Thần cậy cây đa…
admin100
2022-04-23T03:04:38-04:00
2022-04-23T03:04:38-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/than-cay-cay-da-11381.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2017_03/qua-sep.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 22/04/2022 19:29
Nhiều tỷ phú phất lên nhanh chóng nhờ các dự án liên quan đến đất đai chứ không phải bằng những sản phẩm trí tuệ tôn vinh giá trị thương hiệu quốc gia như các nước phát triển trong khu vực hay thế giới đã và đang làm.
Nhân vật Trần Như Tuất – Thượng tá công an, phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhưng lại biến chất và thỏa hiệp cùng tội phạm – trong phim Bão ngầm đang trình chiếu trên VTV1, gây chú ý khán giả truyền hình không chỉ bởi tài năng diễn xuất của NSND Nguyễn Hải mà còn ở câu nói cửa miệng “cây đa cậy thần, thần cậy cây đa” được nhân vật này nhắc đi nhắc lại nhiều lần như là một phương châm sống của mình.
Câu tục ngữ được Tuất dùng để chỉ mối quan hệ có đi có lại giữa ông ta với các “đối tác” làm ăn. Mối quan hệ đó không đơn giản chỉ là “bánh ít trao đi bánh chì trao lại” hay “ông đưa chân giò bà thò chai rượu”.
Loại quan hệ như thế đang rất “thịnh hành” trong đời sống xã hội hiện nay, đặc biệt trong các mối “liên kết làm ăn” mang tính chất lợi ích nhóm.
Trong các mối liên kết như thế, quan hệ “thần – cây đa” không còn tính bóng bẩy của tục ngữ nữa mà đã gắn với các đối tượng cụ thể, với sự “cậy” lẫn nhau giữa họ trên nhiều phương diện, dẫn đến những hệ lụy rất nghiêm trọng đối với xã hội và đất nước.
Nhìn lại hơn ba chục năm đổi mới, kinh tế đất nước phát triển vượt bậc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Trong thành tựu chung ấy của đất nước, có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế thứ 3: Kinh tế tư nhân.
Nghị quyết số 10-NQ/TW (NQ 10) năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, khu vực kinh tế này sẽ đóng góp khoảng 55% GDP của nền kinh tế, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông... Các tập đoàn này không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước, mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mới đây, tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2022, trong đó, Việt Nam có đến 7 đại diện: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng số lượng các đại gia trong thời gian gần đây đang bộc lộ những mặt trái của kinh tế tư nhân. Nhiều cá nhân là chủ doanh nghiệp, tập đoàn nổi danh trên thương trường với tốc độ tăng trưởng chóng mặt khiến dư luận không khỏi “tâm tư”, bởi sự giàu có của họ như từ trên trời rơi xuống, như do phép mầu nào đó làm nên vậy.
Chỉ đến khi họ bị pháp luật sờ gáy, cái sự giàu với tốc độ chóng mặt ấy mới “toang” ra để dư luận thấy rõ những bí quyết làm giàu bằng mọi giá được che đậy, ngụy trang bởi vẻ hào nhoáng của những ngôn từ đẹp đẽ về đạo đức doanh nhân bấy lâu nay.
Trước năm 2019, đã mấy ai biết đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á? Tên tuổi của nó cũng như ông chủ Phan Quốc Việt chỉ bắt đầu nổi như cồn sau ngày 4 tháng 3 năm 2020, khi bộ sinh phẩm realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Việt Á phối hợp nghiên cứu, trở thành sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 đầu tiên của Việt Nam được cấp phép sử dụng tạm thời.
Từ đó cho đến trước ngày bị khởi tố, bắt tạm giam 18/12/2021, doanh nhân trẻ “tài năng” Phan Quốc Việt cùng Việt Á luôn chiếm được niềm tin và sự tung hô của biết bao người giữa lúc đại dịch căng thẳng, sự sống của toàn dân đang bị SARS-CoV-2 đe dọa nghiêm trọng.
Bây giờ thì dư luận đã rõ. Cá nhân ông Phan Quốc Việt và các cộng sự chẳng có tài cán gì đặc biệt trong chuyên môn cũng như trong lĩnh vực kinh doanh. Sự thật về kit Việt Á được phơi bày. Một cú lừa bịp ngoạn mục chấn động dư luận trong và ngoài nước đội lốt công trình khoa học tầm cỡ quốc gia.
Nếu không “cậy thần” từ Học viện Quân Y, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế thì liệu một tay vô danh như Phan Quốc Việt có đủ sức che lấp mặt trời?
Cũng tương tự như thế, một mình chủ tịch FLC liệu có đủ khả năng để thao túng thị trường chứng khoán, để FLC độc chiếm các dự án bất động sản dày đặc nằm ở những vị trí đắc địa trải dài, trải rộng từ Bắc chí Nam trong khoảng mười năm lại đây?
Trong thông cáo mới nhất ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, FLC cho biết hiện có khoảng 300 dự án “đang được nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý” tại 40 tỉnh thành. Trong số đó, rất nhiều dự án nghìn tỷ vẫn án binh bất động hàng mấy năm nay mặc dù đã được các địa phương trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khu vực dự án được FLC “đặt chỗ” rơi vào tình trạng hoang hóa, thành nơi chăn thả gia súc của người dân địa phương.
Hàng loạt dự án bất động sản khác của đại gia nọ, đại gia kia chỉ bị tuýt còi sau khi phát hiện công trình xây dựng chưa được cấp phép. Làm sao tin được giữa Thủ đô, cả tòa nhà CT6 Kiến Hưng 30 tầng gồm 700 căn hộ "chui qua lỗ kim", xây không phép?
Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng loạt dự án sai phạm tiêu biểu khác như tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, VP6 Linh Đàm, khu đô thị Đại Thanh, chung cư Kim Văn - Kim Lũ, khu đô thị Thanh Hà,… Tất cả các dự án này đều dính tới sai phạm về vi phạm trật tự xây dựng như xây quá số tầng cho phép, không tuân thủ mật độ dân cư, sử dụng đất sai mục đích, xây sai quy hoạch..., góp phần "băm nát" quy hoạch xây dựng của Hà Nội.
Vào Google, gõ cụm từ “điểm mặt các dự án bất động sản sai phạm, xây không phép” cho ra 23.500 kết quả sau 0,33 giây. Một con số thật đáng suy ngẫm.
Chuyện các dự án bất động sản dính sai phạm về mặt pháp lý, hầu như địa phương nào cũng có. Đó là một thực tế đáng báo động trong việc quản lý đất đai, công thổ.
Nhiều tỷ phú Việt phất lên nhanh chóng nhờ các dự án liên quan đến đất đai chứ không phải bằng những sản phẩm trí tuệ tôn vinh giá trị thương hiệu quốc gia như các nước phát triển trong khu vực hay thế giới đã và đang làm. Chuyện thu hồi đất giá rẻ hay độc chiếm các vị trí đắc địa bằng những dự án bất động sản với danh nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhằm trục lợi, lũng đoạn thị trường bất động sản không còn là chuyện lạ trong khoảng vài chục năm lại đây.
Mối quan hệ “thần – cây đa” nào đã “tiếp sức” cho họ thao túng không chỉ đất đai tài sản quốc thổ mà còn làm mưa làm gió trên nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế đất nước?
Trước khi các ông Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng bị khởi tố, hàng loạt đại gia khác cũng đã dính vòng lao lý liên quan đến chứng khoán hay bất động sản như Hà Văn Thắm, Lê Văn Hướng, Lê Văn Dũng, Nguyễn Thị Loan, Châu Thị Thu Nga, Phạm Thị Tuyết Nhung, Trương Thị Kim Soan,…; hàng loạt quan chức ngồi bóc lịch cũng vì đất đai, vì chứng khoán như Tất Thành Cang, Lê Đức Vinh, Nguyễn Chiến Thắng,…
Có thể danh sách này chưa dừng tại đây chừng nào mối quan hệ “thần cậy cây đa, cây đa cậy thần” vẫn còn “nghạo nghễ”, thách thức luật pháp và dư luận.
8/4/2022
Nguyễn Nguyễn