Bây giờ, ngồi ngẫm lại những lời có cánh, thề thốt của một số quan chức liên quan đến vụ Việt Á trước khi chưa bị lộ mới thấy khôi hài làm sao.
Có những vị đã từng nói rất hay, thậm chí là “lên lớp dạy đời” về đạo làm quan, đạo đức doanh nhân, về chống tham nhũng, suy thoái biến chất. Họ quả không hổ danh là những “đào kép” diễn rất tròn vai cán bộ tốt, đảng viên tốt trước khi… bị lộ.
Sau khi Việt Á bị khởi tố, dư luận sửng sốt, không muốn tin ở sự thật được “bật mí” từ một nghi can, đó lời khai của Phan Tôn Noel Thảo - Trợ lý tài chính Công ty Việt Á. Theo bị can Noel Thảo, “Công ty Việt Á đã chi tiền cho các đơn vị, như CDC Nghệ An, Hải Dương, nhiều đơn vị y tế, bệnh viện… Các đơn hàng mua bán kit test COVID, thiết bị y tế với số tiền rất nhiều, tùy vào lượng hàng, ít thì khoảng 500 triệu, nhiều thì cả trăm tỷ, trên phạm vi toàn quốc”. Bỗng nhớ câu ông cha xưa dạy: Nén bạc đâm toạc tờ giấy. Nhưng ngày nay, nén bạc đã thành chuyện cổ tích, muốn “đâm toạc tờ giấy” phải cả núi tiền cơ.
Những “kép” phụ…
Có lẽ ông giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định – đơn vị có tên trong lời khai nói trên – cũng không muốn tin điều mà Noel Thảo đã huỵch toẹt trước cơ quan công an, cho nên ông đã rất quả quyết khi được báo chí hỏi đến, rằng: “Tôi khẳng định chưa bao giờ nhận khoản tiền nào từ Việt Á cả. Phía CDC đang rà soát lại nội bộ xem có chỗ nào có vấn đề không để điều tra”.[1]
Và dư luận không phải chờ đợi lâu để ông Định “rà soát lại nội bộ”, minh chứng cho sự “trong sạch” của mình. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi bị cơ quan công an triệu tập, ông giám đốc CDC tỉnh Nghệ An đã phải tự thú “trước bình minh”, để rồi vài ngày sau, ông cùng kế toán trưởng và nhiều thuộc hạ khác bị khởi tố.
Cuối tháng 12/2021, trước khi bị bắt giam, giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột với báo chí: “Tôi không nhận một đồng nào từ Việt Á hay Phan Anh (đơn vị được CDC Bắc Giang lựa chọn cung cấp trọn gói, trong đó có 20.000 kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất)”. Có lẽ ông Tuấn nói đúng. Cỡ như ông, ai mà thèm mấy đồng, phải tiền tỉ cơ! Việt Á chịu chơi lắm.
Nhưng người diễn hay nhất trong dàn “kép” CDC lại là ông Hoàng Văn Đức, giám đốc CDC Thừa Thiên – Huế.
Đây là một trích đoạn cảnh “diễn” của ông Đức trước ống kính phóng viên: "Riêng tôi thì còn phải tốn tiền hơn nữa ấy vì nhiều khi nhân viên họ hay xin thuốc tôi hút (cười). Đời tôi biết những thứ đó nhạy cảm, xác định ngay từ khi dịch bệnh xảy ra rồi nên mình chẳng bao giờ nghĩ đến "hoa hồng". Cơ quan công an làm việc mà các ông ở Việt Á khai dù chỉ mua một ly cà phê cho tôi thì tôi đi tù cũng xứng đáng".[2] Người trung thực, rộng lượng như ông Đức, ai mà dám vu oan nhận tiền tỷ “hoa hồng” của Việt Á cơ chứ?
Không chỉ nghiêm khắc với bản thân, ông còn răn dạy cấp dưới: “Đối với tôi cứ theo quy trình thủ tục, nếu đúng quy định thì làm không thôi. Tôi cũng nói nhân viên của mình không được quan tâm những thứ đó, đặc biệt nghiêm cấm, nếu phát hiện ra tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Ông Đức tự nhận, “một ly cà phê cho tôi thì tôi đi tù cũng xứng đáng”. Chẳng hay, những ngày này trong phòng tạm giam, ông có giải được bài toán lũy thừa về ly cà phê mà ông đặt ra không nhỉ?
… và “kép” chính
Nhưng giám đốc CDC các địa phương dù diễn giỏi như ông Hoàng Văn Đức cũng chỉ là “kép” phụ. Họ bị cuốn theo cơn bão ngầm Việt Á bởi lòng tham mà bất chấp liêm sỉ.
“Kép” chính của vở diễn Việt Á đầu tiên phải kể đến Phan Quốc Việt, tổng giám đốc công ty này.
Tại cuộc họp báo ngày 5/3/2020 do Bộ KHCN tổ chức, công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) Real-time RT-PCR đầu tiên "made in VietNam", ông Việt phát biểu rằng, ông không "cổ súy" cho việc một số doanh nghiệp lợi dụng tinh thần "người Việt dùng hàng Việt" để đẩy giá sản phẩm lên cao. "Tôi không thích câu "người Việt dùng hàng Việt" bởi lâu nay một số doanh nghiệp Việt vẫn lợi dụng nó để nâng giá sản phẩm. Tại sao chúng ta không quan niệm người Việt dùng hàng tốt, giá tốt. Hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có lợi thế so với hàng nhập khẩu, ít nhất về chi phí vận chuyển. Anh sản xuất trong nước trước hết phải phục vụ người dân trong nước, tại sao lại tăng giá tới mức cắt cổ? Chất xám cần để phục vụ cộng đồng".[3]
“Người hâm mộ” cả nước bị “”đốn tim” trước lời tâm huyết của “kép” Việt, “Chất xám cần để phục vụ cộng đồng”. Doanh nghiệp phải phục vụ cho chính người dân của mình, “tại sao lại tăng giá tới mức cắt cổ?”. Một doanh nhân có tâm với dân nước như ông Việt giữa lúc nguy cơ đại dịch Covid-19 bùng phát, thử hỏi được mấy người?
Tuy diễn sâu như thế nhưng ông Việt vẫn phải nhường ngôi cho một “kép” chính khác, ấy là ông Hồ Anh Sơn, người mãi đến gần đây, lớp phấn son trên mặt ông mới bị tuột trôi. Chỉ vài ngày sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật, thượng tá, PGS.TS, phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, chủ nhiệm đề tài khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 Hồ Anh Sơn đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Bây giờ xem lại những diễn biến cách đây 2 năm liên quan đến vụ Việt Á, đến “công trình khoa học” sánh vai với thế giới của PGS.TS Hồ Anh Sơn, dư luận không khỏi giật mình sửng sốt.
Ở thời điểm đó, rất nhiều bài báo, thậm chí có bài đoạt giải nhất Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, đã không ngớt lời ca ngợi sự thành công ngoài tưởng tượng của nhóm nghiên cứu đề tài kit test mà người chủ nhiệm tài hoa là PGS.TS, thượng tá Hồ Anh Sơn. Một sự ngợi ca vô tư, khách quan giữa lúc mối nguy của đại dịch đang rập rình khiến cả xã hội hoảng hốt, lo sợ?
“Anh em trong nhóm sinh hoạt tại chỗ. Chúng tôi có những hộp cơm ‘huyền thoại’ mang đi hàng ngày từ nhà hoặc đặt hàng từ bên ngoài. Có ngày, 20-21h chúng tôi 'nhốt mình' trong viện và thường nói vui với nhau vì yêu cô Vy quá nên phải ăn ngủ cùng cô Vy", ông Sơn nói.[4]
Ông Sơn còn bộc bạch: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, tôi thường tâm sự với anh em trong viện như vậy và tự nhủ, “thất phu” còn thấy trách nhiệm trước công việc của quốc gia, trí thức càng phải thấy trách nhiệm to lớn của mình, mà trí thức trong quân đội thì còn phải thấy trách nhiệm lớn hơn nữa”.[5]
Người công dân, người trí thức quân đội tâm huyết, trách nhiệm với đất nước như thế, không thể không ngợi ca. Nhưng vị PGS.TS, thượng tá quân y lại đặc biệt tỏ ra “e ngại”. Ông tâm sự: “Ngại nhất là những bài khen, chê cẩu thả, nhất là khen không đúng thì chính người được khen thấy ngượng”.
Thế cho nên khi hay tin vụ Việt Á bị cơ quan chức năng phanh phui, ông Hồ Anh Sơn khẳng định, sai phạm của công ty này không liên quan đến quy trình nghiên cứu kít. Ông mong muốn cơ quan điều tra làm rõ sai phạm, đúng người, đúng việc, tránh để dư luận hiểu sai, ảnh hưởng đến uy tín của các nhà khoa học.
Mong muốn của ông Sơn có lẽ cũng là mong muốn của dư luận. Phải “làm rõ sai phạm, đúng người, đúng việc” để những nhà khoa học chân chính trong nhóm nghiên cứu không bị hàm oan; để một tập thể lừng danh trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo y học không bị sứt mẻ niềm tin của người dân cả nước. Nhưng, buồn thay, chính ông Sơn lại là người tự đánh mất uy tín, phẩm giá của một nhà khoa học, làm hoen ố thanh danh của cơ quan mình. Chẳng hay, những ngày này trong phòng tạm giam, ông Sơn có cảm thấy “ngượng” với chính mình hay không.
Vì sao dư luận lại từng tin như thế?
Với một đề tài tầm cỡ quốc gia mà lại thành công rực rỡ chỉ sau một tháng triển khai, dù cho nhóm nghiên cứu miệt mài làm việc không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm, dù họ phải ăn những “cơm hộp huyền thoại” và tự “nhốt mình" trong phòng thí nghiệm thì quả thực, bây giờ nhìn lại thấy thật khó tin.
Vấn đề là, tại sao lúc đó truyền thông không ngớt lời ca ngợi? Thật khó hiểu. Không một ai nêu yêu cầu, chí ít thì cũng đòi được mục sở thị cái nhà máy với dây chuyền hiện đại có năng lực sản xuất 10.000 bộ kit/ngày của Việt Á nó đầu cua tai nheo ra sao. Nếu lúc đó truyền thông làm được việc này, thì có lẽ… Nhưng ở đời làm gì có “nếu”.
Sự thật là dư luận đã rất tin công trình khoa học tầm cỡ thế giới này của Học viện Quân y bởi nó được gắn mác Bộ Khoa học và Công nghệ, được đóng dấu “ISO 900…” của Bộ Y tế. Càng tin hơn nữa khi nó được sản sinh từ một thương hiệu nổi tiếng mà chỉ mới nghe danh thôi, người ta đã phải ngả mũ bái phục: Học viện Quân y.
Những bình phong nói trên được dựng lên thật đúng lúc: đại dịch Covd-19 đang bắt đầu tác oai, tác quái, đe dọa sự an nguy của đời sống kinh tế xã hội đất nước và tính mạng của người dân. Tài của người “đạo diễn” là ở chỗ, đã lựa trúng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nhờ thế mà một doanh nghiệp vô danh như Việt Á mới phút chốc trở thành “anh hùng cái thế” cứu dân, giúp nước qua cơn đại dịch khủng khiếp.
Nhưng chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến. Cái kim trong bọc khó mà che giấu được mãi, huống chi, họ - những “đào kép” trong vụ Việt Á – lại dám chà đạp lên sự thật, bán rẻ lương tâm, lừa bịp Đảng, Nhà nước và Nhân dân.