Họ đã từng nói rất hay…

Thứ tư - 05/01/2022 02:25
Cựu chủ tịch Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung:"Để xứng đáng với sự tín nhiệm đó chúng tôi nguyện tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thụa hiện tốt nhất nhiệm vụ và quyền hạn mà pháp luật quy định, để xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của lãnh đạo các cấp, các vị đại biểu HĐND thành phố, các cử tri và nhân dân Thủ đô".

Ngay sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bắt tạm giam Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và Phạm Duy Tuyến, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, cái tên CDC Nghệ An được truyền thông nhắc đến qua lời khai của Phan Tôn Noel Thảo - Trợ lý tài chính Công ty Việt Á. Theo bị can Noel Thảo, “Công ty Việt Á đã chi tiền cho các đơn vị, như CDC Nghệ An, Hải Dương, nhiều đơn vị y tế, bệnh viện…Các đơn hàng mua bán kit test COVID, thiết bị y tế với số tiền rất nhiều, tùy vào lượng hàng, ít thì khoảng 500 triệu, nhiều thì cả trăm tỷ, trên phạm vi toàn quốc”.

Ngay sau đó, trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Nguyễn Văn Định, giám đốc CDC Nghệ An quả quyết: “Tôi khẳng định chưa bao giờ nhận khoản tiền nào từ Việt Á cả. Phía CDC đang rà soát lại nội bộ xem có chỗ nào có vấn đề không để điều tra”. "Hoàn toàn tôi không nhận bất kỳ quà nào, khoản hoa hồng nào từ công ty Việt Á, hay là bất kỳ ai. Tôi cũng chưa liên lạc với bất kỳ ai trong công ty Việt Á về việc mua sắm đầu thầu cả. Chưa từng làm việc, chưa gặp và người tên Thảo kia lại càng không biết".

Trước những lời “gan ruột” của ông Định, ai cũng nghĩ, Noel Thảo đã vu oan cho ông giám đốc CDC Nghệ An. Vậy mà, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi bị cơ quan công an triệu tập, ông Định – người tự khẳng định mình trong sạch - đã phải tự thú với cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Ngày 31-12, ông cùng kế toán trưởng và nhiều bị can khác bị khởi tố.

Chuyện “nói và làm” của ông Nguyễn Văn Định gợi nhớ bao vị lãnh đạo khác, chức tước còn to hơn ông Định nhiều, trước khi bị lộ đã từng nói rất hay mọi nhẽ về đạo đức, về phòng chống tham nhũng, tiêu cực khiến dư luận không ít phen trầm trồ.

Trong hai năm làm bí thư Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh – từng là một trong hai bí thư tỉnh, thành trẻ nhất nước - có nhiều phát biểu rất "ấn tượng".

Khi nhậm chức bí thư thành ủy ngày 16-10-2015, ông Anh đã nói một câu khiến người dân thầm thán phục và tin tưởng ở vị tân bí thư “tuổi trẻ tài cao”: "Lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của dân, tham nhũng là có tội với nhân dân".

Còn đây là những lời “có cánh” khác mà ông Anh đã từng nói trong 2 năm ở cương vị lãnh đạo cao nhất TP. Đà Nẵng:

"Tôi đánh giá tôi trong sáng. Tôi nghĩ tôi không dính vào bất cứ vấn đề gì tiêu cực, không bè phái, không phe cánh".

"Ở Đà Nẵng công tác phòng chống tham nhũng tuyệt đối không có vùng cấm".

"Chúng ta phải kiên quyết khắc phục và đi đến loại bỏ mọi biểu hiện quan liêu".

"Lãnh đạo sở cứ làm doanh nghiệp 1 năm thì sẽ biết bị hành như thế nào". "Có bôi trơn thì hồ sơ doanh nghiệp mới chạy".

Đáng tiếc thay, những lời “tâm huyết” ấy của vị bí thư trẻ tuổi sớm trở nên sáo rỗng. Ngày 6-10-2017, ông Nguyễn Xuân Anh bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thi hành kỉ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng bỏ phiếu bãi nhiệm chức danh Chủ tịch và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa IX.

Ông Đinh La Thăng, khi còn đương chức Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng phát ngôn mạnh mẽ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2016 và triển khai phương hướng nhiệm vụ 2017 của TP.HCM, ông Thăng nói: "Người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng xảy ra tại địa phương".

Ông Thăng từng nhấn mạnh: "Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi địa phương, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị, đấu tranh ngay trong chính bản thân của mỗi người".

Vậy mà, chỉ hơn một năm sau, sự nghiệp chính trị của ông Đinh La Thăng xuống dốc không phanh. Ngày 7-5-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII kiêm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 8 tháng 12 năm 2017, ông Thăng bị khởi tố và bắt tạm giam do những sai phạm "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng" khi giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Khi còn đương chức Giám đốc Công an TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cũng có phát ngôn để đời: "Trong khi đó một người am hiểu về mặt pháp luật, có hiểu biết, có chức vụ nhưng lại tham ô, tham nhũng lượng tiền lớn trong khi đó lại không áp dụng tử hình… tôi đề nghị giữ nguyên mức án tử hình với tội phạm tham nhũng".

Ngày 14-6-2016, phát biểu sau khi tái đắc cử Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chung nói: "Để xứng đáng với sự tín nhiệm đó chúng tôi nguyện tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thụa hiện tốt nhất nhiệm vụ và quyền hạn mà pháp luật quy định, để xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của lãnh đạo các cấp, các vị đại biểu HĐND thành phố, các cử tri và nhân dân Thủ đô".

Liên quan đến lùm xùm giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống, ngày 15-11-2019, ông Chung khẳng định: "Thành phố cũng chọn những nhà đầu tư có năng lực. Vấn đề là như vậy, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây".

Từng là anh hùng lực lượng vũ trang như ông Nguyễn Đức Chung, trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cũng đã có câu nói nổi tiếng: "Xin hãy làm trong sạch nội bộ của lực lượng phòng chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu". Tiếc thay, cuối đời ông lại không giữ được mình “trong sạch” trước cám dỗ của đồng tiền. Ngày 06-4-2018, Phan Văn Vĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan tới đường dây đánh bạc trên Internet do Phan Sào Nam cầm đầu.

Người nâng tầm phát ngôn “ấn tượng” lên cấp độ sách “gối đầu giường” là ông Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng Bộ TTTT. Năm 2016, cuốn sách “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay” do ông Tuấn chủ biên được xuất bản.

Hai năm sau, ông Tuấn bị đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông do có vi phạm nghiêm trọng trong thương vụ mua bán cổ phần giữa Mobifone và AVG.

Ngày 23-2-2019, ông Tuấn bị bắt với các tội danh vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ.

Ngày 24-12-2019, trước tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), nói: "Với tôi, 41 năm công tác, trong đó có 10 năm trong quân ngũ, có những năm bảo vệ biên giới phía Bắc, chưa bao giờ nghĩ rằng mình có kết cay đắng như hôm nay để nói lời cuối cùng với bản án sáp tới… Những sai phạm của mình thật lớn, đã được VKS nêu lên, được phiên tòa làm rõ hơn, như một nhát chém để lại vết sẹo hết cuộc đời. Những sai phạm đã rõ, ngẫm lại mới thấy, người không phải là thánh nhân, những sai phạm của mình thật là đáng trách".

Đó là lời sám hối muộn màng, không chỉ riêng ông Trương Minh Tuấn.

02-01-2022
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập218
  • Hôm nay46,284
  • Tháng hiện tại687,476
  • Tổng lượt truy cập53,988,525
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây