Thu phí ô tô vào trung tâm thành phố lúc này liệu có khả thi?
admin100
2021-11-06T22:26:00-04:00
2021-11-06T22:26:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/thu-phi-o-to-vao-trung-tam-thanh-pho-luc-nay-lieu-co-kha-thi-11065.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/cuocsong/thu-phi-o-to.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ bảy - 06/11/2021 22:26
Để thực hiện các đề án nói trên, Hà Nội cần đầu tư 2.646 tỉ đồng cho 87 trạm thu phí đặt tại 68 vị trí (từ vành đai 3 vào trung tâm), TP.HCM cần 2.274 tỉ đồng.
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm thành phố.
Theo đó, khung phí tạm tính tại Hà Nội từ 50.000 – 100.000 đồng/lượt, tại TP. Hồ Chí Minh từ 40.000 đến 70.000 đồng/lượt. Mục đích của việc thu phí được cho là nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, giảm quá tải.
Phí vào trung tâm thành phố là phí gì?
Khoản 1, Điều 3, Luật phí và lệ phí 2015 quy định: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này”.
Đối chiếu với nội dung trên thì thấy, việc thu phí vào trung tâm Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đều không nhằm “bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công”. Các loại dịch vụ khác nếu có liên quan thì đã tính vào thuế và các nguồn thu khác như phí sử dụng đường bộ, thuế bảo vệ môi trường tính trong giá xăng dầu.
Trong Luật phí và lệ phí cũng như các văn bản pháp quy khác, danh mục các loại phí được liệt kê nói chung cũng như mục “Phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải” không hề có tên “phí vào trung tâm” hay “phí vào nội đô, nội thành”.
Điều 16 Luật phí và lệ phí quy định, nghiêm cấm a) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; b) Thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.
Tính khả thi của việc thu phí vào trung tâm thành phố
Mục đích của việc thu phí theo lý giải của cơ quan đề xuất (sở GTVT) là nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm, giảm quá tải. Cách giải thích như thế hoàn toàn mang tính chủ quan khiến cho đề án thu phí vào trung tâm thiếu sức thuyết phục, chưa nói đến việc trái với cơ sở pháp lý nói trên.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, để thu phí phương tiện, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường khu vực nội đô, tiền đề quan trọng nhất là vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.[1]
Hiện tại, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Thị phần xe buýt chỉ chiếm khoảng 10%, chưa có tàu điện, metro nên người dân không có phương thức lựa chọn nào khác ngoài đi xe cá nhân. Trong thự tế, ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm hay quá tải, lỗi không chỉ riêng xe ô tô.
Cả hai thành phố hiện vẫn còn nhiều bệnh viện lớn, cơ quan công sở, trường học,… đặt bên trong nội đô thì dù có thu phí đến mấy, khi có việc cần người dân vẫn phải vào ra. Thực tế đó cho thấy, việc thu phí sẽ khó có tác động tới việc giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Suốt mấy tháng qua, tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, phức tạp, khiến sản xuất đình trệ, đời sống khó khăn. Việc thu phí nếu triển khai chắc chắn sẽ gây áp lực lớn, làm tăng chi phí vận hành của doanh nghiệp và người dân.
Ám ảnh dự án?
Để thực hiện các đề án nói trên, Hà Nội cần đầu tư 2.646 tỉ đồng cho 87 trạm thu phí đặt tại 68 vị trí (từ vành đai 3 vào trung tâm), TP.HCM cần 2.274 tỉ đồng. Một khoản tiền không nhỏ giữa lúc tình hình ngân sách đang khó khăn vì đại dịch. Đấy là chưa kể chi phí vận hành, bảo dưỡng, trả lương cho hàng trăm nhân sự,…
Theo giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trạm thu phí không dựng barie hay rào chắn, không có làn luồng như trạm BOT, nó sẽ tương tự như các giá long môn biển báo giao thông trên các tuyến đường, gắn camera nhận diện, quét biển số xe để thu tiền.[2] Nhưng theo đề xuất, mỗi cái “giá long môn biển báo giao thông” ấy có giá lên tới 30 tỉ đồng.
Ở góc độ mỹ quan đô thị, gương mặt thành phố sẽ như thế nào nếu bao quanh khu trung tâm, dày đặc những trạm thu phí? Và bộ máy hành chính lại phải cõng thêm rất nhiều biên chế để quản lý, vận hành hàng trăm điểm “thu vé vào cửa” này? Liệu nó có đáp ứng được cái gọi là “điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông” và “không làm tăng chi phí xã hội” như cách giải thích của ông giám đốc Sở GTVT Hà Nội?
Và điều đáng quan tâm hơn mà chúng tôi cũng đã nhắc đến ở trên, rằng trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay, người dân cũng như doanh nghiệp đã khốn khổ lắm rồi, hãy nghĩ đến việc ưu tiên số 1 trước mắt là khoan sức dân để từng bước phục hồi sản xuất, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
2-11-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tien-de-thu-phi-o-to-vao-noi-do-la-giao-thong-cong-cong-thuan-tien-788725.html
[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/giam-doc-so-gtvt-ha-noi-thu-phi-o-to-vao-khu-trung-tam-la-can-thiet-788283.html