Đừng “hút máu” rừng thêm nữa!
admin100
2022-04-20T16:44:00-04:00
2022-04-20T16:44:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/dung-hut-mau-rung-them-nua-11379.html
/themes/default/images/no_image.gif
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ tư - 20/04/2022 16:44
Ông Trần Văn Mùi, nguyên giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nêu nghi vấn “Làm đường có nhiều vị trí và phương án khác không đụng đến rừng sao không lựa chọn, lại muốn làm đường xuyên rừng thì liệu có động cơ khác không?”.
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được UNESCO công nhận từ năm 2011.
Với diện tích hơn 100 ngàn ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có 1.552 loài thực vật và 1.781 loài động vật với nhiều loài quý, hiếm, đặc hữu. Nơi đây thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp, nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới. Có thể khẳng định, đây là một di sản tự nhiên vô cùng quý hiếm của đất nước.
Tuy nhiên, di sản quý hiếm đó đã từng có lúc đứng trước nguy cơ biến dạng bởi “quyết tâm” của con người phát triển kinh tế bằng mọi giá bất chấp cả việc hủy hoại môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Chín năm trước, tháng 11/2013, Bộ Công Thương quyết định chính thức loại 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A khỏi quy hoạch sau một thời gian bị báo chí, dư luận đặc biệt là các nhà khoa học phản đối vì tác động môi trường nghiêm trọng mặc dù cả hai dự án này đã trải qua hơn 6 năm chuẩn bị, được cho là nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và đảm bảo các thủ tục pháp lý, thực hiện theo đúng các quy hoạch, tuân thủ theo các quy định pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan nhà nước.
Và bây giờ, một lần nữa, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai lại đứng trước nguy cơ tiếp theo sau 9 năm tạm yên lắng. Theo quy hoạch, tuyến quốc lộ 13C trên cơ sở nâng cấp tuyến đường ĐT 753 và cầu Mã Đà (đi từ TP Đồng Xoài, Bình Phước đến huyện Trảng Bom, Đồng Nai), với mục đích “phát triển hạ tầng, kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ”, sẽ xuyên qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
Một dự án “dính” quá nhiều luật
Theo TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, có rất nhiều vấn đề vi phạm về luật pháp khi làm con đường này, như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học và các nghị định liên quan của Chính phủ.[1]
Luật Bảo vệ môi trường quy định các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn.
Luật Lâm nghiệp nêu rõ, không ai được phép triển khai các hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng; gây ô nhiễm môi trường... Luật Đa dạng sinh học cũng không cho phép trong phạm vi phân khu phục hồi sinh thái và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của các khu bảo tồn được xây dựng công trình, nhà ở, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh.
Ngoài ra, dự án tuyến quốc lộ 13C và cầu Mã Đà còn vi phạm Công ước toàn cầu về Đa dạng sinh học (Công ước CBD) mà Việt Nam đã chính thức gia nhập từ năm 1994.
Ông Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, dự án này nếu được thực hiện ngoài việc vi phạm các luật nói trên còn trái với quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước mà nghị quyết nhiều kỳ Đại hội Đảng đã xác định: Phát triển nhanh, bền vững về kinh tề phải đi đôi với bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái.[2]
Các chuyên gia, nhà quản lý nói gì?
Ngày 6/4/2022, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) họp khẩn với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cùng nhiều chuyên gia về bảo tồn thiên nhiên, sinh học Việt Nam.
Tại cuộc họp này, hầu như tất cả thành viên đều tỏ ra bức xúc trước dự án xây dựng tuyến đường và cầu Mã Đà xuyên qua vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã được UNESCO công nhận danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
GS. Hoàng Văn Thắng, Phó chủ tịch thường trực Hội Đất ngập nước Việt Nam cho rằng, nếu được chấp thuận, dự án này sẽ làm 4 làn đường và sẽ có tới 50 ha rừng vùng lõi quý hiếm bị xóa sổ và làm phân mảnh cực lớn khu rừng. Điều này sẽ tác động rất tiêu cực đến đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và các loài, đặc biệt là các loài quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN.
GS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam thẳng thắn: “Quan điểm của Ủy ban là thống nhất với Khu Bảo tồn, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới về việc không xây dựng cầu, đường đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Cần phải cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển”.
Ông Trần Văn Mùi, nguyên giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nêu nghi vấn “Làm đường có nhiều vị trí và phương án khác không đụng đến rừng sao không lựa chọn, lại muốn làm đường xuyên rừng thì liệu có động cơ khác không?”.
“Dứt khoát không đụng đến rừng và không nên làm đường qua khu bảo tồn”, ông Mùi tỏ thái độ cương quyết.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho hay: "Việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ tạo ra tuyến đường gần 40km xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2011. Nó sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm…".
Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MABVN) cho rằng việc xây dựng tuyến đường trên chắc chắn sẽ gây ra nhiều tác động nghiêm trọng tới vùng lõi khu dự trữ sinh quyển, gây chia cắt hệ sinh thái, mất liên kết hành lang đa dạng sinh học, suy thoái môi trường… MABVN đề nghị dừng dự án xây đường, cầu Mã Đà.
Ông Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng cho rằng, nếu xây dựng dự án tuyến đường giao thông Quốc lộ 13C đi xuyên qua vùng lõi rừng chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng, làm suy giảm môi trường sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, nhất là không còn đảm bảo các tiêu chí theo chức năng của một khu dự trữ sinh quyển thế giới mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO.
UBND tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm, phương án tuyến quốc lộ 13C theo quy hoạch được duyệt mà Bình Phước vừa kiến nghị kết nối là 'không phù hợp với định hướng của tỉnh’, đồng thời đề xuất phương án nắn chỉnh hướng tuyến của tuyến quốc lộ 13 không đi qua khu bảo tồn.[4]
Hãy biết trân quý, gìn giữ di sản thiên nhiên mà ông cha đã để lại cho các thế hệ con cháu
Trong một phóng sự được phát gần đây, VTV cho biết, Thụy Điển là quốc gia đi đầu thế giới về việc bảo vệ thiên nhiên. Người Thụy Điển có ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Chính phủ cũng như người dân luôn tuân thủ nguyên tắc giữ nguyên trạng môi trường sinh thái tự nhiên. Nhờ thế mà Thụy Điển có được 69,2% diện tích đất là rừng.
Tại châu Á, Nhật Bản cũng có đến 68,6% diện tích đất là rừng che phủ. Còn ở ta thì sao?
Theo các chuyên gia, độ che phủ của rừng ở Việt Nam hiện đạt gần 42%, đây quả là một con số khiêm tốn so với các quốc gia nói trên.
Trong những năm qua, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như đóng cửa rừng, nghiêm cấm việc phá rừng lấy đất sản xuất, làm dự án,…
Tuy nhiên, máu của rừng vẫn không ngừng chảy, môi trường sinh thái tự nhiên vẫn bị hủy hoại bất chấp quy định của luật pháp vì lợi ích trước mắt.
Thông tin mới nhất cho biết, ngày 8/4/2022, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk vừa xác định 382 ha rừng bị chặt phá tại tiểu khu 202 và 205, xã Ya Tờ Mốt, H.Ea Súp (so với thông tin ban đầu là khoảng 100 ha).
Góp phần triệt hạ môi trường sinh thái còn có các dự án bất động sản núp bóng sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh. Có dự án xâm phạm ngay cả vùng lõi của các khu bảo tồn thiên nhiên mà tuyến quốc lộ 13C và cầu Mã Đà nói trên là một ví dụ.
Những ngày này, du khách đến TP. Nha Trang vẫn còn thấy rõ mồn một hình ảnh núi Chín Khúc bị băm nát đập vào tầm mắt mọi người, nhức nhối lòng dân. Ra bãi biển Nha Trang không khỏi xót xa khi ngắm nhìn Hòn Rùa với những vết thương đau chưa kịp liền da sau vụ người ta nhân danh một dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp với du lịch sinh thái xẻ thịt đảo, lấy đất đá lấn vịnh Nha Trang cách đây vài năm.
Còn biết bao dự án khủng khác nữa mà báo chí và dư luận đã từng lên tiếng vì xâm phạm nghiêm trọng môi trường tự nhiên. Người ta đã và đang nhân danh phát triển kinh tế, hạ tầng, kết nối vùng để sẵn sàng xẻ thịt rừng, tàn phá cảnh quan môi trường, hệ sinh thái tự nhiên – tài sản vô giá mà ông cha đã không tiếc công sức, xương máu gìn giữ cho con cháu hôm nay.
Xin đừng để câu “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” mãi chỉ là khẩu hiệu.
10/4/2022
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1, 2] https://baodautu.vn/ve-de-xuat-dau-tu-lam-duong-va-xay-cau-ma-da-cua-binh-phuoc-xin-dung-xe-thit-rung-xanh-d163459.html
[3] https://baodautu.vn/khu-bao-ton-thien-nhien---van-hoa-dong-nai-nguy-co-mat-hai-danh-hieu-quoc-te-neu-xay-cau-ma-da-d163631.html
[4] https://tuoitre.vn/dong-nai-khong-muon-lam-tuyen-quoc-lo-13-c-di-qua-khu-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-20220410005442499.htm
Tham khảo TTO: https://tuoitre.vn/dung-hut-mau-rung-them-nua-20220414230913505.htm