Vì sao dịch bệnh “cứ lai rai miết” ?
admin100
2021-09-20T21:53:25-04:00
2021-09-20T21:53:25-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/vi-sao-dich-benh-cu-lai-rai-miet-10940.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/bao/corona.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ hai - 20/09/2021 21:50
Vấn đề này được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác đặc biệt với tỉnh Đồng Tháp chiều 17-9.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã chỉ ra hai lý do rất cụ thể. Một là "15 đám ma, trong đó có đám ma của người mất được đưa từ TP.HCM về, đã làm lây lan hơn 200 ca dương tính." Hai là “Có những khu cách ly không đủ thoáng khí, như ở huyện Châu Thành. Khu cách ly này hơn 44 người thì hai tuần mắc hết, do cách ly trong một khu nhà sinh hoạt văn hóa không có đủ cửa sổ, bị bít kín… ".
Và ông bí thư tỉnh uỷ kết luận: "Đó là vì sao Đồng Tháp cứ "lai rai, lầy nhầy" không kết thúc được".
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cũng thừa nhận: "Có lẽ do giãn cách quá rộng, chưa hiệu quả, ngoài chặt trong lỏng. Nhà dân san sát nhau, thiếu chai nước tương, chai dầu ăn lại qua xin nhau nên không chặn lây lan được triệt để. Đó là thất bại trong giãn cách".
Tưởng thế là đã rõ nguyên nhân khiến dịch bệnh cứ "lai rai, lầy nhầy" không kết thúc được". Nhưng không, đó mới chỉ là hiện tượng nhìn thấy được bằng con số cụ thể. Có những cái ẩn khuất nếu không mạnh dạn bạch hóa, nhìn thẳng vào sự thật thì dịch sẽ còn “lai rai miết”.
Từ hai lý do được ông bí thư nêu trên sẽ thấy các vấn đề ẩn đằng sau nó cần được làm sáng tỏ: Một là, tại sao 15 đám ma trong đó có người mất đưa từ TP. HCM về, vẫn diễn ra giữa lúc dịch đang diễn biến căng thẳng? Phải chăng, chính quyền cơ sở đã buông lỏng, vô trách nhiệm hoặc là làm ngơ để sự việc diễn ra như không hề có đại dịch Covid-19? Hai là, tại sao lại đưa người vào khu cách ly không đủ điều kiện như ở huyện Châu Thành để rồi lây nhiễm chéo thành ổ dịch nguy hiểm? Đây có phải lại là một sự tắc trách, làm cho xong việc để đối phó với trên hay chỉ đơn thuần là kém hiểu biết về khoa học?
Dù với lý do gì thì cũng không thể lảng tránh một thực tế, đó là sự yếu kém của hệ thống chính quyền và pháp luật không nghiêm ở những nơi này.
Ông Bí thư tỉnh cũng đã thừa nhận: “Nếu mình làm siết với nhau thật mạnh thì không như vậy”.
Dù “năng lực y tế Đồng Tháp không thua ai trong Đồng bằng sông Cửu Long" như ông Phong đã khẳng định nhưng cứ cách ly theo kiểu lùa hết những người nhiễm bệnh và chưa nhiễm bệnh vào một phòng kín để rồi tất cả đều nhiễm bệnh thì năng lực y tế đó có bằng giời cũng sẽ bó tay.
Phải chăng những người có trách nhiệm để 15 đám tang biến thành ổ dịch, biến 1 khu cách ly lây nhiễm chéo 100% đang đùa với tính mạng người dân?
Pháp luật trong thời gian qua đã hành xử rất nghiêm đối với những cá nhân gây phát tán dịch bệnh dù chỉ là khai báo y tế không trung thực. Rất nhiều trường hợp đã bị khỏi tố, phạt tù. Chả nhẽ những người có trách nhiệm ở các địa phương vì vô trách nhiệm buông lỏng quản lý, khiến dịch bùng phát, lây lan lại vô can?
Dịch bệnh cũng đã làm lộ sáng nhiều vấn đề bất cập, trong đó có sự yếu kém của một bộ phận cán bộ chủ chốt ở các cấp, ngành trong việc tổ chức, quản lý, điều hành công tác phòng chống dịch. Sự lúng túng, hời hợt lộ rõ nhất trong cuộc “trả bài” trực tuyến của lãnh đạo các cấp ở hai tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang trước Thủ tướng ngày 13-9 vừa qua.
Những hình ảnh đó khiến người dân không mấy hài lòng, nó trái ngược với cách hành sự của hai nữ lãnh đạo cấp quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh.
Đó là Bí thư Quận 6 Lê Thị Hờ Rin (44 tuổi) “xé rào” để cứu dân. Khi thấy dịch lan nhanh, không chờ hướng dẫn của bộ Y tế và sở Y tế TP, Hờ Rin chủ động phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà ngay lập tức (phải đến giữa tháng 8, hai loại thuốc này mới được Sở Y tế chính thức hướng dẫn F0 sử dụng để điều trị tại nhà).[1]
Còn Chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền (42 tuổi) thì “xé rào” bằng phương pháp "không coi F0 là người bệnh", đưa thuốc Đông y vào sử dụng từ rất sớm nên đã giúp điều trị khỏi nhanh nhiều ca bệnh, và đặc biệt là không có trường hợp tử vong.[2]
Cả hai nữ lãnh đạo đều chung một tâm niệm: “khi thấy việc hiệu quả cứu dân mà không dám làm thì mang tội với dân”.
Để có thể sống chung với Covid -19, chúng ta cần những cán bộ dám nghĩ, dám làm như Hờ Rin, Thanh Hiền chứ không phải là những ai chỉ giỏi múa mép, khua môi, vô cảm, vô trách nhiệm với dân, và cứ lơ ma lơ mơ trong vai trò chỉ huy của mình nhưng lại rất giỏi khư khư giữ ghế, không dám thừa nhận sự yếu kém của bản thân để rồi tự giác đứng sang một bên trong cuộc chiến chống đại dịch khốc liệt này.
19-9-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1] https://soha.vn/chuyen-xe-rao-cua-bi-thu-quan-6-le-thi-ho-rin-minh-chan-chu-thi-dau-kip-20210915092445146.htm
[2] https://zingnews.vn/loi-hua-thang-8-va-nhung-quyet-dinh-xe-rao-cua-chu-tich-huyen-cu-chi-post1262987.html