Giảm bớt những nghi lễ rình rang, nặng hình thức, tốn tiền dân
admin100
2022-04-15T20:25:00-04:00
2022-04-15T20:25:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/giam-bot-nhung-nghi-le-rinh-rang-nang-hinh-thuc-ton-tien-dan-11369.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/bao/le-khanh-thanh.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 15/04/2022 20:25
Chưa có một thống kê nào nhưng ai cũng biết, mỗi năm đất nước có hàng ngàn cuộc lễ rình rang, trống giong cờ mở, nặng hình thức, tốn kém công sức, thì giờ, tiền bạc.
Đó là các thứ lễ: động thổ, khởi công, khai trương, khánh thành,…
Với những công trình tầm cỡ quốc gia, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, thì tổ chức khai trương, khánh thành đã đành một nhẽ, đằng này có những công trình con con như nhà tạm giữ của công an quận nọ ở Đà Nẵng cũng làm lễ khánh thành hoành tráng. Nên nhớ, đây là nhà tạm giữ nghi phạm, chắc chẳng ai mong có thêm những công trình như thế ở nơi được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất nước.
Hồi đầu năm ngoái, sau 5 tháng sửa chữa, Tổng cục Đường bộ VN tổ chức lễ thông xe dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Buổi lễ hoành tráng tới mức, báo ngành chạy tít một cách hồ hởi: “Toàn cảnh lễ thông xe cầu Thăng Long sau 5 tháng "đại phẫu" mặt cầu”. Vẻ hân hoan, tưng bừng ngày lễ thông xe hiện rõ trên từng nét mặt quan khách tham dự buổi lễ cùng với cờ hoa, khẩu hiệu, thảm đỏ rực rỡ mặt cầu.
Một khi đã có lễ thì kéo theo đủ sự tốn kém, lãng phí. Nào là phông màn, khẩu hiệu, cờ hoa,.. trang trí buổi lễ. Nào là đội ngũ nhân viên phục vụ. Rồi quà cáp, phong bao, tiệc tùng chúc mừng. Rồi xe cộ, thậm chí cả máy bay đưa đón, lực lượng công an bảo vệ, chỗ ăn, chỗ nghỉ cho quan khách ở xa.
Ai đo được mỗi cuộc lễ như thế tốn kém bao nhiêu tiền của ngân sách, và giả sử nếu nhà thầu có bỏ ra thì cũng không nằm ngoài dự toán công trình. Một cây cầu tốt, một con đường chất lượng, một công trình xây dựng bền, đẹp phát huy hết công năng không cần những cuộc lễ lãng phí tiền bạc, công sức như thế.
Ở góc nhìn khác, lễ động thổ, khánh thành liệu có ý nghĩa gì không một khi công trình bị bớt xén, rút ruột?
Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa khành thành xong đã xập xệ, xuống cấp khiến hàng loạt lãnh đạo dự án 34 ngàn tỷ này phải xộ khám?
Một công trình khác mang ý nghĩa rất quan trọng, linh thiêng nhưng bị hư hỏng ngay khi mới khánh thành. Đó là “Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam” được xây dựng trong khuôn viên Quảng trường Thái Bình, thành phố Thái Bình (Thái Bình). Sau lễ khánh thành rất hoàng tráng (tháng 12/2020) rất nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, đá lát bong tróc, vỡ loang lổ, gây mất mỹ quan đô thị, dư luận hoài nghi về việc có dấu hiệu rút ruột, tiêu cực công trình.
Vào Googole gõ cụm từ “công trình vừa khánh thành xong đã hư hỏng” lập tức cho ra 666 ngàn kết quả sau 0,44 giây.
Đó là một thực tế đau lòng khi mà độ hoành tráng của các lễ động thổ, khởi công, khánh thành lại tỷ lệ nghịch với chất lượng của rất nhiều công trình xây dựng tầm cỡ hiện nay trong cả nước.
Bàn về vấn đề này, nhân vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng vị cán bộ cao cấp trên đường đi dự lễ khởi công cây cầu ở Bến Tre, có người mạnh dạn đề xuất “cần chấm dứt những lễ khởi công, khánh thành bằng tiền của dân”. Trong status đăng trên Fb cá nhân, ông viết: “Cái trò quan chức bỏ thời gian đi hoặc bay từ khắp nước, đội cái mũ bảo hộ trắng toát, cầm cái xẻng xúc cát khởi công một công trình nào đó, hoặc mặc comple cầm cái kéo đứng cạnh các cô áo dài cắt băng đỏ khánh thành công trình nào đó, sao mà quá đơn điệu, tầm thường, sau đó là quà cáp, tiệc rượu chúc mừng không giống ai trên thế giới”.
Rất nhiều comment dưới bài viết của tác giả (là nhà văn), tôi nghĩ là độc giả đã nói thẳng nói thật lòng mình về một thứ lễ lạt đã bị lạm dụng, biến thành… hủ tục thời @:
- “Chỉ cần nghiên cấm dùng tiền công tổ chức lễ khởi công, khánh thành .Không phát phong bì , không có nhậu nhẹt , bia ôm...là các quan sẽ không đi dự lễ nữa”.
- “Quá nhiều thủ tục xứng đáng liệt vào loại hủ tục nhưng lại được cho là sang tục”.
- “Căn bệnh này mấy chục năm nay rồi, cầm cái xẻng quấn giấy xanh xanh đỏ đỏ, diễn là chính. Rất tốn kém...”.
- “Sửa cái cầu xong cũng lễ khánh thành rình rang”.
- “Khi bệnh hình thức, "diễn" nó ăn sâu vào tiềm thức, trở thành "văn hóa" thật khó sửa. Từ băng rôn khẩu hiệu, cổng chào, khởi công, khánh thành công trình, trồng cây lưu niệm, tặng quà, đến cả "báo cáo", "tham luận", "tiếp xúc củ tri", "chất vấn" lãnh đạo... cũng diễn được thì thật là tai hại(!)”.
Các công trình xây cứ xây, miễn sao đảm bảo chất lượng. Xây xong cứ đưa vào sử dụng, dân thấy đẹp, hiệu quả, ích nước lợi nhà là dân vui. Cần chi những thứ lễ lạt rình rang, tốn kém thì giờ, tiền bạc, công sức thậm chí có khi phải trả bằng mạng sống của con người. Nếu muốn lưu cho con cháu biết thì đặt nơi công trình tấm bia kỷ niệm, ghi rõ ngày giờ khởi công, khánh thành, thế là đủ.
Hãy giành những đồng tiền quý giá - từ mồ hôi nước mắt dù là của dân hay của ai - cho những việc làm thiết thực, có ý nghĩa hơn như xây cầu dân sinh, xây lớp học vùng sâu vùng xa, xây nhà tình nghĩa, tặng sách cho các trường học vùng khó,... Đó mới là việc có ích theo lời dạy của Hồ Chí Minh: Việc gì lợi cho dân thì phải hết sức làm.
01/4/2022
Nguyễn Duy Xuân