Vấn nạn dối trá trong giáo dục: Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật!
admin100
2021-10-17T03:49:22-04:00
2021-10-17T03:49:22-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/van-nan-doi-tra-trong-giao-duc-hay-dung-cam-nhin-thang-vao-su-that-11017.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2021_10/image-20211011195131-1.jpeg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ bảy - 16/10/2021 16:29
Uy tín phải được xây dựng bằng năng lực và phẩm giá của mình thông qua chỉ số niềm tin của thầy cô giáo đối với lãnh đạo trường, ngành và niềm tin của xã hội vào sự trong sạch, minh bạch của môi trường giáo dục.
Chuyện xin thôi việc của thầy Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học An Lợi, Long Thành, Đồng Nai đang khiến dư luận quan tâm sâu sắc trong những ngày qua. Quan tâm không phải vì việc thầy xin thôi việc mà là cái lý do xin thôi của thầy.
Trong đơn thầy Sơn viết: "Nay tôi làm đơn này đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết cho tôi thôi việc từ ngày 1-11-2021 theo chế độ thôi việc hiện hành. Lý do, công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ".
Tôi không bàn chuyện chữ nghĩa trong cách dùng từ của thầy Sơn (từ “tởm” thầy dùng trong đơn quả thực khó chấp nhận). Tôi quan tâm đến cái mà thầy gọi là “vấn nạn dối trá” và thái độ của thầy đối với vấn nạn này.
Thầy Sơn đã có thâm niên hơn 24 năm trong nghề. Thời gian đó đủ để một người cương trực, thẳng thắn như thầy chiêm nghiệm sâu sắc chuyện đời, chuyện ngành chứ không phải là bột phát nhất thời.
Tôi nghĩ, chắc là trước khi đặt bút viết lá đơn quyết định số phận giáo chức của mình, thầy đã phải trăn trở, dằn vặt, suy tư nhiều lắm, nhất là với cụm từ đánh giá thẳng thắn, trực diện về một sự thật đang tồn tại trong môi trường giáo dục: “vấn nạn dối trá”. Lần đầu tiên có người thầy đã dũng cảm gọi đích danh vấn nạn này trong một văn bản hành chính nghiêm túc. Như thế đủ thấy - chí ít thì cũng trong phạm vi môi trường mà thầy đang công tác - dối trá đã đến mức báo động đỏ, không thể đừng bởi nếu cứ im lặng mãi là có tội với giáo dục, với các thế hệ học trò.
Dối trá đang bào mòn những giá trị tốt đẹp của giáo dục
Ở ngôi trường mà thầy đang công tác vốn đã xảy ra quá nhiều vụ việc tiêu cực về tài chính, về thi đua, về thực hiện chuyên môn. Thầy là người phát hiện, làm đơn tố cáo những sai phạm của lãnh đạo trường lên Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành, nhưng không được giải quyết đến nơi đến chốn. Người sai phạm vẫn yên vị trên chiếc ghế quyền lực của mình. Trong bối cảnh như vậy, người bị đè nén, chịu nhiều áp lực chính là thầy Sơn. Sự thẳng thắn, cương trực của thầy không chiến thắng nổi sự dối trá, nguồn cơn của những tiêu cực trong nhà trường. Đó là điều khiến thầy cũng như dư luận ủng hộ thầy cảm thấy buồn nhất.
Trong môi trường giáo dục mà dối trá ngự trị, còn trung thực, thẳng thắn bị lép vế, thậm chí là bị cô lập thì thử hỏi còn gì buồn đau hơn? Không chấp nhận kéo dài thêm nỗi buồn đau đó, thầy Sơn đã phản ứng (có thể là tiêu cực?) bằng cách xin thôi việc. Có người cho rằng, cách ứng xử của thầy là “giận quá mất khôn”. Tôi thì tôi không nghĩ thế. Tục ngữ có câu, con giun xéo lắm cũng quằn. Thầy Sơn lại là người có lòng tự trọng. Vả lại, ở ngôi trường đó, thầy Sơn dù sống và làm việc cùng các đồng nghiệp nhưng vẫn cô đơn. Cái cô đơn của sự trung thực trước dối trá, trước vô cảm. Bằng chứng là, theo hiệu trưởng, trong cuộc họp trao đổi qua điện thoại, các ban ngành đều đồng thuận cho thầy Sơn thôi việc. Có thể ở trường An Lợi, thầy Sơn còn có những đồng nghiệp biết chia sẻ, cảm thông nhưng chỉ là chia sẻ cảm thông trong im lặng vì họ sợ - nỗi sợ vô hình cứ lơ lửng trên đầu người giáo viên thấp cổ bé họng. Ai ở trong nghề thì biết rõ điều này.
Tôi không công tác ở bậc giáo dục phổ thông, nhưng qua phản ánh của giáo viên, họ vốn là những học trò cũ của tôi, thì được biết, “vấn nạn dối trá” trong môi trường giáo dục khiến thầy Sơn “tởm” là có thật.
Đó là những “thủ thuật” làm đẹp hồ sơ, báo cáo, nhằm đảm bảo các chỉ tiêu, danh hiệu thi đua liên quan đến tập thể ngành, trường, lớp, cá nhân giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đã từ lâu, trường học hầu như không có học sinh lưu ban, học sinh ngồi nhầm lớp đã thành… chuyện thường ngày ở huyện. Còn số lượng học sinh giỏi, xuất sắc thì luôn luôn chiếm tỷ lệ áp đảo.
Đó là những tiêu cực trong thi cử, kiểm tra, là bệnh thành tích đang bào mòn những giá trị tốt đẹp của nền giáo dục cách mạng. Tình hình nghiêm trọng đến mức, 15 năm trước, khi vừa mới nhậm chức Bộ trưởng, ông Nguyễn Thiện Nhân đã phải dấy lên cuộc vận động trong toàn ngành "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".
Có thể nhắc lại đây một loạt vụ gian lận thi cử từng gây chấn động cả nước: Trường THPT Phú Xuyên A, Hà Nội mùa thi 2006; Trung tâm GDTX huyện Lương Tài, Bắc Ninh mùa thi 2007; Trường THPT dân lập Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang mùa thi 2012; Trường THPT Quang Trung Hà Đông, Hà Nội mùa thi 2013,…
GS Ngô Bảo Châu đã không ngần ngại khi nói việc thí sinh quay clip giám thị ném phao thi tại Trường THPT Đồi Ngô là sự tha hóa của hệ thống giáo dục; là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người.[1]
Dường như càng hô hào "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" thì tiêu cực, bệnh thành tích càng thêm trầm trọng, điển hình là mùa thi THPT quốc gia năm 2018, một loạt vụ gian lận điểm thi bị lôi ra ánh sáng tại các địa phương như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La khiến dư luận cả nước bàng hoàng; hay là vụ mua bán bằng giả ở Đại học Đông Đô mà đối tượng đều là những người “uy tín”.
Gần đây, lại thêm một loạt vụ khởi tố, bắt tạm giam người đứng đầu hoặc đã từng đứng đầu ngành giáo dục địa phương ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên vì vi phạm quy chế đấu thầu thiết bị dạy học, nói thẳng ra là tham nhũng, tiêu cực.
Đừng nghĩ, đấy là những chuyện cá biệt, con sâu làm rầu nồi canh. Nghĩ như thế là chúng ta đang vô tình hay hữu ý lấp liếm, bao che cho dối trá, tiêu cực không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục.
Nhưng đấu tranh thì… tránh đâu?
Thầy Lê Trần Ngọc Sơn từng chia sẻ: "Ban giám hiệu vu khống và tố cáo tôi đến công an, nhưng sau đó tôi đưa ra được các bằng chứng. Còn khi tôi kèm bằng chứng tố cáo về việc làm giả biên bản tiêu chí thi đua, trù dập giáo viên thì không được huyện xử lý đến nơi đến chốn, lại còn quay sang hù dọa tôi”. [2]
Mười mấy năm trước, “người đương thời” - thầy giáo Đỗ Việt Khoa - sau khi tố cáo vụ tiêu cực thi cử tại Trường THPT Phú Xuyên A, Hà Nội, đã bị hiệu trưởng cho đến lãnh đạo sở giáo dục trù dập, hành cho lên bờ xuống ruộng. 4 năm sau thầy phải xin thôi việc khiến gia đình lâm cảnh túng quẫn.
Không ít những trường hợp thầy cô giáo trung thực, thẳng thắn dám lên tiếng tố cáo sai phạm của hiệu trưởng và những tiêu cực trong nhà trường bị đe dọa, trù dập bằng mọi hình thức như cắt danh hiệu thi đua, chuyển làm tạp vụ, điều đi nơi khác, ép ra khỏi ngành,…[3]
Ở đâu mà trung thực bị cô lập, trù dập thì ở đó dối trá ngự trị. Thử hỏi, chúng ta sẽ giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ như thế nào trong một môi trường nhờ nhờ xám xám như thế?
Dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để giáo dục phát triển
Xin đừng làm việc theo kiểu của Trưởng phòng GD&ĐT huyện Long Thành rằng, sẽ chỉ đạo cho rút lại ngay đơn xin nghỉ việc của giáo viên Lê Trần Ngọc Sơn.[4] Điều đó càng chứng tỏ, vị lãnh đạo này không dám đối mặt với sự thật vì sợ mất uy tín của ngành hay của chính mình. Xin thưa với thầy Trưởng phòng, uy tín phải được xây dựng bằng năng lực và phẩm giá của mình thông qua chỉ số niềm tin của thầy cô giáo đối với lãnh đạo trường, ngành và niềm tin của xã hội vào sự trong sạch, minh bạch của môi trường giáo dục. Ở đó, cái tốt, cái đẹp phải được tôn vinh; cái xấu, cái ác, sự giả dối phải bị nghiêm trị.
Về vụ xin thôi việc của thầy Sơn, có người cho rằng “không thể để một trường hợp cụ thể mà ảnh hưởng tới danh dự của hàng trăm ngàn nhà giáo, của cả ngành giáo dục”. Đó là một sự lo xa không có cơ sở. Ai làm người đó chịu. Thầy Sơn cũng phải chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình về vấn nạn dối trá trong môi trường giáo dục mà thầy đã ghi rõ trong đơn.
Đừng tạo bình phong để không dám nhìn thẳng vào sự thật. Nỗi sợ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đang khiến cho giáo dục nói riêng và xã hội nói chung rơi vào thế thỏa hiệp, bao che, dung túng cho cái xấu, cái ác.
Cần phải dũng cảm dẹp trừ nạn giả dối, đó là tiền đề để xã hội sớm vươn đến "học thật, thi thật, nhân tài thật" như mong muốn cũng là yêu cầu, mệnh lệnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
14-10-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/gian-lan-thi-cu-o-doi-ngo-chua-tung-co-trong-lich-su-loai-nguoi-post35280.html
[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/thay-giao-viet-don-xin-nghi-vi-moi-truong-phi-giao-duc-tom-nhat-la-van-nan-doi-tra-noi-gi-782035.html
[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tai-sao-cu-thay-co-nao-chong-tieu-cuc-la-bi-co-lap-tru-dap-danh-hoi-dong-post195058.gd?
[4] https://soha.vn/thay-giao-xin-thoi-viec-vi-moi-truong-doi-tra-chi-dao-rut-lai-don-xin-nghi-viec-20211012151714318.htm
Đăng Viettimes (báo sửa tít): https://viettimes.vn/de-som-co-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-hay-nhanh-chong-dep-nan-doi-tra-trong-giao-duc-post151321.html