Đây là bài báo đánh dấu quan trọng trong "sự nghiệp" viết báo của tôi: bài được đăng báo đầu tiên: Đắk Lắk nguyệt san, số 143, tháng 9-2011.
Vậy là đã tròn 10 năm tôi góp mặt trong làng báo.
10 năm “cày” bàn phím của một kẻ không “nhà”, với hàng trăm bài viết góp mặt trên hơn 30 báo, tạp chí, website trung ương và địa phương. Có thể kể ra đây một số tên tuổi: VietNamnet, Dân trí, Văn hóa Nghệ An, VTCNews, Giáo dục Việt Nam, Lao động, Đắk Lắk, Tuổi trẻ, Kiến thức (Tri thức & cuộc sống), Tiền phong, Đài PTTH Đắk Lắk, Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin, Viettimes, Văn chương phương Nam (Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh),...
Thấm thoắt mới đó mà NSND Y Moan đi xa đã trọn một năm rồi. Ngày này năm ngoái khi nghe tin dữ, tôi đã không giấu được nỗi xúc động của lòng mình:
Dẫu biết trước
Đời anh
Đang từng ngày ngắn lại,
Dẫu biết rằng
Thần chết
Chẳng ưu ái riêng ai
Thế mà sống mũi vẫn cay
Có chi nhói ở tim này, Moan ơi!
Với tôi, Y Moan là đứa con của núi rừng Tây Nguyên. Chất đại ngàn thấm đẫm trong con người anh, trong lời ca tiếng hát của anh để luôn luôn bừng cháy một ngọn lửa bất diệt cho đến những phút giây cuối của cuộc đời:
Anh sống trọn đời
Cho ca hát
Còn chút hơi tàn, sức kiệt
Bừng cháy trong đêm diễn
Tha thiết tình đời.
Tiếng hát anh lay động hồn người
Vang vọng giữa đất trời Tây Nguyên hùng vĩ
Y Moan là thế. Sống là để hát ca. Sống là để cháy hết mình cho sự sống. Để khi không còn trên thế gian này nữa, người đời vẫn còn nghe vọng mãi tiếng hát anh trong âm hưởng của đại ngàn bất diệt:
Nhớ anh – chàng ca sĩ
Cháy bỏng “Giấc mơ Chapi”
Để được “sống bên em trọn đời”
Và gọi mãi “Ơi M’Drak”
Cho “Xôn xao cao nguyên Dak Lak” một thời.
Trước ngày giỗ đầu của anh, tôi về buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) để thắp cho anh nén nhang. Nơi ngôi nhà giản dị ở cuối buôn tưởng như còn thấp thoáng đâu đây bóng dáng người ca sĩ thân yêu. Vợ con anh, họ hàng và bà con trong buôn đang tất bật chuẩn bị cho lễ giỗ đầu của anh.
Tiếp chuyện tôi, chị Ngẫu cho biết hôm trước bà con buôn làng đã làm lễ tưởng nhớ anh tại mộ phần ở nghĩa trang. Đến ngày giỗ những người thầy, người bạn nổi tiếng của anh như: ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng vào dự.
Nhân giỗ đầu của anh, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã cùng bạn bè đúc tượng bán thân anh, một bằng đồng và một bằng thạch cao. Không thể nói hết tình cảm của mọi người dành cho anh trong những ngày này.
Chia tay chị Ngẫu và các cháu, trên đoạn đường trở về nhà, tôi cứ nghĩ mãi về anh. Con người ta sinh ra không phải chỉ sống cho riêng mình. Y Moan là như thế. Anh đã hóa thân vĩnh hằng trong tâm tưởng của hàng triệu người hâm mộ, để làm nên một hình ảnh đẹp mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên thời hiện đại.
Chàng Y Moan
Con của núi rừng
Tiếng vọng của đại ngàn
Nghệ sĩ của nhân dân…