Không ai có quyền ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca
admin100
2021-12-09T20:17:38-05:00
2021-12-09T20:17:38-05:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/khong-ai-co-quyen-ngan-chan-viec-pho-bien-quoc-ca-11133.html
/themes/default/images/no_image.gif
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ năm - 09/12/2021 20:16
Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật”.
Trước trận đấu giữa hai đội tuyển Việt Nam và Lào tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 (hồi 19h30 ngày 6-12-2021), trên một số kênh YouTube tiếp sóng trận đấu, người xem không khỏi bất ngờ và bức xúc khi bản Quốc ca Việt Nam vừa vang lên thì tiếng bị tắt kèm lời xin lỗi của kênh phát sóng: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ”.
Sự việc khiến cộng đồng mạng giận dữ. Đại diện BH Media (đơn vị lúc đó bị mạng xã hội "đổ tội" "đánh gậy bản quyền" trên YouTube với ca khúc Tiến quân ca) giải thích: bản ghi Quốc ca được sử dụng trong trận đấu thuộc sở hữu của một hãng đĩa nước ngoài.
"Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất", đại diện BH Media cho biết.[1]
Cho ý kiến về việc này, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nhấn mạnh: “Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.
Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật”.[2]
Bộ cũng yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao cũng tỏ ra bức xúc: “Gia đình tôi thấy rất buồn, lạ và vô lý trước sự việc Quốc ca bị "đánh gậy bản quyền". Nhân dân còn bức xúc nữa là gia đình tôi. Gia đình tôi rất bức xúc. Họ đã xâm phạm bản quyền của quốc gia”.[3]
Theo Luật sở hữu trí tuệ 2019 (Văn bản hợp nhất Số: 07/VBHN-VPQH), quyền tác giả được ghi rõ tại các điều 36, 37. Ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, dĩ nhiên chủ sở hữu quyền tác giả là ông và người thừa kế là gia đình. Nhưng sau khi ca khúc Tiến quân ca được gia đình cố nhạc sĩ hiến tặng cho nhân dân, cho nhà nước Việt Nam thì bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia, về nhân dân.
Điều 13 Hiến Pháp của nước CHXNCN Việt Nam cũng ghi rõ: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.
Bản quyền Quốc ca tưởng không còn gì phải bàn cãi, nếu không xảy ra chuyện "đánh gậy bản quyền" trên YouTube đối với Tiến quân ca trong vụ việc nêu trên. Ai dám tự cho mình là chủ sở hữu quyền tác giả Quốc ca ngoài nhân dân và nhà nước Việt Nam?
Thế mà điều không tưởng ấy đã diễn ra, không chỉ một lần. Họ đã dựa vào đâu để biến tài sản vô giá của quốc gia thành của riêng mình? Câu trả lời là đây. Khoản 2, Điều 44 của Luật sở hữu trí tuệ ghi: “Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan”.
Đây chính là “gậy bản quyền” khiến cho Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận đấu giữa hai đội tuyển bóng đá Việt Nam và Lào tại vòng bảng AFF Suzuki Cup tối 6-12-2021. Thế thì còn trách ai được nữa?
Nhưng, lại phải đi cho đến tận cùng quyền tác giả. Tổ chức đứng ra nhận bản ghi âm Quốc ca là của mình, nhưng khi dàn dựng bản ghi âm đó họ đã xin phép nhà nước Việt Nam chưa? Nếu câu trả lời là chưa thì chính họ lại là người vi phạm bản quyền Quốc ca.
Đây là bài học sâu sắc trong quản lý tác quyền, nhất là đối với những sản phẩm mà chủ sở hữu thuộc về nhà nước và nhân dân như Quốc ca.
Để Quốc ca mãi mãi là tài sản chung, vô giá và thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam, trước mắt, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nên sản xuất bản ghi chuẩn Quốc ca và cung cấp miễn phí, phổ biến rộng rãi trên mạng. Bất kỳ ai cũng có thể dùng các bản thu âm này mà không cần xin phép, không cần trả tiền.
Bản ghi âm Quốc ca nên đa dạng hình thức thể hiện như bản có lời, bản không lời (Quốc thiều), bản hát đồng ca, bản hát đơn ca với các định dạng khác nhau về dung lượng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng của người dân và tổ chức.
Bất cứ ở đâu, Quốc ca đều có quyền cất lên trong âm hưởng đầy kiêu hãnh tự hào của một dân tộc đã từng trải qua bao mất mát, đau thương trên con đường đấu tranh giành tự do, độc lập để có ngày thống nhất, hòa bình hôm nay.
7-12-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/quoc-ca-viet-nam-bi-tat-tieng-tran-viet-nam-lao-do-cong-ty-nuoc-ngoai-20211207005948436.htm
[2] https://tuoitre.vn/khong-duoc-co-bat-ky-hanh-vi-nao-ngan-chan-viec-pho-bien-quoc-ca-viet-nam-20211207124227931.htm
[3] https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/nhac/con-trai-co-nhac-si-van-cao-rat-buc-xuc-viec-quoc-ca-bi-tat-tieng-799089.html#inner-article