Công bộc dân thời nay
admin100
2021-12-18T03:15:56-05:00
2021-12-18T03:15:56-05:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/cong-boc-dan-thoi-nay-11145.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2017_03/qua-sep.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ bảy - 18/12/2021 03:12
Người ta bảo hậu sinh khả úy. Đúng thế thật! Con cháu bây giờ vượt xa tiền nhân nhiều. Cái câu “quan nhất thời dân vạn đại” xem ra không còn hợp thời nữa rồi.
Ngày xưa các cụ ta nói “quan nhất thời, dân vạn đại”. Đó chính là biểu hiện của tinh thần dân chủ trong đời sống cộng đồng, một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Người xưa đã xác định rất cụ thể vị thế của hai tầng lớp cơ bản trong xã hội có quan hệ gắn bó với nhau: Quan và dân. Một bên mang tính lịch sử (quan), một bên mang tính vĩnh hằng (dân). Bởi quan chức thì gắn liền với từng triều đại, còn dân thì gắn liền với quốc gia, dân tộc. Cho nên mới có câu “quan nhất thời, dân vạn đại”.
Vì thế mà chuyện làm quan hay thôi làm quan theo quan niệm của ông cha cũng hết sức đơn giản. Chả thế mà trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, các cụ xưa coi việc treo ấn từ quan nhẹ như lông hồng. Đó cũng chính là một biểu hiện của văn hóa trọng danh trong cách ứng xử của người Việt. Chốn quan trường mà ô danh thì về quách đi cho rồi. Thà vui thú điền viên mà giữ được thanh sạch còn hơn làm quan ô trọc. Bởi thế cho nên các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến,… mới treo ấn từ quan. Đến cả vị vua anh minh như Trần Nhân Tông sau hai lần đại phá quân Nguyên Mông cũng sẵn sàng từ bỏ ngai vàng, xuất gia lên núi đi tu. Các vị đã chọn cho mình điểm dừng đúng lúc trên con đường quan lộ để danh thơm còn mãi muôn đời.
Người ta bảo hậu sinh khả úy. Đúng thế thật! Con cháu bây giờ vượt xa tiền nhân nhiều. Cái câu “quan nhất thời dân vạn đại” xem ra không còn hợp thời nữa rồi. Vị thế quan - dân ngày nay đã đảo chiều cho nên câu nói ấy phải sửa lại, thành ra “dân nhất thời, quan vạn đại”?
Làm quan bây giờ dễ mà khó. Dễ vì chẳng cần là kẻ hiền tài, chẳng phải vượt vũ môn như các cụ ngày xưa. Cho nên mới có chuyện hôm qua đang là dân bỗng phốc một cái đã thấy chễm chệ trên ghế nhà quan, cứ như là trên trời rơi xuống. Nhìn vào cái tiểu sử các ông quan “cờ” Nguyễn Thanh Lèo, Trần Văn Tân ở Sóc Trăng nổi tiếng một dạo thì mới biết cơ chế tổ chức cán bộ của ta đang có vấn đề. Trình độ của hai ông chỉ lớp 9 bổ túc công nông nhưng lại nhanh chóng được cất nhắc vào ngồi ghế quan. Ông Lèo đang làm bí thư đảng bộ phường bỗng chốc vượt hàng mấy cấp lên ngay Phó Giám đốc Sở. Thật là ngoạn mục.
Làm quan bây giờ cũng không dễ bởi cái khoản kia, cái gọi là đầu tư ban đầu ấy. Thế nhưng cũng chả khó. Đầu tư cho chức tước cũng giống như leo bậc thang, phải biết cách lần từng bước một, từ dưới lên, lấy ngắn nuôi dài, lấy nhỏ nuôi to, lấy thấp nuôi cao. Số độc đắc chỉ dành cho hạng con ông cháu cha. Không thấm chân lí ấy thì thất bại là cái chắc. Cho nên đánh giá một đời làm công bộc dân của không ít quan chức, thành tích to nhất là lo giành ghế và giữ ghế, không phải bằng năng lực, đức độ mà bằng… tiền và vân vân. Mà muốn có tiền thì phải tìm cách phết phẩy, vơ vét để bù vào khoản đã đầu tư và tích vốn cho vụ làm ăn sau nhằm thăng lên cái ghế cao hơn. Một khi đã được ngồi vào ghế nhà quan thì coi như số phận của anh đã được định đoạt, cả đời sẽ gắn bó với nghiệp quan chức, cái nghề đem đến cho anh ba thứ mà thiên hạ thời nào cũng khao khát: Quyền - Tiền - Tình. Không chỉ bản thân anh mà con cháu anh cũng được thơm lây. Một người làm quan cả họ được nhờ là thế.
Thời đánh giặc cứu nước có câu “Ra ngõ gặp anh hùng”. Gặp lúc giặc giã, vận nước nghìn cân treo sợi tóc thì thế chứ bây giờ thời làm ăn kinh tế, ra ngõ chỉ có gặp quan mà thôi. Một cơ quan vài ba chục nhân sự nhưng cán bộ chiếm quá phân nửa. Có phòng ban nhân sự chỉ có 2 người thôi mà một trưởng, một phó thế là chẳng còn đâu nhân viên để mà sai vặt. Người chọn ghế chứ không phải ghế chọn người. Kỉ luật ở cấp dưới thì kéo lên cấp trên. Bởi vì đã làm quan thì không thể thôi chức mà trở về làm dân được. Nhục lắm! Vì thế mà bộ máy công quyền càng hô hào tinh giảm thì lại càng phình to. Một sở hay một bộ chỉ cần vài ba cấp phó là đủ nhưng vì cơ cấu, vì này vì nọ, người ta lại lập “dự án khả thi” bảo sở ấy, bộ ấy phải tăng thêm phó nữa mới đảm đương nổi công việc(!).
Dù vẫn còn đó những quan thanh liêm, chính trực nhưng liệu có được bao nhiêu vị như thế? Câu nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không khỏi làm ta giật mình: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này!"
Chẳng phải ngẫu hứng mà Chủ tịch nước lại nói thế. Những gương mặt quan chức không mấy sáng sủa xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Có lẽ chưa bao giờ hình ảnh quan chức lại rớt giá trong lòng dân như bây giờ. Cái thời quan là công bộc, đầy tớ của dân hình như qua lâu rồi.
Than ôi! Quan chức thời nay!
Nguyễn Duy Xuân