Vui buồn từ đề xuất miễn học phí THCS của Bộ trưởng

Thứ bảy - 09/07/2022 16:37
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 ngày 4/7, Bộ trưởng Giáo dục – đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh hệ Trung học cơ sở từ năm học 2022–2023.
 
Thông tin trên ngay lập tức nhận được sư quan tâm sâu sắc của dư luận dù không phải là mới mẻ gì.

Hải Phòng là địa phương đầu tiên miễn 100% học phí đối với bậc học từ mầm non đến THCS từ năm học 2020 - 2021, bậc THPT từ năm học 2021 - 2022.

Năm 2018, TP.HCM cũng đã từng đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS với cam kết ngân sách TP đủ sức cấp bù cho khoản học phí này. Tuy nhiên, đề xuất này không được phê duyệt vì vướng thủ tục và quy định hiện hành.

Ngược dòng thời gian, đã có lúc tuy đất nước còn nghèo nhưng học sinh từ lớp vỡ lòng đến lớp 10, thậm chí cả ở bậc đại học đều không phải đóng học phí. Thời tôi là sinh viên đại học còn được hưởng học bổng cùng chế độ tem phiếu lương thực, thực phẩm, vải vóc.

Giật mình khi biết chúng ta đang tụt hậu so với thế giới

Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên hiệp quốc (có hiệu lực từ ngày 3/1/1976) quy định giáo dục bắt buộc về nguyên tắc là giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người, và thời lượng giáo dục bắt buộc có thể khác nhau tuỳ theo điều kiện và chính sách của từng quốc gia.

Có lẽ vì thế mà PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Đề xuất này (của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn) là điều tất nhiên và đáng lẽ phải làm từ lâu rồi. Nhiều nước nghèo hơn cả Việt Nam chúng ta cũng miễn học phí đến lớp 9. Bây giờ chúng ta mới có đề xuất đến lớp 9 là hơi muộn”.[1]

Điều mà PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn nói không phải là không có cơ sở. Trang NationMaster - một trang chuyên cung cấp số liệu thống kê và so sánh giữa các nước - cho biết, trong 171 nước trên thế giới hiện có:

- 6 nước miễn học phí 13 năm
- 9 nước miễn học phí 12 năm
- 18 nước miễn học phí 11 năm
- 35 nước miễn học phí 10 năm
- 37 nước miễn học phí 9 năm
- 17 nước miễn học phí  8 năm
- 15 nước miễn học phí 7 năm
- 27 nước miễn học phí 6 năm
- 6 nước miễn học phí 5 năm
- 1 nước miễn học phí 4 năm

Việt Nam nằm ở nhóm 6 nước miễn học phí 5 năm (bậc tiểu học), xếp thứ 165/171, đồng hạng với 5 nước cùng nhóm vào loại lạc hậu nhất thế giới là Pakistan, Băngglades, Nepal, Myanrma, Ghine. Tuy thế, chúng ta vẫn còn được an ủi vì đứng trên nước chót bảng là Angola (4 năm).

Điều đáng nói là, ở Việt Nam, từ mấy chục năm nay, giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu.

Quốc sách đó đã từng được hiến định từ Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 – bản Hiến pháp đầu tiên của chế độ dân chủ nhân dân - trong đó có quy định (điều 15): "Nền sơ học cưỡng bách và không học phí...".

Miễn học phí THCS: mừng đó, lo đó

Trước thông tin về đề xuất miễn học phí cho học sinh bậc THCS của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo, nhiều phụ huynh tỏ ra vui mừng vì gánh nặng chi tiêu hàng tháng sắp được cắt giảm một khoản đáng kể, bởi học phí từng là nỗi lo cánh cánh mỗi khi bước vào năm học của không ít gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình, hoặc ở nơi khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Nhưng mừng đó mà cũng là lo đó. Lo vì sợ học phí được miễn sẽ khiến các loại phụ phí khác “tăng giá”, có khi còn cao hơn cả học phí như tiền mua sách giáo khoa, tiền mua dụng cụ thực hành, tiền học kỹ năng sống, tiền học tin học và tiếng Anh, tiền quỹ lớp, tiền vệ sinh, …

Những khoản phụ thu trong trường học vốn là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh bấy lâu nay. Một phụ huynh ở Phú Thọ, ông Trần Nhật bày tỏ mong muốn: "Các cơ quan cần giám sát chặt đừng để phụ huynh chúng tôi đã được miễn học phí nhưng vẫn phải "cõng" trên vai gánh nặng của các loại phụ phí như tiền quỹ lớp, quỹ ban phụ huynh, tiền ủng hộ xây dựng vật chất, tiền vệ sinh trường, tiền ủng hộ cô lao công, tiền sửa quạt, bảo dưỡng điều hòa…".[2]

Chỉ khi nào gánh nặng tiền trường (trong đó có học phí) không còn tạo áp lực nặng nề lên vai phụ huynh và tác động xấu đến tâm lý học sinh thì lúc đó giáo dục nước nhà mới có cơ hội khởi sắc, thực sự hội nhập theo xu thế phát triển của thế giới để đất nước mở mày mở mặt như mong ước của Hồ Chí Minh ngay từ buổi khai trường của nền giáo dục mới: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

7/7/2022
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1] https://danviet.vn/de-xuat-mien-hoc-phi-thcs-dang-le-phai-lam-tu-lau-roi-20220706123737349.htm
[2] https://suckhoedoisong.vn/sap-duoc-mien-hoc-phi-chua-kip-mung-phu-huynh-lai-lo-phai-cong-them-nhieu-phu-phi-169210717101531216.htm


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

2025
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
XUÂN ẤT TỴ 2025
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập139
  • Hôm nay38,911
  • Tháng hiện tại448,747
  • Tổng lượt truy cập64,050,672
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây