là “ai sàng” - người tổ chức thực hiện và “sàng ai” - đối tượng bị sàng lọc?
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng (Gọi tắt là Chỉ thị sàng lọc đảng viên).

Sau khi báo chí đồng loạt đăng tải, thông tin trên gây được sự chú ý và quan tâm sâu sắc của dư luận. Nhiều comment của độc giả tỏ ý hoan nghênh một chỉ thị rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay khi mà yêu cầu chấn chỉnh tổ chức Đảng cần kíp hơn bao giờ hết và mong muốn Đảng sẽ làm quyết liệt để “sàng lọc” khỏi hàng ngũ những đảng viên chất lượng kém, thoái hóa, biến chất, cơ hội, tham nhũng.

Nhân dân mong đợi từ lâu

Vấn đề chất lượng đảng viên đã được đặt ra từ lâu, ngay từ khi Đảng vừa mới ra đời. Bởi chất lượng đảng viên luôn luôn là yếu tố hàng đầu làm nên sức mạnh và quyết định sự tồn vong của Đảng.

Còn nhớ, khi làm cuộc Cách mạng tháng Tám, Đảng chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, năm 1960 có 500.000 đảng viên, kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước có khoảng 1,5 triệu đảng viên.

Đảng viên thời ấy xứng đáng “là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam” (Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam).

Bước sang thế kỉ 21, số lượng đảng viên tăng mạnh. Năm 2006 hơn 3.100.000 đảng viên; năm 2015 hơn 4.500.000 Đảng viên. Năm 2017 hơn 4,9 triệu đảng viên.

Đây cũng là giai đoạn có số lượng đảng viên bị “sàng lọc” nhiều nhất. Từ năm 2011 đến năm 2017, Đảng đã sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên 50.938 đảng viên, trong đó có 12.499 đảng viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.

Một trong những nguyên nhân khiến số lượng đảng viên tăng nhanh nhưng chất lượng chưa đảm bảo là do “công tác kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đảng viên thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu, có biểu hiện chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng. Việc kết nạp người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, người có động cơ không đúng đắn vào Đảng còn diễn ra nhiều nơi...”.[1]

Tại sao lại xảy ra tình trạng bất cập đó? Ngoài sự buông lỏng tiêu chuẩn người vào đảng trong việc xem xét kết nạp thì việc chạy theo số lượng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến số lượng đảng viên tăng nhưng chất lượng lại giảm.

Điều bất cập nói trên lại được các cấp ủy Đảng thể hiện trong nghị quyết, đó là đặt ra chỉ tiêu kết kết nạp Đảng, một biểu hiện của căn bệnh hành tích. Thế cho nên các cấp ủy mới tìm mọi cách “phấn đấu”, “rải thảm đỏ” mời quần chúng vào Đảng vì cái danh hiệu cao quí “cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”. Chất lượng đảng viên vì thế mà bị xem nhẹ.

Từ năm 1947, giữa lúc cuộc Kháng chiến chống Pháp đang diễn ra đầy cam go, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã chỉ ra những căn bệnh nguy hiểm trong cán bộ, đảng viên như kiêu ngạo, hống hách, hẹp hòi, tham nhũng,…

Năm 1969, nhân dịp kỉ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người nhấn mạnh, bên cạnh những đồng chí tốt, còn có một số ít cán bộ , đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém.

Người chỉ rõ: “Họ (những đảng viên đạo đức, phẩm chất thấp kém) mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết”; và liệt kê những khuyết điểm mà loại đảng viên này mắc phải:

- Ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa.

- Tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành.

- Tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền.

- Xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh.

- Không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

- Gây mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.[2]

Điều Bác nói đã 50 năm mà cứ ngỡ mới hôm qua.

Từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, bộ mặt đất nước cũng từng bước đổi thay. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, đất nước thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu. Nhưng cũng từ đó, trong Đảng bộc lộ ngày càng rõ những bất cập về chất lượng đảng viên.

Mặc dù số lượng đảng viên hiện nay gấp nhiều lần so với đảng viên thời chiến tranh giải phóng dân tộc, thời kinh tế xã hội đất nước gặp muôn vàn khó khăn nhưng không thể nói chất lượng tốt hơn. Bây giờ không phải là “một số ít” cán bộ, đảng viên có đạo đức, phẩm chất thấp kém như hồi Bác Hồ còn sống mà đã phình ra thành “bộ phận không nhỏ”, đe dọa sự tồn vong của đất nước đến nỗi nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã từng phải thốt lên:

"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này".[3]

Vâng, “không nhẽ cứ để hoài như vậy”, đấy là mong mỏi của nhân dân trước thực trạng thoái hóa biến chất của không ít cán bộ đảng viên, trước vấn nạn tham nhũng đang từng ngày, từng giờ gặm nhấm, tàn phá đất nước.

Trong bối cảnh đó, công cuộc “đốt lò tham nhũng” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khởi xướng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của dư luận nhân dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hơn 60 cán bộ do Trung ương quản lí bị xử lí kỉ luật vì những vi phạm rất nghiêm trọng, trong đó có những người từng là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên BCH Trung ương, Bộ trưởng, Bí thư, phó bí thư tỉnh thành.
Nhưng dù có nóng hừng hực, “lò tham nhũng” cũng không thể cháy mãi. Cần lắm một quyết sách đúng đắn để chặn từ gốc vấn nạn tham nhũng, loại bỏ ngay từ đầu những cán bộ đảng viên thấp kém về đạo đức, phẩm chất và năng lực công tác.

Chỉ thị sàng lọc đảng viên ra đời chính là điều mà nhân dân mong đợi từ lâu. Một bạn đọc trên Vietnamnet viết: “Tôi rất ủng hộ chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng… Thực trạng chất lượng của không ít đảng viên là thấp, kế cả cấp cao (trong nhiều vụ án lớn được xử lý vừa qua đã nói lên điều đó) - chính từ đó, không những đã làm mất uy tín của Đảng mà làm biến dạng tổ chức Đảng - Nguyên tắc tập trung dân chủ - vốn là sức mạnh của Đảng lại trở thành cái yếu và trở thành phương tiện che chắn cho "lợi ích nhóm", tiêu cực - Làm sức mạnh Đảng giảm sút là tất yếu. Nâng cao thực chất chất lượng đảng viên có ý nghĩa sống còn! lịch sử Đảng đã nói điều đó!”.[4]

Ai sàng? Sàng ai?

Có thể ví Chỉ thị sàng lọc đảng viên như cái sàng tức là công cụ để chỉnh đốn Đảng. Vấn đề còn lại là “ai sàng” - người tổ chức thực hiện và “sàng ai” - đối tượng bị sàng lọc? Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, nếu không đặt đúng tầm mức thì chuyện sàng lọc sẽ rơi vào tình trạng hò voi bắn súng sậy, và rất có thể đảng viên tốt, đảng viên đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng lại trở thành đối tượng bị “sàng” đầu tiên.

Những lo ngại nói trên không phải là không có cơ sở khi mà cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo luật bất thành văn “5 C – 4 ệ – 5 Đ” đang thịnh hành. (5 c: Con cháu các cụ cả, 4 ệ: Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ, 5 đ: Đố điều đi đâu được).

Sẽ sàng lọc ra sao nếu như nhiều đảng viên giữ chức vụ đảng và chính quyền ở cơ quan là vợ con, em út, họ hàng của các sếp và cấp trên?

Sẽ sàng lọc ra sao nếu tổ chức đảng và chính quyền nơi đó bị nhóm lợi ích chi phối?

Quả là khó lắm thay! Có độc giả đề xuất, cần lập “đội đặc nhiệm trung ương” thì may ra mới công phá được thành lũy của “nhóm lợi ích”, “gia đình trị” đang cố thủ ở không ít tổ chức Đảng hiện nay.

Đảng đã kiên quyết, nhân dân đồng thuận, khó mấy cũng làm được

Việc sàng lọc những đảng viên yếu kém, thoái hóa, biến chất không phải là việc làm bất khả thi nếu như Đảng kiên quyết và biết dựa vào dân.

Trong thực tế, rất nhiều cán bộ đảng viên “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng lại sở hữu tài sản khủng phô ra trước mắt bàn dân thiên hạ như biệt thự, nhà lầu, xe hơi đắt tiền, trang trại nghỉ dưỡng,…; vợ lo chưng diện, con cái thì đi du học trời Tây.

Đồng lương cán bộ công chức liệu có đủ để gia đình họ có được cuộc sống vật chất nhung lụa? Hay là nhờ thừa kế ông bà tổ tiên (hầu hết là bần cố nông như họ khai trong lí lịch), nhờ “đào đất thối móng tay”, “đi xe ôm thâu đêm” hay vất vả ngược xuôi “buôn chít”?

Và không ít những đảng viên sa vào rượu chè, cờ bạc; đảng viên cửa quyền, hách dịch; đảng viên lộng hành, coi thường dân,…

Dân biết hết, biết rất rõ những đảng viên như vậy, chỉ tổ chức đảng nơi họ sinh hoạt, công tác là “không nghe, không nhìn, không thấy” mà thôi.
 
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Câu nói ấy đã trở thành chân lý.

Trong chiến tranh giải phóng, chiến tranh vệ quốc, Đảng biết dựa vào dân, Đảng trong dân, dân chở che Đảng làm nên sức mạnh vô biên, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng, kiến tạo đất nước, Đảng cũng đã khơi gợi, kết hợp sức dân - tiềm lực vô cùng to lớn - để từng bước đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, phát triển kinh tế, ổn định xã hội với những thành tựu to lớn.

Bởi vậy chấn chỉnh tổ chức Đảng, sàng lọc đảng viên không phải chỉ là công việc nội bộ của Đảng.

Nhân dân nghìn tai nghìn mắt, độ lượng nhưng không bao giờ bao che cho cái xấu.

Nếu những cán bộ đảng viên được giao quyền và trách nhiệm thực thi, thực tâm “sàng” cho bằng được cùng với sự giúp sức của dân thì nhất định Chỉ thị sàng lọc đảng viên của Trung ương sẽ thành công.

23-2-2019
Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1, 2, 4]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ban-bi-thu-ra-chi-thi-sang-loc-dang-vien-509506.html
[3]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/mot-con-sau-da-nguy-hiem-huong-gi-mot-bay-19800.html


Bài đã đăng trên Vietnamnet ngày 3/3/2019 (báo có lược bớt một số đoạn): https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/sang-loc-dang-vien-quan-trong-la-sang-ai-ai-sang-510260.html

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm71
  • Hôm nay11,701
  • Tháng hiện tại380,160
  • Tổng lượt truy cập53,681,209
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây